Văn Bàn (Lào Cai): Vai trò đấu thầu trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công

06/09/2024 3:15:49 CH
Share Bai :

Đấu thầu đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nhờ công tác đấu thầu, chủ đầu tư có thể lựa chọn được các nhà thầu với năng lực, kinh nghiệm tốt để thực hiện các dự án.

Thực tiễn cho thấy, vì công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng nên thời gian qua, nhiều quy định, nghị định,…liên quan đã được ban hành. Đơn cử như, ngày 01/01/2024, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực và thay thế Luật Đấu thầu 2013 cũng như văn bản số 6601/VPCP-CN ngày 25/8/2023 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Văn Bàn là huyện miền núi nằm ở phía Nam của tỉnh Lào Cai với điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc thi công và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm đóng vai trò quan trọng, góp phần đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, cũng như phục vụ công tác an sinh, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo dữ liệu từ cổng đấu thầu quốc gia, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Bàn: đã công bố 68 dự án đầu tư phát triển; đã công bố 184 kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 685 gói thầu, trong đó có 21 KHLCNT chưa tìm thấy dự án đầu tư; đã thực hiện mời thầu 120 gói (với 127 thông báo mời thầu); Đã công bố kết quả của 386 gói, hủy thầu 0 gói (trong số các gói thầu ở trên); Có 269 gói có kết quả mà không có TBMT, TBMST; Có 205 gói chưa đăng tải đầy đủ kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó có 201 gói thầu không tìm thấy TBMT; Trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu là: 1,50 nhà thầu; Tỉ lệ lĩnh vực mời thầu: Hàng hoá 3,15%, Xây lắp 70,08%, Tư vấn 23,62%, Phi tư vấn 3,15%, Hỗn hợp 0%, Lĩnh vực khác 0%; Tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là: 858.426.425.218 VNĐ.

Bên cạnh những mặt tích cực, cũng cần nhìn nhận rằng công tác đấu thầu tại huyện Văn Bàn còn xuất hiện nhiều hạn chế, cũng như một số dấu hiệu bất thường về năng lực nhà thầu trong một số gói thầu. Đặc biệt, năm nay, tính đến tháng 4, tiến độ giải ngân của huyện Văn Bàn mới đạt 21% kế hoạch được giao, và là một trong những địa phương chưa đạt tiến độ giải ngân theo cam kết.

Huyện Văn Bàn/ Nguồn: Internet

Khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng

Thực tế cho thấy, các cơ quan pháp luật trong thời gian vừa qua đã và đang rất tích cực trong quá trình điều tra, xét xử, tuyên án nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực đấu thầu. Tất cả thể hiện sự quyết tâm, lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường phòng, chống tham nhũng.

Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; giữa PCTNTC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không phải là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “tranh giành quyền lực” như các đối tượng xấu, thế lực thù địch xuyên tạc.

Với những kết quả nổi bật là: Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 2 vụ án/8 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án/9 bị cáo.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, thành ủy quản lý, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Ninh, An Giang, Kiên Giang,…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024 kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ án, 8 vụ việc; trong đó, phấn đấu đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 6 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Trước thực tiễn đó, thực hiện theo tôn chỉ mục đích của tòa soạn Tạp chí Môi trường và Xã hội trong công tác tham gia nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội; tham gia ý kiến, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như triển khai, phối hợp về thông tin, truyền thông để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội trong việc nghiên cứu, khảo sát số liệu, ghi nhận ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp,….

Trong quá trình khảo sát để lấy các số liệu, thông tin làm minh chứng thực hiện nghiên cứu theo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư xây dựng về quản lý sử dụng nguồn vốn Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến việc trúng thầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Phúc Anh (Công ty Phúc Anh) tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Văn Bàn với nhiều dấu hiệu “bất thường”.

Ông Phạm Văn Cường – GĐ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Văn Bàn ký quyết định phê duyệt cho công ty Phúc Anh trúng thầu

Ngày 27/12/2023, Ông Phạm Văn Cường – GĐ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Văn Bànký quyết định số 296/QĐ-BQL phê duyệt cho công ty Phúc Anh trúng gói thầu số 5: Thi công xây dựng + cung cấp lắp đặt thiết bị hệ thống PCCC dự án Trường THPT số 1 Văn Bàn, huyện Văn Bàn (hạng mục đầu tư chuyển trường vị trí mới) với giá trúng thầu 12.075.495.000 VND; thời gian thi công 350 ngày, sau đấu thầu tiết kiệm cho ngân sách 31.716.000 đồng, bằng 0,26%.

Để trúng gói thầu, nhà thầu kê khai các nhân sự chủ chốt: Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Tiến Dũng, Lý Văn Hạnh, Nguyễn Trần Luật.

Tuy nhiên, tại gói thầu số 3: Thi công xây dựng + cung cấp lắp đặt thiết bị Trường PTDTBT tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát mà công ty Phúc Anh từng được phê duyệt trước đó với giá trị 19.643.224.207 VND, thời gian thi công 420 ngày; nhân sự Nguyễn Mạnh Hùng đã được sử dụng là nhân sự chủ chốt cho gói thầu.

Như vậy, nhân sự Nguyễn Mạnh Hùng là nhân sự chủ chốt được công ty Phúc Anh sử dụng kê khai cho “ít nhất 2 gói thầu” có cùng thời điểm thi công.

Mà theo hướng dẫn tại các Mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu phải đề xuất một số vị trí nhân sự chủ chốt tham gia thực hiện gói thầu theo yêu cầu của HSMT. Theo đó, nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp, đáp ứng các yêu cầu quy định tại HSMT và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

Theo quy định tại nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng như luật đấu thầu mới nhất: “Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì nhà thầu không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu E-HSDT của nhà thầu sẽ bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 (từ ngày 01/01/2024 nội dung này được thay thế tại khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023) và bị xử lý cấm thầu từ 03 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP”.

Công ty Phúc Anh sử dụng một nhân sự chủ chốt kê khai cho nhiều gói thầu có cùng thời điểm thi công

Đặc biệt, nhìn lại một số gói thầu công ty Phúc Anh từng trúng những năm trước đó tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Bàn cũng từng xuất hiện những dấu hiệu “bất thường, trùng lặp nhân sự” tương tự, đơn cử như:

Ngày 22/10/2021, công ty Phúc Anh được phê duyệt trúng gói thầu thi công xây dựng trường tiểu học Sơn Thuỷ. Nhà thầu kê khai các nhân sự gồm: Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Tiến Dũng, Nguyễn Trần Luật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Tiến Dũng, Nguyễn Trần Luật cũng là nhân sự được nhà thầu kê khai trong 2 gói thầu khác có cùng thời điểm thi công tại thời điểm đó, gồm: gói thầu Thi công xây dựng công trình Sắp xếp Chợ Văn hóa Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (trúng thầu T10/2021). Gói thầu thi công xây dựng công trình Kè chống sạt lở trường PTDTBT TH số 2 xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (trúng thầu T8/2021). 

Lại nói về năng lực của công ty Phúc Anh hiện nay, nhà thầu còn đang cùng lúc thực hiện một số gói thầu khác như: Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy Dự án cải tạo, nâng cấp Tòa nhà Viettel Hải Phòng với giá trị 4.837.068.992 VND; Gói thầu Thi công cải tạo và lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC tại Tổng trạm Viettel Pháo Đài Láng với giá trị 20.595.913.850 VND. Gói thầu số 4: Thi công xây dựng + cung cấp lắp đặt thiết bị dự án Trường THPT số 1 huyện Si Ma Cai, hạng mục: Nhà lớp học + bộ môn, nhà ký túc xá số 1, số 2, ngoại thất và các hạng mục phụ trợ, phòng cháy, chữa cháy với giá trị 40.408.288.000 VND.

Theo nhiều chuyên gia về đấu thầu: Việc nhà thầu sử dụng nhân sự chủ chốt cho gói thầu đã từng trúng trước kê khai cho gói thầu trúng sau trước hết là chưa phù hợp quy định của luật đấu thầu, có thể bị cấm thầu từ 3 – 5 năm; cũng như phần nào phản ánh năng lực của nhà thầu có nhiều dấu hiệu bất thường. Cùng với đó, hiện nay công ty này còn đang cùng lúc thi công nhiều gói thầu khác với giá trị nhiều tỷ đồng, việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra là việc cần thiết, quan trọng. Từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm khắc, đúng quy định góp phần đảm bảo công tác đầu tư công được diễn ra minh bạch, cũng như tạo sức răn đe đối với các đơn vị khác trên địa bàn.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố hàng loạt vụ án, bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét để điều tra vụ án "Đưa, nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng... Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An; Tập đoàn Phúc Sơn và CTCP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân), Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận (EVN Bình Thuận) và các đơn vị, tổ chức có liên quan….

Trước đó năm 2023, hàng loạt vụ án đã bị khởi tố và đưa ra xét xử như vụ án “vi phạm quy định về đấụ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng; vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, gần đây là Giáo dục và Đào tạo Hà Giang… Các cáo trạng đều thể hiện hành vi thông thầu giữa các nhà thầu dự thầu, hầu như các hồ sơ dự thầu được 1 nhà thầu xây dựng, “lót đường” cho đơn vị trúng thầu. Những hành vi này được hợp thức hóa thông qua sự làm ngơ của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư.

Thông thầu là một trong những điều cấm được hình thành rất sớm trong Luật Đấu thầu các giai đoạn trước cũng như định hình rõ nét trong Luật Đấu thầu 2023. Tuy nhiên, thực tế, không ít chủ đầu tư, nhà thầu vẫn xem nhẹ và cố tình vi phạm, dẫn tới giảm hiệu quả công tác đấu thầu, các đối tượng liên quan vướng lao lý.

Ý nghĩa, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn tại huyện Văn Bàn kể trên, có thể thấy việc Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đến sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia,... Ngược lại, nếu sử dụng nguồn vốn này lãng phí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tiễn đầu tư công giai đoạn 2011- 2019 cho thấy: Đầu tư Nhà nước đã phát huy vai trò trong những giai đoạn kinh tế khó khăn và là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng...

Tuy nhiên, công tác đầu tư công thực tế cũng còn đối mặt với những khó khăn, thách thức như sự hiểu biết hạn chế về pháp luật đấu thầu, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, và áp lực về tiến độ dự án,... Điều này xuất phát từ những nguyên nhân như:

Thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công; vẫn còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian trong hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công. Có nhiều văn bản mới, nhiều sự thay đổi về cơ chế, chính sách này dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai,…

Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến việc phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức...

Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đầu tư công, đặc biệt là công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như:

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công. Đặc biệt, cần thể chế hóa sâu hơn nữa việc trao quyền (phân cấp chính trị và hành chính) cho các bên liên quan. Thực hiện cơ chế ngân sách trọn gói hoặc trợ cấp đối ứng trên nguyên tắc khuyến khích tinh thần tự chủ, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công và thực hiện dự án.

Nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng đầu tư công. Quy định rõ ràng trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan chính quyền Nhà nước mỗi cấp trước kết quả quản lý đầu tư công của cấp đó. Đổi mới công tác thanh tra, giám sát tài chính trong toàn bộ quá trình quản lý tài chính công. Phải đảm bảo tiếng nói của người dân phải được lắng nghe và phản hồi. Cần có cơ chế hiệu lực để người dân truyền đạt ý nguyện và các ưu tiên tới chính quyền; người dân phải có quyền giám sát, phản ánh, đòi hỏi...

Với trách nhiệm là định hướng, cung cấp thông tin cho người dân để có cái nhìn khách quan nhất. Tạp chí Môi trường và Xã hội rất mong đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của doanh nghiệp trên tinh thần đúng quy định của pháp luật, cũng như góp phần giúp các cơ quan quản lý có những thông tin phản ánh sát sao nhất.

BTV