TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

11/09/2024 12:20:15 CH
Share Bai :

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta di sản vĩ đại, giá trị trường tồn cùng dân tộc đó là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong đó, tư tưởng của Người về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã đặt nền móng lý luận, xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và công tác công an bảo vệ bí mật nhà nước nói riêng ngày một hoàn thiện như ngày hôm nay. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước nhà, Người luôn quan tâm đến việc giữ gìn an toàn bí mật của cách mạng. Trong những dịp đi kiểm tra, khảo sát, thăm hỏi bộ đội, chiến sĩ, cán bộ, nhân dân các đơn vị, địa phương, Người thường xuyên huấn thị, căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, mất tập trung, phải tuyệt đối giữ gìn bí mật. Người còn có nhiều bài viết đăng trên các báo cách mạng để tuyên truyền, huấn thị chúng ta về công tác phòng gian, bảo mật, như: bài “Giữ bí mật” với bút danh A.G, đăng trên báo Sự Thật, số 97, ngày 30-7-1948; bài “Phải giữ bí mật” ký tên X.Y.Z., đăng trên báo Sự Thật, số 134, ngày 1-6-1950; bài “Giữ bí mật” ký tên C.B đăng trên Báo Nhân Dân, số 40, ngày 10-1-1952; bài  “Phải giữ bí mật của Nhà nước” với bút danh C.B đăng ngày 1-2-1956; bài “Cảnh giác” với bút danh T.L đăng ngày 23-12-1959. Người khẳng định: “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch”, “Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này”.


Tòa đàm về công tác bảo vệ bí mật nhà nước luôn được đặt lên hàng đầu tại các cơ quan 

Nghiên cứu các bài viết của Người, chúng ta thấy Bác đã nắm bắt, phân tích, dự báo, chỉ ra hạn chế, sơ hở, nguyên nhân, biện pháp khắc phục trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Bác phân tích rất cụ thể, chi tiết, chỉ ra phương pháp dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện trong công tác bảo mật, phòng gian, tạo nền tảng cho các thắng lợi cách mạng sau này.

Người phân tích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn nhận thấu đáo về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chiếm đoạt bí mật nhà nước. Bác nêu thẳng vấn đề “Tình báo địch hoạt động như thế nào?” và Bác giải thích để cán bộ, đảng viên hiểu rằng “Nó nghe ngóng tin tức, tìm tòi tài liệu quân sự, chính trị, kinh tế của ta. Nó dò xét địa điểm các cơ quan, kho tàng, nhà máy, trường học, v.v. của ta. Biết rồi, thì chúng tìm mọi cách để phá hoại. Bọn đế quốc dùng từ toà đại sứ cho đến các hiệu buôn làm cơ quan tình báo. Tình báo địch lợi dụng đủ các hạng người làm tay sai cho chúng; những người quý tộc "sang trọng", những cô đầu nổi tiếng xinh đẹp và hát hay, những người mượn tiếng dạy học hoặc truyền đạo, những người buôn bán, những bọn du côn. Nhiều khi chúng lợi dụng cả trẻ em”. Đồng thời Người chỉ ra nhiều sơ hở, thiếu sót cơ bản của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong công tác bảo mật như: “Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra vǎn kiện bí mật”. “Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể xem, có thể thấy”. “Mang vǎn kiện bí mật về nhà xem. Xem vǎn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình. Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn... Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói. Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật”. “Các báo chí thì kém cẩn trọng trong việc đǎng tin tức và trong lời bình luận”. “Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ǎn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch”. Và nguyên nhân của sự yếu kém này Người chỉ ra rằng “Ta chưa biết dùng cách luôn luôn khuyên rǎn nhắc nhủ mọi người giữ bí mật”. Theo tư tưởng của Người, việc giữ bí mật, trước hết là cán bộ, nhân viên, bộ đội phải giữ bí mật sau đó “phải giải thích và huấn luyện cho nhân dân, từ cụ già đến em bé, đều biết giữ bí mật.  Nếu không có nhân dân giúp giữ bí mật, thì bí mật chỉ giữ được một phần”. Do đó, Người đã đưa ra giải pháp cho chúng ta trong công tác bảo vệ bí mật là “Tất cả các cơ quan, bộ đội, tất cả các đoàn thể phải phụ trách thiết thực huấn luyện cho binh sĩ, cán bộ và nhân dân điều lợi, điều hại và cách giữ bí mật. Mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ. Ở các phòng giấy, các đình làng, các hàng quán, các trường học, các nhà máy và những nơi nhiều người qua lại, phải có những khẩu hiệu nhắc mọi người giữ bí mật”. “Các bộ máy tuyên truyền, các báo chí, phải thường nhắc đến vấn đề giữ bí mật. Cuộc thi đua ái quốc cũng phải chú trọng đến vấn đề giữ bí mật”. “Hễ thấy ai hay bô lô ba la, không biết giữ bí mật thì phê bình cảnh cáo, thậm chí phải xử phạt”. Người kết luận: chúng ta phải tuân theo Sắc lệnh của Chính phủ; phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Làm như vậy thì Mặt trận tin tức của ta sẽ thắng lợi.

 Quán triệt tư tưởng của Người “Những vǎn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”. Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng”, nhất là trong tình hình hiện nay, trước âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi chống phá Việt Nam trên mọi lĩnh vực của các thế lực thù địch thì việc học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ bí mật nhà nước phải được đẩy mạnh thực hiện thường xuyên, liên tục trong toàn hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, lực lượng Công an nhân dân tiên phong, gương mẫu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước (là đơn vị trực thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an) đã quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ đã lãnh đạo đơn vị tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư, công văn về bảo vệ bí mật nhà nước, như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 1991, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg, ngày 06/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm, Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ BMNN trong tình hình mới, Thông tư số 12/2002/TT-BCA, ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước…

Cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, là cơ sở pháp lý cao nhất, vững chắc đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, bảo vệ an toàn bí mật nhà nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Năm 2015, Phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước đã tổ chức tổng kết Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước (Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001), đánh giá: việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của các cấp, các ngành, cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Một là, về thể chế: (1) Khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng; (2) Phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; (3) Đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa bảo đảm tính khả thi; (4) Thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật bí mật nhà nước còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai minh bạch; (5) Chưa quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước nên việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định về bảo vệ bí mật nhà nước còn hạn chế; (6) Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Theo thống kê, từ khi Pháp lệnh có hiệu lực, phát hiện hơn 1000 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động...

Hai là, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong khi đó, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân chỉ mới được quy định ở văn bản pháp lý cao nhất là Pháp lệnh. Vì vậy, xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sẽ bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật Cơ yếu đã ban hành.

Ba là, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cần thiết phải xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm bảo đảm sự tương thích với các Hiệp định bảo vệ tin mật giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam, thúc đẩy hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong phối hợp chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Trên cơ sở tính cấp thiết của yêu cầu xây dựng hệ thống phát luật nêu trên, Đơn vị đã tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ngày 15/11/2018, tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2018/QH14) và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/11/2018 thay thế Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10; Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Bộ Công an ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BCA, ngày 10/3/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời để khắc phục những sơ hở, bất cấp trong thời kỳ giao thoa giữa thực thi Pháp lệnh và Luật, đơn vị kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay.

Một số hoạt động trao đổi về bí mật nhà nước giữa các quốc gia



Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay. Việc xây dựng Luật dựa trên cơ sở tổng kết toàn diện thực tiễn thực hiện Pháp lệnh; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; kế thừa những quy định còn phù hợp; luật hóa một số quy định của Chính phủ đã được thực tế kiểm nghiệm phù hợp và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Luật đã tham khảo có chọn lọc pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.

Luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 28 điều; quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật được xây dựng trên nguyên tắc: lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân; việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam soi sáng mọi đường lối cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta; giúp Đảng ta tổ chức lực lượng, lãnh đạo các giai tầng xã hội giành thắng lợi trong mọi cuộc các mạng, xây dựng và phát triển đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Quán triệt học tập và làm theo tư tưởng của Người, Phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước đã đoàn kết, kỷ cương, đổi mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần chiến tích vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng./.

Trần Cường

  • Tags: