Các động lực phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập

02/07/2025 12:47:10 SA
Share Bai :

Thành phố Hồ Chí Minh mới được kỳ vọng trở thành siêu đô thị đa trung tâm, một cực tăng trưởng vượt trội, trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học và công nghệ, logistics thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 Để đạt được kỳ vọng, tất yếu cần thông qua quá trình tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra một cơ hội lịch sử để kiến tạo một “Thành phố Hồ Chí Minh mới”, với diện mạo không gian và địa giới mới, tạo đà tăng trưởng, phát triển và dư địa cho quá trình phát triển kinh tế.

Để phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần thiết phải chỉ ra các động lực phát triển cơ bản. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày các động lực cơ bản sau: tư duy đổi mới, sáng tạo và phát huy nguồn lực con người; khai thác tối đa hạ tầng vật lý, hạ tầng số; phát huy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Mở ra cơ hội mới cho quá trình hình thành siêu đô thị

Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội thông qua ngày 12/6/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm số tỉnh, thành phố của cả nước từ 63 xuống còn 34. Quyết sách này không chỉ là một quyết định về mặt tổ chức hành chính, mà là cột mốc cải cách sâu sắc, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của tư duy quản trị quốc gia trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.

Việc sắp xếp năm các đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 là cuộc cách mạng tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” được Trung ương thông qua và người dân đồng thuận rất cao, là một cuộc “tái cấu trúc chiến lược” theo chiều sâu, không chỉ dựa vào yếu tố địa lý mà tính đến các tiêu chí hiện đại: Liên kết vùng, hiệu quả kinh tế, khả năng phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng, văn hóa xã hội, đặc biệt là tầm nhìn phát triển quốc gia. Việc sáp nhập đơn vị hành chính năm 2025 là một trong những quyết sách mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời kỳ mới tạo thế và lực để đất nước “vươn mình” phát triển bền vững.

Đây cũng được đánh giá là bước đột phá về tư duy phát triển: thay đổi để tạo lập một trật tự quản trị hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn. Trong đó, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Căn cứ vào Nghị quyết số 202/2025/QH15, Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 6.772,59 km², quy mô dân số là 14.002.598 người.

Sau quá trình sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng đáng kể về không gian địa lý, quy mô dân số và năng lực kinh tế tổng hợp, đây không chỉ là một đô thị trung tâm kinh tế - tài chính mà còn trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ biển hàng đầu cả nước.

Các động lực then chốt tạo đà cho quá trình phát triển của thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập

Theo các chuyên gia, thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập vẫn đang ở một khoảng cách khá xa so với các đô thị toàn cầu hiện hữu, chính vì vậy cần chỉ ra các động lực then chốt tạo đà cho quá trình phát triển của thành phố đó là: tư duy đổi mới, sáng tạo và phát huy nguồn lực con người; khai thác tối đa hạ tầng vật lý, hạ tầng số; phát huy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới làm giàu từ kinh tế biển

Tư duy đổi mới, sáng tạo và phát huy nguồn lực con người

Tư duy đổi mới, sáng tạo là năng lực của con người, trong giai đoạn đất nước chuyển mình hiện nay cần phát huy sức mạnh của Nhân dân trong việc phát huy tư duy đổi mới, sáng tạo, đồng thời khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững, hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân, đưa đổi mới sáng tạo trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức.

Hiện nay, cả nước đang tập trung, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị  về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và người dân trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Thành phố Hồ Chí Minh mới cần cụ thể hoá và triển khai cụ thể Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, có 3 nguồn lực chính để tạo nên sự phát triển của một quốc gia, đó là: nguồn lực thiên nhiên chiếm 15%, nguồn lực sản xuất chiếm 15% và nguồn lực con người chiếm tới 70%.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đến việc đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và tăng lợi thế cạnh tranh. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, đóng góp gần 20% GDP của cả nước. Sau sáp nhập, dân số Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng từ dân số dự kiến từ 14 triệu lên 18 - 20 triệu người giai đoạn 2030 – 2045.

Với lợi thế về dân số đông Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc vươn mình, đổi mới đất nước.

Trong đó, triển khai thực hiện đề án thu hút nguồn nhân lực đã được Thành phố phê duyệt để đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn. Triển khai Chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động đạt chuẩn ASEAN vào năm 2030 và Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố tầm nhìn đến 2050.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong những lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Thành phố.

Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động.

Đẩy mạnh hoạt động dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, gắn kết hệ thống thông tin thị trường lao động Xây dựng, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ người lao động, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức.

Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Nâng cao năng lực hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Khai thác tối đa hạ tầng vật lý, hạ tầng số

Khi quy mô tỉnh, thành phố mở rộng, dân số và diện tích tăng, việc ứng dụng công nghệ vào cung cấp dịch vụ công là tất yếu để bảo đảm tính hiệu quả và tiếp cận rộng rãi. Thành phố Hồ Chí Minh mới cần tiếp tục lộ trình cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và minh bạch hóa hoạt động công vụ; kiến tạo những động lực tăng trưởng mang tính đột phá, trong đó nổi bật là phát triển cụm ngành điện gió, xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Các động lực này phải được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng vật lý đến hạ tầng số, tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh và kinh tế số. Yêu cầu đối với hạ tầng số thành phố Hồ Chí Minh: có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, “xanh”, thông minh, mở và an toàn.

Điều này cũng là tiền đề để thúc đẩy quá trình phân cấp, phân quyền, một trong những nội dung cốt lõi của cải cách thể chế. Khi chính quyền địa phương được giao nhiều quyền hơn, nhưng cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn, hệ thống sẽ tự vận hành theo cơ chế minh bạch, gắn trách nhiệm với quyền hạn cụ thể.

Sau sáp nhập, TP.HCM mới sẽ phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông, kết nối vùng. Ảnh: Batdongsan.com.vn

 Phát huy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân

Tại nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển, những nuớc đang phát triển, cũng như đối với nước ta, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể trên các mặt sau: các doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), ngân sách nhà nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế; góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo ra nhiều công ăn việc làm mới; là tiền đề tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế lớn; làm tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu hiện là khu vực tập trung gần 50% doanh nghiệp tư nhân của cả nước. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia…; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng… Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hoá trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước”.

Để thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập có thể tăng trưởng phát triển bền vững, cần ưu tiên cho phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ rào cản về thể chế, đất đai và vốn cho khu vực kinh tế tư nhân là điều kiện tiên quyết để khơi thông nguồn lực; xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu.

Kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển; Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển

 Để tạo động lực cho kinh tế biển phát triển, đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần có chiến lược phát triển kinh tế biển thông minh, tích hợp và bền vững hơn, duy trì được các chức năng của hệ sinh thái tự nhiên là phát triển nền kinh tế xanh.

Nhiệm vụ đặt ra đó là Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần xây dựng quy hoạch không gian biển tích hợp. Căn cứ vào Nghị quyết số: 139/2024/QH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Quốc Hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần tập trung vào một số khâu đột phá đó là: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển, kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo đa mục tiêu, lưỡng dụng, đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu ứng phó với sự cố môi trường biển, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh; Đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, các-bon thấp, có khả năng chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển; Phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng dưới đáy biển.

Với đường bờ biển dài, hệ thống cảng nước sâu, vùng thềm lục địa rộng lớn và quần đảo Côn Đảo chiến lược, Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập có đủ điều kiện để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế biển và đô thị ven biển. Việc mở rộng ra biển đặc biệt là khai thác tiềm năng khu vực Cái Mép - Thị Vải, không gian kinh tế Cần Giờ - Bà Rịa Vũng Tàu… sẽ tạo điều kiện để Thành phố trở thành trung tâm logistics biển, trung tâm năng lượng, cảng công nghiệp và điểm đến du lịch đường thuỷ quan trọng.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần một chiến lược quy hoạch bài bản, dài hạn, cùng với sự tham gia đồng hành của giới chuyên gia, học thuật và cộng đồng trong việc kiến tạo giải pháp, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm để xây dựng một thành phố hiện đại, đáng sống trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất khi hình thành siêu đô thị mới là khả năng phát triển du lịch theo hướng thông minh và bền vững. Với nền tảng công nghệ và nhân lực từ Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập, đô thị mới này có điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tăng cường công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) đang mở ra kỷ nguyên mới cho ngành du lịch và giải trí. Trong đó quan tâm phát triển quản trị du lịch theo hướng xanh và bền vững.

Không gian đô thị mở rộng giúp quy hoạch thêm các khu vực phát triển dịch vụ - du lịch mới tại vùng ven như Bến Cát, Phú Mỹ, Bình Châu. Nếu định hướng đúng, theo các chuyên gia, ngành du lịch trong siêu đô thị này hoàn toàn có thể trở thành mô hình điểm về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống và tăng trưởng xanh cho toàn vùng.

Như vậy, việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là bước đi chiến lược trong tổ chức bộ máy hành chính mà còn là cơ hội để hình thành một siêu đô thị, động lực mới của vùng Đông Nam Bộ…

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần quan tâm tới các động lực chính được coi là thế mạnh của thành phố đó là: tư duy đổi mới, sáng tạo và phát huy nguồn lực con người; khai thác tối đa hạ tầng vật lý, hạ tầng số; phát huy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong nước và quốc tế, tất yếu phải phát huy vai trò của Hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc kiến tạo những cơ sở, tiền đề mới để hiện thực hoá những động lực này, tạo thế và lực cho thành phố Hồ Chí Minh mới xứng tầm với vị thế và sự kỳ vọng của đất nước và Nhân dân.

TS. Hoàng Thị Thanh, giảng viên chính, khoa Nhà nước và Pháp luật

  • Tags: