Đắk Nông: UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra doanh nghiệp khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

21/03/2024 7:19:17 CH
Share Bai :

Công ty TNHH MTV Ngọc Thịnh (Mỏ đá Ngọc Thịnh) tại xã Tân Thanh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu chưa chấp hành đúng quy định pháp luật trong quá trình khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên khoáng sản cũng như trong việc đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

Sau khi phóng viên nắm được thông tin, thu thập tư liệu liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại mỏ đá này. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều vấn đề bất cập xảy ra trong quá trình hoạt động tại đây. Khi khai thác trong hầm mỏ vách đá thẳng đứng, các máy khoan đá liên tục tạo ra âm thanh rầm rập chát chúa, phát sinh bụi đá mịt mù nhưng người lao động lại không được trang bị bất cứ đồ bảo hộ lao động nào.

Hoạt động máy nghiền đá không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà quá trình này còn phát sinh bụi đá gây ảnh hưởng đến cây trồng, cuộc sống của người dân. Đặc biệt, công nhân vận hành không được trang bị đồ bảo hộ gây mất an toàn lao động

Những chiếc xe “cũ không thể cũ hơn” vẫn được sử dụng vận chuyển đá ầm ầm xuyên suốt mỗi ngày

Các phương tiện tại đây đều không đăng ký đăng kiểm, hết đời nhưng vẫn vận chuyển đá nguyên khai ầm ầm từ hầm mỏ lưu thông trên đường qua khu vực dân cư, đặc biệt “bỏ qua” trạm cân giám sát về khối lượng đá nguyên khai.

Điều đáng nói, trạm cân giám sát được UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu mỏ đá Ngọc Thịnh phải lắp đặt để giám sát về khối lượng đá nguyên khai, đá thành phẩm hàng năm cũng như tải trọng khi xuất bán. Từ đó, làm căn cứ số liệu cho các cơ quan chức năng làm tư liệu để kiểm tra, theo dõi về việc đơn vị có chấp hành thực hiện theo giấy phép hay không.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, vào các ngày mùng 1,2,3,4,28/11/2023, trong quá trình khai thác đá nguyên khai, vận chuyển mua bán đá thành phẩm, tài nguyên đất  tại mỏ đá này đều không qua trạm cân giám sát về khối lượng cũng như trọng tải.

Trước thực trạng các phương tiện tại mỏ đá Ngọc Thịnh liên tục “bỏ qua” trạm cân giám sát, liệu các con số trong báo cáo hàng năm của Công ty có thực sự chính xác, đáng tin cậy nữa hay không khi so sánh với số liệu, khối lượng được phép khai thác hàng năm như đăng ký trong giấy phép?. Và việc lắp trạm cân này có phải để chống chế các cơ quan chức năng không?.

Với tình trạng khai thác có sự chênh lệch nghiêm trọng như vậy, không chỉ làm thất thu thuế của nhà nước mà còn tác động rất lớn tới môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực nơi đây.

Từ những ghi nhận trên chúng tôi đã liên hệ, cung cấp thông tin đến UBND huyện Krông Nô. Cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận thông tin nhưng đến nay câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Thiết nghĩ những thông tin báo chí cung cấp không chỉ là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước xem xét, chỉ đạo, kiểm tra nhanh chóng mà còn góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhiệm vụ trong công tác quản lý tại địa phương. Qua đó, chấn chỉnh những hành vi không chấp hành quy định trong hoạt động khai thác tài nguyên cũng như nhiều hoạt động khác.

Sự chậm trễ, kết quả chưa cụ thể từ vấn đề này của UBND huyện Krông Nô đã đặt sự băn khoăn, hoài nghi không chỉ đối với báo chí mà còn bao gồm cả dư luận xã hội.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Sở TN&MT xử lý nội dung mà báo chí phản ánh

Sau khi Tòa soạn Môi trường và Xã hội phản ánh các vấn đề hoạt động của mỏ đá Ngọc Thịnh đến UBND tỉnh Đắk Nông. Ngày 29/02/2024 UBND tỉnh có Công văn Số 1082/UBND-NNTNMT chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi Trường kiểm tra, xử lý những nội dung báo chí phản ánh.

Trước những “3 KHÔNG” tại mỏ đá Ngọc Thịnh: Không đăng kiểm phương tiện khai thác đá, xe “không đát hết đời”, không đồ bảo hộ khi tham gia khai thác, vận hành khai thác đá. Trước vô vàn nguy cơ, hệ luỵ “treo” trên cuộc sống người dân, môi trường, hệ sinh thái nơi đây ai ai cũng đều có thể nhìn thấy rõ. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm thực trạng đáng báo động này.

                                                                                                     Minh Khang