Ô nhiễm không khí từ các làng nghề truyền thống

26/07/2020 11:41:14 SA
Share Bai :

MT&XH - Ô nhiễm khí thải từ các làng nghề có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí chưa nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng cho đến chính quyền địa phương.

Tình trạng báo động hiện nay

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vốn nổi tiếng với những sản phẩm gỗ tinh xảo được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, có một thực tế, hoạt động sản xuất càng phát triển thì không khí ở khu vực này càng bị ô nhiễm.

Bụi gỗ phát sinh trong các công đoạn như: Cưa, xẻ, bào, trộn lẫn cùng với những bụi sơn, dung môi phát tán ra không khí ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Theo các chuyên gia, chất lượng không khí tại một số làng nghề như làng tái chế giấy Phong Khê và làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cũng đang ở mức báo động. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cũng chỉ ra, 100% mẫu không khí tại đây có hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép.

Đi dọc quốc lộ 18 đoạn qua địa phận huyện Phong Khê, người đi đường cũng dễ nhận thấy không khí tại khu vực này luôn trong tình trạng mờ ảo như một lớp sương bao phủ. Đó là tại khu vực này có hàng trăm ống khói lớn nhỏ ngày đêm nhả khói đen thải trực tiếp ra môi trường mà không có bất kì sự kiểm soát nào.

Trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người dân, một số làng nghề đã có những chuyển đổi để hạn chế lượng khí phát thải ra môi trường, bản thân những người dân tại Bắc Ninh cũng đã tìm kiếm những giải pháp để giải quyết ô nhiễm bụi khí nhưng gặp nhiều khó khăn.

Ô nhiễm khí thải từ các làng nghề có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. (Ảnh minh họa: Interner)

GS.TS Hoàng Xuân Cơ- Giảng viên khoa Môi trường, Trường Đại học khoa học tự nhiên cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí làng nghề nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung, trước hết cần phải xác định được đối tượng gây ô nhiễm và đối tượng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. 

Một số ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam có đầy đủ nguồn nhân lực và trang thiết bị để thực hiện quan trắc nhưng đến nay vẫn còn rất ít những nghiên cứu về ô nhiễm không khí của các làng nghề. Bởi vậy, để có thể đưa ra những giải pháp căn cơ, phù hợp với từng làng nghề, thì nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm và những tác động môi trường do ô nhiễm không khí tại làng nghề gây ra là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ô nhiễm khí thải từ các làng nghề có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí chưa nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng cho đến chính quyền địa phương.

Cần thay đổi về tư duy quản lý

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Tp.HCM… mà trở thành mối quan tâm của nhiều địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, nơi có nhiều làng nghề tái chế đang hoạt động. 

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các làng nghề tái chế trong việc tận thu, tái sử dụng chất thải góp phần giảm một lượng lớn chất thải công nghiệp và sinh hoạt ra môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, đa phần các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tái chế có quy mô nhỏ, sử dụng những công nghệ lạc hậu, thiếu sự kiểm soát về sử dụng vật liệu đốt thiếu kiểm soát nên phát sinh nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường. 

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.000 ca tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, có không ít những người dân sống tại những làng nghề tái chế. Số liệu năm 2018 của Trạm y tế xã Văn Môn cho thấy, mỗi năm tại địa phương này – nơi có làng tái chế nhôm Mẫn Xá, luôn có trên dưới 20 người tử vong vì ung thư, trong đó có nhiều người ung thư phổi, ung thư vòm họng, hô hấp.

Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại các làng nghề?

Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các làng nghề, cũng giống như nhiều vấn đề ô nhiễm khác là phải giải quyết tại nguồn, nơi xảy ra phát thải.

Chỉ khi, chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận thức được, để đổi lại doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm của họ, thì có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân sống trong làng xã của họ đang đánh cược sức khỏe, cuộc sống của mình bởi những cột khói đen bốc lên mỗi ngày, thì khi ấy, họ mới thay đổi. 

Đổi mới công nghệ sản xuất và áp dụng các phương pháp xử lý khí thải tại các cơ sở sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp loại bỏ những công đoạn thủ công gây ô nhiễm môi trường. Nhưng để làm được điều này, ngoài sự sẵn sàng thay đổi của các chủ sản xuất, rất cần sự hỗ trợ về khoa học kĩ thuật từ các chuyên gia, tổ chức khoa học hay hiệp hội các làng nghề.

Dưới góc độ một doanh nghiệp có nhà máy hoạt động tại làng nghề, Giám đốc Công ty TNHH Tre Việt, xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Cương cho rằng: “Bản thân người dân và doanh nghiệp rất khó tự xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, xuất phát từ đặc thù hoạt động sản xuất tại các làng nghề đa phần là của các doanh nghiệp nhỏ, phân tán trong khu dân cư. Do đó, tôi mong muốn huyện Thanh Oai và thành phố hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và công nghệ mới, để bảo đảm vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường”.

Với vai trò quản lý của mình, chính quyền địa phương phải là người hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của các làng nghề, cũng cần phải có sự thay đổi. Trước hết là thay đổi cách nhìn nhận, coi hoạt động của các làng nghề là hoạt động sản xuất công nghiệp thay vì hoạt động nông nghiệp như trước đây.

Thứ hai, chính quyền địa phương cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát ô nhiễm không khí dựa trên quan điểm của kinh tế môi trường. Thực hiện những biện pháp kiểm soát lượng khí phát thải của các làng nghề không làm mất đi công ăn việc làm của người lao động mà là giải pháp phát triển kinh tế bền vững về lâu dài. 

Giải quyết ô nhiễm bụi khí làng nghề nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung không chỉ là vấn đề ngày một ngày hai, mà cần có một chiến lược, kế hoạch lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Một số thông số về ô nhiễm làng nghề đáng báo động tại Hà Nội:

Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...

Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường…

Phương Thảo (T/h)