Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ – Đời đời ghi nhớ các anh hùng Liệt sỹ

26/07/2021 11:16:00 CH
Share Bai :

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đối với thương binh, liệt sĩ. Sự quan tâm đặc biệt đó được thể hiện ở chỗ: Người cho rằng cần phải có Ngày thương binh - Liệt sĩ để “tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể, xương máu của mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm...”.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.( nguồn internet)

Chính vì vậy ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các lão thành các mạng, các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mĩ  đã có rất nhiều chiến sỹ và đồng bào ta ngã xuống, biết bao tài sản quý giá về kinh tế, văn hoá đã bị chiến tranh tàn phá một cách không thương tiếc. Biết bao bà mẹ đã tiễn đứa con duy nhất , có những tiễn đến đứa con cuối cùng của mình lên đường đánh giặc và không bao giờ trở về.

Bia chiến tích đồi 722 Đăk săk ghi nhận trận chiến và công lao các Anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc

Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, hàng ngàn nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh trên đất nước…Các anh không chỉ mang di chứng, thương tật trên cơ thể của mình mà còn để lại cho thế hệ con cháu. Đó là các nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những đứa trẻ bị di chứng của chiến tranh, họ là những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập - tự do của dân tộc.

Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã để lại”.

                    

(Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Thứ - người đã mất 9 người con vì chiến tranh, nguồn internet)

Trải qua 74 năm, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng, các chính sách đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1.2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhiều chính sách, chế độ đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, điển hình như các phong trào: Quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn; đỡ đầu con liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh, chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách đã được thực hiện.…Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội.

 Trong những ngày này các tổ chức, cá nhân và đoàn thể đã và đang tổ chức các hoạt động chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người. Đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay .

 

Đoàn viên, Thanh niên  dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Chúng ta - những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng ta luôn tự hào về các anh. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh. Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi tr­ước.

 Chúng ta hãy noi g­ương các anh hùng liệt sỹ - những ng­ười đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình để xây dựng đất n­ước ta “ngày càng to đẹp hơn” sánh vai với các c­ường quốc trên thế giới như­ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Huy Vũ.

  • Tags: