Đăk Lắk: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá và bảo vệ môi trường.
Đắk Lắk là một tỉnh tại miền Trung Việt Nam nằm trong vùng Tây Nguyên với thiên nhiên hùng vĩ văn hóa đa dạng và nguồn tài nguyên phong phú. Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nhờ vào những di sản văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền ẩm thực đặc trưng.Trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội như hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Đại hội XIII cũng nhấn mạnh, yêu cầu “ tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” . Xác định được trong tâm để phát triển kinh tế và định hướng đến năm 2030 Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Đề án phát triển về du lịch. Đề án tập trung ưu tiên đầu tư cho thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn, để phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Ảnh. Việt Hà.
Hiện thực hóa Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021về “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025”, được xác định là điểm nhấn để du lịch cộng đồng tại Đắk Lắk phát triển.
Tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn 5 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có buôn Ako Dhong được chọn làm mô hình điểm và chính thức được tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với nhiều hạng mục như: biển chỉ dẫn địa lý thuyết minh điểm đến để du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin, tập huấn cho người dân các kỹ năng phục vụ khách du lịch, văn hóa, ẩm thực và thành lập ban quản lý. Đây là buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống, còn duy trì các hình thức biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của địa phương, có điểm tham quan lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và có đặc sản ẩm thực của người đồng bào.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đã trở thành một hướng đi mới được tỉnh tập trung thực hiện. Với các di tích như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA được đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo và đưa vào phục vụ hoạt động thăm quan du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch homestay đã được đầu tư, phát triển ở một số buôn làng tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và Buôn Đôn.
Nhiều câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người Ê-đê, M’nông ở các buôn Alê A, phường Ea Tam; buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tơng Bông, xã Ea Kao và buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột đã hợp tác với các công ty du lịch tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm du lịch mới là thăm quan làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo động lực cho hộ gia đình giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Được đánh giá là địa phương có mức tăng trưởng Du lịch nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch cũng thể hiện ngày càng rõ nét, góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống cho người dân.
Việc gắn kết giữa du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa, môi trường sinh thái ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.
Ảnh. Việt Hà
Về du lịch huyện Lắk: huyện Lắk đã tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch voi, thuyền độc mộc. Tập trung phát triển ở khu vực buôn Jun, buôn MLiêng và Trung tâm thị trấn Liên Sơn, khuyến khích các doanh nghiệp từng bước đầu tư, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các buôn làng dân tộc Êđê, M’nông trên địa bàn huyện. Phấn đấu đưa huyện Lắk, đặc biệt là khu du lịch Hồ Lắk thành điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trọng điểm của quốc gia, với những sản phẩm du lịch độc đáo như tham quan buôn làng, đi thuyền độc mộc.
Hồ Lắk (điểm du lịch Quốc gia) đã được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch với diện tích 166 ha gồm 4 phân khu: khu du lịch buôn Ma Liêng, khu du lịch buôn Jun, khu du lịch trung tâm thị trấn Liên Sơn, khu du lịch sinh thái và nuôi thả thú rừng. Bên hồ Lắk, địa bàn huyện Lắk còn có một số điểm kết nối là điểm đến thiên nhiên mang vẻ đẹp sinh thái như: Thác Bìm Bịp (xã Yang Tao), rừng đặc dụng Nam Ka, Vườn Quốc gia CưYangSin, hồ thủy điện Buôn Tua Sar, khu căn cứ cách mạng thác Ba Tầng (xã Krông Nô)...Ngoài ra, huyện Lắk còn có nền văn hóa bản địa đặc sắc của người M’nông và Êđê. Thời gian qua, huyện Lắk đã tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch. Vì vậy, du khách đến với huyện Lắk ngày càng tăng.
Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được khai thác, như du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân tại địa phương, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng tại cộng đồng... Các sản phẩm du lịch xoay quanh việc khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương, trong đó các yếu tố quan trọng, như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp được coi là những yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng hiện nay được mở rộng ra với nhiều hoạt động khác nhau, như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch vì sức khỏe...
Về Du lịch huyện Buôn Đôn: Buôn Đôn có lẽ đã quá nổi tiếng với những ai yêu thích và ưa khám phá vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, xưa kia nổi tiếng là một địa danh sản sinh ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng của Tây Nguyên. Buôn Đôn ngày nay có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển về du lịch sinh thái.
Đến với khu du lịch này, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với những trải nghiệm rất thú vị. Từ trung tâm huyện đi vào bạn sẽ bắt gặp những chiếc cầu treo vắt ngang dòng sông Sêrêpôk, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước 7 nhánh và những ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào vùng Tây Nguyên, các món ăn ngon đặc sản và nơi lưu giữ truyền thống kiến trúc dân tộc bản địa đặc sắc, với Khí hậu khá dễ chịu và ôn hòa với mức nhiệt độ trung bình khoảng 23 độ C, chính vì vậy mà du khách có thể tham quan và du lịch Buôn Đôn vào bất kì khoảng thời gian nào trong năm.
khu du lịch sinh thái Bản Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đắk Lắk. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100.000 ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.
Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại 130 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi Khunjunob, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông...
Trước những thực trạng này, tỉnh Đắk Lắk cũng xác định được công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và coi đó là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của địa phương và là sự nghiệp lâu dài của nhân dân trên địa bàn, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là trung tâm, là chủ thể của mọi hoạt động. việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung không chỉ có ý nghĩa là giữ gìn nền tảng tinh thần của xã hội mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Để phát triển du lịch bền vững tỉnh Đắk Lắk cũng cần có sự cân nhắc giữa việc thu hút khách du lịch và đảm bảo bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý chặt chẽ việc phát triển xây dựng giáo dục du lịch bền vững cho cộng đồng địa phương và khách du lịch và khuyến khích các hoạt động du lịch có ích cho cộng đồng nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của địa phương.
Ngoài những việc cần bảo tồn, gìn giữ ta cũng cần tập trung vào các nội dung như: Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới, kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng môi trường tại các khu, điểm du lịch như xây dựng, phát triển công nghiệp, sản xuất ở các làng nghề. Thực hiện các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, thực hiện tốt việc bảo tồn diện tích rừng nguyên sinh, bảo vệ rừng đặc dụng.
Ðồng thời, các đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn.
Đại Hải.
Tin nóng
- Văn Bàn (Lào Cai): Vai trò đấu thầu trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công
06/09/2024 3:15:49 CH
- Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An): Nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội
28/08/2024 9:40:45 SA
- Yên Mô (Ninh Bình): Quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
12/08/2024 10:54:26 SA
- Lục Nam - Bắc Giang: Đâu là lời giải cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường?
12/08/2024 10:41:48 SA
- Huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Cần có giải pháp cụ thể trong việc quản lý, sử dụng đất công ích.
07/08/2024 1:00:06 CH