Tọa đàm trực tuyến: ‘Đổi mới sáng tạo - Cơ hội và thách thức’
Sáng nay (19/5/2023), tại Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) diễn ra Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Cơ hội và thách thức”.
Xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đang đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Cụ thể, thời gian qua, nền kinh tế nước ta chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ... nhưng đây lại là thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi, việc dựa vào những lợi thế này không giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, thậm chí còn khiến chúng ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. Ngay tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc)...”.
Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố đổi mới sáng tạo, là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân. Đây cũng được xem là giải pháp tích cực, hữu hiệu giúp hạn chế những tổn thương kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội phát triển mới, đổi mới sáng tạo cũng đặt ra không ít thách thức cho các nền kinh tế. Vậy làm sao để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội một cách tốt nhất?
Nhằm đi sâu phân tích vấn đề trên, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Đổi mới sáng tạo - Cơ hội và thách thức” với sự tham gia của các vị khách mời:
+ TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ
+ Ông Trần Văn Nghĩa - Phó giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
+ Ông Vũ Trọng Trung - Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển - Công ty CP Tập đoàn Austdoor
MC: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho TS. Hà Minh Hiệp. Thưa ông, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể ra sao để bắt kịp xu thế thời đại, đón làn sóng đổi mới sáng tạo?
TS. Hà Minh Hiệp: Như chúng ta đã biết, hiện nay tình hình thế giới có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ tới các quốc gia trên thế giới. Khoảng thời điểm 60 năm về trước, vòng đời của một tổ chức, doanh nghiệp vào khoảng hơn 60 năm. Tuy nhiên, cách đây 10 năm thì chỉ số vòng đời giảm chỉ còn 12-13 năm, hiện nay, chỉ số vòng đời của một tổ chức, doanh nghiệp chỉ còn khoảng dưới 10 năm. Điều này đặt ra yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong các tổ chức để tồn tại và phát triển bền vững.
Có thể thấy, đổi mới sáng tạo không chỉ là nhu cầu mà còn là công cụ thực tiễn để doanh nghiệp phát triển, nó cũng giống như câu chuyện 30 năm về trước chúng ta đặt ra yêu cầu về quản lý chất lượng. Để đón nhận làn sóng đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực thực sự cho tăng trường, thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã trình Bộ trưởng KH&CN xem xét một số chủ trương, chính sách, đề án quan trọng như:
Đầu tiên là sửa đổi hai luật: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá theo hướng gia cố và bổ sung thêm các biện pháp quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là bối cảnh chúng ta đang tăng cường công tác hậu kiểm, thực hiện các hiệp định FTA.
Chúng tôi cũng báo cáo Bộ KH&CN để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, trong đó lấy công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 làm nền tảng. Sắp tới chúng ta sẽ có tiêu chuẩn về AI, dữ liệu lớn, IoT để đảm bảo hài hoà với quốc tế và phù hợp năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng tôi cũng trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia để kiện toàn năng lực theo hướng chuyển đổi số, có nghĩa là dữ liệu hoạt động này sẽ được chia sẻ, đồng bộ. Đây là đề án quan trọng để nâng cao năng lực, hạ tầng chất lượng quốc gia.
MC: Thưa ông Trần Văn Nghĩa, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động doanh nghiệp nói riêng?
Ông Trần Văn Nghĩa: Về thực trạng ĐMST của nền kinh tế Việt Nam, theo tôi đã thể hiện khá rõ thông qua chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Thái Lan (thứ 43).
Báo cáo của WIPO năm 2022 cũng khẳng định chỉ số ĐMST của Việt Nam cao hơn so với phát triển kinh tế của đất nước và chỉ số sáng tạo GII của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước có mức thu nhập cùng với nước ta. Như vậy có thể thấy WIPO đánh giá rất cao đối với ĐMST của Việt Nam.
Về vấn đề liên quan đến thực trạng ĐMST của Việt Nam, theo tôi chúng ta có thể tham khảo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về khoa học công nghệ. Họ đã đánh giá khách quan vấn đề ĐMST của Việt Nam ít hơn so với kì vọng của phát triển kinh tế quốc gia cũng như so với các quốc gia có nền kinh tế tương đương trong khu vực.
Doanh nghiệp Việt Nam đang đổi mới sáng tạo nhiều hơn so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.
MC: Thưa ông Trung, được biết, Tập đoàn Austdoor là một trong những doanh nghiệp vật liệu xây dựng tiên phong đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vậy ở góc độ doanh nghiệp, theo ông trong môi trường kinh doanh biến động nhanh, linh hoạt và cạnh tranh cao như hiện nay, hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới sẽ mang lại điều gì?
Ông Vũ Trọng Trung: Công tác đổi mới sáng tạo là tất yếu của mọi doanh nghiệp, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh thị trường kinh doanh thuận lợi, nghiên cứu sáng tạo luôn là động lực tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều biến động thì việc đổi mới sáng tạo lại càng trở nên quan trọng và phải phát huy tối đa công tác đổi mới sáng tạo để tối ưu chi phí hoạt động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Với Austdoor, chúng tôi luôn làm như vậy, không mâu thuẫn hay cản trở việc cải tiến sản xuất, đổi mới sáng tạo sản phẩm hay tìm ra cơ hội kinh doanh mới.
Việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm như cửa cuốn, nhôm công nghiệp, vật liệu nhẹ và đầu tư mới vào lĩnh vực nội thất cũng tạo ra cho Austdoor cơ hội bứt phá, lợi thế khác biệt trên thị trường, từ đó thu hút sự ủng hộ và tin tưởng của đối tác, khách hàng.
Là đơn vị hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng vốn khá truyền thống, chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất cung ứng và kinh doanh. Đây là hoạt động lớn mà Tập đoàn Austdoor theo đuổi, đầu tư gần 5 năm qua cũng như trong thời gian tới để chuyển dịch tổ chức theo xu thế phát triển chung.
MC: Thưa Phó Tổng cục Trưởng Phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp, được biết Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - Ban kỹ thuật ISO/TC 279 đã xây dựng Bộ Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, xin ông nói rõ hơn về bộ chỉ số này cũng như lợi ích của nó?
TS. Hà Minh Hiệp: Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách để đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp thành công.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ 6% CEO hài lòng về kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - Ban kỹ thuật ISO/TC 279 đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo. Bộ tiêu chuẩn này gồm gần 10 tiêu chuẩn chia thành 4 nhóm kỹ thuật để quản lý một cách bài bản về đổi mới sáng tạo.
Bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp suy nghĩ nghiêm túc và toàn diện hơn về hoạt động quản lý đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, khi doanh nghiệp chủ động quản lý các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ đảm bảo hơn về mối liên kết giữa hoạt động đổi mới sáng tạo và định hướng chiến lược của doanh nghiệp (bao gồm phân bổ nguồn lực, các chỉ số và theo dõi), tính linh hoạt, thích ứng của chiến lược và mục tiêu đổi mới sáng tạo gắn với các cơ hội, triển vọng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Văn hóa hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo được thúc đẩy thực hiện để tạo ra điều kiện thích hợp giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, thúc đẩy các sáng kiến và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
MC: Về phía Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Học viện đã có những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cụ thể gì để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, thưa Ông Trần Văn Nghĩa?
Ông Trần Văn Nghĩa: Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của học viện để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo:
Thứ nhất: Học viện thực hiện đổi mới chương trình và đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN (chức danh nghiên cứu, chức danh công nghệ).
Thứ hai: Đổi mới nội dung đào tạo, đưa ĐMST vào chương trình của các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp cho các tổ chức sự nghiệp KH&CN.
Thứ ba: Tăng cường xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo về KHCN&ĐMST cho doanh nghiệp.
Thứ tư: Tăng cường tương tác và tổ chức các khóa đào tạo về KHCN&ĐMST cho các địa phương theo đặt hàng.
MC: Hiện, tổ chức Năng suất châu Á (APO), Việt Nam đã và đang triển khai, áp dụng hệ thống đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn ISO 56000 như thế nào, thưa TS. Hà Minh Hiệp?
TS. Hà Minh Hiệp: Tôi nhớ là năm 2019 chúng ta có tham gia nhóm kỹ thuật xây dựng tầm nhìn của APO năm 2025 và cũng đưa ra tiêu chuẩn này. Rất may là ý tưởng của Việt Nam được đông đảo các nước ủng hộ.
Vậy vì sao chúng ta lại nhận được nhiều sự ủng hộ khi đưa ra tiêu chuẩn này? Đó là nhờ chúng ta có sự quan tâm từ Chính phủ, đưa ra việc tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành văn hoá đổi mới sáng tạo. Nếu không có những điều này, chúng ta không thể thành công.
Có thể nói trong 21 nền kinh tế thành viên của APO chúng ta là nước đi đầu trong xây dựng tiêu chuẩn cho đổi mới sáng tạo và chúng tôi tự hào về điều đó.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chúng tôi đã tổ chức chương trình đào tạo online cho gần 60 người thuộc doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên. Năm 2021 chúng tôi đề xuất dự án nghiên cứu đầu tiên về đổi mới sáng tạo, chúng ta đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của 445 doanh nghiệp của 10 nền kinh tế thành viên. Năm 2022, chúng ta đã xuất bản báo cáo nghiên cứu lần đầu tiên xuất phát từ Việt Nam. Năm 2023 chúng ta dự định đề xuất dự án nhằm đưa thêm các nhóm giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo.
MC: Ngoài việc ứng dụng tiến bộ công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được doanh nghiệp triển khai từ sớm, thì ứng dụng chuyển đổi số cũng đang là hoạt động mà Austdoor chú trọng và đầu tư, vậy ông có thể chia sẻ mục đích, cách thức mà doanh nghiệp đã và đang triển khai hoạt động này như thế nào, mang lại hiệu quả ra sao?
Ông Vũ Trọng Trung: Đổi mới trong sản xuất và phát triển sản phẩm được xem là năng lực cốt lõi của tập đoàn trong nhiều năm qua, chúng tôi đã duy trì hoạt động đổi mới sáng tạo liên tục và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Tập đoàn cũng ứng dụng chuyển đổi số vào vận hành chuỗi giá trị mang lại rất nhiều hiệu quả, tối ưu nguồn lực.
Bên cạnh đó, Tập đoàn có hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc, công tác quản lý hoạt động kinh doanh cũng được quan tâm thông qua việc đưa công nghệ số giúp nắm bắt được các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, giúp tạo ra nhiều giá trị cho khách hang và tạo ra sự dịch chuyển. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên tục tìm kiếm các mô hình sản xuất, kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, đặc biệt về lĩnh vực thương mại điện tử giúp cho tập đoàn mở rộng được quy mô kinh doanh và tăng trưởng kinh doanh nhanh hơn.
MC: Năng suất chất lượng, hiệu quả từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay trình độ công nghệ ở nước ta vẫn còn lạc hậu và xếp vào loại thấp nhất khu vực ASEAN. Theo ông Nghĩa, chúng ta cần giải pháp gì để thoát khỏi thực trạng trên?
Ông Trần Văn Nghĩa: Theo tôi, có một số giải pháp cụ thể để nâng cao trình độ công nghệ, nhanh chóng đưa công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội:
Thứ nhất: Thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp;
Thứ hai: Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ tài chính.
Thứ ba: Đẩy mạnh việc giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn tới năm 2030 tầm nhìn 2050 đã khẳng định giai đoạn tới không chỉ tập trung vào theo đuổi phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ mà còn phải tập trung vào hấp thụ, lan tỏa và làm chủ công nghệ thích hợp để nhanh chóng đưa công nghệ vào phục vụ phát triển KT-XH.
MC: Đối với doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Thưa ông, áp dụng hệ thống đổi mới sáng tạo theo ISO 56000 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào trong quá trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh?
TS. Hà Minh Hiệp: Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới và ISO 56000 là công cụ, giải pháp quản lý quá trình đổi mới sáng tạo có hiệu quả.
ISO 56000 là giải pháp mới khác nhiều so với các giải pháp chúng ta đang cải tiến hiện nay. Bộ tiêu chuẩn này xác định rõ sản phẩm đổi mới sáng tạo là gì, phân biệt sản phẩm đổi mới sáng tạo với sản phẩm sáng chế hay những sản phẩm từ nghiên cứu phát triển (R&D).
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai thực hiện theo ISO 56000. Vấn đề quan trọng đầu tiên phải kể đến là con người, xây dựng văn hoá cải tiến trong doanh nghiệp, văn hoá tối ưu hoá nguồn lực, hệ thống, giải pháp... Tiếp đó là việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, giúp chúng ta tối ưu quá trình.
Các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác chỉ dừng ở mức cam kết nhưng riêng ISO 56000 có 3 mức cao hơn cam kết, đó là phải đưa đổi mới sáng tạo vào tầm nhìn, chủ trương, chính sách.
MC: Còn về phía Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ông Nghĩa có thể chia sẻ những kiến giải gì để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung?
Ông Trần Văn Nghĩa: Về phía Học viện là đơn vị có chức năng nghiên cứu chính sách, nghiên cứu chiến lược và đào tạo, bồi dưỡng sẽ có các hoạt động sau để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo:
Thứ nhất: Đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, áp dụng, lan tỏa nhanh các công nghệ hiện có vào nền kinh tế; nâng cao năng lực ứng dụng, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tăng cường năng lực quản lý, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thứ hai: Phân tích kết quả đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu để cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương các điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tyế xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.
Thứ ba: Xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số đo lường, đánh giá phát triển kinh tế xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của các ngành, địa phương; triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương PII để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương dựa trên đổi mới sáng tạo.
Thứ tư: Đẩy mạnh hoạt động đào tạo bồi dưỡng như đã trao đổi ở trên.
MC: Vậy, đâu là khó khăn, trở ngại khi áp dụng đổi mới sáng tạo cũng như ứng dụng tiến bộ công nghệ tại doanh nghiệp hiện nay, thưa ông Trung?
Ông Vũ Trọng Trung: Việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố để thành công, nhưng theo tôi có những yếu tố quan trọng như: Sự đầu tư và cam kết lâu dài: Đổi mới sáng tạo nói chung, ứng dụng công nghệ, chuyển đối số nói riêng là hoạt động dài hơi cần sự đầu tư và quyết tâm rất cao của Lãnh đạo doanh nghiệp cũng như toàn bộ tổ chức.
Văn hoá đổi mới: Việc cải tiến, thay đổi cao hơn là sáng tạo, nếu chỉ hô hào sẽ rất khó mang lại hiệu quả, nó cần được xây dựng, duy trì, nhân rộng trong tổ chức như một nét văn hoá. Ở Austdoor chúng tôi may mắn có được điều này, là nền tảng quan trọng cho tư duy đổi mới và thực thi sáng tạo.
Năng lực cốt lõi và khả năng triển khai: Việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cần dựa trên cơ sở có sản phẩm tốt, nguồn nhân lực tốt, mô hình kinh doanh phù hợp, đây cũng là thách thức mà các doanh nghiệp phải xác định rõ ngay từ đầu để có thể phát huy được đúng giá trị của công nghệ.
MC: Câu hỏi cuối xin được gửi tới Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp! Được biết, Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thiện dự thảo Đề án hạ tầng chất lượng quốc gia và đang trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Vậy, hoạt động đổi mới sáng tạo được thể hiện ra sao trong Đề án?
TS. Hà Minh Hiệp: Việt Nam được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo cao. Chúng ta có niềm tin và xu hướng chuyển dịch sang một động lực phát triển mới là đổi mới sáng tạo. Với đề án về hạ tầng chất lượng quốc gia, mục tiêu đặt ra là nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Hiện nay, theo ILO, có hai con đường chính. Một là tăng năng suất lao động, hấp thu công nghệ, thay đổi nền công nghệ. Cách thứ hai là vẫn với hạ tầng như thế nhưng chúng ta thay đổi cách quản lý để tác động vào hạ tầng chất lượng quốc gia để nâng cao năng suất.
Với cách thức thứ 2, trước đây một sản phẩm hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài người ta chỉ quan tâm sản phẩm theo tiêu chuẩn gì, nhưng bây giờ không chỉ tiêu chuẩn mà còn quan tâm xem sản phẩm đã được kiểm định theo phương pháp gì, đã được hiệu chuẩn chưa và đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận chưa.
Nội hàm của việc này chính là đổi mới sáng tạo, là động lực để thúc đẩy nâng cao năng suất. Do vậy, trong đề án chúng tôi cũng đã nêu hợp phần quan trọng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
MC: Thưa quý vị và các bạn!
Có thể thấy, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cuộc CMCN 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ; giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ từ các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín… đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Theo kinhtedouong.vn
Tin nóng
- Những điểm then chốt trong quản lý đấu thầu cần được thực hiện
30/12/2024 3:01:42 CH
- Giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam
26/12/2024 4:37:52 CH
- Thực hiện pháp luật về chứng thực, từ thực tiễn hoạt động của UBND quận Gò Vấp
26/12/2024 10:57:58 SA
- Tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để không dẫn tới các rủi ro pháp lý trong đấu thầu
19/12/2024 8:50:13 SA
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA