Tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để không dẫn tới các rủi ro pháp lý trong đấu thầu
Thiết nghĩ, việc các chủ đầu tư, các nhà thầu cần tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để không dẫn đến các rủi ro pháp lý cần được đặc biệt quan tâm. Bởi, thực tế, thời gian qua, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, rất nhiều vụ việc nổi cộm trong hoạt động đấu thầu được các cơ quan chức năng soi rọi, khiến không ít chủ đầu tư, nhà thầu gặp “rắc rối”.
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Xét về bản chất mục đích của đấu thầu là nhằm tạo sự công bằng và tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong hoạt động đấu thầu, hành vi gian lận nổi lên như một vấn nạn nhức nhối mặc dù pháp luật về đấu thầu đã có những quy định và hình thức răn đe nghiêm khắc.
Nói về vấn đề này, thời gian qua, rất nhiều vụ việc nghiêm trọng bị các cơ quan chức năng “soi rọi”. Điển hình như vụ việc diễn ra tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hữu Lợi.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoài Phong - Phó Giám đốc Công ty Hữu Lợi về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cơ quan điều tra, trong thực tế hoạt động, Công ty Hữu Lợi không bảo đảm tiêu chí về số lượng, trình độ nhân sự chủ chốt theo quy định là phải có bằng kỹ sư để đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cấp Chứng chỉ năng lực trong hoạt động xây dựng và điều kiện để dự thầu theo yêu cầu. Do đó, Công ty Hữu Lợi đã sử dụng văn bằng kỹ sư giả để đưa vào hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, cũng như đưa vào hồ sơ dự thầu (HSDT) để chứng minh đủ điều kiện năng lực nhân sự. Cơ quan điều tra xác định, các cá nhân của Công ty Hữu Lợi, trong đó có Nguyễn Hoài Phong đã sử dụng 10 bằng tốt nghiệp đại học giả để cung cấp trong các HSDT nhằm tham dự và trúng thầu 19 công trình xây dựng tại Tiền Giang.
Theo nhiều chuyên gia, “thực tế hiện nay, hành vi gian lận của các nhà thầu rất đa dạng và tinh vi. Những hành vi gian lận như kê khai nhân sự chủ chốt, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính không trung thực… vẫn đang được “bỏ qua” cho nhà thầu bị loại”, “Chính vì vậy, mặc dù, các nhà thầu làm giả hồ sơ để tham gia đấu thầu hoàn toàn hiểu biết những rủi ro có thể đối mặt, tuy nhiên, có thể vì đã “trót lọt” hoặc "được bỏ qua" một vài lần nên họ ngày càng trở nên chủ quan và xem thường các hành vi sai phạm”.
“Nếu xử lý nghiêm khắc thì nhà thầu không chỉ bị cấm thầu 3 - 5 năm, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi việc làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng...”.
Ảnh minh họa
“Theo quy định luật đấu thầu 2023, Tài liệu mời thầu, đấu thầu và hồ sơ dự thầu trúng thầu được lưu giữ tới 10 năm sau khi kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Vì thế, hành vi gian lận, không trung thực trong việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (nếu có) vẫn được lưu giữ nhiều năm ở các chủ đầu tư/bên mời thầu và có thể bị truy cứu trách nhiệm”.
Nên minh bạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Xã hội càng phát triển, việc duy trì sự minh bạch và xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Chính phủ đã chứng tỏ sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc loại bỏ những tệ nạn này, nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, rất nhiều đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu có những hành vi vi phạm và bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như các vụ việc diễn ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC,... Tất cả những vụ việc này là bài học đắt giá cho các cơ quan và đơn vị liên quan trong lĩnh vực đấu thầu.
Đây sẽ là áp lực buộc các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền không nương nhẹ trong xử lý với hành vi vi phạm về đấu thầu của nhà thầu như trước. Bởi nếu nể nang, không xử lý thì chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về quá trình tổ chức đấu thầu.
Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng tôi đã tiến hành thu thập dữ liệu liên quan đến các gói thầu do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Sông Mã (Ban quản lý dự án huyện Sông Mã) làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của công ty TNHH xây dựng Quảng Anh (Công ty Quảng Anh), Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Phương Loan (công ty Phương Loan), Công ty TNHH MTV Trường Thọ Sơn La (Công ty Trường Thọ Sơn La) tại đây. Cụ thể:
Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Quảng Anh (Chủ tịch kiêm Giám đốc: Ông Nguyễn Văn Lạc): Nhà thầu có địa chỉ trên địa bàn huyện Sông Mã, với số nhân viên đăng ký 3 người. Công ty từng tham gia và trúng khoảng 29 gói thầu, trong đó 18 gói thầu thuộc ban quản lý dự án huyện Sông Mã với giá trị ước tính đạt 196.766.193.275 VND. Tuy nhiên, trong một số gói thầu công ty này trúng tại huyện Sông Mã xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Cụ thể, trong gói thầu số 11: Thi công xây dựng các công trình giao thông Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La. Công ty Quảng Anh và công ty Trường Thọ Sơn La trúng thầu.
Công ty Quảng Anh kê khai nhân sự Nguyễn Tuấn Đạt làm nhân sự chủ chốt. Tuy nhiên, đến ngày 9/10/2024, Công ty Quảng Anh tiếp tục sử dụng nhân sự Nguyễn Tuấn Đạt để trúng gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình Đường giao thông từ bản Pảng đến bản Huổi Púng, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Hai gói thầu trùng thời điểm thi công và đều do Ban quản lý dự án huyện Sông Mã làm chủ đầu tư. Đây là vấn đề đáng quan ngại mà các chuyên gia về đấu thầu từng nhiều lần đề cập; nhiều lo ngại về tính minh bạch, chặt chẽ trong công tác chấm thầu khi để xảy ra tình trạng trùng lặp nhân sự mà chưa được phát hiện.
Công ty Quảng Anh sử dụng một nhân sự kê khai cho hai gói thầu trùng thời gian thi công, đều thuộc Ban quản lý dự án huyện Sông Mã
Vừa qua, công ty Quảng Anh tiếp tục được phê duyệt trúng 3 gói thầu khác tại Ban quản lý dự án huyện Sông Mã, gồm:
Gói thầu số 01: Thi công xây lắp công trình Cầu cứng qua suối Sút, bản Sai - bản Púng Cằm, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá gói thầu 3.411.644.000 VND, giá trúng thầu 3.407.292.746 VND. Gói thầu số 01: thi công xây dựng công trình Nâng cấp tuyến đường từ bản Nong, xã Bó Sinh đến bản Mạ Mậu, xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá 1.836.183.911 VND. Gói thầu thi công Tuyến đường từ ngã ba Nà Cầm đến trung tâm bản Huổi, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá dự toán 4.836.088.000 VND, giá trúng thầu 4.832.502.000 VND. Các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đều do Ông Trần Công Minh – GĐ ban Quản lý dự án huyện Sông Mã ký. Các gói thầu đều có tỷ lệ tiết kiệm dưới 0,2%.
Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Trường Thọ Sơn La (Chủ tịch kiêm Giám đốc: Ông Đoàn Văn Cảnh): Từ năm 2017 đến nay, công ty Trường Thọ Sơn La tham gia và trúng khoảng 19 gói thầu tại Ban quản lý dự án huyện Sông Mã với tổng giá trị trúng thầu ước tính khoảng hơn 270 tỷ đồng (bao gồm cả giá trị liên danh).
Ngày 11/9/2023, Công ty Trường Thọ Sơn La (tư cách liên danh) được phê duyệt trúng gói thầu số 11: Thi công xây dựng các công trình giao thông Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La với thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày, giá dự toán 28.671.401.000 VND; giá trúng thầu 28.661.108.000 VND, tiết kiệm: 10.293.000 đồng, bằng 0,036%. (Theo quyết định số 4786/QĐ-UBND do Bà Cẩm Thị Ngọc Yến – Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã ký).
Để trúng thầu, công ty Trường Thọ Sơn La kê khai các nhân sự gồm: Trần Xuân Quang, Trần Xuân Tuyên, Nguyễn Tiến Hùng, Vũ Đình Hùng, Nguyễn Ngọc Hoàn, Nguyễn Văn Nhuận, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Hiệu, Bùi Đăng Tuyển, Nguyễn Văn Công,...
Tuy nhiên, thực tế, nhân sự Bùi Đăng Tuyển còn được Công ty Trường Thọ Sơn La kê khai cho gói thầu số 01 thi công xây dựng + Thiết bị, thí nghiệm công trình: Cấp điện khu bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp với giá trị 3.370.050.000 VND, có cùng thời điểm thi công.
Nhân sự Vũ Đình Hùng còn được công ty Trường Thọ Sơn La kê khai cho 2 gói thầu khác có cùng thời điểm thi công, gói thầu số 02 Thi công xây dựng + lắp đặt thiết bị công trình (tại địa bàn 03 xã Púng Bánh, Sam Kha, Nậm Lạnh) công trình: Đầu tư điện nông thôn trên địa bàn huyện của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (huyện Sốp Cộp) với giá trị 4.641.160.000 VND và gói thầu số 01: Thi công xây dựng; phòng cháy chữa cháy và cung cấp, lắp đặt thiết bị Nhà lớp học 3 tầng 15 phòng và các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sốp Cộp, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp với giá trị 10.473.622.000 VND.
Đặc biệt, ngày 25/11/2024, ông Trần Công Minh – Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Sông Mã tiếp tục ký quyết định phê duyệt cho công ty Trường Thọ Sơn La trúng gói thầu số 01: Thi công xây lắp công trình Sửa chữa cầu cứng bản Nà Tòng - Phiêng Đìn - Xen Xay, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá dự toán: 6.903.776.000 VND, giá trúng thầu 6.898.566.000 VND. Tại gói thầu, công ty Trường Thọ Sơn La tiếp tục kê khai nhân sự Bùi Đăng Tuyển làm nhân sự chủ chốt của gói thầu.
Như vậy, nhân sự Bùi Đăng Tuyển, Vũ Đình Hùng là nhân sự chủ chốt được nhà thầu công ty Trường Thọ Sơn La kê khai cho ít nhất 3 gói thầu có cùng thời điểm thi công.
Công ty Trường Thọ Sơn La sử dụng nhân sự Bùi Đăng Tuyển, Vũ Đình Hùng kê khai cho ít nhất 3 gói thầu có cùng thời điểm thi công
Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Phương Loan (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc – Nguyễn Văn Khuyến): Nhà thầu có địa chỉ tại Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, Sơn La, với số nhân viên đăng ký 8 người. Từ năm 2017 đến nay, từng tham gia và trúng khoảng 33 gói thầu, trong đó 21 gói thuộc Ban quản lý dự án huyện Sông Mã, các gói thầu còn lại phần lớn thuộc các phòng ban, xã trên địa bàn huyện Sông Mã, với tổng giá trị trúng thầu ước tính khoảng hơn 77 tỷ đồng.
Ngày 31/10/2024, công ty Phương Loan được phê duyệt trúng gói thầu số 01: Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị công trình Nước sinh hoạt bản Kéo Co, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá dự toán 1.844.992.000 VND, giá trúng thầu 1.842.850.000 VND. Tại gói thầu nhà thầu kê khai các nhân sự Vì Văn Biển, Đinh Hồng Muôn, Phạm Hoài Nam.
Tuy nhiên, nhân sự Đinh Hồng Muôn còn là nhân sự được công ty Phương Loan kê khai để trúng gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trinh Duy tu, bảo dưỡng nước sinh hoạt bản Mòn xã Nậm ty, huyện Sông Mã; trùng thời gian thi công.
Ngày 20/11/2024, ông Trần Công Minh – GĐ Ban quản lý dự án huyện Sông Mã ký quyết định phê duyệt cho công ty Phương Loan và công ty Trường Thọ Sơn La trúng gói thầu số 01: Thi công xây lắp công trình dự án Tuyến đường từ ngã ba bản Bua Hin đi bản Huổi Bua, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá dự toán 8.109.417.000 VND, giá trúng thầu 8.103.240.000 VND.
Tại gói thầu, công ty Phương Loan kê khai các nhân sự gồm: Trần Trọng Sâm, Trần Anh Quang.
Tuy nhiên, nhân sự Trần Anh Quang còn được nhà thầu kê khai cho gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình Duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, trùng thời gian thi công.
Như vậy, nhân sự Trần Anh Quang, Đinh Hồng Muôn là nhân sự được công ty Phương Loan kê khai cho ít nhất 2 gói thầu có cùng một khoảng thời gian thi công.
Các nhân sự được công ty Phương Loan kê khai cho nhiều gói thầu trùng thời gian thi công
Ngoài các gói thầu kể trên, công ty Phương Loan còn trúng và đang triển khai một số gói thầu khác do Ban quản lý dự án huyện Sông Mã làm chủ đầu tư, gồm: Gói thầu số 01: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị PCCC Trường THCS Chiềng Khoong, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá gói thầu 6.121.431.000 VND, giá trúng thầu 6.115.204.000 VND. Gói thầu số 01: Thi công xây lắp (sửa chữa công trình) Sửa chữa Trường PTDTBT THCS Mường Cai, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với giá gói thầu 3.137.159.000 VND, giá trúng thầu 3.137.159.000 VND.
Theo Điều 30 Thông tư 08/2022/NĐ-CP quy định về kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực trên hệ thống đấu thầu qua mạng như sau:
Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì nhà thầu không được thay thế nhân sự, thiết bị khác theo quy định tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này, E-HSDT của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 122 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Và khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì:
Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này (*).
(*) Điểm a khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm:
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm hành vi dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu.
4. Gian lận bao gồm các hành vi:
Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu.
Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Giải pháp tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cần thực hiện những giải pháp sau:
- Quy trình đấu thầu minh bạch: Đảm bảo quy trình đấu thầu được thực hiện công khai, rõ ràng, từ việc đăng tải thông tin mời thầu, mở thầu, đánh giá thầu cho đến quyết định trúng thầu. Các thông tin cần được công bố trên các nền tảng trực tuyến để tất cả các bên liên quan đều có thể theo dõi.
- Ứng dụng công nghệ: Sử dụng các nền tảng đấu thầu điện tử, giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người, từ đó nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu khả năng tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực.
- Mở rộng đối tượng tham gia: Tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu tham gia, bao gồm cả các nhà thầu trong và ngoài nước. Điều này giúp nâng cao chất lượng và giảm giá thành dự án.
- Đảm bảo công bằng trong đánh giá: Các tiêu chí đánh giá cần rõ ràng, phù hợp và công khai để tất cả các nhà thầu có thể hiểu và cạnh tranh công bằng. Các tiêu chí này phải được áp dụng nhất quán trong mọi trường hợp.
- Kiểm soát và giám sát hoạt động đấu thầu: Thiết lập các cơ chế giám sát độc lập từ các cơ quan chức năng hoặc tổ chức chuyên nghiệp để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đấu thầu. Các cơ quan giám sát cũng cần đánh giá và kiểm tra các hợp đồng đấu thầu để tránh tình trạng gian lận, mập mờ trong quá trình thực hiện.
- Công khai thông tin đấu thầu: Tất cả các kết quả đấu thầu, hợp đồng, quyết định trúng thầu cần được công khai để người dân, cơ quan nhà nước và các tổ chức liên quan có thể kiểm tra, đánh giá.
- Đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức: Các cán bộ quản lý đấu thầu cần được đào tạo về các quy định pháp lý, tiêu chí đánh giá và quy trình đấu thầu để có thể thực hiện công việc một cách chính xác, khách quan.
- Tăng cường công tác tuyên truyền: Đảm bảo rằng các nhà thầu và công chúng hiểu rõ các quy định về đấu thầu, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia đấu thầu. Điều này sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
- Thi hành các hình phạt nghiêm minh: Các hành vi gian lận, tham nhũng, hoặc không tuân thủ các quy định đấu thầu cần được xử lý nghiêm minh. Việc áp dụng các hình thức xử phạt rõ ràng sẽ là một biện pháp răn đe và bảo vệ sự công bằng trong hoạt động đấu thầu.
- Đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Tạo ra các chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của DNNVV để họ có thể tham gia đấu thầu mà không bị loại trừ bởi những yêu cầu không thực tế hoặc quá khắt khe. Điều này sẽ giúp gia tăng sự đa dạng và cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu.
- Hoàn thiện pháp lý về đấu thầu: Các quy định về đấu thầu cần được điều chỉnh và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, giảm thiểu các kẽ hở có thể bị lợi dụng. Quy trình pháp lý rõ ràng sẽ giúp ngăn ngừa các tranh chấp, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong suốt quá trình đấu thầu.
Hoạt động đấu thầu không chỉ là những giao dịch thương mại nó còn thể hiện bản chất của một nền tảng cạnh tranh lành mạnh, giúp các nhà thầu phát huy tối đa năng lực sáng tạo và đổi mới. Để thực hiện được điều này, nguyên tắc bảo đảm công bằng và minh bạch trong đấu thầu cần được thực hiện triệt để. Đấu thầu, ở cốt lõi, là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa các nhà thầu, mỗi nhà thầu đều mong muốn giành được gói thầu thông qua việc thể hiện rõ ràng lợi thế của mình. Chính vì vậy, quy trình và thủ tục đấu thầu phải được quy định một cách chặt chẽ, minh bạch và công bằng. Điều này có nghĩa mọi nhà thầu khi tham gia đều được hưởng cơ hội và điều kiện ngang nhau và không có bất kỳ sự thiên vị nào. Bên mời thầu cũng phải giữ vai trò trung lập và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Đồng thời, trong mỗi cuộc đấu thầu, có nhiều bên liên quan, từ bên mời thầu, nhà thầu tham dự, đến các đơn vị tư vấn, giám sát. Mỗi bên cần phải hoạt động độc lập nhưng đều cần hợp tác trong khuôn khổ của một hệ thống phức tạp. Chính vì thế, pháp luật đấu thầu cần thiết phải tạo ra khuôn khổ để điều chỉnh và kiểm soát những hành vi và mối quan hệ này, nhằm bảo đảm rằng các cuộc đấu thầu diễn ra một cách minh bạch và hiệu quả, đồng thời ngăn chặn những hành vi có thể gây tổn hại đến mục tiêu chung. Trong lý thuyết cạnh tranh, đấu thầu được coi là một cơ chế lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Từ góc độ này, sự hiệu quả trong cơ chế cạnh tranh chỉ được thể hiện khi có một số lượng lớn các nhà thầu tham gia, mỗi bên đều độc lập và không có bất kỳ thỏa thuận nào với nhau.
Một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đấu thầu chính là sự công khai và minh bạch thông tin. Điều này giúp tạo ra một “sân chơi” bình đẳng và giúp giám sát hiệu quả hơn trong từng giai đoạn của quá trình đấu thầu. Việc tạo ra một môi trường đấu thầu công bằng, minh bạch và hiệu quả cần sự quyết tâm từ tất cả các bên liên quan, nhằm đảm bảo rằng mỗi cuộc đấu thầu không chỉ là một cơ hội kinh doanh, mà còn là một biểu hiện của sự thi đua công bằng và sự phát triển bền vững trong nền kinh tế.
Quế Thư
Tin nóng
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
29/11/2024 10:59:14 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH
- Các hình thức đấu thầu phổ biến mới nhất theo quy định hiện nay
26/11/2024 8:54:40 SA
- Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
14/11/2024 2:09:56 CH