NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ, GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG CHO SINH VIÊN HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN KHI SỬ DỤNG INTERNET
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó Internet và các tiện ích công nghệ trở thành công cụ không thể thiếu, đặc biệt đối với sinh viên – thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Đối với sinh viên Học viện An ninh Nhân dân (ANND) – những cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân tương lai – việc trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng và lập trường tư tưởng rõ ràng là yêu cầu cấp thiết. Bài viết đi sâu vào việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên Học viện ANND khi sử dụng Internet, góp phần xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh mới.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh chuyển đổi số, Internet không ngừng mở ra những cơ hội tiếp cận tri thức cũng như đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho sinh viên. Đặc biệt là sinh viên Học viện ANND – những người cán bộ chiến sĩ tương lai của đất nước. Các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng Internet để lan truyền những thông tin sai lệch, xuyên tác chủ trương, đường lối, chính sácg của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đa phần người sử dụng Internet nhằm mục đích làm suy giảm niềm tin vào hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng cho sinh viên Học viện ANND khi sử dụng là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết và là nhiệm vụ chiến lược nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Bằng việc thực hiện các phương pháp nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được những kết quả tích cực mà sinh viên Học viện ANND Internet.
2. Thực trạng bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng của sinh viên Học viện An ninh nhân dân trên Internet
Bản lĩnh là khả năng vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, đồng thời đó còn là lòng tin và quyết tâm, sự vận dụng khéo léo năng lực ứng biến trước những thăng trầm của thời cuộc. Bản lĩnh là một phẩm chất quan trọng, thể hiện sự mạnh mẽ, kiên định và khả năng làm chủ bản thân trước mọi nghịch cảnh. Xét theo nghĩa chung nhất “bản lĩnh là một đức tính tự quyết quyết định, tự định đoạt một cách độc lập không bị chi phối bởi áp lực hay hoàn cảnh bên ngoài”. Theo Đại Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên) năm 2010 đưa ra định nghĩa về “bản lĩnh” là “khả năng và ý chí kiên định của con người trước mọi hoàn cảnh”.
Bản lĩnh chính trị là khả năng kiên định, tự tin, ý chí mạnh mẽ, kiên cường của cá nhân hoặc của cả tổ chức trong việc đưa ra quyết định và hành động phù hợp với lý mục tiêu, lý tưởng chính trị, cách mạng, bất chấp mọi thách thức, áp lực từ mọi sự biến chuyển của xã hội. Bản lĩnh chính trị là biểu hiện của sự vững vàng về tư tưởng, sự nhạy bén trong nhận thức về các vấn đề chính trị, cùng với khả năng kiên trì, trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn để bảo vệ và thực hiện các lợi ích chung của giai cấp, dân tộc và quốc gia.
Sinh viên học viên ANND đã có nhận thức chính trị rõ ràng và tinh thần trách nhiệm cao. Bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng là yếu tố cốt lõi giúp sinh viên giữ vững quan điểm đúng đắn khi sử dụng Internet. Trước sự bùng nổ và lan truyền nhanh chóng của thông tin trên Internet, trong đó có cả những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, sinh viên đã thể hiện được sự tỉnh táo, kiên định với tư tưởng chính trị của mình. Đa số sinh viên được đào tạo bài bản và đều nắm được các nền tảng lý luận như chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phần lớn sinh viên Học viện ANND có nhận thức chính trị rõ ràng, hiểu biết sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Sinh viên học viện thể hiện sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, giữ vững lập trường tư tưởng ngay cả khi tiếp cận các thông tin trái chiều trên Internet. Nhận thức được điều này, đa số sinh viên Học viện ANND đánh giá cao vai trò của bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng khi sử dụng Internet trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch. Sinh viên nhận thức được rằng, trong thời đại số hóa, khi tham gia sử dụng Internet, bản lĩnh chính trị không chỉ thể hiện qua sự kiên định về lập trường tư tưởng mà còn qua khả năng phân tích, đánh giá thông tin, có tư duy phản biện và chọn lọc thông tin một cách khoa học. Kết quả qua 300 phiếu khảo sát sinh viên Học viện ANND cho thấy, có tới 76,3% sinh viên tự đánh giá cho rằng bản thân đã có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng “vững chắc” hoặc “khá vững chắc”. Điều này cho thấy nhận thức chung về tầm quan trọng của bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững chắc trong thời đại số hóa là khá cao. Trong quá trình học tập và rèn luyện, sinh viên đã từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng ở những khía cạnh sau:
Một là, Đảng ủy, Ban Giám đốc, giảng viên và các đơn vị trong Học viện đã quán triệt và triển khai hiệu quả công tác giáo dục bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho sinh viên, tích cực định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị trong tình hình mới. Công tác này đã góp phần củng cố lập trường tư tưởng, giúp sinh viên vững vàng trước các tác động của không gian mạng, nhận diện và đấu tranh hiệu quả với những thông tin sai lệch, xấu độc trên Internet.
Hai là, Sinh viên có ý thức cao hơn trong việc kiểm chứng và tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, không dễ dàng bị dụ dỗ, tin vào những nội dung xuất hiện trên Internet mà chưa có sự kiểm chứng, kiểm định từ các nguồn tin chính thống.
Ba là, thông qua kết quả khảo sát, có 7,7% sinh viên tham gia khảo sát cho rằng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng cho sinh viên khi sử dụng Internet là bình thường, ngược lại có tới 66,7% và 25,6% sinh viên nhận định rằng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng cho sinh viên khi sử dụng Internet là rất quan trọng và quan trọng.
Bốn là, trong mọi giai đoạn lịch sử, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng luôn luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong việc giáo dục và đào tạo sinh viên Học viện ANND. Song song với việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng mang yếu tố cốt lõi và xuyên suốt nhằm củng cố hệ tư tưởng và xây dựng đội ngũ cán bộ chiến sĩ CAND vững về lý luận, kiên định về lý tưởng cách mạng.
Năm là, các đơn vị như Khoa, Bộ môn, Đoàn Thanh niên và Phòng Quản lý học viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho sinh viên thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa. Theo kết quả khảo sát, có 54% sinh viên đánh giá hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị là “rất tích cực” và 30,3% đánh giá là “khá tích cực”.
Sáu là, sinh viên Học viện đã tích cực tham gia phản biện và bảo vệ quan điểm đúng đắn. Một bộ phận sinh viên đã chủ động tham gia vào các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc về Đảng, Nhà nước và các giá trị của dân tộc. Nhiều sinh viên có tư duy phản biện, khả năng sử dụng lý luận sắc bén, lập luận khoa học để phản biện các luận điệu tiêu cực.
3. Giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng trong quá trình sử dụng internet của sinh viên Học viện An ninh nhân dân hiện nay
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được ở trên, bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng của sinh viên Học viện an ninh nhân dân khi sử dụng Internet không thể tránh khỏi tồn tại một số tồn tại và hạn chế nhất định. Những thách thức này xuất phát từ sự phức tạp của môi trường mạng cũng như liên quan đến nhận thức và thái độ của một bộ phận sinh viên. Các vấn đề đó tồn tại chủ yếu tập trung vào các khía cạnh dưới đây:
Một là, một bộ phận sinh viên còn chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng khi sử dụng Internet.
Kết quả khảo sát thể hiện sinh viên Học viện ANND có mức độ sử dụng Internet khá cao. Có tới 34% sinh viên dành ra 5 – 7 giờ mỗi ngày để sử dụng Internet, 12% sử dụng trên 7 giờ. Điều này phản ánh một thực tế rằng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của sinh viên, đặc biệt là trong học tập, tiếp cận thông tin và giải trí. Tuy nhiên, dù sử dụng Internet với tần suất khá cao nhưng mức độ quan tâm đến các nội dung giáo dục bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các sinh viên. Theo khảo sát, so với 26,3% sinh viên rất quan tâm và thường xuyên theo dõi những thông tin giáo dục chính trị tư tưởng trên các nền tảng khi sử dụng Internet trong tổng 300 sinh viên tham gia khảo sát thì có một bộ phận không nhỏ sinh viên thờ ơ, coi nhẹ và chưa nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác này.
Theo khảo sát, 31,3% sinh viên có xem nhưng ít quan tâm đến các nội dung này, thậm chí có 14,7% sinh viên không quan tâm. Vì vậy, mặc dù Internet đã trở thành một công cụ quan trọng trong đời sống sinh viên, nhưng vẫn tồn tại thực trạng một bộ phận sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của bản lĩnh chính trị khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng. Việc sử dụng Internet với tần suất cao nhưng thiếu sự quan tâm đúng mức đến các nội dung chính trị – tư tưởng có thể dẫn đến nguy cơ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, thiếu tư duy phản biện và dễ bị ảnh hưởng bởi các luồng quan điểm sai lệch. Từ đó dễ lung lay, dao động, thậm chí là tin theo các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch đang xuất hiện tràn lan trên Internet hiện nay.
Trước thực trạng đó, việc nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho sinh viên Học viện ANND khi sử dụng Internet trở thành một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt khi sinh viên chính là lực lượng nòng cốt trong tương lai, trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Để đào tạo ra những cán bộ CAND “vừa hồng vừa chuyên”, sinh viên cần được bồi dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị một cách toàn diện, vững chắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hai là, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho sinh viên chưa thực sự đổi mới, chưa tận dụng triệt để tiến bộ công nghệ vào công tác giáo dục chính trị – tư tưởng. Công tác giáo dục bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho sinh viên vẫn còn tồn tại hạn chế, trong đó sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý sinh viên tại Học viện chưa theo kịp xu thế chuyển đổi số. Mặc dù Internet và các nền tảng công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, nhưng việc ứng dụng các công cụ trực tuyến vào giảng dạy chính trị – tư tưởng vẫn chưa thực sự phổ biến và hiệu quả.
Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân vẫn chủ yếu tiếp cận và nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng thông qua các phương thức truyền thống như hội thảo, tọa đàm (39,3%) hay qua giảng viên, thầy cô (26,3%). Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên tiếp cận thông tin qua các trang mạng chính thống chỉ đạt 27%, cho thấy việc tận dụng Internet và các nền tảng số trong công tác giáo dục chính trị – tư tưởng chưa thực sự phổ biến. Đặc biệt, việc tiếp nhận từ bạn bè, đồng nghiệp chỉ đạt 7,4%, phản ánh sự lan tỏa kiến thức chính trị – tư tưởng trong môi trường học tập còn hạn chế. Những con số này cho thấy công tác giáo dục chính trị vẫn thiên về cách tiếp cận truyền thống, chưa khai thác triệt để tiềm năng của công nghệ số, trong khi đây là kênh thông tin quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Ba là, Một số cán bộ quản lý sinh viên chưa thực sự phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ sinh viên trong việc tiếp cận thông tin chính thống, rèn luyện bản lĩnh chính trị trên không gian mạng. Việc giám sát, quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng trên môi trường số vẫn chưa được triển khai bài bản, còn mang tính hình thức. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên chưa có nhiều kênh tương tác chính thức để trao đổi, học tập, tranh luận về các vấn đề chính trị – xã hội trên Internet, khiến họ dễ bị tác động bởi các nguồn thông tin không chính thống. Theo khảo sát, 40,3% sinh viên cho rằng họ đã được đào tạo, hướng dẫn kĩ năng nhận diện và xử lý thông tin sai lệch trên Internet nhưng chưa được sâu và kỹ càng. Điều này cho thấy mặc dù đã có những chương trình đào tạo về vấn đề này, nhưng mức độ tiếp thu và hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Bốn là, một bộ phận sinh viên vẫn phải tự tìm hiểu hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ về cách phân biệt thông tin chính thống và thông tin sai lệch trên mạng. Điều này khiến họ dễ bị tác động bởi các luận điệu xuyên tạc, thông tin giả mạo hoặc các chiến dịch tuyên truyền sai lệch của các thế lực thù địch. Việc thiếu một phương pháp đào tạo bài bản và chuyên sâu có thể dẫn đến tình trạng sinh viên tiếp nhận thông tin một cách thụ động, thiếu khả năng phân tích và phản biện, từ đó ảnh hưởng đến bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của họ.
Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn sinh viên Học viện An ninh Nhân dân đều được tham gia vào các buổi thảo luận, hội thảo về nhận thức chính trị và kỹ năng sử dụng Internet. Tuy nhiên, khi xét về hình thức tham gia, phần lớn sinh viên chỉ được tiếp cận qua các hoạt động tổ chức trực tiếp tại Học viện, trong khi đó tỷ lệ tham gia qua các nền tảng số, nhóm học tập trực tuyến hoặc câu lạc bộ chuyên môn vẫn còn hạn chế . Điều này phản ánh thực tế rằng việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục chính trị – tư tưởng vẫn chưa thực sự được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Năm là, mặc dù Internet là công cụ hữu ích để phổ biến các kiến thức chính trị – tư tưởng, nhưng các nội dung giáo dục hiện nay chưa được chuyển hóa thành các hình thức trực tuyến hấp dẫn, phù hợp với xu hướng tiếp nhận thông tin của sinh viên.
Học viện chưa có nhiều chương trình đào tạo trực tuyến chuyên sâu, chưa có các diễn đàn trao đổi học thuật mở rộng, cũng như chưa khai thác triệt để các nền tảng truyền thông đa phương tiện để nâng cao hiệu quả tiếp cận. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên vẫn bị giới hạn trong phương thức học tập truyền thống, thiếu môi trường học tập chính trị linh hoạt trên không gian mạng. Theo kết quả khảo sát, khi được tiếp cận với các giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng khi sử dụng Internet, có tới 72,3% cho rằng nó vẫn chưa đủ hấp dẫn và phù hợp với xu hướng tiếp nhận thông tin của sinh viên. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các diễn đàn trao đổi trực tuyến cũng khiến sinh viên chưa có nhiều cơ hội để thảo luận, phản biện và tiếp cận đa chiều về các vấn đề chính trị – tư tưởng.
4. Kiến nghị một số giải pháp góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng khi sử dụng Internet cho sinh viên học viện ANND.
Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng mặc dù sinh viên có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin, tài liệu liên quan đến công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trên Internet. Tuy nhiên, sự hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục chính trị – tư tưởng đã làm giảm hiệu quả tiếp cận, chưa thực sự giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng tự học, tự bồi dưỡng lập trường tư tưởng trong môi trường số. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của không gian mạng, việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng cho sinh viên Học viện ANND là nhiệm vụ cấp thiết. Nhóm tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, Tăng cường vai trò của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện và các đơn vị nhà trường và giảng viên trong định hướng tư tưởng cho sinh viên. Thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch giáo dục chính trị sát với tình hình thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện trong từng giai đoạn. Việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, tọa đàm về giữ vững bản lĩnh chính trị trong không gian mạng, cập nhật những thách thức mới đối với sinh viên CAND là vô cùng quan trọng.Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng trong Học viện như Khoa, Bộ môn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Phòng Quản lý học viên cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động bồi dưỡng chính trị cho sinh viên. Các đơn vị này không chỉ đóng vai trò tổ chức mà còn cần tạo điều kiện để sinh viên tham gia thảo luận, phản biện và nâng cao nhận thức thông qua các diễn đàn chính trị, câu lạc bộ tư tưởng và các hoạt động thực tiễn.
Đối với đội ngũ giảng viên, cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để sinh viên tiếp cận kiến thức một cách chủ động và hiệu quả hơn. Giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người định hướng tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên, giúp họ có khả năng nhận diện và đấu tranh với các luận điệu sai trái trên không gian mạng. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng các tài liệu giảng dạy, bổ sung những nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên Internet vào các chương trình đào tạo chính quy. Đảng ủy, Ban Giám đốc và các đơn vị cần chủ động tạo ra các kênh thông tin chính thống trên mạng xã hội để sinh viên dễ dàng tiếp cận với những quan điểm đúng đắn, tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu độc.
Hai là, Nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng tư duy phản biện và xử lý thông khi sử dụng Internet cho sinh viên Học viện ANND. Sinh viên Học viện ANND cần có nhận thức rõ ràng về tính hai mặt của Internet. Một mặt, đây là công cụ hữu ích giúp cập nhật nhanh chóng các thông tin chính thống về tình hình chính trị, xã hội, pháp luật và nghiệp vụ an ninh. Mặt khác, không gian mạng cũng là nơi các đối tượng xấu sử dụng để thực hiện chiến dịch “diễn biến hòa bình”, tán phát luận điệu sai trái nhằm lung lạc tư tưởng, kích động chống đối và làm suy giảm niềm tin vào chính quyền. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho sinh viên Học viện ANND về an ninh thông tin, an ninh tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường cần tổ chức các buổi học chuyên đề, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, báo chí và truyền thông để trang bị cho sinh viên khả năng nhận diện và đấu tranh với các thông tin xấu, độc. Đồng thời, sinh viên cần được hướng dẫn cách sử dụng Internet một cách an toàn, có trách nhiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, cần phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên Học viện ANND. Tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng giúp sinh viên ANND đánh giá thông tin một cách khách quan, logic, tránh bị chi phối bởi các tin tức sai lệch, kích động. Ngoài ra, Học viện ANND có thể tổ chức các cuộc tranh luận học thuật về những vấn đề thời sự, an ninh chính trị, giúp sinh viên rèn luyện tư duy logic, kỹ năng lập luận sắc bén, đồng thời nâng cao khả năng bảo vệ quan điểm chính thống trước các luận điệu sai trái. Sinh viên ANND cần chủ động rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường tư tưởng trước những tác động tiêu cực từ Internet.
Ba là, , Đào tạo kỹ năng kiểm chứng và xử lý thông tin cho sinh viên Học viện ANND. Bên cạnh tư duy phản biện, sinh viên ANND cần được trang bị kỹ năng kiểm chứng và xử lý thông tin một cách khoa học, hiệu quả. Trong điều kiện công tác sau này, khi làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, sinh viên cần có khả năng phân tích, xác thực thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
Sinh viên có thể sử dụng các công cụ như Google Reverse Image để xác minh hình ảnh, FactCheck.org để kiểm tra tin tức, hoặc truy cập các trang web chính thống để so sánh thông tin. Các tin tức giả thường có tiêu đề giật gân, nội dung thiếu dẫn chứng, sử dụng ngôn ngữ cảm tính và thường xuất hiện trên các trang không rõ nguồn gốc. Sinh viên cần tỉnh táo khi tiếp cận các tin tức có nội dung gây hoang mang, kích động, chia rẽ nội bộ. Nhà trường có thể tổ chức các bài tập thực hành về nhận diện tin giả, phân tích nội dung xuyên tạc trên không gian mạng để sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế.
Bốn là, Tăng cường giám sát và quản lý nội dung thông tin khi sử dụng Internet có tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng của sinh viên. Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng như một trận địa mới để thực hiện “diễn biến hòa bình”, từng bước phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, gieo rắc sự nghi ngờ, hoài nghi vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt nhằm vào giới trẻ – lực lượng có tư duy độc lập nhưng cũng dễ dao động, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sàng lọc thông tin. Với đặc thù đào tạo của Học viện ANND, nơi sinh viên không chỉ là người học mà còn là lực lượng nòng cốt tương lai của ngành Công an, việc để thông tin sai lệch tác động đến tư tưởng, nhận thức chính trị sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đe dọa đến an ninh chính trị nội bộ và sự ổn định xã hội lâu dài. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế, công nghệ đến giáo dục, trong đó nhấn mạnh vai trò giám sát và quản lý thông tin của nhà trường, các đơn vị chức năng và chính bản thân sinh viên. Do đó, cần: (1) xây dựng cơ chế kiểm soát và cảnh báo thông tin xấu độc trên mạng Internet; (2) , đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giám sát và phát hiện các nội dung độc hại. Sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nội dung, phân tích hành vi người dùng dựa trên big data để phát hiện những bài đăng, lượt chia sẻ, bình luận có dấu hiệu bất thường, đi ngược với quan điểm chính trị, đạo đức, chuẩn mực của người chiến sĩ Công an nhân dân. Các đơn vị như Phòng Quản lý học viên, Đoàn Thanh niên, Khoa Lý luận chính trị... cần phối hợp, xây dựng bộ phận giám sát chuyên trách hoạt động thường xuyên, xử lý kịp thời những biểu hiện lệch chuẩn tư tưởng trong hoạt động trực tuyến của sinh viên; (3) hoàn thiện hệ thống quy tắc ứng xử trên không gian mạng đối với sinh viên Học viện ANND. Bộ quy tắc này cần quy định rõ những hành vi được phép, bị cấm khi sử dụng mạng xã hội, đăng tải hình ảnh, thông tin liên quan đến hoạt động học tập, công tác, đặc biệt là các tài liệu mang tính nội bộ, bí mật ngành. Việc vi phạm quy tắc phải có chế tài xử lý nghiêm minh, từ nhắc nhở đến hạ điểm rèn luyện, cảnh cáo, đình chỉ học tập hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của ngành. Ngoài ra, quy tắc cũng cần khuyến khích sinh viên tham gia lan tỏa thông tin tích cực, chia sẻ các bài viết định hướng tư tưởng, phản bác luận điệu sai trái.
Năm là, tổ chức các buổi tập huấn, toạ đàm chuyên đề nâng cao nhận thức và kỹ năng giám sát cá nhân. Các hoạt động này nhằm trang bị cho sinh viên kỹ năng tự giám sát hành vi sử dụng Internet của bản thân, biết kiểm tra tính xác thực của thông tin, nhận diện và báo cáo thông tin sai lệch. Ngoài ra, cần khuyến khích sinh viên sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền thông tích cực – nơi thể hiện hình ảnh chiến sĩ CAND chính trực, năng động, bản lĩnh và trí tuệ.
Sáu là, thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh hai chiều. Học viện cần xây dựng kênh tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh của sinh viên liên quan đến những thông tin có tính chất độc hại, phản động trên Internet (như group kín của Ban cán sự lớp, hộp thư điện tử riêng của phòng Quản lý học viên…). Điều này giúp phát hiện sớm các biểu hiện lệch chuẩn, đồng thời thể hiện sự tin tưởng và tạo môi trường dân chủ trong quản lý giáo dục sinh viên.
Bảy là, nâng cao trách nhiệm và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý sinh viên trong việc định hướng, giám sát tư tưởng. Cán bộ quản lý học viên, cố vấn học tập và giảng viên các môn lý luận chính trị cần được bồi dưỡng thường xuyên về tình hình an ninh mạng, kỹ năng xử lý khủng hoảng thông tin và xu hướng truyền thông xã hội để kịp thời nắm bắt tâm lý sinh viên, đưa ra cảnh báo và định hướng phù hợp.
Tám là, Lồng ghép giám sát Internet trong công tác rèn luyện và đánh giá đạo đức, lập trường tư tưởng của sinh viên. Các hoạt động sử dụng Internet, thái độ trước các sự kiện chính trị, hành vi lan tỏa thông tin trên mạng xã hội cần được xem là một tiêu chí đánh giá trong rèn luyện sinh viên hằng tháng, hằng học kỳ. Qua đó hình thành nếp nghĩ, nếp làm việc có trách nhiệm, chuẩn mực trong môi trường học đường, gắn liền với bản sắc của người chiến sĩ Công an nhân dân tương lai.
5. Kết luận
Trong dòng chảy mạnh mẽ của thời đại số, Internet đã và đang mang lại những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng, khả năng kết nối không giới hạn và kho dữ liệu khổng lồ, Internet trở thành “cánh tay nối dài” của tri thức, là công cụ hữu hiệu phục vụ học tập, nghiên cứu và giao tiếp cho sinh viên – đặc biệt là sinh viên Học viện An ninh nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, Internet cũng là “mặt trận” đầy phức tạp, nơi các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để gieo rắc thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật, nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng và Nhà nước ta.
Trong bối cảnh đó, công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng cho sinh viên Học viện ANND khi sử dụng Internet không chỉ là một yêu cầu về chính trị- tư tưởng, mà còn là một đòi hỏi cấp thiết về nghiệp vụ, về trách nhiệm chính trị đối với mỗi sinh viên Học viện ANND. Bởi họ chính là lực lượng nòng cốt của ngành Công an trong tương lai – những người sẽ trực tiếp đối mặt, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, lệch lạc trong xã hội, góp phần bảo vệ an ninh tư tưởng quốc gia.
Đại úy, ThS Trình Quốc Hưng
Đỗ Quốc Bảo-B8D55
Học viện An nin nhân dân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Thị Phương Anh ,Trần Thị Như Tuyến (2017), Thực trạng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho snh viên hiện nay và một số giải pháp mang tính định hướng, tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ.
- Vũ Ngọc Am (2003). Đổi mới công tác GDCTTT cho cán bộ, đảng viên cơ sở trong giai đoạn hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hà Nội.
- Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội.
- Ban Bí thư (2023), Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/2/2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.236.
- Trần Văn Hòa - Nguyễn Ngọc Cương (2019), Phòng chống tội phạm trên không gian mạng, Học viện An ninh Nhân dân, Hà Nội.
- Vương Xuân Hưng (2019), Nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên các Học viện, Trường đại học Công an nhân dân, Đề tài nghiên cứu khoa học.
- Tô Lâm (chủ biên) (2021), Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng trong Công an nhân dân trước tình hình mới, Nxb.Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới qua đấu tranh chính luận, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
- Phạm Quân Nhu (2021), Nâng cao bản lĩnh chính trị của sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, Đề tài khoa học và công nghệ, Đại học Nội vụ Hà Nội, Hà Nội.
- (Tất cả quan điểm nội dung là quan điểm của tác giả không phải quan điểm của Tạp chí)
Tin nóng
- Hội thảo Khoa học: Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử, định hướng bảo tồn và đánh thức tiềm năng
06/03/2025 12:16:46 CH
- Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí
18/02/2025 5:10:02 CH
- Luật Báo chí (sửa đổi) - Cần nhìn nhận đúng vai trò của báo chí khoa học
18/02/2025 5:06:17 CH
- Giải pháp nền tảng cho sự phát triển xanh trong đầu tư xây dựng hiện nay
10/01/2025 9:34:46 SA
- Những điểm then chốt trong quản lý đấu thầu cần được thực hiện
30/12/2024 3:01:42 CH