Giải pháp nền tảng cho sự phát triển xanh trong đầu tư xây dựng hiện nay
Việc nâng cao ý thức và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giữ vai trò then chốt. Giúp đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm minh, đồng thời sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả. Điều này góp phần ngăn chặn các bất cập, sai phạm có thể xảy ra, giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể và các mục tiêu, lý tưởng chung mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Để thực hiện được điều này, các chủ đầu tư và bên mời thầu cần dành thời gian để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các quy định pháp luật hiện hành, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.
Quá trình lập Hồ sơ mời thầu đóng vai trò quan trọng giúp lựa chọn các đơn vị uy tín, thi công dự án đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để tránh xảy ra những bất cập, sai phạm liên quan, các bên cần hiểu rõ và nắm vững các quy định hiện hành nhằm đảm bảo rằng các yêu cầu được đề ra không chỉ phù hợp với từng loại gói thầu mà còn đáp ứng đúng tính chất và mức độ của từng dự án.
Theo đó, căn cứ khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau: Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây: k)Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật này.
Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 quy định: “Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Một lãnh đạo Công ty Xây dựng cho biết, thực trạng đáng buồn là nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu không đối xử công bằng với nhà thầu, tùy tiện cài cắm các điều kiện riêng trong HSMT để loại nhà thầu mà họ không mong muốn. Việc công khai thông tin đấu thầu đầy đủ sau mỗi cuộc thầu cũng bị “phớt lờ”, nhà thầu phải nhiều lần có ý kiến mới được bên mời thầu công bố vắn tắt. Nhà thầu thực sự cảm thấy mệt mỏi và thất vọng khi các chủ đầu tư xem gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước là “của nhà mình”. Ngay cả hội đồng giải quyết kiến nghị cũng không đưa ra được giải pháp xử lý thỏa đáng nên dù quy trình đấu thầu có bị kết luận sai phạm nhưng chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu vẫn ký hợp đồng và triển khai thi công như chưa có việc gì xảy ra.
Do đó, việc nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu được xem là hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu và bị nghiêm cấm.
Ảnh minh họa/ Internet
Siết chặt quản lý và đảm bảo minh bạch trong xử lý các sai phạm
Việc duy trì một hệ thống đấu thầu minh bạch không chỉ tạo nên sự cạnh tranh công bằng mà còn là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Minh bạch trong đấu thầu giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực, ngăn chặn sự lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước, đồng thời tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà thầu tham gia. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng niềm tin và nâng cao hiệu quả trong quản lý công.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, rất nhiều đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu có những hành vi vi phạm và bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như các vụ việc diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC, hay các vụ án tại Bệnh viện Tim, Sở Giáo dục và Đào Tạo Cần Thơ... Tất cả những vụ việc này là bài học đắt giá cho các cơ quan và đơn vị liên quan trong lĩnh vực đấu thầu.
Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng tôi đã tiến hành thu thập dữ liệu liên quan đến các gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQL quận Thanh Xuân) làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng công trình Mai Linh(Công ty Mai Linh), Công ty Cổ phần tư vấn điện lực và hạ tầng(Công ty điện lực hạ tầng) tại đây. Kết quả thu được là hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch về sự công bằng trong quá trình đấu thầu tại đây.
Công ty Mai Linh có địa chỉ tại Số 73, Ngõ 29/78, Phố Khương Hạ, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội do ông Đặng Tuấn Thịnh là người đại diện pháp luật. Tính tới thời điểm hiện tại nhà thầu này đã từng thực hiện 8 dự án tại BQL quận Thanh Xuân.
Liên quan đến việc trúng thầu Công ty Mai Linh:
Ông Đinh Văn Hải – Giám đốc ký quyết định số 157/QĐ-BQLDA trúng thầu BQL quận Thanh Xuân cho Công ty Mai Linh
Mới đây, ngày 03/12/2024, ông Võ Đăng Dũng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân ký quyết định số 3435/QĐ-UBND cho Công ty Mai Linh trúng Gói thầu số 10: Thi công xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình thuộc dự án: Cải tạo, xây mới khối nhà đa năng Trường THCS Hạ Đình, quận Thanh Xuân với giá gói thầu 54.605.358.367 VND; giá trúng thầu 54.564.227.000 VND.
Ngày 10/09/2024, ông Đinh Văn Hải – Giám đốc BQL quận Thanh Xuân ký quyết định số 157/QĐ-BQLDA cho Công ty Mai Linh trúng Gói thầu số 04: Cải tạo bờ kè và lan can xung quanh ao Dài, ngõ 144 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính; giá gói thầu 8.403.599.435 VND; giá trúng thầu 8.005.621.000 VND, gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự.
Ngày 20/08/2024, ông Đinh Văn Hải – Giám đốc BQL quận Thanh Xuân ký quyết định số 151/QĐ-BQLDA cho Công ty Mai Linh trúng Gói thầu số 04: Cải tạo vỉa hè phố Phương Liệt; vỉa hè, đường dạo ven hồ Sen, phường Phương Liệt; giá gói thầu 6.811.427.000 VND; giá trúng thầu 6.461.565.000 VND, gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự.
Ngày 14/08/2023, ông Đinh Văn Hải – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân ký quyết định số 223/QĐ-BQLDA cho Công ty Mai Linh trúng Gói thầu số 04: Cải tạo đường và thoát nước Khu E, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân; giá dự toán 5.188.654.113 VND; giá trúng thầu 4.935.658.000 VND, gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự.
Tiêu chí HSMT
Điều đáng chú ý các gói thầu kể trên của Công ty Mai Linh trúng thầu tại BQL quận Thanh Xuân đều xuất hiện tiêu chí: “Nhà thầu có địa điểm để đổ phế thải vật liệu xây dựng, xử lý chất thải rắn, địa điểm đó được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc có hợp đồng thoả thuận về địa điểm để đổ phế thải vật liệu xây dựng, xử lý chất thải rắn, địa điểm đó được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.
Quy định về xử lý chất thải rắn, chất thải xây dựng đã được quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Việc cấp các giấy phép đổ thải được phân cấp cho UBND các cấp, cụ thể là các Phòng Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan chức năng phải thẩm định, kiểm tra kỹ trước khi cấp giấy phép. Trong giai đoạn mời thầu, việc xin xác nhận vị trí đổ thải là bất khả thi bởi hồ sơ không đủ điều kiện và thời gian cơ quan thẩm quyền trả hồ sơ vượt quá thời gian lập hồ sơ dự thầu (HSDT).
Nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng tiêu chí này gây khó dễ cho nhà thầu bởi hành trình xin giấy phép đổ thải rất khó khăn, ít nhất phải có quyết định lựa chọn nhà thầu thì mới có cơ sở để trình cơ quan nhà nước xin giấy phép đổ thải.
Một số bên mời thầu khác cho rằng, không thể đẩy cái khó cho nhà thầu có địa điểm để đổ phế thải vật liệu xây dựng, xử lý chất thải rắn, địa điểm đó được cơ quan có thẩm quyền cấp phép từ giai đoạn dự thầu. Có nhiều phương án để bên mời thầu bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường khi tổ chức thi công mà vẫn không hạn chế nhà thầu.
Bên mời thầu chỉ cần yêu cầu nhà thầu cam kết trong HSDT, còn xác nhận của cấp thẩm quyền về bãi đổ thải có thể cung cấp ở nhiều thời điểm hợp lý như: thương thảo hợp đồng, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thậm chí là trước thời điểm khởi công. Vì lúc này, nhà thầu đã có đủ cơ sở pháp lý để xin xác nhận vị trí đổ thải.
Từ những nhận định nêu trên nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng. Trong giai đoạn lập hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu có thể chưa cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, khối lượng cụ thể, loại chất thải rắn phát sinh vì dự án chưa triển khai. Điều này khiến cơ quan thẩm quyền không có đủ căn cứ để thẩm định và cấp phép vị trí đổ thải.
Việc xin xác nhận vị trí đổ thải trong giai đoạn lập HSDT là khó khả thi do thiếu thông tin cụ thể và thời gian xử lý lâu. Do đó cần có những điều chỉnh về quy trình và chính sách để đảm bảo tính thực tiễn, minh bạch. Đồng thời không để làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu và triển khai dự án.
Ngoài ra, nhiều gói thầu mà công Công ty Mai Linh tham gia trước đó tại BQL dự án quận Thanh Xuân qua các năm xuất hiện tình trạng khi chỉ có 1 nhà thầu tham gia như:
Gói thầu số 04: Thi công xây dựng công trình cải tạo bờ kè và lan can xung quanh ao Dài, ngõ 144 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính.
Gói thầu số 4: Thi công xây dựng công trình cải tạo vỉa hè phố Phương Liệt; vỉa hè, đường dạo ven hồ Sen, phường Phương Liệt.
Gói thầu số 4: Thi công xây dựng công trình cải tạo đường và thoát nước Khu E, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.
Gói thầu 4: Thi công xây dựng công trình thuộc dự án Cải tạo đường và thoát nước ngõ 50, 68, 80 phố Ngụy Như Kon Tum và ngõ 140 đường Khuất Duy Tiến (đoạn giao từ ngõ 40 đến ngõ 68 phố Ngụy Như Kon Tum), phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Gói thầu số 4: Thi công xây dựng công trình cải tạo đường và thoát nước ngõ 264 và các ngách 264/2, 69B/39, 69B/45 phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung.
Gói thầu số 5: Thi công xây dựng công trình cải tạo đường và thoát nước ngõ 69A và các ngách 69A/29, 69A/72, 69A/77, 69A/109 phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân.
Gói thầu số 8: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình xây mới Nhà hội họp khu dân cư số 8, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã phải đưa các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia vào diện giám sát và theo dõi để kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đấu thầu, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này cần được giải quyết bằng cách tăng cường kiểm soát quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, đồng thời nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt để loại bỏ những “khuyết điểm” hay “thủ thuật” gây khó khăn cho sự tham gia của các nhà thầu khác. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khắc phục tình trạng thiếu cạnh tranh và nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.
Hiện tại, Công ty Mai Linh đang triển khai đồng thời 5 gói thầu trong một khoảng thời gian ngắn, với tổng giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng đảm bảo nguồn nhân lực, dẫn đến nguy cơ xử lý công việc bị dồn dập và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận. Đây là vấn đề khiến nhiều chuyên gia về đấu thầu bày tỏ sự lo ngại. Để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong hoạt động đấu thầu, cần có sự tham gia quyết liệt và hiệu quả từ các cơ quan chức năng.
Tương tự, về Công ty điện lực hạ tầng có địa chỉ tại số nhà 17, Khu tập thể Viện khoa học Nông nghiệp, Tổ dân phố số 2 (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) do ông Phạm Văn Tỉnh là người đại diện theo pháp luật.
Ông Võ Đăng Dũng – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân quyết định số 1701-UBND trúng thầu cho Công ty điện lực và hạ tầng
Liên quan đến việc trúng thầu Công ty điện lực và hạ tầng:
Vừa qua, ngày 21/06/2024, ông Võ Đăng Dũng – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) ký quyết định số 1701/QĐ-UBND cho Công ty điện lực và hạ tầng trúng gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc dự án Xây mới trường Mầm non tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân với giá 60.001.750.000 đồng, so với giá gói thầu là 61.032.417.600 đồng, tiết kiệm khoảng hơn 1% cho ngân sách nhà nước.
Tiêu chí HSMT
Đáng nói tương tự như trên tại gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị: Thuộc dự án xây mới trường Mầm non tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân trên cũng sử dụng Tiêu chí “Nhà thầu có địa điểm để đổ phế thải vật liệu xây dựng, xử lý chất thải rắn, địa điểm đó được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc có hợp đồng thoả thuận về địa điểm để đổ phế thải vật liệu xây dựng, xử lý chất thải rắn, địa điểm đó được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”
Có thể thấy rằng Công ty Mai Linh và Công ty điện lực và hạ tầng, đều xuất hiện tiêu chí nêu trên. Việc có giấy phép đổ thải trước khi tham gia đấu thầu có thể gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt về mặt thủ tục pháp lý và cạnh tranh. Tiêu chí này nên được điều chỉnh để giảm gánh nặng cho nhà thầu, đồng thời đảm bảo tuân thủ pháp luật và tính minh bạch trong quá trình đấu thầu. Việc thay đổi tiêu chí thành cam kết hoặc hợp đồng nguyên tắc sẽ là giải pháp hợp lý, cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan.
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân kể trên, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Để ngăn chặn, tạo sức răn đe, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp… về công tác đấu thầu nói riêng.
Tăng cường tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong hoạt động đấu thầu là yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu quả công việc, tránh tham nhũng và đảm bảo sự phát triển bền vững trong các dự án đầu tư công. Dưới đây là một số giải pháp có thể áp dụng:
1. Cải thiện quy trình đấu thầu
- Chuẩn hóa quy trình đấu thầu: Các bước trong quy trình đấu thầu cần được xác định rõ ràng và công khai, từ việc thông báo mời thầu, đánh giá hồ sơ thầu, đến quyết định chọn nhà thầu.
- Ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử để tất cả các thông tin, từ thông báo mời thầu đến kết quả đấu thầu, đều được công khai và cập nhật liên tục trên nền tảng điện tử. Điều này giúp tránh việc can thiệp, thao túng thủ tục và tạo sự minh bạch.
2. Tăng cường năng lực giám sát và kiểm tra
- Giám sát độc lập: Thành lập các tổ chức giám sát độc lập, hoặc các cơ quan nhà nước có chức năng để theo dõi quá trình đấu thầu, đảm bảo việc tuân thủ quy định.
- Thực hiện kiểm toán thường xuyên: Kiểm toán kết quả đấu thầu một cách độc lập để phát hiện các sai phạm, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.
3. Nâng cao tính công bằng trong lựa chọn nhà thầu
- Tiêu chí đánh giá rõ ràng: Các tiêu chí đánh giá phải được công khai và áp dụng đồng đều đối với tất cả nhà thầu, tránh trường hợp ưu ái hoặc phân biệt không công bằng.
- Cấm tình trạng “đấu thầu qua mặt”: Các công ty có mối quan hệ gần gũi hoặc “lobby” với các nhà thầu sẽ không được phép tham gia trong một số trường hợp nhất định. Cần có các biện pháp pháp lý để xử lý tình trạng này.
4. Khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu
- Mở rộng phạm vi thông báo mời thầu: Các thông báo mời thầu nên được phát hành rộng rãi, không chỉ qua các kênh thông tin truyền thống mà còn thông qua các nền tảng điện tử, mạng xã hội, và các trang web chuyên ngành.
- Khuyến khích các nhà thầu nhỏ và vừa tham gia: Tạo điều kiện cho các nhà thầu nhỏ và vừa có thể tham gia đấu thầu thông qua việc điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật, tài chính sao cho phù hợp với năng lực của họ.
5. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm
- Cải thiện chế tài xử lý vi phạm: Các hành vi gian lận, thỏa thuận giá cả trái phép, hay hành vi tham nhũng trong đấu thầu cần phải bị xử lý nghiêm minh, công khai và minh bạch.
- Thực hiện công khai kết quả đấu thầu: Sau khi kết quả đấu thầu được công bố, cần có hệ thống tra cứu công khai để các bên có thể kiểm tra, đối chiếu thông tin một cách dễ dàng.
6. Đào tạo và nâng cao nhận thức về đạo đức trong đấu thầu
- Đào tạo cán bộ quản lý đấu thầu: Các cán bộ làm công tác quản lý đấu thầu cần được đào tạo bài bản về đạo đức nghề nghiệp, quy định pháp lý và các kỹ năng quản lý dự án.
- Nâng cao nhận thức cho nhà thầu: Các nhà thầu cũng cần được hướng dẫn về việc tuân thủ các quy định, chuẩn mực về đạo đức trong đấu thầu để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
7. Tăng cường minh bạch thông qua báo cáo và phản hồi
- Công khai thông tin về các hợp đồng: Thông tin chi tiết về hợp đồng đấu thầu, bao gồm giá trị hợp đồng, thời gian thực hiện và nhà thầu trúng thầu, cần được công khai trên các nền tảng trực tuyến hoặc báo cáo định kỳ.
- Công khai các khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại: Nhà thầu có thể phản ánh các vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình đấu thầu, và kết quả xử lý các khiếu nại cũng cần được công khai.
8. Khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong đấu thầu
- Chấp nhận các giải pháp sáng tạo từ các nhà thầu: Để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, có thể xem xét các hình thức đấu thầu sáng tạo hoặc đấu thầu theo phương pháp đánh giá chất lượng ngoài giá thầu, ví dụ như đấu thầu sáng tạo hoặc đấu thầu theo kết quả cuối cùng.
Đấu thầu là những hoạt động quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với nhiều bất cập trong luật lệ và quy trình hiện hành, tiêu cực, vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần nhanh chóng bịt các lỗ hổng quy định và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu thầu.
Tăng cường hình thức đấu thầu rộng rãi: Một trong những phương pháp tối ưu là tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và các hợp đồng sẽ giúp đảm bảo rằng mọi quy trình diễn ra minh bạch, giảm thiểu nguy cơ tiêu cực. Áp dụng công nghệ thông tin nên được ứng dụng tối đa, đặc biệt là hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công và đấu thầu qua mạng (e-procurement). Những nền tảng này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường sự tin tưởng từ cộng đồng vào sự công khai của quy trình.
Tăng cường giám sát và đôn đốc: Để ngăn chặn tiêu cực, việc giám sát đấu thầu thông qua thanh tra, kiểm tra và kiểm toán là rất cần thiết. Hoạt động này cần được triển khai đối với cả các đơn vị mời thầu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tính hợp lệ và chính xác của các thông tin. Đặc biệt, việc công bố thông tin mời thầu cần phải diễn ra kịp thời và chính xác, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia cạnh tranh một cách công bằng.
Đồng thời, UBND các cấp cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp nâng cao trong công tác đấu thầu trên tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu, trong đó chú trọng khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu, giá gói thầu.
Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý trong hoạt động đấu thầu, trong thời gian tới, trong quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình UBND các cấp phê duyệt; yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu xác định rõ trường hợp cần có nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu và đề xuất cử cá nhân hoặc đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu theo đúng quy định.
Phát An
Tin nóng
- Những điểm then chốt trong quản lý đấu thầu cần được thực hiện
30/12/2024 3:01:42 CH
- Giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam
26/12/2024 4:37:52 CH
- Thực hiện pháp luật về chứng thực, từ thực tiễn hoạt động của UBND quận Gò Vấp
26/12/2024 10:57:58 SA
- Tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để không dẫn tới các rủi ro pháp lý trong đấu thầu
19/12/2024 8:50:13 SA
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA