Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam và các giải pháp khắc phục

26/07/2020 8:14:34 SA
Share Bai :

MT&XH-Vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn của cả nhân loại. Riêng ở Việt Nam chúng ta, thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động và cần các giải pháp khắc phục kịp thời.
    Hiện nay, vấn đề thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh, cũng như các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay. Mặc dù các ban ngành, đoàn thể ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước,... nhưng có vẻ là chưa đủ để cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay
Do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp
Trong nước có rất nhiều khu công nghiệp được xây dựng để hưởng ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hiệu quả, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động đỏ và việc cấp bách và tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Quá trình hoạt động của các khu công nghiệp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường không thể cứu vãn được. Các quá trình gây ô nhiễm mà quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch: Than, dầu, khí đốt tạo ra: CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: Muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ, các quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi. Nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường, ví dụ: Xả thải của công ty Vedan, Miwon, sự cố của Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang... Ngoài ra, các nhà đầu tư lợi dụng những hạn chế ở của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Do chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học
Nền kinh tế phát triển dẫn đến ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo mùa vụ nên người nông dân đã quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Phun một lượng lớn những hóa chất vào cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn không được cây trồng hấp thụ hết. 


Theo bộ tài nguyên môi trường, hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất trên toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. 
Do các chất rác thải rắn
Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa làm cho nền kinh tế nước ta phát triển, nhiều cơ sở sản xuất ra đời phục vụ nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngày càng lớn của người dân. Chính điều này đã làm tiền đề cho sự gia tăng một lượng lớn rác thải rắn bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng... 
Do ý thức của người dân
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau.

Thật vậy, người lớn không làm gương để giáo dục trẻ em, mà minh chứng cụ thể đầu tiên là hành động vứt rác bừa bãi ra môi trường thay vì vứt đúng nơi quy định. Theo quan sát, tại các trường học, chúng tôi nhiều lần chứng kiến phụ huynh đưa con đi học đến cổng trường dừng lại ăn sáng và sau khi ăn xong, thay vì bỏ hộp xôi, hộp bánh vào thùng rác thì họ lại vứt ngay tại chỗ. Mặc dù, các trường học có treo rất nhiều tấm biến, khẩu hiệu cấm xả rác bừa bãi nhưng phụ huynh vẫn thản nhiên xả rác nơi công cộng thì rất khó hình thành ý thức tốt cho thế hệ trẻ.
Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn ở các bãi biển tự nhiên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Bạn có biết rằng Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương hàng năm lên đến 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gọp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên.
Đó là chưa kể đến tình trạng phóng uế bừa bãi tại các công viên công cộng vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Trong khi, đây là những địa điểm được trồng nhiều cây xanh để người dân lui tới tập thể dục, hít thở không khí trong lành,... thì một bộ phận người dân lại thường xuyên phóng uế vô ý thức. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh, gây mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hô hấp,... mà hơn thế nữa là góp phần gây ô nhiễm không khí tại nơi mà lẽ ra đó là "lá phổi" của khu vực sống.

Đề xuất một số giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
Trước những thực trạng ô nhiễm môi trường nêu trên, người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bé về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc. Thay vào đó, hãy áp dụng cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng các chế phẩm sinh học như men vi sinh thân thiện với môi trường.
Song song, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,... nên bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng, tránh tình trạng người dân phóng uế mất vệ sinh hoặc vứt rác ra đường gây nghẹt cống thoát nước.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Hãy hô vang khẩu hiệu "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp" và cũng là vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ sau.


Tú Lê
 

  • Tags: