Yên Mô (Ninh Bình): Quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

12/08/2024 10:54:26 SA
Share Bai :

Ninh Bình đang là tỉnh có ưu thế về sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như xi măng, gạch tuynel, khai thác khoáng sản. Nhiều công trình đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng tạo đà tăng trưởng kinh tế, nâng cao điều kiện vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế - xã hội thì vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng không tốt đến đời sống cộng đồng.

     Các giải pháp, xu hướng công nghệ mới trong sản xuất VLXD đã được nhiều doanh nghiệp, cơ sở áp dụng, từ đổi mới các vật liệu truyền thống, cải thiện các tính năng sẵn có đến việc tạo ra các vật liệu mới với nhiều tính năng ưu việt. Nhiều loại VLXD thân thiện với môi trường, vật liệu cách âm, cách nhiệt và vật liệu tiết kiệm năng lượng... được ra đời. Đối với vật liệu xây, lợp, các cơ sở đã chú trọng đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu tiết kiệm năng lượng; cải tiến công nghệ gia công, tạo hình và nung để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu. Với vật liệu gạch ốp lát, nhiều loại kích thước lớn, đa dạng về chủng loại, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao, màu sắc hoa văn trang trí hiện đại được sản xuất trên dây chuyển đồng bộ, hiện đại.

     Ngành VLXD cũng đối diện với nhiều thách thức do sự biến động không lường trước của thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra phức tạp. Điều này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức, phụ thuộc vào cách nhìn nhận và cách thức ứng phó của Việt Nam.

   Một số nền kinh tế như Trung Quốc đã cắt giảm mạnh sản lượng các ngành sản xuất tài nguyên không tái tạo, chuyển hướng đến các sản phẩm tinh, có sử dụng công nghệ cao. Việc này mở ra cơ hội cho Việt Nam trong một số lĩnh vực sử dụng tài nguyên khai thác, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nơi xử lý công nghệ và thiết bị thải loại.

Trước thực tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt cả ở trong và ngoài nước, các nhà sản xuất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, đồng thời sử dụng các phương pháp quản trị tiến bộ và hiệu quả để giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên cho đất nước.

     Trong tình hình biến đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang đối diện với nhiều thách thức và cơ hội. Việc chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường và sử dụng công nghệ tiên tiến không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu. Việc phát triển công nghiệp sản xuất VLXD cũng kéo theo vô vàn các hệ lụy khủng khiếp đến môi trường sống của loài người. Vậy nên làm thế nào để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu.

      Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về công tác quản lý môi trường được ban hành nhằm cụ thể hóa các chính sách cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

     Cuối năm 2023  Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình vừa ban hành văn bản số 1000/STNMT-MTBD gửi UBND các huyện, thành phố về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý theo quy định, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng cấp Giấy phép môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và tổ chức thẩm định, cấp Giấy phép môi trường đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền, đảm bảo thời gian theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

      Cùng với đó, rà soát điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; rà soát yêu cầu đơn vị quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; tổ chức triển khai các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quản lý.

     Mặc dù Ninh Bình đã có nhiều chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức về vấn đề môi trường. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh này vẫn còn vi phạm luật bảo vệ môi trường. Môi trường trong khu dân cư, trong khu vực nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại. Bên cạnh những tiêu chí mà tỉnh Ninh Bình đặt ra về công tác Bảo vệ môi trường thì tại huyện Yên Mô vẫn có một số đơn vị vẫn đang đi ngược lại với những tiêu chí trên.

      Điển hình như Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel Mai Sơn, hiện đã được đi vào hoạt động từ năm 2008. Nhưng qua vài năm gần đây Nhà máy gạch Mai Sơn đã cho 2 đơn vị bê tông thuê trên phần dất với diện tích 99.352,3 m2 được UBND tỉnh cho thuê tại Quyết định số: 1825/QĐ-UBND ngày 14/10/2008. Trong đó có Công ty Cổ phần bê tông Thành Đạt và Công ty Cổ Phần bê tông Long Hải.

Hình ảnh của trạm trộn bê tông Thành Đạt

Hoạt động sản xuất của 2 trạm trộn Long Hải trên khuôn viên đất của Nhà máy gạch Mai Sơn.

Qua trao đổi với ông Trần Quang Duẩn – Phó chủ tịch UBND xã Mai Sơn, Vị này cho biết: “Nhà máy gạch Mai Sơn hiện đã dừng hoạt động từ năm 2019 đến nay, hai đơn vị này hiện hoạt động không trong phạm vi quyền hạn của Xã, nên Xã chưa có kiểm tra. Hiện hai trạm trộn này đang hoạt động để phục vụ cho các công trình dân sinh trên địa bàn huyện và các vùng lân cận”.

Thông tin là vậy nhưng theo báo cáo số: 1661/UBND-TNMT ngày 18/07/2024 thể hiện rõ: Về môi trường dự án đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel Mai Sơn với công suất 20 triệu viên/năm, Công ty được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số: 2765/QĐ-UBND ngày 07/12/2007. Qua việc xử lý tông tin báo chí ngày 17/07/2024 UBND huyện Yên Mô phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Toàn Thành; Thành phần gồm: Sở Tài nguyên Môi trường (Thanh tra Sở, Phòng Quy hoạch, Kế hoạch, Định giá đất và giao đất; Chi cục Môi trường và Biển, đảo);  Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Mô; Lãnh đạo và công chức địa chính xã Mai Sơn và đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng Ninh Bình.

Hình ảnh văn bản phúc đáp của UBND huyện Yên Mô tới Tạp chí Môi trường và xã hội

     Qua kiểm tra cho thấy: Nhà máy gạch Mai Sơn không hoạt động sản xuất trên vị trí đất được Nhà nước cho thuê theo Quyết định số: 1852/QĐ-UBND ngày 14/10/2008 của UBND tỉnh. Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng Ninh Bình báo cáo hiện nay trên vị trí đất của Công ty có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 02 Công ty (Công ty Cổ phần bê tông Thành Đạt và Công ty Cổ Phần bê tông Long Hải). Tuy nhiên ở thời điểm kiểm tra đơn vị chưa cung cấp được các hợp đồng hợp tác kinh doanh và 02 trạm trộn này hiện không hoạt động.

     Cũng theo bà Bình – một người dân có thửa ruộng canh tạc ngay sát trạm trộn bê tông Long Hải Và Thành Đạt cho biết: “khi các trạm này hoạt động có thấy nước chảy tràn xuống ngay dòng sông phía sau, tôi nghĩ điều đó cũng một phần ảnh hưởng đến môi trường và việc canh tác của chúng tôi”.

     Theo nghiên cứu của tổ chức Chatham House, nơi tập trung nghiên cứu những vấn đề quốc tế đáng lo ngại, thì quá trình sản xuất bê tông tạo ra từ 4-8% lượng CO2 toàn cầu. Chỉ có ba thứ vượt mặt bê tông trong bảng xếp hạng này, là than, dầu đốt và xăng. Một nửa số CO2 thải ra trong lượng 4-8% kể trên tới từ quá trình sản xuất clinker (Việt Nam ta còn gọi là clanhke), đây là giai đoạn tốn năng lượng nhất trong quy trình làm xi măng. Xả thải CO2 thì dễ hiểu rồi, nhưng những khía cạnh ảnh hưởng tới môi trường khác của bê tông thì vẫn chưa được nghiên cứu triệt để. Bê tông là con quái vật quanh năm khát nước, chiếm tới 1/10 lượng nước sử dụng của ngành công nghiệp toàn cầu. Hậu quả của việc này là thiếu nước uống và nước tưới tiêu, bởi 75% lượng nước ngành xi măng sử dụng đều quanh quẩn ở những khu vực thường xuyên gánh chịu hạn hán.

     Trước thực tế nêu trên có thể thấy rõ rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất bê tông đang bị các cơ quan chức năng ở địa phương xem nhẹ và không tiến hành kiểm tra, xử lý hoặc có tiến hành nhưng vẫn còn hời hợt chưa khách quan, sát sao. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp thì e rằng pháp luật về môi trường vẫn sẽ bị các đơn vị nói trên coi thường. Người chịu thiệt thòi nhất, khổ sợ nhất vẫn sẽ lại là những người dân sinh sống quanh khu vực những đơn vị này!

     Những dự án có sai phạm về đất đai như trên khiến tài nguyên đất đai bị lãng phí. Trách nhiệm chính dẫn tới những vi phạm trên thuộc về chủ đầu tư các dự án. Do nguồn lực tài chính, khả năng thực hiện dự án còn nhiều hạn chế nên chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chưa đúng mục đích. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt rà soát, kiểm tra, thanh tra, qua đó phát hiện, xử lý nhiều dự án có sai phạm về sử dụng đất đai. Tuy nhiên, những dự án vi phạm về đất đai vẫn còn nhiều, có những vi phạm kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiến hành các biện pháp xử lý rốt ráo hơn để ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

                                                                                                                                                                                            Hữu Hảo -  Tuấn Phong