“Chợ chim” Thạnh Hóa, Long An: Các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng

18/01/2023 1:17:52 CH
Share Bai :

Không chỉ dư luận, những du khách có dịp lưu thông trên QL62 bức xúc, nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng, yêu cầu tỉnh Long An xóa bỏ vĩnh viễn “chợ chim”. Còn luật sư cho rằng, việc mua bán trái phép ĐVHD có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.

Cần xóa bỏ “chợ chim” theo Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên – một tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên là tổ chức rất quan tâm đến việc đóng cửa “chợ chim”.

Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết từ trước đến nay rất quan tâm đến việc mua bán ĐVHD tại “chợ chim”. Đại diện Trung tâm khá bất ngờ khi nghe PV phản ánh “chợ chim” vẫn y nguyên, chưa có dấu hiệu “dẹp”. Đại diện Trung tâm cho biết Trung tâm hồi đầu năm 2022 đã làm việc với tỉnh Long An và biết được tỉnh có kế hoạch xóa bỏ “chợ chim”. “Tỉnh cũng cho biết đã có lộ trình nên cần thời gian và có phương án hỗ trợ cho những tiểu thương ở đây” đại diện Trung tâm nói. Đại diện Trung tâm cảm ơn PV đã có những phản ánh để sắp tới Trung tâm sẽ có những kiến nghị kịp thời đối với chính quyền địa phương thực hiện phương án xóa bỏ “chợ chim” đã đặt ra.

Tiểu thương giết mổ ngay tại chỗ nếu khách mua và yêu cầu. (Ảnh MT&XH)

Trước đây, ngày 7/4/2021, Trung tâm cùng 13 tổ chức liên quan đến động vật đã gửi thư đề nghị xóa bỏ việc mua bán ĐVHD tại “chợ chim”.

Theo thư: Chợ Nông sản Thạnh Hóa nhiều năm qua đã không hoạt động đơn thuần như tên gọi ban đầu của nó, mà là nơi buôn bán chủ yếu các loài chim trời, (ĐVHD), kể cả các loài quý hiếm được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, từ lâu, những danh xưng như “chợ địa ngục”, “địa ngục chim trời” đã gắn liền với khu chợ này.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên chúng tôi và báo chí trong nhiều năm qua đã theo dõi hoạt động của khu chợ này và không ít lần phanh phui hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại đây. Lần gần đây nhất, Quý I/2020, với thông tin điều tra từ báo chí, Cục Kiểm lâm đã cử Đội Kiểm Lâm đặc nhiệm phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật ở địa phương kiểm tra và thu giữ hàng loạt cá thể ĐVHD, bao gồm nhiều loài quý hiếm. Sau vụ việc, với sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An đã cam kết và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD tại khu chợ này. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước đó, theo khảo sát của chúng tôi, hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại khu chợ này vẫn diễn ra, chỉ chuyển từ hình thức công khai sang lén lút và tinh vi hơn.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ chợ buôn bán hải sản và ĐVHD ở Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 23/07/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra “Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã với chỉ đạo “kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật” và yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán ĐHVD trái pháp luật…”.  Tiếp đó, tháng 3/2021, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đối tác trong nước đã ký kết Khung đối tác một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025.

Với bức thư này, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Long An cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành, giám sát, thanh kiểm tra và đóng cửa vĩnh viễn các gian hàng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại chợ nông sản Thạnh Hóa.

Một chú chim bị cột mỏ, cột chân được chụp trong các gian hàng. (Ảnh MT&XH)

Mua bán ĐVHD có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM): “Căn cứ Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì ĐVHD được chia thành 2 loại: Động vật rừng thông thường và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.

“Bất cứ hành vi nuôi, mua bán, giết thịt ĐVHD (trừ các loài gia cầm và động vật được phép nuôi) đều là vi phạm pháp luật. Tùy theo loại ĐVHD mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự”.

“Căn cứ Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì người có hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt sẽ bị xử phạt từ 1 – 5 triệu đồng đối với động vật rừng thông thường có giá trị dưới 5 triệu đồng, động vật thuộc nhóm IIB có giá trị dưới 3 triệu đồng. Mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng tùy theo giá trị động vật mua bán được quy định tại Điều 21”.

Con chồn nặng 3kg được tiểu thương rao bán cho khách qua zalo với giá 7,5 triệu đồng. (Ảnh MT&XH)

Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 234 BLHS 2015 “Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã” khi săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù và có thể bị xử phạt bổ sung lên đến 3 tỷ đồng.

Đối với những loài động vật được phép nuôi, giết mổ hoặc giết mổ gia cầm đều phải được kiểm dịch và phải có giấy phép đăng ký với chính quyền địa phương và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Rất mong chính quyền Long An quan tâm nhiều hơn nữa trong việc thực hiện tiến trình xóa bỏ “chợ chim” như cuộc họp vào tháng 4/2022 cũng như thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

HN-TP-HH-TP

  • Tags: