Lục Nam - Bắc Giang: Đâu là lời giải cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường?

12/08/2024 10:41:48 SA
Share Bai :

Trong quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông thương phẩm phát sinh ra nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường như: Bụi phát sinh từ quá trình tập kết, đổ nguyên vật liệu (cát, sỏi, đá, xi măng); từ khu vực silo xi măng, hệ thống băng tải nguyên vật liệu. Nước thải sản xuất phát sinh từ quá trình vệ sinh cối trộn, vệ sinh máng đổ bê tông, rửa xe...Chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp... Nếu các nguồn gây ô nhiễm này không được xử lý theo quy định sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm trộn bê  tông về môi trường, đất đai, tài nguyên nước. Tạp chí Môi trường và Xã hội (Moitruongxahoi.vn) đã triển khai nhiều bài tham luận khoa học. Với mục đích đưa ra những cái nhìn khách quan, đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, nâng cao công tác quản lý, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thực hiện Luật bảo vệ môi trường của các trạm trộn bê tông.

     Bê tông tươi là một trong những vật liệu xây dựng phổ biến nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng bê tông tươi mang lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Bê tông thương phẩm còn gọi là bê tông trộn sẵn, là một hỗn hợp gồm cốt liệu cát, đá, xi măng, nước và phụ gia theo những tỷ lệ tiêu chuẩn để có sản phẩm bê tông với từng đặc tính cường độ khác nhau, được sản xuất và chuyển giao dưới dạng sản phẩm cho người tiêu dùng ở trạng thái chưa cứng rắn.

     Các yêu cầu về chất lượng bê tông thương phẩm phải tuân theo quy định này hoặc thỏa thuận của khách hàng, nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật như: Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007; Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quy chuẩn QCVN 16:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Tiêu chuẩn TCVN 9340:2012 Hỗn hợp bê tông trộn sẵn - Yêu cầu cơ bản đánh giá chất lượng hoặc phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế đã được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng.

     Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo tích cực quản lý về môi trường cũng như xử lý các vi phạm xảy ra trên địa bàn, nhận được sự quan tâm, ghi nhận của nhân dân. Bên cạnh đó tại huyện Lục Nam, mặc dù người dân và dư luận đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe các hộ dân gần khu vực trạm trộn từ hoạt động của trạm trộn bê tông thuộc hộ kinh doanh của ông Nguyễn Quang Thao. Thế nhưng đến nay đã rất lâu trôi qua, mọi nỗ lực của các cấp chính quyền huyện Lục Nam lại chỉ đang nằm trên giấy. Điều này đang đi ngược lại chủ trương của Tỉnh?

Trạm trộn bê tông Phú Giang của hộ kinh doanh của ông Nguyễn Quang Thao.

Dân bức xúc vì trạm trộn liên tục gây ô nhiễm môi trường

     Trước đó, với mong muốn đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Nam nói riêng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ và cung cấp thông tin về hoạt động của khu liên hợp các trạm trộn bê tông thương phẩm và bê tông nhựa nóng (bê tông asphalt) tại thôn Chiến Thắng xã Yên Sơn huyện Lục Nam của ông Nguyễn Quang Thao. Theo người dân đơn vị này đang có "dấu hiệu" chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làm cho người dân luôn phải đối diện với cảnh bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe do nước thải và chất thải công nghiệp xả ra môi trường.

Vị trí xả thải của các đơn vị đang hợp tác kinh doanh với hộ kinh doanh của ông Nguyễn Quang Thao.

 

Bã bê tông thừa trong quá trình hoạt động được các đơn vị xả trực tiếp ra mặt hồ.

 

     Cụ thể qua phản hồi báo cáo từ UBND huyện Lục Nam, căn cứ báo cáo số 439/BC-UBND huyện Lục Nam ngày 21/12/2023 cho thấy: Chất thải rắn sản xuất: phát sinh chủ yếu là bãi thải bê tông khoảng 0,5m3/ngày, được hộ kinh doanh Nguyễn Quang Thao sử dụng san lấp mặt bằng tại chỗ vì khu vực này trước đây sản xuất gạch thủ công trũng; chất thải rắn khác như: bao bì, bìa cát tông... được thu gom, phân loại và bán phế liệu để tái chế. Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất bê tông nhựa nóng chủ yếu là các thùng phi chứa nhựa đường được đơn vị cung cấp thu gom, tái sử dụng. Tuy nhiên, chưa bố trí kho lưu chứa trước khi được thu gom.

     Nước thải sản xuất: phát sinh từ quá trình trộn bê tông, rửa phễu trộn và rửa xe bồn, khối lượng, khối lượng khoảng 2m3/ngày; hộ kinh doanh Nguyễn Quang Thao chưa xây dựng hệ thống bể lắng để thu gom, xử lý trước khi thải ra hồ khu nước thải tái sử dụng theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận. Hoạt động sản xuất bê tông nhựa nóng không phát sinh nước thải sản xuất. Hộ kinh doanh Nguyễn Quang Thao chưa thực hiện đúng các nội dung như: xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn khu sản xuất bê tông theo kế hoạch môi trường được UBND huyện Lục Nam phê duyệt.

      Dù kết quả kiểm tra đã rõ ràng như vậy tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại dù còn gặp rất nhiều vướng mắc về công tác bảo vệ môi trường nhưng đơn vị này vẫn  ngang nhiên hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật hiện hành, vẫn hằng ngày hằng giờ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân mà không bị các cơ quan chức năng huyện Lục Nam xử lý dứt điểm?

Cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

     Theo khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm về bảo vệ môi trường sau đây:

- Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

 Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày 01/01/2020;

- Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020;

- Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020;

- Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;

- Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;

 - Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

     Trước thực tế nêu trên có thể thấy rõ rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất bê tông đang bị các cơ quan chức năng ở địa phương xem nhẹ và không tiến hành kiểm tra, xử lý hoặc có tiến hành nhưng vẫn còn hời hợt chưa khách quan, sát sao. Hẳn những bức xúc của dư luận về tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy sản xuất bê tông trên địa bàn gây ra sẽ còn kéo dài. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp tỉnh thì e rằng pháp luật về môi trường vẫn sẽ bị các đơn vị nói trên coi thường. Người chịu thiệt thòi nhất, khổ sợ nhất vẫn sẽ lại là những người dân sinh sống quanh khu vực những đơn vị này!

 

Bã bê tông thừa trong quá trình hoạt động được các đơn vị xả trực tiếp ra mặt hồ.

     Cơ sở pháp lý đã rất rõ ràng tuy nhiên việc những cơ sở gây ô nhiễm môi trường tồn tại tới bao giờ và khi nào được chấn chỉnh thì lại cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Đó không chỉ là điều mong mỏi của bà con thôn Chiến Thắng xã Yên Sơn huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang mà còn là của các địa phương khác nữa.

Hữu Hảo – Tuấn Phong