Một số thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường gây nên

28/10/2021 6:20:58 CH
Share Bai :

Ô nhiễm môi trường ngoài việc đe dọa đến sức khỏe của người dân, còn gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. 

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh Internet

Ô nhiễm môi trường ngoài việc đe dọa đến sức khỏe của người dân, còn gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Xem xét dưới góc độ phát triển bền vững, cách tính GDP như hiện nay chưa quan tâm đến môi trường sinh thái, tài nguyên bị khai thác trong các hoạt động sản xuất để tạo ra sản phẩm và dịch vụ. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế nước ta trong trung và dài hạn. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải có những chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng bị đe dọa do chịu tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm. Trong khi đó, kết quả tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%; tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ bị giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2 và 0,08%.

Ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Ảnh Internet

Dưới đây là một số thiệt hại kinh tế chủ yếu do ô nhiễm môi trường gây nên.

Một là, thiệt hại kinh tế do gia tăng chi phí cho khám chữa bệnh. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Bệnh lỵ, tả và thương hàn vẫn còn phổ biến do nguồn nước bị ô nhiễm, chủ yếu ở các địa phương nghèo. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người dân bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và chữa bệnh, tổn thất mất ngày công lao động do nghỉ ốm, chi phí phục hồi sức khỏe sau nhiễm bệnh, chi phí phòng chống bệnh tật... Bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm để chăm sóc người thân khi bị ốm. Kéo theo đó, là những ảnh hưởng tâm lý bất ổn khiến người ta khó có thể tập trung cho công việc và học hành khiến hiệu quả năng suất không cao, thậm chí ở nhiều ngành nghề, sự mất tập trung còn gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe.

Hai là, thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phát triển vượt bậc từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm thủy lợi đến nuôi trồng thủy sản, phát triển các làng nghề… làm môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng người dân sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, phát triển ồ ạt đàn gia súc gia cầm với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, không kiểm soát được, cùng với sự phát triển của các làng nghề không theo quy hoạch, chất thải kim loại nặng thải ra ao, hồ, kênh, mương như hiện nay đang ở mức báo động. Do vậy, việc tìm ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm nước mặt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe của người dân là việc làm hết sức cấp thiết hiện nay.Ô nhiễm môi trường nước là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại đối với ngành thủy sản, ô nhiễm môi trường không khí, mặt đất gây ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và cây trồng. Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân quan trọng gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chất lượng môi trường nước biển suy giảm do ô nhiễm dẫn đến nơi trú ngụ tự nhiên của các loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng sinh học vùng bờ, hiệu suất khai thác hải sản giảm, nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước loài đánh bắt.

Ba là, thiệt hại đối với hoạt động du lịch. Ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái. Vì vậy, du lịch và môi trường là hai bộ phận không thể tách rời nhau, môi trường có tốt thì du lịch mới phát triển bền vững. Khi phát triển du lịch thì bản thân của ngành du lịch cũng đã ý thức được vấn đề môi trường. Xây dựng, thiết kế các điểm, các tour du lịch như thế nào để bảo vệ môi trường bền vững, gắn bó với thiên nhiên, thân thiện với thiên nhiên.Thời gian qua, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm do tác động của nhiều ngành kinh tế, trong đó có tác động từ chính các hoạt động du lịch (ví dụ: hoạt động xây dựng bừa bãi, không có kế hoạch, gia tăng rác và các loại phế thải, phá hủy san hô làm vật liệu xây dựng...) trong đó rác thải là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch. Rác thải gây ô nhiễm môi trường, gây ấn tượng không tốt cho du khách, làm giảm đi sức thu hút đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Du lịch làng nghề truyền thống hiện nay ngày càng thu hút khách du lịch và đang là một hướng phát triển du lịch nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại chính các làng nghề đã gây cản trở lớn tới các hoạt động phát triển du lịch dẫn đến giảm nguồn thu từ hoạt động này tại các địa phương có làng nghề.

Bốn là, thiệt hại kinh tế do chi phí cải thiện môi trường. Để tăng trưởng bền vững, nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động môi trường cần phải giải quyết các vấn đề về vệ sinh môi trường. Những năm gần đây, Chính phủ đã đầu tư khoảng 500 triệu USD mỗi năm vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ tính riêng lĩnh vực xử lý nước thải đô thị, dự tính từ năm 2015 đến năm 2025 cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD. Nghiên cứu về đánh giá các tác động kinh tế do vệ sinh môi trường ở Việt Nam chỉ rõ điều kiện vệ sinh kém gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tình trạng vệ sinh kém cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo nghiên cứu này, mỗi năm tình trạng vệ sinh yếu kém đã làm thiệt hại cho Việt Nam 1,3% GDP dưới dạng các khoản chi phí hoặc thu nhập bị mất đi do vệ sinh môi trường kém gây ra.

Năm là, thiệt hại về kinh tế do phát sinh xung đột môi trường. Xung đột môi trường xảy ra trong xã hội khi vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế chưa dung hòa được với nhau. Trong những năm gần đây, khi xã hội càng phát triển, nhận thức của cộng đồng càng cao, trong khi đó, lợi ích kinh tế vẫn được đặt lên trên vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng thì số các vụ xung đột môi trường càng nhiều. Các xung đột môi trường thường gặp ở nước ta là xung đột môi trường do sản phẩm công nghiệp; xung đột môi trường do hoạt động làng nghề; xung đột môi trường do hoạt động sản xuất nông nghiệp; phát triển thủy điện và khai thác khoáng sản cũng là những xung đột thường gặp trong giai đoạn 2011 - 2020.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải y tế. Ảnh Internet

Như vậy, có thể thấy tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam là vô cùng to lớn. Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn thông qua tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thật mạnh đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, đồng thời phải có tỉ lệ chi ngân sách đúng mức cho hoạt động sự nghiệp môi trường./.

Tuấn Hà

  • Tags: