Vai trò của chính phủ trong định hướng và kiến tạo môi trường đáp ứng yêu cầu của quốc gia khởi nghiệp
1. Cải cách hành chính - nền tảng cho động lực đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Nhìn lại mỗi giai đoạn cải cách hành chính ở Việt Nam đều cho thấy dấu ấn tạo ra cho sự đổi mới và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, cải cách hành chính luôn gắn liền và là nền tảng cho hoạt động doanh nghiệp:
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại một Hội nghị Khởi nghiệp (nguồn internet)
Giai đoạn đầu tiên, với nghị quyết 38-CP, ngày 04/5/1994 về cải cách thủ tục hành chính, trong 7 lĩnh vực cải cách đều liên quan đến hoạt động doanh nghiệp (Thành lập doanh nghiệp & điều kiện kinh doanh, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quyền sử dụng đất & giấy phép xây dựng ở đô thị, cấp phát vốn và khiếu nại, tố cáo), đáng chú ý, với 02 quyết định của Thủ tướng số 90 & 91 ngày 07/3/1994 đã làm cho sự hình thành đáng kể các doanh nghiệp lớn được bứt phá từ các công ty (theo các hình thức Trust, consortioum) trở thành các tổng công ty, điều hành theo cơ chế công ty mẹ-con (Corncern), mục tiêu là tạo thế mạnh về tài chính để phát triển kinh doanh, hạn chế rủi ro, hỗ trợ mạnh trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ mới và phương pháp quản trị hiện đại (đến năm 2004 có 80 Tông công ty 90 và 18 Tổng công ty 91).
Giai đoạn thứ 2 với Nghị quyết TW8, Khóa VII của Đảng ngày 23/01/1995 về Cải cách thể chế, bộ máy giai đoạn1995-1998, ghi nhận sự hợp nhất, thay đổi, thành lập một số cơ quan nhà nước, qua đó cắt giảm một số bộ, ngành cũng như các quan nhà nước ở địa phương. Giai đoạn này cũng chứng kiến nhiều thủ tục hành chính chồng chéo liên quan đến hoạt động doanh nghiệp dần được loại bỏ (vì các thủ tục ban hành bị chồng chéo nhiều, theo cách ví von của doanh nghiệp về 5 không, 3 đợi và 4 mất cho các thủ tục hành chính này: Không đồng nhất, không đồng thời, không minh bạch, không thực tế, không hiệu quả; Đợi xin ý kiến, đợi trình ký, đợi phê duyệt; Mất thời gian, mất tiền bạc, mất cơ hội, mất bạn hàng). Đây cũng là giai đoạn bắt đầu cổ phần hóa hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, đặc biệt là thực hiện thí điểm từ năm 1996 đến đầu năm 1998 với việc Chính phủ ban hành Nghị định 28/CP (7/5/1996), lần đầu quy định một cách có hệ thống từ mục đích yêu cầu, đối tượng đến phương thức tiến hành, chế độ ưu đãi đối với doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá. Vì vậy tốc độ cổ phần hoá đã tiến triển nhanh hơn, kết quả là đã chuyển được 25 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thực hiện tại 3 bộ và 9 tỉnh.
Giai đoạn thứ 3 với Nghị quyết TW7, Khóa VIII của Đảng ngày 16 tháng 8 năm 1999, về cải cách một số tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước . Với việc ra đời của Luật Doanh nghiệp (số 13/1999/QH10 ngày 12 tháng 6 năm 1999), thì cải cách lớn nhất trong luật là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Cải cách này đã góp phần tạo ra một cú hích trong phát triển kinh tế, thúc đẩy tư duy sáng tạo về ý tưởng và phương thức tổ chức kinh doanh. Về thủ tục hành chính, cải cách này đã giải phóng cho doanh nghiệp khỏi nhiều vướng mắc trong khâu gia nhập thị trường, được tự do thành lập doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, ít tốn kém; bãi bỏ yêu cầu vốn tối thiểu, tự do lựa chọn, thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh; tự do lựa chọn địa bàn kinh doanh, mở rộng địa bàn kinh doanh,… Những cải cách này ngay lập tức đã tạo ra những kết quả rất tích cực, trong hai năm 2000-2001, đã có 35.457 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, gần bằng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 9 năm trước đó (1991-1999). Cũng trong hai năm 2000-2001, các doanh nghiệp đã đăng ký mới và bổ sung tổng cộng 55.000 tỷ đồng vốn vào hoạt động kinh doanh (khoảng 4 tỷ USD), tương đương số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng kỳ.
Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cắt bỏ nhanh hàng trăm loại giấy phép kinh doanh không cần thiết, là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp.
Giai đoạn thứ 4 với Chương trình Cải cách tổng thể 2001-2010, với mục tiêu, đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một trong các ưu tiên về cải cách trong giai đoạn này là thủ tục hành chính, trong 2 năm 2000-2003, tổng số 170 loại giấy phép kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc chuyển thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép. Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11. Cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2005 là thống nhất quy định về tổ chức quản lý các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc và cơ cấu sở hữu; khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đặc biệt là sự chia cắt, tách biệt áp dụng theo thành phần kinh tế. Luật Doanh nghiệp 2005 đã thay thế Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Kế thừa và phát huy cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân; hoàn thiện quy định về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tiếp tục có những tác động tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm tiếp tục tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Năm 2009, số lượng doanh nghiệp đạt mức kỷ lục, 84.531 doanh nghiệp, gấp 2,1 lần so với năm 2006 và gấp 5,8 lần so với năm 2000. Trong giai đoạn này đã có 12 Tập đoàn kinh tế được ra đời, điều hành theo hình thức tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, thông qua mua bán chứng khoán trên thị trường để đầu tư vào các ngành nghề nhằm đem lạị lợi nhuận (Conglomerate ), đánh dấu mốc phát triển thương hiệu cao của doanh nghiệp, song song với tiến độ phát triển doanh nghiệp, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp đã cho thấy sự lớn mạnh của khu vực ngoài Nhà nước cả về thị phần cả về số lượng doanh nghiệp, số lao động, lượng vốn, sản xuất và tiêu thụ, vừa khai thác được các nguồn lực của xã hội, vừa đáp ứng được cơ chế thị trường, đã có 3.976 doanh nghiệp được cổ phần hóa từ 2001-2011.
Giai đoạn thứ 5, đó là Chương trình cải cách tổng thể 2011-2020, giai đoạn với khát vọng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Ngay từ đầu của Chương trình cải cách, Đảng và Nhà nước đã định hướng về tái cấu trúc doanh nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định ra đời nhằm chỉ đạo trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp cũng như tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới, thể hiện qua các khâu như đổi mới quản trị về vật tư và tài chính, đổi mới quản trị về tổ chức, đổi mới quản trị về khoa học công nghệ. Lao động dôi dư ở các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, giao, bán được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá, duy trì ổn định xã hội. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Sau một năm Hiến pháp 2013 ban hành, Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời (Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014) với nhiều thay đổi đột phá về quyền kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải cách con dấu, bảo vệ tốt lợi ích của nhà đầu tư, dễ dàng trong tái cơ cấu doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 giúp thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013 làm giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp trong kinh doanh; qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng hết tiểm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển đồng thời tiếp tục duy trì được tốc độ tăng về số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký. Với sự trao quyền rộng rãi cho người dân sẽ phát huy được tác dụng trong huy động nguồn lực, sáng kiến, trí tuệ để phát triển.
Năm giai đoạn cải cách hành chính là năm thời kỳ Nhà nước thể hiện rõ vai trò kiến tạo, định hướng phát triển doanh nghiệp. Sự đổi mới nhằm tạo nền tảng động lực để doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững theo xu thế vận động quốc tế.
2. Những yêu cầu cho một quốc gia khởi nghiệp trong nền kinh tế số
Việt Nam đang tiến hành đồng thời với hai cuộc cách mạng 2.0 và 3.0, đó là vừa xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội vừa nhanh chóng phát triển khu vực công nghệ thông tin, tự động hóa, mạng Internet rộng khắp cả nước. Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số (Bao gồm dữ liệu lớn - Big Data, Vạn vật kết nối internet - IoT, trí tuệ nhân tạo - AI); Công nghệ sinh học (Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu); Lĩnh vực vật lý (Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới,…) là một cơ hội lớn để Việt Nam xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu đầy thách thức mang tính trụ cột đối với một quốc gia khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Một chính phủ quản trị nhà nước tốt chỉ khi có sự tham gia mạnh mẽ của xã hội dân sự, bởi vậy các chính sách được xây dựng công khai trong một nền hành pháp trách nhiệm và giải trình, luôn đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, vận động theo xu hướng phát triển, nền tảng của một chính phủ liêm khiết, cùng với một đội ngũ công chức có năng lực, chuyên nghiệp, quản lý nhà nước theo pháp luật và bình đẳng. Việc đổi mới nhận thức về vai trò của Chính phủ phủ kiến tạo ở Việt Nam trong thời gian qua đã có các biểu hiện rõ nét, đó là Nhà nước vừa là chủ thể quản trị xã hội lại vừa bình đẳng với các đối tượng quản lý là công dân, doanh nghiệp và các thiết chế xã hội khác (tức là vừa thực hiện phương thức “cai quản” lại vừa hành động theo hướng “phục vụ” xã hội), thể hiện được trách nhiệm chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm giải trình,... của nền hành chính chuyên nghiệp. Gắn lợi ích quốc gia với người dân, doanh nghiệp, coi trọng vai trò của thị trường, nhằm khai thác tối đa tiềm năng xã hội, đồng thời can thiệp để định hướng thị trường phát triển theo mục tiêu chung. chú trọng tính hiệu quả của chính sách công theo hướng phục vụ, chia xẻ và thân thiện với xã hội. Những yêu cầu cho một quốc gia khởi nghiệp ở Việt nam thời gian qua, cho thấy sự chọn lọc thực nghiệm những nguyên tắc về áp dụng thị trường vào hoạt động quản trị nhà nước, theo10 nguyên tắc nổi tiếng (Osborne và Gaebler, 1992: Tái tạo lại Chính phủ) như: Lái thuyền chứ không chèo thuyền; mở rộng quyền lực cho cộng đồng hơn là đơn thuần cung cấp dịch vụ; khuyến khích cạnh tranh chứ không độc quyền; lấy công việc chứ không lấy các quy chế làm mục tiêu; tài trợ cho kết quả đầu ra chứ không phải đầu vào; đáp ứng nhu cầu của khách hàng chứ không phải cơ quan hành chính; chú trọng vào nguồn thu, không chỉ chi tiêu; đầu tư vào phòng ngừa hơn là chữa trị; phân quyền; giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng thương trường.
Một quốc gia khởi nghiệp trong nền kinh tế số là quốc gia luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để hội nhập, vươn ra thế giới. Tính đến năm 2014, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 181 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với trên 230 thị trường nước ngoài, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Năm 1995, gia nhập ASEAN, năm 1996 là thành viên của APEC, năm 2000, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, gần đây, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, như cùng với các nước ASEAN ký FTA giữa ASEAN với Trung Quốc (2004), ASEAN - Hàn Quốc (2006), ASEAN - Nhật Bản (2008),... Ký FTA song phương Việt Nam - Nhật Bản (2008), Việt Nam - Chi Lê (2011), Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (2015),...cũng như đang hướng đến một thành viên CPTPP.
Những cam kết trong hội nhập đã thể hiện những nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường trong nước, việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW) từ tháng 9/2015. Các kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua liên tục được đánh giá tích cực, năm 2017 năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.
Một quốc gia khởi nghiệp trong nền kinh tế số là quốc gia luôn gắn nghĩa vụ tuân thủ các cam kết quốc tế khi nền kinh tế nước nhà có sự giao thoa với kinh tế thế giới theo xu hướng phát triển, sự đồng nhất về môi trường pháp lý cho sự vận động của cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào công xưởng quốc tế với dịch vụ, vụ hàng hóa nằm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Mặt khác, đi đôi với chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế, còn tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế, chủ động đề xuất sáng kiến, xây dựng cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi.
3. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cơ hội mang ý nghĩa nhất cho các doanh nghiệp đó là tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững thông qua đổi mới công nghệ, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí sản xuất, tăng năng lực sản xuất và tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy Việt Nam đang thuộc nhóm sơ khai, nhưng từ thực trạng phát triển trong nước trong thời gian qua cho thấy, các trụ cột chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chất lượng và cải thiện môi trường đang có những đổi mới nhanh chóng, tạo cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận con tàu cách mạng này.
Vậy những thách thức đặt ra trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Trước tiên, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh cho riêng mình theo hướng bền vững, sớm đáp ứng đủ năng lực để tận dụng cơ chế và phương tiện đồng hành thực hiện chính phủ điện tử, nhanh chóng chuyển sang kinh tế số, điều đó cho thấy, việc chủ động lựa chọn mô hình phù hợp đáp ứng sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị là điều khó khăn trong tình cảnh chung hiện nay của doanh nghiệp. Việc đó đòi hỏi phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình hóa, số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra môi trường kết nối, áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Khó khăn về lựa chọn công nghệ mới cho doanh nghiệp là phải phù hợp với bước đi từ thực tiễn, vừa phải đảm bảo hiệu quả về duy trì sản xuất hệ thống công nghệ hiện tại, vừa phải hướng tới đầu tư công nghệ tự động hóa nhằm tạo ra sản phẩm tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài mục tiêu tăng năng suất, sản lượng, chất lượng thì còn tăng năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất để kết nối với thương mại điện tử
Hai là, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng trong thực hiện cuộc Cách mạng này, trước hết là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông, hiện tại nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề còn thiếu nhiều, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp ở trong nước, tay nghề và các kỹ năng mềm khác của lao động đang là vấn đề bức bách nhất trong quá trình hội nhập hiện nay. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao hiện nay càng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân lực cả số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp, Ở khu vực TPP, năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp: chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/11 của Nhật Bản, 1/6 của Malaisia và 1/3 của Thái Lan, hàng năm nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường nhưng số đáp ứng yêu cầu công việc là rất khiêm tốn (theo đánh giá chỉ khoảng trên 10%).
Ba là, trình độ ngoại ngữ của lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn đang là rào cản lớn trong hội nhập. Lực lượng lao động qua đào tạo và tay nghề cao lại thông thạo ngoại ngữ và tin học là yếu tố chính để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả của doanh nghiệp trong nước, đây là vấn đề mà không phải một sớm, một chiều giải quyết được ngay. Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không đủ trình độ ngoại ngữ để tự vươn lên sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.
Bốn là, tác động của yếu tố ngoại lực như thể chế, hệ thống chính sách pháp luật cho thấy còn các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTAs, cũng như sự cần thiết phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến dịch vụ xuất nhập khẩu. Cần có các chính sách thực sự thiết thực về tài chính để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới công nghệ, kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất, tiếp nhận công nghệ của thế giới và phát triển những sản phẩm công nghệ của riêng mình. Mặc dù nước ta có đến 95% doanh nghiệp sử dụng internet, nhưng 60% lại đang gặp khó khăn, hạn chế trong ứng dụng vào kinh doanh, số hóa, thiết kế, phân tích thành chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng được sử dụng một cách rời rạc, do đó cần tiếp tục cải thiện môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư, nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tận dụng tối đa các cơ hội, khắc phục các thách thức, doanh nghiệp cần phải tìm những lợi thế của mình để chủ động ứng dụng một cách hiệu quả, nhằm phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
4. Vai trò của Chính phủ kiến tạo về định hướng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu
Thời gian qua, không ít các văn bản của Đảng, Nhà nước chỉ đạo về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quyết định số 125-QĐ/TW ngày 12/2/2018 của Ban Bí thư về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay các diễn đàn, các hội thảo liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp cũng như tạo môi trường thuận lợi cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, từ quản trị quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số. Với quyết tâm Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác phục vụ, Chính phủ đã và đang thể hiện rõ vai trò kiến tạo của mình để doanh nghiệp nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu với các định hướng cơ bản sau :
Thứ nhất, Tăng cường các hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại cũng như thúc đẩy hiệu quả của WTO và các FTAs, chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới cũng như nhanh chóng ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hoàn thành cơ bản mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để khơi thông và khai thác các năng lực hoạt động doanh nghiệp, chú trọng việc ưu tiên các dự án, công trình có liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững cũng như giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (trên cơ sở 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu trong Chương trình Nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc).
Thứ hai, Hoàn thiện nền tảng của một chính phủ điện tử, theo đó trang bị công nghệ hiện đại trong hoạt động hành chính với một đội ngũ công chức chuyên nghiệp đủ trí tuệ và đầy nhiệt tình, có chính sách tạo động lực cho họ làm việc theo đúng tinh thần công vụ kiến tạo đồng thời với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, công khai, minh bạch và một cơ chế giải trình rõ ràng, nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, lấy đạo đức, văn hóa là thước đo, lấy kết quả cuối cùng để đánh giá luôn đồng hành cũng đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển bền vững cũng như chủ động kiểm soát và ứng phó kịp thời các vi phạm về dịch vụ, hàng hóa cũng như an ninh, an toàn cho người dân và đất nước.
Thứ ba, Định hướng hệ thống chính sách nhằm phát triển các nhóm ngành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao cũng như những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chính sách hỗ trợ nguồn lực, đầu tư hạ tầng cần được ưu tiên. Bên cạnh đó tổ chức các đầu mối mang tính quốc gia về diễn đàn theo chuyên đề mà doanh nghiệp đang quan tâm, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thông tin, khai thác dữ liệu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác và chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số.
Thứ tư, Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao nhận thức về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp theo hướng các chính sách và nội dung giáo dục đảm bảo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, chú trọng đến lực lượng trẻ chiếm 25% dân số, họ sẽ là những chủ nhân tạo ra sự thay đổi tích cực và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế 4.0. Hiện tại trình độ, kỹ năng đáp ứng cho yêu cầu phát triển lĩnh vực này thiếu trầm trọng. Dự báo đến năm 2020 sẽ thiếu 100.000 ứng viên ngành công nghệ thông tin, số lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu sử dụng mỗi năm chỉ tăng 8% trong khi đó nhu cầu phải tăng 40% .
Thứ năm, Chú trọng đến năng lực đổi mới và sáng tạo cho doanh nghiệp, việc đổi mới và sáng tạo chủ yếu là ứng dụng công nghệ và nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng như phương pháp quản trị, góp phần thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ, là cầu nối của giữa doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ. Năng lực đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực đổi mới của một quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế, là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh quốc gia, vì vậy vai trò hướng dẫn, điều tiết của nhà nước thông qua các chính sách có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý để hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng là sự thể hiện vai trò quan trọng của nhà nước trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia, tạo thế cho doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh trong quá trình tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Sự vận động của doanh nghiệp luôn gắn với đổi mới của nhà nước, sự thành công của các doanh nhân là hiệu quả hoạt động của bộ máy quản trị nhà nước tốt, một chính phủ hành động là chính phủ thân thiện với xã hội, với người dân, thị trường và doanh nghiệp, vai trò của chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế số là sự thiết kế, xác lập những trụ cột cơ bản trên nền tảng của chính phủ điện tử, luôn nhạy bén và linh hoạt, biết tạo ra các môi trường pháp lý phù hợp nhằm định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt và chia sẻ với doanh nghiệp tiếp cận bền vững cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào đầu những năm 2020-2025.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
2. Các tư liệu trong hội thảo “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0-Nhận diện tác động và khuyến khích đối với Việt Nam”- Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, tháng 7/2018.
3. Nguyễn Trọng Bình (2018). Vai trò của nhà nước trong hệ thống đổi mới quốc gia ở một số nước phát triển và gợi mở đối với Việt Nam,Trang thông tin điện tử (LLCT), 27/3/2018.
4. Bùi Kiến Thường, Phạm Thị Thúy (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề cung, cầu lao động của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Trang thông tin điện tử (TCCS),31/1/2018.
5. Lê Quốc Lý (2017). Xây dựng chính phủ kiến tạo-Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2017.
PGS.TS. Phạm Đức Chính
Phạm Đức Quân
Học viện Hành chính Quốc gia
Tin nóng
- Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp
08/05/2025 3:18:14 CH
- NGHỊ QUYẾT 68-NQ/TW: PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG GẮN KẾT VỚI XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT MỚI VÀ ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, BÌNH ĐẲNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
05/05/2025 8:29:51 CH
- Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
23/04/2025 10:30:30 CH
- NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ, GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG CHO SINH VIÊN HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN KHI SỬ DỤNG INTERNET
08/04/2025 10:57:04 SA
- Hội thảo Khoa học: Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử, định hướng bảo tồn và đánh thức tiềm năng
06/03/2025 12:16:46 CH