Giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, hoạt động đấu thầu và mua sắm công đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đấu thầu, mua sắm công đã cho thấy nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Các vấn đề này hiện đang là những thách thức lớn cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công tại Việt Nam.
Vai trò của đấu thầu, mua sắm công
Theo Luật Đấu thầu năm 2013: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.” Điều này khẳng định đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển.
Có thể thấy, hoạt động đấu thầu được định hình bởi bốn yếu tố cốt lõi: Hiệu quả, cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Để đạt được hiệu quả trong các dự án đầu tư và nhà thầu cạnh tranh công khai là điều cần thiết, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Do vậy hoạt động đấu thầu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế:
Đối với chủ đầu tư và nhân dân: Hoạt động đấu thầu đã mang lại lợi ích to lớn cho chủ đầu tư và nhà thầu và cho nền kinh tế quốc dân. Từ xây dựng, mua sắm thiết bị đến thực hiện các dự án, đấu thầu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý nhà nước về đầu tư, và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh: Đấu thầu đảm bảo tính công khai và minh bạch giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị xây dựng. Điều này giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng và khuyến khích việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách có hạn, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực ưu tiên là rất cần thiết.
Quản lý chi tiêu hiệu quả: Thông qua đấu thầu, Chính phủ có thể quản lý chi tiêu và sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách hiệu quả, chống lại tham nhũng và lãng phí.
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ: Hoạt động đấu thầu không chỉ diễn ra trong nước mà còn mở rộng ra toàn cầu. Các nhà thầu quốc tế có khả năng tham gia và đóng góp công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đang phát triển. Hợp tác này có thể tạo ra những tác động tích cực đối với việc cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ trong các quốc gia đó.
Việc thực hiện quy trình đấu thầu một cách công khai và minh bạch sẽ mang lại cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn của Nhà nước.
Những kẽ hở trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và nhu cầu sử dụng nguồn vốn công ngày càng lớn, hệ thống đấu thầu đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc quản lý và sử dụng tài chính công. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định pháp lý nổi bật, hoạt động đấu thầu, mua sắm công vẫn đang tồn tại rất nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, chỉ định thầu là một trong sáu hình thức lựa chọn nhà thầu, thường được áp dụng do thủ tục đơn giản và thời gian thực hiện ngắn. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng trong quy trình lựa chọn này lại khiến cho hình thức này trở thành “miếng mồi ngon” cho những tiêu cực.
Pháp luật đã cố gắng hạn chế rủi ro qua việc quy định rõ điều kiện áp dụng chỉ định thầu với giá trị tối đa cho từng loại gói thầu. Tuy nhiên việc trao quyền quá lớn cho đơn vị mời thầu nhưng không có cơ chế giám sát hiệu quả đã tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp “thân hữu” thắng thầu một cách không minh bạch.
Việc liên kết giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và doanh nghiệp thẩm định giá đôi khi rất chặt chẽ, dẫn đến tình trạng “thổi giá” điều này tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong “liên minh ma quỷ” chiếm lợi không chính đáng.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thông tin mời thầu của doanh nghiệp. Dù pháp luật quy định rõ ràng rằng thông tin đấu thầu phải được công bố công khai, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc này. Nhiều đơn vị không thực hiện công khai đúng hạn, nội dung thông tin thiếu chính xác, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc theo dõi và lựa chọn gói thầu phù hợp.
Cuối cùng, công tác cán bộ vẫn là một trong những vấn đề lớn cần được cải cách tận gốc. Vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính. Thay vì hỗ trợ, họ lại tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng phải “đi đêm”, “chung chi” để hoàn thành yêu cầu công việc.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy hệ thống đấu thầu cần một cuộc cách mạng thực sự trong việc điều chỉnh các quy định pháp luật, nâng cao tính minh bạch, và kiểm soát quyền lực của các đơn vị liên quan.
Diện mạo huyện Ứng Hòa đang thay đổi từng ngày. Ảnh internet
Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nói riêng hoạt động đấu thầu, mua sắm công đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đa dạng và phức tạp. Những yếu tố này không chỉ tác động đến chất lượng và tiến độ của các dự án mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công,… Trong đó, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu là một trong những yếu tố “then chốt”.
Thực tế, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác đấu thầu, mua sắm công tại huyện Ứng Hòa vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như: Số lượng nhà thầu tham gia vào các gói thầu còn hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm thấp, HSMT xuất hiện tiêu chí nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp thân hữu,… Tất cả đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các đơn vị phụ trách liên quan.
Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng tôi đã tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến các gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa (Ban QLDA huyện Ứng Hòa) làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của các công ty: Công ty cổ phần đầu tư Cường Thịnh (Công ty Cường Thịnh); Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hòa Nam (Công ty Hòa Nam) và các liên danh. Kết quả thu được cho thấy nhiều dấu hiệu "bất thường". Điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch mà còn đặt ra câu hỏi về công bằng trong đấu thầu tại đây. Cụ thể:
Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Cường Thịnh:
Trích quyết định số 1968/QĐ-BQL cho công ty Cường Thịnh cùng liên danh trúng thầu
Ngày 11/10/2024, ông Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Ban QLDA huyện Ứng Hòa ký quyết định số 1968/QĐ-BQL cho công ty Cường Thịnh cùng các liên danh trúng gói thầu số 05: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc dự án: Xây dựng trường THPT Trần Đăng Ninh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội với giá 98.298.829.000VND, so với giá dự toán 99.542.804.000VND sau đấu thầu tiết kiệm 1.243.975.000VND ≈ 1,25%. Thời gian thực hiện gói thầu 600 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Tiêu chí trong HSMT
Trong gói thầu trên cũng xuất hiện tiêu chí mời thầu yêu cầu “Đề xuất vị trí đổ thải, xử lý chất thải rắn xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có tài liệu chứng minh”. Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia về đấu thầu. Nhiều người cho rằng tiêu chí này không chỉ mang tính cục bộ, nhiều hơi hướng địa phương, địa bàn mà còn tạo ra những trở ngại lớn cho nhà thầu có địa chỉ ngoài địa bàn.
Việc yêu cầu một vị trí đổ thải cụ thể trong khoảng thời gian ngắn là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt đối với các nhà thầu có trụ sở ngoài địa bàn, việc tìm kiếm và chứng minh tính hợp lý của một bãi đổ thải phù hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có thể trở thành một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Các yếu tố như điều kiện địa lý, quy định pháp lý và khả năng tiếp cận của bãi đổ thải đều cần được xem xét kỹ lưỡng, điều này không thực sự khả thi khi thông tin từ cơ quan chủ quản thường thiếu minh bạch.
Mặc dù quy trình đấu thầu qua mạng nhằm tạo ra một môi trường công khai và minh bạch hơn tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Tuy nhiên, việc yêu cầu nhà thầu đề xuất vị trí đổ thải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có thể khiến nhà thầu bắt buộc phải xuống địa bàn, hoặc tiếp xúc với chủ đầu tư, địa phương, khiến lộ danh tính nhà thầu. Từ đó, nguy cơ thỏa thuận thầu.
Thực tế cho thấy, việc thiết lập những tiêu chí rõ ràng là cần thiết để đảm bảo rằng các dự án được thực hiện đúng quy định và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đặt ra những yêu cầu mà nhà thầu khó có thể đáp ứng có thể dẫn đến tình trạng chọn lựa nhà thầu không tối ưu, gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những điều chỉnh hợp lý trong quy định mời thầu, đảm bảo tính công bằng và minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham gia.
Điều đáng nói trong gói thầu này Công ty CP Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng (Nhà thầu Huy Hoàng) chào giá 96.724.630.975VND, thời gian thực hiện gói thầu 580 ngày. Sau khi nhận kết quả nhà thầu Huy Hoàng không phục khi bị loại và có 02 lần làm đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, lí do đánh giá sai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Tuy nhiên sau khi tiếp nhận kiến nghị chủ đầu tư đã có công văn trả lời nhà thầu (ngày 25/10/2024) và giữ nguyên kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngày 29/10/2024, nhà thầu Huy Hoàng tiếp tục gửi công văn đến cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, đánh giá lại việc lựa chọn nhà thầu để đảm bảo tính công bằng, khách quan, hiệu quả đầu tư của dự án.
Công ty Cường Thịnh là nhà thầu có trụ sở tại thôn Phúc Xuyên, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, từ năm 2016 đến nay trúng 46 gói thầu, tổng giá trị các gói thầu đã trúng (bao gồm liên danh): 1.039.351.666.521VND. Từ đầu năm 2024 đến nay công ty trúng 7 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu khoảng hơn 200 tỷ.
Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Hòa Nam:
Trích quyết định số 1448/QĐ-BQL cho công ty Hòa Nam cùng liên danh trúng thầu
Ngày 06/08/2024, ông Phùng Khắc Trung – Phó Giám đốc Phụ trách Ban QLDA huyện Ứng Hòa ký quyết định số 1448/QĐ-BQL cho công ty Hòa Nam cùng các liên danh trúng gói thầu số 06: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông thuộc dự án: Đường nối từ đường tỉnh lộ 426 đến đường Cần Thơ - Xuân Quang, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa với giá 94.364.374.000VND, sau gói thầu tiết kiệm 1.352.668.284VND ≈ 1,41%.
Công ty Hòa Nam là nhà thầu có địa chỉ tại thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện ứng Hòa, Hà Nội. Tính đến ngày 20/11/2024, Công ty Hòa Nam đã tham dự 69 gói thầu, trong đó trúng 67 gói, trượt 2 gói. Tổng giá trị trúng thầu trong cả vai trò liên danh và độc lập là hơn 4,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tại huyện Ứng Hòa, doanh nghiệp này đã tham dự và trúng 22 gói thầu, với tổng giá trị hơn 1.330 tỷ đồng.
Điều đáng nói, gói thầu trên cũng xuất hiện tiêu chí mời thầu yêu cầu “Đề xuất vị trí đổ thải, xử lý chất thải rắn xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có tài liệu chứng minh”.
Ngoài ra, nhiều gói thầu khác tại huyện Ứng Hòa xuất hiện tình trạng khi chỉ có 1 nhà thầu tham gia và tỉ lệ giá trúng thầu tiết kiệm thấp dưới 1% như:
- Gói thầu số 13: Xây dựng công trình và Đảm bảo an toàn giao thông thuộc dự án: Xây dựng đường tỉnh 429B kéo dài về phía Tây (đoạn từ quốc lộ 21B đến đê tả Đáy), huyện Ứng Hòa, giá trúng thầu: 204.326.621.000VND, sau đấu thầu tiết kiệm: 1.337.292.447VND ≈ 0.65%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.
- Gói thầu số 03 thuộc dự án: Đường giao thông liên xã Kim Đường - Trầm Lộng (từ đường Minh Đức - Ngăm thông Cung Thuế đi Kiện Vũ Trầm Lộng), huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, với giá trúng thầu 85.103.764.000VND, gói thầu tiết kiệm: 667.520.595VND ≈ 0,79%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.
- Gói thầu số 03: Xây dựng + thiết bị thuộc dự án: Trụ sở Ban CHQS xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, với giá: 9.979.318.000VND, gói thầu tiết kiệm: 50.343.854VND ≈ 0,50%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.
- Gói thầu số 03: Thi công xây dựng + thiết bị thuộc dự án: Trụ sở Ban CHQS xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, với giá: 10.319.763.000VND, gói thầu tiết kiệm: 53.672.100VND ≈ 0,52%, gói thầu có 1 nhà thầu tham dự.
Việc các gói thầu có 1 nhà thầu tham dự theo các chuyên gia đấu thầu, nguyên nhân chính là do nhân sự làm công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên thay đổi nên thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT; công tác thẩm định HSMT chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao, dẫn đến các tiêu chuẩn trong HSMT chưa rõ ràng, chưa phù hợp với quy định, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Thực tế, nhiều địa phương đã đưa các gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự vào diện giám sát, theo dõi để chấn chỉnh. Tuy nhiên, từ những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc siết chặt công tác xây dựng HSMT, nâng cao chất lượng khâu thẩm định, phê duyệt HSMT để hạn chế tối đa những “hạt sạn”, “chiêu trò” cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu mới là liều thuốc quan trọng nhất nhằm cải thiện tình trạng chỉ 1 nhà thầu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như tại huyện Ứng Hòa kể trên, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Để ngăn chặn, tạo sức răn đe, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp… về công tác đấu thầu nói riêng.
Giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu và mua sắm công
Đấu thầu và mua sắm công là những hoạt động quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với nhiều bất cập trong luật lệ và quy trình hiện hành, tiêu cực, vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần nhanh chóng bịt các lỗ hổng quy định và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu thầu.
Tăng cường hình thức đấu thầu rộng rãi: Một trong những phương pháp tối ưu là tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và các hợp đồng sẽ giúp đảm bảo rằng mọi quy trình diễn ra minh bạch, giảm thiểu nguy cơ tiêu cực. Đồng thời, công nghệ thông tin nên được ứng dụng tối đa, đặc biệt là hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công và đấu thầu qua mạng (e-procurement). Những nền tảng này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường sự tin tưởng từ cộng đồng vào sự công khai của quy trình.
Tăng cường giám sát và đôn đốc: Để ngăn chặn tiêu cực, việc giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua thanh tra, kiểm tra và kiểm toán là rất cần thiết. Hoạt động này cần được triển khai đối với cả các đơn vị mời thầu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tính hợp lệ và chính xác của các thông tin. Đặc biệt, việc công bố thông tin mời thầu cần phải diễn ra kịp thời và chính xác, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia cạnh tranh một cách công bằng.
Điều chỉnh luật giá song hành: Nhà nước cũng cần nhận thức rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ không mang lại hiệu quả tích cực nếu không đồng thời hoàn thiện Luật Giá. Một hệ thống pháp lý đồng bộ sẽ giúp kiểm soát giá trị của hàng hóa, dịch vụ, ngăn chặn hiện tượng “thổi giá” - một trong những nguyên nhân chính gây thất thoát tài sản nhà nước. Vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và đánh giá giá trị hàng hóa là rất quan trọng để bảo đảm ngân sách nhà nước không bị lạm dụng.
Giảm thiểu lạm quyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: Cuối cùng, việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hạn chế sự lạm quyền của các đơn vị mời thầu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý là cực kỳ cần thiết. Những quy định này phải đi kèm với cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng, nâng khống giá trị thầu, trục lợi và làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc áp dụng hình thức xử lý mạnh sẽ tạo ra rào cản cho những hành vi tiêu cực, đồng thời củng cố lòng tin của người dân vào các hoạt động đấu thầu công.
Để ngăn chặn và đẩy lùi những tiêu cực trong đấu thầu và mua sắm công, Nhà nước cần triển khai một cách đồng bộ các biện pháp cải cách pháp luật. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một môi trường đấu thầu công khai, minh bạch, công bằng, không chỉ bảo vệ ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, cùng với sự giám sát từ cộng đồng và doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu này.
Kim Yến
Tin nóng
- Thực hiện pháp luật về chứng thực, từ thực tiễn hoạt động của UBND quận Gò Vấp
26/12/2024 10:57:58 SA
- Tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để không dẫn tới các rủi ro pháp lý trong đấu thầu
19/12/2024 8:50:13 SA
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
29/11/2024 10:59:14 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH