Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
Việc nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng đóng vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo các quy định được thực hiện một cách nghiêm túc, nguồn ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả, đúng quy định. Từ đó, tránh những bất cập, sai phạm có thể xảy ra kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể và mục đích, lý tưởng chung của Đảng và Nhà nước.
Chỉ thị số 24/CT-TTg nêu rõ, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ đã ban hành các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Việc ban hành các văn bản nêu trên trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu những nhận thức về đấu thầu không được kịp thời nắm bắt, hiểu rõ và thực thi, rất có thể sẽ khiến các chủ đầu tư, nhà thầu vướng phải nhiều bất cập liên quan, dẫn đến sai phạm, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa, chất lượng của dự án, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, việc phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật về đấu thầu càng trở lên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhà thầu sử dụng hồ sơ giả, tài liệu giả, gian lận để tham gia đấu thầu, bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, quy định về hành vi gian lận trong đấu thầu như sau:
4. Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:
a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Và khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì:
Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này (*).
(*) Điểm a khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm:
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm hành vi dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu.
4. Gian lận bao gồm các hành vi:
• Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu.
• Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định tại mục 18.5, Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT thì:
Nhà thầu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu trong các trường hợp sau đây:
…
- Nhà thầu có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023.
…
Hình ảnh minh họa/ Nguồn Internet
Như vậy, việc sử dụng hồ sơ giả, tài liệu giả để tham gia đấu thầu được xem là một hành vi gian lận và nhà thầu cần tránh xa. Gian lận trong đấu thầu không chỉ khiến nhà thầu mất đi cơ hội trúng thầu mà còn gây ra những hậu quả khôn lường như: mất uy tín, bị cấm thầu, thậm chí bị xử lý hình sự khi vướng vào vòng lao lý. Đặc biệt, Trong thời đại số, việc kiểm chứng thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Vì vậy, gian lận trong đấu thầu rất dễ bị phát hiện và sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tăng cơ hội hợp tác lâu dài, các nhà thầu cần hết sức thận trọng, đảm bảo tất cả thông tin trong hồ sơ dự thầu là chính xác, trung thực.
Minh bạch và xử lý nghiêm nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, các cơ quan pháp luật đã làm việc tích cực và mạnh mẽ trong việc điều tra, xét xử, tuyên án nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực đấu thầu. Điều này cho thấy sự kiên quyết của Chính phủ trong việc loại bỏ tham nhũng và tiêu cực, nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch.
Điển hình như vụ việc diễn ra tại công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định có trách nhiệm trong nhiều vụ án. Đặc biệt, theo cáo trạng, ngoài Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh" trong đấu thầu, gồm Công ty MOPHA do bố đẻ của bà Nhàn đứng tên thành lập và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty CP Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột của bà Nhàn làm tổng giám đốc; Công ty CP tư vấn Công nghệ cao. Bà Nhàn còn thuê một số công ty để làm "quân xanh" dự thầu. Với mỗi gói thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã lập ra "ma trận" cài cắm "quân xanh" để AIC và các công ty do AIC chỉ định thâu tóm 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai. Kết quả, ngoài nhà thầu, nhiều lãnh đạo chủ đầu tư liên quan cũng vướng vòng lao lý.
Hay như vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn cũng soi rọi nhiều góc khuất, khiến nhiều lãnh đạo cấp cao các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi,… bị khởi tố.
Tất cả là bài học đắt giá cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác đấu thầu, tránh những nguy cơ sai phạm có thể xảy ra. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Để có cái nhìn khách quan nhất về công tác đấu thầu đang diễn ra. Từ đó, có những nhìn nhận thực tế về những hạn chế còn tồn tại cũng như những khó khăn của chủ đầu tư, nhà thầu,…đang vướng phải. Qua quá trình thu thập dữ liệu làm minh chứng, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến việc trúng thầu của Công ty TNHH MTV Sỹ Hà Tây Bắc (công ty Sỹ Hà Tây Bắc) do ông Trần Dũng Sỹ - Chủ tịch kiêm Giám đốc trên địa bàn tỉnh Sơn La, đơn cử như tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mường La (Ban Quản lý dự án huyện Mường La),...
Gói thầu Thi công xây dựng công trình: Đường giao thông nội bản Huổi Tóng, xã Chiềng Lao, huyện Mường La có nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 với giá gói thầu 8.406.854.000 VND.
Tuy nhiên, đáng chú ý, ngày 2/2/2024 đóng thầu, thì luôn trong ngày 2/2/2024, công ty Sỹ Hà Tây Bắc được phê duyệt trúng thầu (Theo quyết định số 122/QĐ-BQLDA do ông Đinh Đại Thanh – GĐ Ban Quản lý dự án huyện Mường La ký).
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng: “Quá trình chấm thầu và có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 1 ngày cần đặc biệt quan tâm,mặc dù không có luật nào cấm. Tuy nhiên, việc chấm thầu là một bước quan trọng quyết định gói thầu có lựa chọn nhà thầu với năng lực, kinh nghiệm phù hợp để thực hiện gói thầu. Việc đánh giá nếu như không được thực kỹ càng, cẩn thận kéo theo nhiều sai sót và nhiều hệ quả liên quan”.
Ngày đóng thầu cũng là ngày có quyết định phê duyệt cho công ty Sỹ Hà Tây Bắc trúng thầu
Tại gói thầu, nhà thầu kê khai các nhân sự chủ chốt gồm ông Chu Việt Quế, Nguyễn Thế Trương.
Tuy nhiên, thực tế, Nhân sự Chu Việt Quế trước đó đã được Công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai cho gói thầu có cùng thời điểm thi công, gói thầu số 06: Thi công xây dựng + thiết bị Hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch cho một số cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (giai đoạn I) với giá trị 17.572.241.000 VND (Theo quyết định số 1702/QĐ-UBND do ông Lù Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Yên Châu ký ngày 12/10/2023), có thời gian thi công 300 ngày.
Nhân sự Nguyễn Thế Trương sau đó tiếp tục được công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai cho gói thầu khác, có cùng thời điểm thi công, gói thầu thi công xây dựng Đường GTNT từ xã Cà Nàng (bản Phát) - xã Chiềng Khay (bản Nà Mùn) huyện Quỳnh Nhai (Theo quyết định số 76/QĐ-DANN do ông Nguyễn Văn Thể - GĐ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La ký ngày 24/4/2024).
Nhân sự được công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai cho gói thầu Thi công xây dựng công trình: Đường giao thông nội bản Huổi Tóng, xã Chiềng Lao, huyện Mường La có nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025
Gói thầu Thi công xây dựng công trình: Kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư bản Lướt xã Ngọc Chiến, huyện Mường La có nguồn vốn Dự phòng ngân sách Trung ương và Ngân sách huyện với giá gói thầu 74.708.039.000 VND, giá dự toán (chưa được công bố), đóng thầu ngày 31/5/2024.
5 ngày sau đó, tức ngày 5/6/2024, Công ty Sỹ Hà Tây Bắc tiếp tục được phê duyệt trúng thầu với giá 71.619.475.000 VND (theo quyết định số 965/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Tâm – Phó chủ tịch UBND huyện Mường La ký).
Tại gói thầu, công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai các nhân sự Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Văn Trụ.
Tuy nhiên, nhân sự Nguyễn Văn Hiếu còn được nhà thầu kê khai cho gói thầu từng trúng trước đó, trùng thời gian thi công, gói thầu số 07: Thi công xây dựng tuyến kè; Đảm bảo giao thông; Đường thi công, vận hành; thoát nước sau kè; bến lên xuống (bến rửa); gia cố cuối kè, lan can bảo vệ… và các loại thuế phí tài nguyên môi trường với giá trị 84.754.000.000 VND, (theo quyết định do Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp ký ngày 22/12/2023), gói thầu có thời gian thi công 840 ngày.
Nhân sự được công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai cho gói thầu Thi công xây dựng công trình: Kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư bản Lướt xã Ngọc Chiến, huyện Mường La có nguồn vốn Dự phòng ngân sách Trung ương và Ngân sách huyện
Ngoài ra, tại một số gói thầu công ty Sỹ Hà Tây Bắc từng trúng trước đó tại một số Chủ đầu tư khác trên địa bàn tỉnh Sơn La, hiện nay vẫn trong thời gian thi công cũng xảy ra trường hợp tương tự.
Đơn cử như: Ngày 22/12/2023, ông Vũ Văn Quân – Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp ký quyết định phê duyệt cho công ty Sỹ Hà Tây Bắc trúng gói thầu số 07: Thi công xây dựng tuyến kè; Đảm bảo giao thông; Đường thi công, vận hành; thoát nước sau kè; bến lên xuống (bến rửa); gia cố cuối kè, lan can bảo vệ… và các loại thuế phí tài nguyên môi trường với giá trị 84.754.000.000 VND.
Ngoài nhân sự Nguyễn Văn Hiếu trùng lặp với một số gói thầu kể trên, nhà thầu có các nhân sự chủ chốt gồm: Ông Đậu Anh Tuấn, Phạm Huy Hoàng. Cả 2 nhân sự này cũng được nhà thầu kê khai cho gói thầu số 06: Thi công xây dựng + thiết bị Hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch cho một số cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (giai đoạn I) với giá trị 17.572.241.000 VND.
Ngoài ra, nhân sự Phạm Huy Hoàng còn được nhà thầu kê khai cho gói thầu Đường GTNT từ xã Cà Nàng (bản Phát) - xã Chiềng Khay (bản Nà Mùn) huyện Quỳnh Nhai với giá trị 141.902.231.000 VND.
Như vậy, các nhân sự Chu Việt Quế, Nguyễn Thế Trương, Nguyễn Văn Hiếu, Đậu Anh Tuấn, Phạm Huy Hoàng là nhân sự được nhà thầu công ty Sỹ Hà Tây Bắc kê khai cho ít nhất 2 gói thầu có cùng thời điểm thi công như kể trên.
Theo quy định, việc nhà thầu “gian lận” có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 đến 05 năm,…
Liên quan đến việc “gian lận trong hồ sơ dự thầu”, theo thống kê sơ bộ, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến T4/2024, có tới 9 nhà thầu bị cơ quan chức năng thông báo cấm tham gia hoạt động đấu thầu vì có hành vi không trung thực, gian lận, diễn ra tại các tỉnh, trong đó có 3 trường hợp bị cấm thầu ở cấp UBND tỉnh, có 2 nhà thầu bị cấm thầu ở cấp Ủy ban nhân dân huyện, 1 nhà thầu bị cấm thầu tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi, 1 nhà thầu bị cấm thầu tại Ủy ban nhân dân xã Hồng Việt (Đông Hưng, Thái Bình); 1 nhà thầu bị cấm thầu tại bệnh viện dệt may.
Theo một chuyên gia đấu thầu, trong 9 nhà thầu vừa bị cấm thầu đầu năm 2024, có những trường hợp gian lận được phát hiện trong giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu nên không làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp nhà thầu gian lận “lọt lưới” và thực hiện xong hợp đồng. Cấm thầu từ 3 năm - 5 năm là cái giá đắt mà các nhà thầu có hành vi gian lận phải trả bởi nó là “vết đen” về uy tín, danh dự, thu hẹp cánh cửa cơ hội việc làm đối với nhà thầu.
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như việc trúng thầu của công ty Sỹ Hà Tây Bắc tại huyện Mường La nói riêng và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Đặc biệt, việc tiếp tục nâng cao, phổ biến kiến thức cho các đơn vị đóng vai trò then chốt như chủ đầu tư, nhà thầu, các nhân sự thực hiện đấu thầu càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Cùng với đó, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết để răn đe và cảnh tỉnh.
Triển khai đồng bộ 11 giải pháp nâng cao hiệu quả đấu thầu
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có văn bản yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch/tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai đầy đủ, đồng bộ nhóm 11 giải pháp do Bộ KH&ĐT đề xuất.
Theo đó, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là nhà thầu tại các dự án quan trọng, trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt dự án), đảm bảo dự án có tính khả thi, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, tổng công ty, tập đoàn nhà nước chỉ đạo người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan, đơn vị thẩm định chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ quản lý, triển khai các quy định pháp luật về đấu thầu để tổ chức thực hiện việc đấu thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, trách nhiệm được giao... Đồng thời chỉ đạo bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị thực hiện việc giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đảm bảo đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình kiến nghị, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, gói thầu.
Cùng với đó, phải chủ động, tăng cường kiểm tra chuyên đề về đấu thầu (không lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác) và giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu không qua mạng, gói thầu áp dụng chỉ định thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát hiện, xử lý những thiếu sót, vướng mắc, khó khăn, tồn tại; tăng cường áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu để kịp thời phát hiện các hành vi nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu và có biện pháp chấn chỉnh.
Quế Thư
Tin nóng
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH
- Các hình thức đấu thầu phổ biến mới nhất theo quy định hiện nay
26/11/2024 8:54:40 SA
- Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
14/11/2024 2:09:56 CH
- Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Thành phố Hà Nội
14/11/2024 11:07:42 SA