HỢP TÁC VIỆT NAM - ASEAN TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG 25 NĂM QUA (1996 - 2021)

18/11/2021 11:14:23 SA
Share Bai :

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ đó đến nay, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tổ chức này. Trong lĩnh vực hợp tác về bảo vệ môi trường, tính đến nay đã tròn 1/4 thế kỷ.

Trong hợp tác ASEAN, Việt Nam bắt đầu tham gia hợp tác về môi trường từ năm 1996. Ngay sau khi thành lập, Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập và tích cực tham gia vào tất cả các lĩnh vực hợp tác môi trường như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, môi trường biển và đới bờ, công nghệ môi trường, giáo dục môi trường, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước và sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 tổ chức tại Hà Nội (2015)

Sau hơn 25 năm tham gia hợp tác, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong các lĩnh vực hợp tác nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng. Cụ thể, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị/hội thảo như Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14; Hội nghị cấp cao Đông Á về thành phố bền vững về môi trường…; xây dựng hồ sơ công nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Di sản ASEAN; tổ chức các đoàn công tác tham dự các hội nghị/hội thảo, sự kiện ASEAN; tham gia và thực hiện các dự án khu vực; đóng góp sáng kiến như thành lập Trung tâm giáo dục môi trường Đông Á; đóng góp ý kiến cho các văn kiện ASEAN; xây dựng hồ sơ đề cử thành công thành phố Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng được trao giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN và Chứng chỉ thành phố tiềm năng trở thành Thành phố bền vững môi trường ASEAN; lập hồ sơ đề cử thành công Trường THPT chuyên ngoại ngữ và Trường THCS chuyên Hà Nội - Amsterdam để công nhận danh hiệu trường học sinh thái ASEAN và được trao giải thưởng trong Lễ phát động Năm môi trường ASEAN 2015... Thông qua các hội nghị, Việt Nam và các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự hợp tác sẽ không chỉ giới hạn trong số các nước thành viên ASEAN mà cần được mở rộng với sự tham gia của các quốc gia nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong khu vực.

Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ các nước trong khu vực, Việt Nam cùng ASEAN còn mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực về vấn đề bảo vệ môi trường, điển hình thành công nhất đó là hợp tác ASEAN+3 (hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) về bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, hợp tác ASEAN+3 về môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều sáng kiến được đề xuất từ CHND Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc đã góp phần quan trọng nhằm tăng cường hợp tác về môi trường giữa các nước thành viên như: xây dựng Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2016-2020; Khung hợp tác ASEAN-Trung Quốc về Công nghệ thân thiện môi trường; Chương trình các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường ASEAN do Nhật Bản khởi xướng; sự giúp đỡ to lớn từ phía Hàn Quốc thông qua các dự án về Phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới ở khu vực ASEAN và dự án về Tăng cường năng lực đối với kiểm kê, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực ASEAN.

Thế giới đang thay đổi và đặt ra những yêu cầu mới đối với tất cả các quốc gia. Tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia ASEAN, những mặt trái của đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên vẫn là vấn đề nóng hổi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Thêm vào đó, yêu cầu đối với mỗi nước là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thực hiện một cách hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như đầu tư cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, tăng cường nhận thức về môi trường vẫn luôn được coi là các giải pháp chính, quan trọng và mang tính dài hạn. Người dân phải được tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thân thiện với môi trường và xây dựng văn hóa môi trường để góp phần đạt được mục tiêu chung, giấc mơ chung về một hành tinh xanh và sạch.

Việt Nam tổ chức trực tuyến Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 31 (ASOEN 31) tại Hà Nội

Thông qua hợp tác ASEAN, bạn bè trong và ngoài khu vực hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có được thông tin chính xác về những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một đối tác năng động, nhiều tiềm năng. Đồng thời, Việt Nam có điều kiện để học tập và chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cũng như chủ động nêu các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác có lợi cho đất nước.

Theo Văn phòng Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (Văn phòng ASOEN Việt Nam), trong 25 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu, chủ động triển khai các hoạt động trong đó, Việt Nam từng giữ vai trò quốc gia đầu mối. Trong các lĩnh vực hợp tác của ASOEN, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm, thực hiện tốt vai trò quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu lần thứ 11; tổ chức Giải thưởng các thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 5 và Chứng nhận thành phố tiềm năng bền vững về môi trường lần thứ 4...

Là thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành tốt trọng trách được giao, đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập khu vực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cũng như có vai trò xúc tác cho việc mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực môi trường với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực. Trong số những thách thức về môi trường các nước ASEAN đang phải đối mặt, rác thải nhựa biển, các vấn đề môi trường biển và đới bờ đang được coi là những thách thức lớn nhất trong khu vực. Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương là vấn đề xuyên biên giới trong tự nhiên vì chúng được vận chuyển qua các dòng sông và đại dương. Tại các Hội nghị trực tuyến của Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ (AWGCME), các quốc gia thành viên ASEAN cùng các nước đối tác và các tổ chức đã trao đổi về các giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi Kế hoạch hành động của Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ với 7 lĩnh vực ưu tiên: Bảo tồn các vùng biển và đới bờ quan trọng; bảo tồn các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng; giảm thiểu các sự cố tràn dầu trên biển; giảm thiểu ô nhiễm biển và đới bờ; biến đổi khí hậu và tác động lên vùng bờ; các loài xâm lấn ven biển và biển; các vấn đề và tác động của biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển; quản lý tổng hợp vùng ven biển và quy hoạch không gian biển.

Trong thời gian tới, Việt Nam cùng ASEAN đang nỗ lực xây dựng và triển khai các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 trên cả ba trụ cột gồm an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, hợp tác nội khối của Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ được tăng cường, mở rộng nhiều hơn, với nhiều cơ hội Việt Nam cần nắm bắt kịp thời để tăng cường năng lực cho quốc gia và đóng góp tích cực cho Cộng đồng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới. Việt Nam cần chủ động xây dựng và đề xuất sáng kiến mang lại lợi ích cho khu vực và cho Việt Nam cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hợp tác trên lĩnh vực môi trường trong khu vực./.

Đăng Quân

  • Tags: