Gia Lai: Giải pháp nào để đảm bảo an toàn giao thông cho người đồng bào dân tộc thiểu số

12/01/2024 12:11:28 CH
Share Bai :

Phương tiện giao thông được coi là mũi nhọn cho việc phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên để có giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý, xử lý các loại phương tiện, nhất là phương tiện thô sơ tại các vùng nông thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang vô cùng khó khăn đối với cơ quan chức năng.

 Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số đã từng ngày xây dựng, kiến thiết, phát triển đất nước ta ngày càng tươi đẹp và giàu mạnh bền vững hơn. Gia Lai có một tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng đối với khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.... Trong những năm gần đây, với nhiều thế mạnh, trong đó có thế mạnh về nông nghiệp và chính sách thu hút vốn đầu tư hiệu quả, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Trong đó, đáng chú ý là đời sống của người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về ANTT - ATXH trên địa bàn có người đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế nhất định. Vẫn còn những hành vi vi phạm pháp luật về ANTT của người đồng bào DTTS diễn ra trên địa bàn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Hành vi vi phạm của người đồng bào DTTS chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Những vi phạm đó thường xuất phát từ tâm lý, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và một số tục lạc hậu trong đời sống người DTTS. Trong đó, tình hình tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người đồng bào DTTS thực hiện chiếm tỉ lệ rất cao. Từ đó gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm cũng như đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

Buổi tổ chức tuyên truyền tại các vùng đồng bào của lực lượng CSGT công an tỉnh Gia Lai

Nhận thức rõ những hậu quả tác hại do những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người DTTS, đặc biệt là hành vi gây tai nạn giao thông dẫn đến phải xử lý hình sự gây thiệt hại không nhỏ đến người và tài sản của người vi phạm cũng như người bị hại. Nhận thấy thấy điều đó, các cấp Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT Công an tỉnh cần tăng cường công tác phòng ngừa TNGT nói chung và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người DTTS nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Từng bước nâng cao nhận thức của người DTTS về ATGT. Đặc biệt, hiện tại địa phương đang bước vào cao điểm mùa nông sản. Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khi người dân trong vùng DTTS sử dụng phương tiện xe mô tô, gắn máy, công nông, máy kéo, xe tự chế... để thu hoạch vụ mùa lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng các vụ TNGT.

Vì vậy để đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông là yêu cầu cấp bách đang được các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai nỗ lực triển khai.

Tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và các chủ phương tiện sử dụng xe thô sơ trong vùng DTTS, lực lượng Cảnh sát giao thông đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền các quy định về Luật giao thông đường bộ trong đó việc tuyên truyền về các quy tắc khi tham gia giao thông và các quy định đối với loại hình phương tiện mà người dân sử dụng để sản xuất, thu hoạch và chở nông sản một cách dễ hiểu, dễ nắm bắt nhất nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Lực lượng xử lý vi phạm và tuyên truyền cho bà con đồng bào về pháp luật.

Theo thống kê từ Công an tỉnh Gia Lai, trong 11 tháng của năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, xe phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, máy kéo nhỏ (chiếm 4,4% số vụ tai nạn giao thông), làm chết 9 người, bị thương 10 người.

Bên cạnh đó, hiện tỉnh Gia Lai đang quản lý 31.765 xe công nông, máy kéo nhỏ, xe phục vụ sản xuất nông- lâm nghiệp nhưng mới chỉ có 232 giấy phép lái xe hạng A4 (đạt tỷ lệ 0,73%). Đây là một bất cập lớn vẫn chưa tìm ra được giải pháp để tháo gỡ.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển các loại xe công nông, máy kéo nhỏ, xe phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp… Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, các địa phương đã và đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, khi tham gia giao thông phải có GPLX, phải đội mũ bảo hiểm... đối với các chủ phương tiện điều khiển các loại xe thô sơ không chở người ngồi trên thùng xe, không chở hàng hóa quá khổ, quá tải...;phải tham gia các lớp đào tạo, sát hạch thi cấp giấy phép lái xe. Đặc biệt, tổ chức lắp đặt biển phản quang, hệ thống chiếu sáng, còi để bảo đảm an toàn khi lưu thông cho các phương tiện này.

Công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông cho bà con.

Nhận thấy, nguyên nhân tiềm ẩn xảy ra TNGT chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của người DTTS khi điều khiển phương tiện là xe các loại xe công nông, máy kéo nhỏ, xe phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp... đặc điểm của loại phương tiện này là thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là các yếu tố cảnh báo, báo hiệu phương tiện di chuyển vào ban đêm. Vì thế, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đang tích cực công tác dán phản quang trên các phương tiện này, nhất là các địa phương có tuyến quốc lộ đi qua. Đơn cử như Đội Cảnh sát giao thông số 2- Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức dán phản quang cho 40 chủ xe công nông, máy kéo các loại tại làng Krái, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh. Đồng thời, phối hợp với Công an huyện Chư Păh tổ chức tuyên truyền tại làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh cho 12 già làng, trưởng thôn và người có uy tín, dán 23 đề can cho xe công nông, máy kéo; tại làng H’reng, xã Hòa Phú dán đề can cho 70 xe công nông, máy kéo và tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông cho hàng trăm người dân, chủ phương tiện.

Bên cạnh công tác tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, dán đề can phản quang cho các phương tiện… lực lượng chức năng cũng đã kiên quyết xử lý các phương tiện xe công nông, máy kéo nhỏ, xe phục vụ sản xuất nông- lâm nghiệp cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông như lỗi không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, kiểm định…

Hiệu quả bước đầu

Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng với hiệu quả của công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT đã gọi hỏi răn đe nhiều trường hợp thanh thiếu niên trong vùng đồng bào DTTS thường xuyên vi phạm TTATGTĐB đồng thời xử lý các lỗi không có GPLX, giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản, người đứng đầu tôn giáo tuyên truyền pháp luật đến người dân mang lại hiệu quả hơn, để người dân biết, hiểu và chấp hành hơn nữa trong công tác bảo đảm TTATGT.

Xác định xe công nông tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông nên nhiều năm nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với công an các địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đã tổ chức dán decal phản quang phía trước và phía sau xe máy kéo nhỏ (xe công nông) giúp người đi đường dễ dàng nhận biết từ xa, nhất là vào ban đêm để chủ động phòng tránh va chạm. Việc làm này đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn liên quan đến xe công nông, đặc biệt là trong mùa cao điểm thu hoạch nông sản. chỉ trong 02 tháng qua, đã có hàng trăm xe công nông đang lưu thông được tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra và dán decal phản quang, phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Nhờ đó, nhiều gia đình và người dân ở các địa phương rất đồng thuận với các biện pháp của lực lượng chức năng. Nhờ việc dán decal mà người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết khi xe lưu thông trên đường, nhất là vào ban đêm để phòng tránh từ xa, góp phần phòng ngừa, giảm tai nạn giao thông.

                                                                                   M Chiến – Q Hải

  • Tags: