VAI TRÒ CỦA VIỆC DUY TRÌ ĐA DẠNG SINH HỌC TRONG RỪNG NGUYÊN SINH

02/11/2021 4:41:07 CH
Share Bai :

Trong lịch sử nhân loại, từ là khi con người chuyển sang làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp độc canh, chúng ta thường nghĩ rằng các loài động vật (nhất là các côn trùng) sống dựa vào cây chủ yếu là gây hại cho cây. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các loài động vật sống dựa vào cây không gây hại cho cây, thậm chí giúp cho cây có sự phát triển bền vững và ổn định.

Động vật phong phú từ vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Ảnh Internet

Điều này được Peter Wohlleben (người Đức) giải thích và làm rõ trong nghiên cứu của mình. Ông là một người quản lý lý rừng và là tác giả viết về các chủ đề sinh thái bằng ngôn ngữ phổ thông.

        Hầu hết các loài động vật chỉ sử dụng thân và tán cây làm ngôi nhà theo sở thích riêng - nơi cung cấp ổ sinh thái cho chúng, nhờ vào lượng ẩm và ánh sáng biến đổi. Rất nhiều chủng loài động vật chuyên biệt được tìm thấy dưới các tán cây, đặc biệt là ở những tầng cao hơn của rừng rậm.

        Các tán cây rừng thậm chí còn chứa cả những môi trường sống ngập nước chuyên biệt. Khi một thân cây tách ra để hình thành một chạc ba, nước mưa sẽ tụ lại chỗ mà thân cây tách ra. Vũng nước nhỏ xíu này là nhà của những loài ruồi tí hon - thức ăn của những loài bọ hiếm. Động vật sẽ khó sống được trong những hốc cây bị tụ nước. Hốc cây thì tối tăm, và nước ở các vũng đọng nước trên thân cây thì lên men, ẩm mốc và chứa rất ít oxy. Ấu trùng phát triển trong nước không thể thở được ở những nơi như vậy, trừ khi chúng được trời phú cho sẵn ống thở như loài ruồi giả ong. Nhờ vào chiếc ống thở có thể sống sót ở những nơi như thế. Vi khuẩn hầu như là thứ duy nhất khuấy động trong những vùng nước này, vì vậy chúng hiển nhiên trở thành nguồn thức ăn của ấu trùng.

        Trong tự nhiên, khi một cây bị chết đi, hệ sinh thái quanh cây sẽ thay đổi đột ngột. Động vật và nấm sống phụ thuộc vào cây đó vốn vẫn đều đặn bơm ẩm vào gân lá hay đường vào tán cây giờ phải rời khỏi xác cây hoặc chết đói. Với trường hợp này, một hệ sinh thái thu nhỏ đi vào kết thúc hay mới chỉ là khởi đầu? Chúng ta cùng tìm hiểu để giải đáp cho câu hỏi này.

Đối với một thân cây bị chết, nó vẫn vô cùng cần thiết cho chu kỳ sống trong rừng giống như khi cây xanh còn sống. Tại sao có thể khẳng định được như vậy? Chúng ta đều biết, trong hàng thập kỷ, cây hút dinh dưỡng từ đất và trữ các chất này trong gỗ và vỏ cây. Các chất này trở thành nguồn tài nguyên quý giá của các cây con. Nhưng cây con không có cách tiếp cận trực tiếp những dưỡng chất chứa trong thân thể cây bố mẹ đã chết. Để tiếp cận được nguồn dưỡng chất này, cây non cần đến sự trợ giúp của những sinh vật khác. Ngay khi thân cây gãy gục xuống nền đất, cây cùng hệ thống rễ của nó sẽ trở thành nơi tiếp sức cho hàng ngàn loài nấm và côn trùng. Mỗi loài đều chuyên trách về một giai đoạn cụ thể trong quá trình thối rữa và về một phần cụ thể trên cây. Đây là lý do vì sao những loài này không bao giờ có thể trở thành mối nguy cho một cây còn sống. Những sợi gỗ mềm và những tế bào ẩm mốc - đây là những món chúng thấy rất ngon miệng. Các sinh vật này từ tốn chậm rãi cả trong bữa ăn lần trong vòng đời của chúng, ví dụ như bọ vừng. Bọ vừng trưởng thành chỉ sống vài tuần, vừa đủ thời gian để giao phối. Phần lớn cuộc đời của loài vật này trải qua dưới dạng ấu trùng - loại từ từ ăn xuyên qua phần rễ bở vụn của cây rụng lá đã chết. Nó có thể mất đến 8 năm mới đủ lớn và đủ mập để phát triển thành nhộng.

Các loài nấm ngoặc đơn cũng sống chậm rãi như vậy. Chúng có tên này vì chúng mọc chìa ra từ thân cây chết, trông như một chiếc kệ được làm từ một nửa chiếc đĩa vỡ. Nấm tai đỏ là một ví dụ. Chúng ăn những sợi xen-lu-lô (cellulose) màu trắng trong gỗ, để lại những vụn nâu là bằng chứng chúng từng dùng bữa ở đây. Tai nấm của loại này gắn chặt vào thân cây gọn gàng theo góc ngang. Đây là cách duy nhất đảm bảo những bào tử sinh sản sẽ rơi ra chầm chậm từ những ống nhỏ ở mặt dưới của nó. Nếu thân cây mục mà nấm đang gắn chặt sụp đổ hẳn vào một ngày nào đó, nấm sẽ đóng kín các ống tiếp tục mọc theo hướng vuông góc với thân nấm trước đây của nó, nhằm hình thành một nấm mới.

Một số loài nấm chiến đấu khốc liệt để giành chỗ ăn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trên khúc gỗ chết đã bị xẻ thành nhiều mảnh. Chúng ta sẽ thấy những kết cấu vân cẩm thạch tạo nên bởi mô có màu nhạt hơn và màu đậm hơn được phân tách rõ ràng bởi những đường màu đen. Những sắc thái màu sắc khác nhau chỉ ra những loài nấm khác nhau đang phấn đấu vươn lên bên trong gỗ. Chúng bảo vệ lãnh thổ của mình trước những loài nấm khác bằng hợp chất polymer sẫm màu, không thể xuyên thủng được.

Theo nghiên cứu và thống kê của các nhà khoa học, tổng cộng có một phần năm các loài động thực vật (tức vào khoảng sáu nghìn loài mà chúng ta đã biết đến) sống phụ thuộc vào gỗ chết. Lý do là gỗ chế vẫn hữu ích cho chúng và có vai trò tái tạo lại chất dinh dưỡng. Nhưng gỗ chết có thể trở thành mối đe dọa cho khu rừng không? Xét đến cùng, nếu không có đủ lượng gỗ chết nằm quanh đó, thì các sinh vật này có thể sẽ ăn luôn cây sống để thay thế. Chính vì suy nghĩ như vậy, mọi người thường dọn tất cả các thân cây đã chết ở trong các khu rừng. Tuy nhiên, những hành động này là không cần thiết vì tất cả những khúc gỗ chết bị dọn đi đều là những môi trường sống giá trị bị phân hủy, vì gỗ sống không có ích lợi gì đối với những sinh vật sống trong gỗ chết. Với chúng, gỗ chết không đủ mềm, quá ẩm ướt, và chứa quá nhiều đường. Những cây khỏe mạnh mọc trong khu vực tự nhiên của chúng có thể chống chọi được hầu hết các cuộc tấn công nếu chúng được ăn uống đầy đủ. Đôi khi, những khúc gỗ chết cũng mang lại lợi ích trực tiếp cho cây, ví dụ như khi một thân cây ngã xuống và trở thành chiếc nôi cho cây con của mình. Loại gỗ mềm, mục rữa này trữ nước đặc biệt tốt, và một số chất dinh dưỡng tích trong nó cũng đã được giải phóng ra ngoài nhờ vào nấm và côn trùng. Chỉ có một rắc rối nhỏ đó là: thân cây chết không thể thay thế vĩnh viễn cho đất, vì nó vẫn đang liên tục rã ra, cho đến một ngày nó sẽ hoàn toàn phân hủy thành đất mùn trên nền rừng. Vậy khi ấy điều gì sẽ xảy ra cho cây non. Rễ của chúng bị lộ ra và chúng mất đi nơi nâng đỡ, nhưng vì quá trình này diễn ra trong hàng thập kỷ, nên rễ sẽ theo sau phần gỗ phân hủy kia và cắm xuống nền đất.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy trong tự nhiên, tất cả các loài vật đều có môi liên hệ với nhau trong một hệ sinh thái bền vững. Đối với mỗi cây trồng cũng như cả cánh rừng trong tự nhiên cũng vậy, các loài từ vi sinh vật nhỏ nhất, các loài nấm, cho đến côn trùng, các cây cỏ... tạo nên một tiểu hệ sinh thái. Trong hệ sinh thái đó, mỗi loài sinh vật đều mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, bất kỳ loài nào tăng lên và giảm đi quá mức đều ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái. Chính vì vậy, chúng ta không nên quan tâm đến cây cối chỉ đơn thuần vì nguyên nhân vật chất hoặc kinh tế, chúng ta cũng nên quan tâm đến chúng vì sự kỳ diệu nho nhỏ của chúng đem lại. Dưới tán cây xanh, những việc sự việc kịch tính hàng hàng và những "câu chuyện tình yêu" cảm động đang diễn ra. Và trong tương lai, một ngày nào đó "ngôn ngữ" của cây được giải mã, đem lại cho chúng ta những câu chuyện tuyệt vời hơn nữa trong cuộc sống.

Thanh Vân

  • Tags: