Đại học Mỏ - Địa chất: Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên

24/06/2022 10:55:06 CH
Share Bai :

Trong nhiều năm qua, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã  tạo sự hứng khởi, khơi dậy niềm đam mê giúp sinh viên phát huy năng hết khả năng sáng tạo của mình, tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn phục vụ cộng đồng. 


Toàn cảnh Hội nghị khoa học sinh viên HUMG phiên toàn thể

Gây dựng niềm đam mê nghiên cứu ứng dụng

Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, năm 2022, Hội nghị khoa học sinh viên được triển khai muộn hơn so với mọi năm. Ngay sau khi triển khai đã nhận được sự tham gia rất nhiệt tình của sinh viên toàn trường. Với 167 đề tài đến từ các nhóm nghiên cứu với tổng số hơn 600 sinh viên tham gia, Nhà trường đã thành lập 23 tiểu ban chuyên môn để đánh giá, cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học được lan tỏa tích cực tới toàn thể sinh viên trong trường.

Có thể kể đến một vài đơn vị tiêu biểu như: Tiểu ban Khoa học Kỹ thuật Địa chất có 13 báo cáo khoa học sinh viên, được trình bày tại hội nghị cấp cơ sở. Tiểu ban Kinh tế và Quản trị kinh doanh có 60 đề tài. Kết thúc phiên làm việc tại các tiểu ban chuyên môn, hội đồng đánh giá cấp trường đã họp và ra quyết định khen thưởng cho 37 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải bao gồm: 18 đề tài đạt giải Nhất; 17 đề tài đạt giải nhì, 02 đề tài đạt giải ba, trong đó có 04 đề tài đã được hội đồng đánh giá cấp trường lựa chọn để tham gia báo cáo điển hình tại phiên toàn thể được tổ chức trang trọng vào ngày 17/6/2022.

Có thể nói, các đề tài nghiên cứu khoa học năm nay được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá là có sự đầu tư công phu, đặc biệt nhiều đề tài để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua xử lý các vấn đề nóng liên quan đến môi trường. Có thể kể đến như nhóm sinh viên gồm hai bạn Nguyễn Trung Hiếu và Nguyễn Xuân công dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Tăng Văn Lâm - Khoa Xây dựng, đã có đề tài nghiên cứu khoa học về “Chế tạo bê tông chất lượng cao hạt mịn sử dụng chất kết dính không xi măng”. Trong bối cảnh mật độ xây dựng tại nước ta đang trên đà phát triển mạnh dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng lớn, nhóm sinh viên trẻ đưa ra giải pháp chế tạo loại bê tông mới góp phần giải quyết các vấn đề môi trường như: khói bụi trong quá trình sản xuất xi măng hay tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện luyện kim. Nói về ưu điểm của đề tài này, TS Tăng Văn Lâm cho biết: Bê tông truyền thống bắt buộc phải sử dụng chất kết dính là xi măng, các loại xi măng póc – lăng. Để tạo ra các loại xi măng Póc - lăng đó cần rất nhiều quá trình sản xuất và trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra khói bụi, khí nhà kính cũng như rất nhiều ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên như là đất sét, đá vôi v.v… Chính vì thế, hiện nay tính cấp thiết đặt ra là thay thế các loại xi măng póc - lăng truyền thống bằng các loại xi măng mới để tạo ra bê tông mà không sử dụng các chất kết dính là xi măng.


Sinh viên trình bày đề tài NCKH tiêu biểu tại phiên toàn thể

Nhiều sinh viên đã có những ý tưởng sáng tạo xuất phát từ thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển của cuộc sống số. Khi mạng xã hội là một công cụ không thể thiếu trong đời sống con người, giúp con người tìm kiếm đa dạng thông tin trong mọi lĩnh vực một cách nhanh chóng và liên tục với khối lượng lớn, trong khi phương pháp thu thập chiết suất thông tin còn hạn chế, mà nhu cầu sử dụng không ngừng tăng, đề tài ứng dụng chat bot tự động hỗ trợ sinh viên trường do nhóm sinh viên khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Phạm Kiên Trung cũng đã đưa ra những giải pháp sử dụng hiệu quả hệ thống chat bot tự động giúp các cơ sở đào tạo nói chung và Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói riêng trong triển khai có hiệu quả nhất các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý và hỗ trợ người học. Sinh viên Nguyễn Đức Thuận, khoa Kinh tế quản trị kinh K64A cho biết: Khi ứng dụng hệ thống này vào hệ thống của trường sẽ giúp cho nhà trường có thể kết nối dễ dàng hơn với sinh viên, ví dụ như tư vấn tuyển sinh, bộ phận quản lý môn học, hay quản lý sinh viên sẽ dễ dàng hơn. Việc tương tác giữa người dùng là học sinh và nhà trường sẽ được thu ngắn lại khi mà không có hệ thống này thì rất mất nhiều thời gian của bộ phận tư vấn để tư vấn cho sinh viên. Ứng dụng này sẽ trực tiếp giúp cải thiện thời gian của nhà trường công sức và rất nhiều chi phí khác nữa.

Trong lĩnh vực Trắc địa - Bản đồ, dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Việt Hà, nhóm sinh viên đã thực hiện đề tài nghiên cứu: xây dựng bộ công cụ Phân tích real time cho các đối tượng có gắn thiết GNSS để đo động ngoài thực địa, thay thế cho công nghệ truyền thống trong việc thành lập và xây dựng mạng lưới tọa độ các cấp.

PGS.TS Nguyên Việt Hà cho biết: ở Việt Nam có một số các thiết bị theo dõi hành trình tuy nhiên với nhóm sinh viên ngành Trắc địa – Bản đồ và quản lý đất đai của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, các em say mê nghiên cứu, tìm tòi, tìm ra các bộ công cụ mới làm sao có thể phân tích được các tuyến hành trình của các thiết bị thi công công trình như là tuyến ô tô, tuyến máy thi công trong các công trường, xem có bao nhiêu máy thi công hay các máy thi công đó đi theo các lộ trình như thế nào, đây chính là mục đích của các thiết bị này đã có thể theo dõi được việc đó và phân tích các công cụ phục vụ cho các công trình như vậy.

Đề tài nghiên cứu “Phương pháp chiết suất dữ liệu từ mạng xã hội” của nhóm nghiên cứu sinh viên khoa Công nghệ thông tin dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Dung đã nhận được nhiều sự bình chọn từ hội đồng đánh giá. Sinh viên Bùi Trung Hiếu - SV khoa CNTT – Công nghệ phần mềm K64 cho biết: các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên giúp cho em cũng như các bạn sinh viên có nhiều trải nghiệm, kiến thức mới cũng như giúp tăng thêm kiến thức áp dụng cho các công việc và học tập sau này.

Xây dựng môi trường sáng tạo cho sinh viên

Có thể thấy sinh viên nghiên cứu khoa học là một trong những phương thức học tập hiệu quả nhất hiện nay, bởi trong quá trình nghiên cứu sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, qua bài giảng trên lớp cũng như nghiên cứu tài liệu, sách báo trên internet hoặc các sản phẩm thực tiễn trong cuộc sống. Qua đó tạo cho mình cách học tập khoa học, khơi dậy khả năng sáng tạo, cũng chính vì vậy cần phải tạo môi trường thuận lợi sự hứng khởi đam mê để sinh viên phát huy hết năng lực nghiên cứu của mình.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết:

Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ sinh viên cả về vật chất lẫn tinh thần, thường xuyên tổ chức các phong trào, các ngày hội Sinh viên nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở tới cấp trường. Trong thời gian sẽ khuyến khích sinh viên trong việc gắn đề tài nghiên cứu khoa học với đồ án tốt nghiệp của sinh viên, như vậy sinh viên bên cạnh việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa của mình và cũng chính là bước để chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp. Trên cơ sở phát triển tiếp tục công trình nghiên cứu khoa học mà các bạn đã thực hiện, nâng cao, hàm lượng, khối lượng và giá trị về mặt khoa học để biến công trình nghiên cứu khoa học sinh viên thành Đồ án tốt nghiệp. Như vậy quá trình tự nghiên cứu cho đến khi làm đồ án tốt nghiệp sẽ là một quá trình liên tục và sẽ giúp cho người học có thể đạt được kết quả tốt, chắc chắn sẽ có những đồ án tốt nghiệp thực sự có chất lượng và có ý nghĩa, không chỉ đối với bản thân sinh viên mà còn có ý nghĩa đối với nhà trường và đối với xã hội.


Trao giải Nhất cho đề tài NCKH sinh viên năm 2022


Trao giải Nhì cho đề tài NCKH SV năm 2022


Trao giải thưởng cho cá đề tài SV NCKH tiêu biểu tại các tiểu ban

Sinh viên là đối tượng trọng tâm cần được ưu tiên để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như khoa học công nghệ. Qua nhiều năm tổ chức hội nghị khoa học sinh viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã thực sự trở thành ngày hội nghiên cứu, sáng tạo của tuổi trẻ. Không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, Hội nghị Khoa học sinh viên còn tạo môi trường thực nghiệm, thực hành hiệu quả và góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Bài và ảnh: Nguyễn Kim Chung

Phó Trưởng phòng Quan hệ Công chúng & Doanh nghiệp

Trường Đại học Mỏ - Địa chất