KHỦNG HOẢNG NHỰA – CƠN ĐẠI DỊCH THẦM LẶNG
Khi tiện lợi trở thành cái bẫy của nhân loại. Chiếc túi nilon bạn xách về sau lần đi siêu thị chiều nay có thể chỉ phục vụ bạn trong… 15 phút. Nhưng nó sẽ tiếp tục tồn tại ngoài môi trường trong nhiều năm tới nếu không có biện pháp xử lý chúng.
Chúng ta gọi nhựa là “tiện lợi”. Nhưng cái giá của sự tiện lợi ấy đang trở nên quá đắt đỏ. Nhựa không phân hủy, không tan biến, không biến mất. Nó chỉ vỡ nhỏ ra – rồi tiếp tục chu du khắp hành tinh dưới dạng vi nhựa: len vào đại dương, không khí, mạch nước ngầm và… cả cơ thể người.
Một nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Environmental Health cho thấy: trung bình mỗi người đang ăn vào người khoảng 5 gram vi nhựa mỗi tuần – tương đương một chiếc thẻ tín dụng. Những hạt vi nhựa ấy tìm thấy trong các bộ phận cơ thể người. Tác động lâu dài? Các nhà khoa học chưa chắc. Nhưng rõ ràng, đây không còn là chuyện của tương lai xa.
Vi nhựa có thể vào cơ thể người thông qua cách mạch máu dẫn đến các cơ quan nội tạng (nguồn: ảnh internet)
Tương lai có thể coi đó là đại dịch không vacxin – nhưng có nguồn phát tán rõ ràng. Khác với virus, rác thải nhựa có “nguồn lây” rất rõ: đó là các doanh nghiệp sản xuất, là người tiêu dùng, là hệ thống quản lý rác còn đầy lỗ hổng. Nhưng doanh nghiệp giữ vai trò đầu nguồn, họ quyết định sử dụng bao bì nhựa giá rẻ, sản phẩm dùng một lần, chính họ né tránh trách nhiệm thu hồi – và thậm chí, né cả thuế môi trường.
Tại một hội thảo về tái chế tổ chức ở Hà Nội đầu năm 2025, khi được hỏi về kế hoạch chịu trách nhiệm tái chế sản phẩm của mình theo cơ chế EPR (Extended Producer Responsibility – Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), đại diện một công ty nhựa lớn đã thản nhiên trả lời: “Chúng tôi chỉ cung cấp, việc xử lý là việc của thị trường hoặc của người tiêu dùng.”. Lợi nhuận chảy về túi họ, nhưng lại đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng.
Không thể phủ nhận: Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiêu thụ và thải rác nhựa nhiều nhất Đông Nam Á. Nhưng hệ thống xử lý rác thải của chúng ta còn kém chưa được đầu tư phát triển.
Rác thải dạt bờ biển vừa ô nhiễm lại mất mỹ quan (nguồn: ảnh internet)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Hà Nội và TP.HCM thải ra gần 1000 tấn rác nhựa, phần lớn là túi nilong, hộp xốp, chai lọ dùng một lần. Nhưng chỉ chưa đến 20% được tái chế chính thức. Số còn lại – chảy thẳng ra kênh rạch, bãi rác, sông ngòi và cuối cùng là biển. Người dân chưa từng được hướng dẫn phân loại rác. Việc thu gom – tái chế gần như phụ thuộc vào lực lượng ve chai tự phát, với điều kiện làm việc thiếu an toàn và không hiệu quả.
Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2020 đã quy định rõ trách nhiệm tái chế sản phẩm của doanh nghiệp theo cơ chế EPR. Nhưng đến năm 2025, hầu hết doanh nghiệp lớn vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.
Tại sao?
Vì cơ chế giám sát còn yếu. Vì chưa có chế tài mạnh tay. Và vì chính quyền còn quá mềm mỏng.
Đến tận kỳ họp chuyên đề tháng 5/2025, HĐND TP Hà Nội mới thông qua Nghị quyết riêng về mức xử phạt vi phạm môi trường theo Luật Thủ đô, với kỳ vọng sẽ tăng tính răn đe. Liệu có đủ tính răn đe đối với người dân? Câu trả lời là: Không. Nếu không siết từ gốc – từ nhà sản xuất.
Trận chiến này không có trung lập, với đại dịch nhựa, không ai có thể đứng ngoài. Chúng ta đều là một phần của vấn đề – hoặc một phần của giải pháp.
Người tiêu dùng cần thay đổi thói quen: từ chối nhựa dùng một lần, mang theo túi vải, ưu tiên sản phẩm không bao bì nhựa. Nhưng nếu người dân không có lựa chọn thay thế, họ không thể tự làm khác.
Bởi vậy, không thể né tránh: trách nhiệm cao nhất phải thuộc về chính các nhà sản xuất – những người tạo ra rác thải nhựa – và nhà quản lý – những người cho phép nó tiếp tục tồn tại ngoài vòng kiểm soát. Nếu doanh nghiệp không thay đổi mô hình sản xuất, nếu chính sách không đủ cứng rắn, nếu hệ thống phân loại – thu gom – tái chế không được đầu tư bài bản, thì những chiếc túi nilon, những hộp cơm xốp, những vỏ chai nhựa sẽ tiếp tục nhân lên – và ô nhiễm sẽ tiếp tục giết chết từng dòng sông, từng sinh vật biển, từng tế bào cơ thể người.
Chúng ta đã từng chứng kiến đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới rơi vào trạng thái tê liệt. Những thành phố đông đúc trở nên vắng lặng, những nền kinh tế hùng mạnh phải khựng lại, và cả nhân loại – lần đầu tiên trong thế kỷ XXI – buộc phải nhìn sâu vào sự mong manh tuyệt đối của sự sống. Nhưng khi thế giới đang dần hồi phục, một “đại dịch” khác – thầm lặng, kéo dài và lan rộng không kém – vẫn đang tiến triển từng ngày. Không khiến chúng ta sốt cao, không gây khó thở ngay tức thì, nhưng nó len vào máu, thấm vào phổi, ẩn trong từng tế bào sự sống của con người và hệ sinh thái. Đó là “đại dịch vi nhựa” – loại bệnh dịch do chính tay con người tạo ra, và chưa có bất kỳ loại vaccine nào có thể ngăn chặn.
Không có một ống tiêm nào đủ mạnh để miễn dịch cho cơ thể con người trước hàng triệu hạt vi nhựa vô hình. Không có lá chắn nào bảo vệ trẻ em khỏi hấp thụ nhựa từ sữa bột, nước uống, không khí hít thở mỗi ngày. Và nếu xã hội cứ tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ, không một phép màu nào – dù là y học, khoa học hay kinh tế – có thể cứu lấy thế hệ sau khỏi thảm họa do chính sự thờ ơ ngày hôm nay gây ra. Một chính sách nếu không đi kèm với thực thi – mãi mãi chỉ là khẩu hiệu. Một cam kết nếu không gắn với trách nhiệm – mãi mãi chỉ là ngụy trang cho sự trì trệ. Và một thị trường nếu tiếp tục đầy rẫy sản phẩm nhựa độc hại – thì người tiêu dùng sẽ mãi đơn độc trong một cuộc chiến không cân sức.
Chúng ta không thể đổ lỗi mãi cho “thói quen người dùng” khi chính hệ thống tiêu dùng, sản xuất và quảng bá đã ép buộc họ sống với nhựa như một lẽ thường. Chúng ta không thể kêu gọi ý thức cộng đồng trong khi để các doanh nghiệp tự do tung ra thị trường những bao bì không thể tái chế, rồi quay lại trách mắng người dân vì không phân loại rác. Trách nhiệm không thể bị chia đều theo tỷ lệ – mà phải đặt đúng nơi, đúng chỗ, đúng trọng tâm: ở những ai đang sản xuất ra vấn đề.
Nếu hôm nay, vì chút tiện lợi nhất thời, ta chọn giữ lại thói quen cũ, thì tương lai gần – ta sẽ phải trả giá bằng cuộc sống bị đầu độc. Và khi ấy, sẽ không còn ai để nhận lỗi, cũng không còn ai để tha thứ. Chỉ còn những dòng sông chết, những đại dương cạn kiệt, những thành phố ngập rác thải, và một câu hỏi lơ lửng giữa tro tàn hậu thảm họa: “Tại sao chúng ta đã biết mà vẫn không làm gì?”
Hữu Hảo
Tin nóng
- Tạp chí Thanh niên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt lên 0,75 điểm cho bài báo khoa học
15/07/2025 1:02:46 CH
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong giai đoạn hiện nay ở nước ta
14/07/2025 1:42:23 SA
- “Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản” qua lăng kính Furuta Motoo
11/07/2025 9:56:35 SA
- Các động lực phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập
02/07/2025 12:47:10 SA
- “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” - Lịch sử gần gũi từ những câu chuyện dân gian
30/06/2025 9:55:56 SA