Những điểm then chốt trong quản lý đấu thầu cần được thực hiện

30/12/2024 3:01:42 CH
Share Bai :

Gần đây, tại cuộc thảo luận Quốc hội về phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội khóa XV) đã nêu bật những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến lách luật trong đấu thầu. Bà nhấn mạnh rằng nhiều nhà thầu đã áp dụng chiến thuật tinh vi, như việc cài cắm điều khoản mớm thầu, để ưu ái cho những người quen thuộc, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng. Điều này không những hạn chế cơ hội cho các nhà thầu khác mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dự án.

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải có các biện pháp mạnh mẽ để cải cách, ngăn chặn lạm dụng và thao túng trong đấu thầu. Củng cố và thực thi pháp luật một cách nghiêm túc sẽ tạo ra niềm tin từ cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế và xã hội trong tương lai.

Hình ảnh minh họa/ Nguồn Internet.

Nhà nước đã quy định về công tác đấu thầu

Theo nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/3/2014 (Tại khoản 2, Điều 12) Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Như vậy nếu hoạt động đấu thầu không được quản lý và quy định chặt chẽ, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, kiến nghị cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu; nhất là vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm vi phạm.

Do đó, gian lận trong đấu thầu không chỉ dễ dàng bị phát hiện mà còn kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách của nhà nước. Để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và gia tăng cơ hội hợp tác bền vững, các nhà thầu cần hết sức cẩn trọng, đảm bảo mọi thông tin trong hồ sơ dự thầu được trình bày một cách chính xác và trung thực. Minh bạch và trung thực không chỉ là yếu tố cốt lõi giúp các nhà thầu tạo dựng niềm tin mà còn là nền tảng để phát triển lâu dài trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắt khe.

Chỉnh đốn sai phạm trong đấu thầu: Tăng cường minh bạch và xử lý nghiêm

Hiện nay, các cơ quan pháp luật đang đẩy mạnh điều tra và xử lý nghiêm các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đấu thầu, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc loại bỏ tham nhũng và hành vi tiêu cực, đồng thời xây dựng môi trường đấu thầu công bằng và minh bạch.

Xử lý nghiêm vi phạm không chỉ răn đe, phòng ngừa sai phạm mà còn củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào hệ thống pháp luật. Các vụ vi phạm tại Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Công ty AIC, và những sai phạm tại Bệnh viện Tim, Sở Giáo dục và Đào Tạo Cần Thơ là những bài học quan trọng cho ngành đấu thầu.

Đảng và Nhà nước nhấn mạnh nỗ lực chống tham nhũng, nhằm củng cố lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân. Để đánh giá khách quan tình hình đầu tư xây dựng, cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, rút ra những đánh giá thực tế về hạn chế và thách thức mà chủ đầu tư và nhà thầu đang gặp phải.

Thông qua quá trình nghiên cứu và thu thập dữ liệu, chúng tôi đã tiếp cận tài liệu và thông tin về kết quả trúng thầu của Công ty Cổ phần Xây dựng Mạnh Hà(Công ty Mạnh Hà) và Công ty TNHH Phúc Long (Công ty Phúc Long) tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín (BQLDA huyện Thường Tín). Từ những kết quả này cho thấy các cơ quan quản lý cần tích cực hơn trong công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trong công tác đấu thầu.

Công ty Cổ phần Xây dựng Mạnh Hà, do ông Nguyễn Mạnh Hà là người đại diện pháp luật, có trụ sở tại Đường Nguyễn Du, Tiểu Khu Nguyễn Du, Thị trấn Thường Tín, Huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo dữ liệu thu thập được, Công ty Mạnh Hà đã tham gia tổng cộng 9 gói thầu, trong đó 7/9 gói thầu thuộc phạm vi quản lý của BQLDA huyện Thường Tín. Đáng chú ý, trong số đó Công ty Mạnh Hà đảm nhận vai trò nhà thầu độc lập tại 4 gói thầu và tham gia với tư cách nhà thầu liên danh chính trong 3 gói thầu khác. Việc tập trung vào các dự án do BQLDA huyện Thường Tín quản lý cho thấy sự định hướng chiến lược của công ty trong việc phát triển hoạt động tại địa bàn này, đồng thời thấy được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý dự án.

Liên quan đến việc trúng thầu Công ty Mạnh Hà:

Ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín quyết định cho Công ty Mạnh Hà trúng thầu.

Gần đây, ngày 02/08/2024, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín ký quyết định số 656/QĐ-QLDA cho Công ty Mạnh Hà trúng Gói thầu số 01: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm, lắp đặt thiết bị Cải tạo, sửa chữa trường THCS thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 với giá dự toán 12.540.289.000 VND, giá trúng thầu 12.431.964.000 VND, tiết kiệm 0,86%.

Trước đó, ngày 20/06/2023, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín ký quyết định phê duyệt cho Công ty Mạnh Hà trúng Gói thầu số 05: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị PCCC: Xây dựng trung tâm văn hóa thể thao huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Hạng mục Nhà điều hành, quản lý, dịch vụ với giá dự toán 13.513.087.000 VND, giá trúng thầu 13.493.118.000 VND, tiết kiệm 0,14%.

Ngày 13/12/2022, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín ký quyết định số 903/QĐ-QLDA cho Công ty Mạnh Hà trúng Gói thầu số 05: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị Trường mầm non Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội với giá gói thầu 28.021.293.000 VND, giá trúng thầu 27.981.203.377,633 VND, tiết kiệm 0,14%.

Tương tự, về phía Công ty TNHH Phúc Long: Người đại diện: Nguyễn Văn Tuân; địa chỉ: Thị tứ Tân Thịnh, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định; theo dữ liệu tham khảo thời gian vừa qua đơn vị này đã tham gia 11 gói thầu tại BQLDA huyện Thường Tín, với tổng giá trị các gói thầu đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 27/08/2024, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín quyết định số 769/QĐ-QLDA cho Công ty Phúc Long trúng gói thầu số 06: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị Xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội với giá gói thầu 66.869.179.000 VND, giá trúng thầu 66.650.918.000 VND, tiết kiệm 0,32%.

Ngày 14/11/2024, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín tiếp tục ký quyết định số 997/QĐ-QLDA cho Công ty Phúc Long trúng Gói thầu số 05: Toàn bộ phần xây dựng công trình: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án: Cải tạo hồ trên địa bàn xã Tân Minh, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội với giá dự toán 67.320.699.000 VND, giá trúng thầu 66.763.052.000 VND, tiết kiệm 0,8%.

Trước đó, ngày 06/11/2023, ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc BQLDA huyện Thường Tín ký quyết định số 1066/QĐ-BQLDA cho Công ty Phúc Long trúng gói thầu số 06: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị thực hiện dự án Khu thể thao bể bơi Hồng Hà , sân tennis, bãi đỗ xe thuộc quy hoạch Trung tâm văn hóa thể thao huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội với giá gói thầu 46.096.244.500 VND, giá trúng thầu 45.958.949.000 VND, tiết kiệm 0,29%.

Qua phân tích, các chuyên gia cho biết, các gói thầu đều có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, đều dưới 1%. Đây là một con số đáng lo ngại và cho thấy rõ sự thiếu hiệu quả trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thể hiện tình trạng giảm giá không mong đợi. Điều này gây ra nhiều hoài nghi về tính cạnh tranh trong công tác đấu thầu.

Sự thiếu đa dạng trong lựa chọn, khiến cho cơ hội để các nhà thầu cạnh tranh và đưa ra mức giá tốt nhất bị giảm đi, đồng thời rất dễ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực khi mà chất lượng và chi phí của dự án không được kiểm soát chặt chẽ.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn, toàn diện hơn nhằm cải thiện tình hình này. Cần thiết phải xem xét lại cách thức thực hiện đấu thầu, mở rộng cơ hội cho nhiều nhà thầu tham gia và xây dựng một cơ chế minh bạch hơn, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế mang lại từ các dự án.

Ngoài ra, đối với gói thầu số 06: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị thực hiện dự án Khu thể thao bể bơi Hồng Hà , sân tennis, bãi đỗ xe thuộc quy hoạch Trung tâm văn hóa thể thao huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội với giá gói thầu 46.096.244.500 VND. Theo Quyết định số 1066/QĐ/QLDA ngày 06/11/2023. Tuy nhiên, kết quả này chỉ được đăng tải công khai vào ngày 04/01/2024. Như vậy, sau khoảng hai tháng khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thì đơn vị mới đăng tải thông tin.

Mà, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, KQLCNT là một trong những thông tin phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (TT07) đã quy định rất rõ thời gian đăng tải KQLCNT.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 TT07, đối với trường hợp tự đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, BMT phải bảo đảm thời điểm tự đăng tải KQLCNT trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt KQLCNT được ban hành. Còn trong trường hợp BMT cung cấp, đăng tải thông tin trên Báo Đấu thầu, thì “thời hạn Báo Đấu thầu nhận được thông tin trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt KQLCNT được ban hành”.

Tiêu chí Công nhân cần có chứng chỉ nghề

Qua quá trình phân tích dữ liệu đấu thầu từ các dự án đã tham gia trúng thầu của Công ty Mạnh Hà, Công ty Phúc Long tại BQLDA huyện Thường Tín cho thấy, trong một số gói thầu xuất hiện những tiêu chí tương tự, gây nhiều tranh cãi, đơn cử như yêu cầu “cần có số lượng công nhân có chứng chỉ nghề”.

Cụ thể, Tại gói thầu số 05: Toàn bộ phần xây dựng công trình và mua sắm lắp đặt thiết bị tại Trường mầm non Hòa Bình mà Công ty Mạnh Hà trúng thầu, có đưa ra tiêu chí: Công nhân tham gia gói thầu, có bảng danh sách công nhân tham gia gói thầu. Số lượng công nhân đáp ứng yêu cầu bảng tiến độ. Công nhân có chứng chỉ đào tạo nghề phù hợp ≥ 20 người. Các công nhân có đầy đủ CMND hoặc Căn cước công dân kèm theo.

Một số tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu.

Tương tự, tại Gói thầu số 03: Toàn bộ phần xây dựng công trình và đảm bảo ATGT: Đường trục xã Văn Bình (đoạn từ vành đai 4 đến trung tâm văn hóa xã), huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội do Công ty Phúc Long trúng thầu cũng đưa ra tiêu chí: Công nhân trực tiếp tham gia thi công có danh sách công nhân kỹ thuật ≥ 30 người, Trong đó ít nhất 15 người phải có chứng chỉ đào tạo nghề phù hợp thi công gói thầu.

 

Một số tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu.

Tại đây, thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 (Tại khoản 1b Điều 30) đã quy định rõ, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt trong E-HSMT cho phù hợp. E-HSMT không được yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc đối với các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông đã nói rõ về vấn đề này.

Theo các chuyên gia đấu thầu, nhân sự chủ chốt bao gồm các vị trí như chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm kỹ thuật thi công, chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, giám sát kỹ thuật, giám sát chất lượng, các kỹ sư chuyên ngành... Công nhân, lao động phổ thông không được xem là nhân sự chủ chốt quy định tại HSMT.

Việc HSMT đưa ra các yêu cầu cụ thể về số lượng, công nhân có chứng chỉ đào tạo nghề, cũng như năng lực và kinh nghiệm đối với các vị trí nhân sự này là không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành, có thể dẫn tới hạn chế cạnh tranh. Do đó nếu HSMT lạm dụng trong việc đưa ra số lượng quá mức cần thiết cùng với việc yêu cầu cụ thể về bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu chứng minh của các công nhân kỹ thuật có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu còn bày tỏ mối quan ngại về việc một số hồ sơ mời thầu (HSMT) cố tình áp đặt các tiêu chí liên quan đến "công nhân" vào Mục Tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật. Điều này không chỉ hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu mà còn có thể gây ra những rào cản không cần thiết đối với sự phát triển của ngành.

Việc yêu cầu công nhân phải có bằng cấp và chứng chỉ đào tạo nghề phù hợp, thực sự mâu thuẫn với quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 50/2024/NĐ-CP. Những quy định này cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp lý và khả thi trong thực tiễn.

Sự lựa chọn nhà thầu uy tín và chất lượng là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả thi công, hoàn thành đúng tiến độ, và góp phần vào tiến trình giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Để giải quyết các vấn đề này, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, cùng với tinh thần trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức trong công tác quản lý đấu thầu.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, và phát hiện kịp thời các sai phạm để tạo ra sức răn đe mạnh mẽ. Các cơ quan báo chí cũng cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về quy trình đấu thầu, từ đó góp phần xây dựng một môi trường đấu thầu minh bạch và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Giải pháp nâng cao tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu

Để nâng cao tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, các cơ quan quản lý và đơn vị liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào những điểm sau:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi đấu thầu rộng rãi và đẩy mạnh công khai thông tin. Việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút sự tham gia của nhiều nhà thầu đủ năng lực, qua đó bảo đảm tính minh bạch và công bằng. Kết quả lựa chọn nhà thầu và các hợp đồng được công bố công khai cũng là yếu tố then chốt giúp ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tạo niềm tin cho xã hội và doanh nghiệp.

Thứ hai, tận dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin trong hoạt động đấu thầu, bao gồm xây dựng và nâng cấp hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng (e-procurement). Việc số hóa quy trình tổ chức, quản lý đấu thầu không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tăng cường khả năng giám sát, đối chiếu dữ liệu. Nhờ đó, các dấu hiệu bất thường sẽ được phát hiện kịp thời, hạn chế nguy cơ gian lận hoặc móc nối giữa các bên.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả đơn vị mời thầu, doanh nghiệp tham gia đấu thầu và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc công bố thông tin mời thầu kịp thời, chính xác, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và có cơ hội cạnh tranh một cách công bằng. Cơ quan thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xử lý nghiêm các vi phạm, làm trong sạch môi trường đấu thầu, hạn chế tối đa hiện tượng thông đồng, cấu kết, nâng khống giá hay trục lợi.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với những dự án quan trọng, trọng điểm. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án gắn liền với đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Song song đó, các cấp, ngành phải tăng cường giám sát những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực hoặc vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; hay những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu ở cùng một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần kịp thời có biện pháp xử lý đúng quy định, bảo đảm tính răn đe và tạo sự công bằng trong hoạt động đấu thầu.

Cuối cùng, xem xét, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật nhằm hạn chế tối đa việc lạm quyền của đơn vị mời thầu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Việc hoàn thiện khung pháp lý giúp tạo hành lang minh bạch, rõ ràng và đồng bộ, hạn chế các kẽ hở dẫn tới trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là hành vi thông đồng, nâng khống, tham nhũng, bảo đảm tính công minh, giữ vững kỷ cương và niềm tin của xã hội.

Những giải pháp nêu trên không chỉ giúp đấu thầu trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tuân thủ pháp luật của toàn bộ hệ thống. Qua đó, nền kinh tế sẽ tiếp tục được thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

                                                                                                          Phát An