Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản
Trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng ngày càng trở nên quan trọng. Nâng cao hiệu quả quản lý sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực mà còn đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính bền vững của các công trình. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy nhiều vấn đề cần phải được giải quyết một cách kịp thời và quyết liệt.
Thực trạng quản lý dự án đầu tư xây dựng
Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng là một lĩnh vực quản lý đầy phức tạp, đa dạng và nhạy cảm, gồm nhiều bước với nhiều nội dung quản lý khác nhau: quản lý tiến độ; quản lý nguồn lực; quản lý rủi ro; quản lý chất lượng; quản lý thông tin; quản lý hợp đồng; quản lý sự thay đổi.... Quá trình thực hiện thường kéo dài, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của nhiều chủ thể. Hoạt động QLDA đầu tư xây dựng không chỉ đảm bảo quy trình thực hiện dự án mà còn đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công và hiệu quả của dự án.
Tuy nhiên, thực tiễn, hiện nay, tại nhiều Ban QLDA đầu tư xây dựng vẫn đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức, điển hình như: năng lực nhân sự của các Ban vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quản lý. Việc thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm dẫn đến việc triển khai dự án thường gặp khó khăn, gây ra tình trạng chậm tiến độ và chưa đạt yêu cầu về chất lượng.
Ngoài ra, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng cũng như việc thẩm tra và phê duyệt hồ sơ thiết kế cũng là vấn đề cần được lưu tâm, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển hạ tầng của địa phương, chậm trễ trong công tác nghiệm thu và thanh quyết toán.
Tất cả phản ánh tầm quan trọng, sự cần thiết của việc đánh giá thực trạng công tác quản lý dự án tại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhằm tiếp tục duy trì, đảm bảo tính hiệu quả của các dự án có nguồn vốn ngân sách, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) nói riêng quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đa dạng và phức tạp. Những yếu tố này không chỉ tác động đến chất lượng và tiến độ của các dự án mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công,… Trong đó, công tác đấu, lựa chọn nhà thầu là một trong những yếu tố “then chốt”.
Thực tế, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác đấu thầu tại huyện Thanh Oai vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như: Số lượng nhà thầu tham gia vào các gói thầu còn hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm thấp, HSMT xuất hiện nhiều tiêu chí chưa phù hợp,… Tất cả đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các đơn vị phụ trách liên quan.
Huyện Thanh Oai xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối quận, huyện và liên xã/ Ảnh: internet
Đấu thầu cùng một số vi phạm phổ biến thường gặp
Chuyên giá đấu thầu đề cập một số vi phạm phổ biến thường gặp trong công tác đấu thầu như sau:
Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: Hành vi này có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong hoạt động mua sắm tài sản, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu… Việc can thiệp có thể là trực tiếp, hoặc gây ảnh hưởng, gây áp lực đối với những người có trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, các bên tư vấn, tham gia dự thầu,… (vi phạm khoản 2 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).
Thông thầu: Đây là hành vi thống nhất thỏa thuận giữa các bên tham gia dự thầu, cung ứng dịch vụ, phí dịch vụ cho các hoạt động đầu tư xây lắp trong gói thầu, để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu, gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận (vi phạm khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).
Gian lận trong đấu thầu: Là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư, hoặc để đạt được lợi ích khác, trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện (vi phạm khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013). Gian lận trong đấu thầu thường là các hành vi: (1) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu; (2) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất… cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; (3) Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, rất nhiều đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu có những hành vi vi phạm kể trên và bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như các vụ việc diễn ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC, hay các vụ án tại Bệnh viện Tim, Sở Giáo dục và Đào Tạo Cần Thơ, Quảng Ninh,..
Tất cả là bài học đắt giá cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác đấu thầu, tránh những nguy cơ sai phạm có thể xảy ra. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Để có cái nhìn khách quan nhất về công tác đầu tư xây dựng đang diễn ra tại huyện Thanh Oai nói riêng. Từ đó, có những nhìn nhận thực tế về những hạn chế còn tồn tại cũng như những khó khăn của chủ đầu tư, nhà thầu,…đang vướng phải. Qua quá trình thu thập dữ liệu làm minh chứng, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến các gói thầu do UBND huyện Thanh Oai và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai (Ban QLDA huyện Thanh Oai) làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Khang Thái (Công ty Khang Thái) với nhiều dấu hiệu “bất thường”.
Theo đó, Công ty Khang Thái được biết đến là nhà thầu có địa chỉ tại: Số 8A6 Ngõ 40, Ngô Quyền, La Khê, Hà Đông, Hà Nội do ông Vũ Đức Lộc là người đại diện pháp luật. Công ty Khang Thái thành lập ngày 31/03/2016, tham gia đấu thầu quốc gia ngày 23/05/2019. Công ty từng được công bố trúng khoảng 54 gói thầu, trong đó, 32/54 gói thầu trúng thuộc huyện Thanh Oai, bằng 59,26% tổng giá trị trúng thầu với nhiều dấu hiệu “bất thường”.
Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 7/2024, Công ty Khang Thái (trong tư cách liên danh) liên tiếp được phê duyệt trúng 5 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu ước tính đạt gần 140 tỷ đồng tại Ban QLDA huyện Thanh Oai. Điều đáng chú ý là tất cả các gói thầu này đều chỉ có một nhà thầu tham gia, và giá trúng thầu đều chênh lệch không đáng kể so với giá gói thầu. Tình huống này đang đặt ra nhiều câu hỏi và cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Ngày 28/06/2024, ông Nguyễn Tuấn Khải, Giám đốc Ban QLDA huyện Thanh Oai ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Nâng cấp trường tiểu học Thanh Mai; Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh trúng thầu với giá 11.618.834.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 11.708.130.000 đồng, tiết kiệm 89.296.000 đồng ≈ 0,76%.
Ngày 08/07/2024, ông Nguyễn Tuấn Khải tiếp tục ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Nâng cấp Trường mầm non Thanh Mai, Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh trúng thầu với giá 9.831.774.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 9.893.309.000 đồng, tiết kiệm 61.535.000 đồng ≈ 0,62%.
Ngày 24/7/2024, ông Nguyễn Tuấn Khải tiếp tục ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Cải tạo, nâng cấp trường mầm non Cao Viên (điểm trường thôn Đàn Viên), Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh trúng thầu với giá 12.174.539.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 12.238.373.000 đồng, tiết kiệm 63.834.000 đồng ≈ 0,52%.
Ngày 25/7/2024, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Duy tu, sửa chữa trường tiểu học Thanh Cao; Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh tiếp tục trúng thầu với giá 10.358.084.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 10.404.711.000 đồng, tiết kiệm 46.627.000 đồng ≈ 0,45%.
Mới đây nhất, ngày 29/07/2024, ông Bùi Văn Sáng tiếp tục ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Cải tạo, nâng cấp trường THPT Thanh Oai B. Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh trúng thầu với giá 39.793.242.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 39.997.117.000 đồng, tiết kiệm 203.875.000 đồng ≈ 0,51%.
Ông Nguyễn Tuấn Khải – Giám đốc Ban QLDA huyện Thanh Oai ký quyết định phê duyệt cho công ty Khang Thái và thành viên liên danh trúng thầu
Ngoài ra nhiều gói thầu khác tại huyện Thanh Oai từ đầu năm đến nay cũng xuất hiện tình trạng tương tự như công ty Khang Thái kể trên khi chỉ có 1 nhà thầu tham gia và tỉ lệ giá trúng thầu tiết kiệm thấp như: Gói thầu phần xây dựng và thiết bị, dự án: Trường mầm non Phương Trung II (Giai đoạn II), ông Nguyễn Tuấn Khải ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 17/9/2024; Gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự án: Nâng cấp, mở rộng trường THCS Nguyễn Trực - thị trấn Kim Bài, ông Nguyễn Tuấn Khải ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 22/8/2024; Gói thầu phần xây dựng và đảm bảo ATGT, dự án: Cải tạo đường giao thông từ đường Cienco 5 vào khu nghĩa trang nhân dân thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, ông Nguyễn Tuấn Khải ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 12/7/2024….
Ông Bùi Văn Sáng – Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ký quyết định phê duyệt cho công ty Khang Thái và thành viên liên danh trúng thầu
Lại nói về về việc trúng thầu của công ty Khang Thái tại Ban QLDA huyện Thanh Oai, trước đó từng xuất hiện nhiều dấu hiệu “bất thường” trong HSMT như:
Ngày 29/12/2023, ông Bùi Văn Sáng – Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ký quyết định cho công ty Khang Thái (trong tư cách liên danh) trúng gói thầu phần xây dựng và thiết bị dự án: Xây dựng mới trường mầm non Nguyễn Trực, huyện Thanh Oai với giá 66.410.402.000 đồng, sau gói thầu tiết kiệm 220.739.000 đồng ≈ 0,33%; gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự.
Đáng nói, trong HSMT gói thầu xuất hiện tiêu chí “Có Biểu đồ nhân sự, thiết bị hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của E-HSMT; Nhà thầu phải có danh sách công nhân đủ theo tiến độ thi công, trong đó phải có tối thiểu 15 công nhân có chứng chỉ nghề phù hợp với gói thầu”.
Liên quan đến tiêu chí, chuyên gia về đấu thầu khẳng định, theo quy định của pháp luật về xây dựng, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông không phải nhân sự chủ chốt của gói thầu xây lắp. Theo hướng dẫn tại Mẫu số 04 Chương IV Mẫu E-HSMT xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT thì căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà bên mời thầu quy định yêu cầu về nhân sự chủ chốt như chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm kỹ thuật thi công, chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, đội trưởng thi công..., mà không yêu cầu về số lượng, năng lực và kinh nghiệm của công nhân, lao động phổ thông.
Ngoài ra, Phụ lục 09 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT nêu rõ: Một số quy định của E-HSMT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP gồm: đ) Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông;
HSMT gói thầu công ty Khang Thái trúng xuất hiện tiêu chí cấm được quy định tại phụ lục 09 thông tư 08/2022/TT-BKHĐT
Thực tế, việc đấu thầu qua mạng nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo nhận xét từ các chuyên gia đấu thầu, không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho tài chính công. Có những gói thầu có giá trị cao, nhưng khi công bố kết quả trúng thầu, tỷ lệ giảm giá lại rất thấp. Ở một số địa phương, có tình trạng mỗi lần nhà thầu “quen mặt” tham gia đều trúng, ở các gói thầu này tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất khiêm tốn. Điều này gây thất thoát ngân sách nhà nước và đặt ra một dấu hỏi lớn về tính cạnh tranh và hiệu quả của quy trình đấu thầu hiện tại.
Việc Công ty Khang Thái cùng các thành viên liên danh liên tục trúng thầu, các gói thầu có một nhà thầu tham dự và tỉ lệ tiết kiệm thấp, tiêu chí mời thầu chưa đúng quy định tại Phụ lục 09 thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã đặt ra những câu hỏi đáng lưu ý về tính minh bạch trong quy trình đấu thầu.
Một chuyên gia đấu thầu khác đã chỉ ra rằng: Các tiêu chí cài cắm ngày càng tinh vi hơn ở nhiều chủ đầu tư, khiến cho khả năng trúng thầu của những nhà thầu “lạ” thường rất thấp. Việc này không chỉ dẫn đến một sân chơi không công bằng mà còn gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi những gói thầu giá trị lớn nhưng không được thực hiện một cách hiệu quả.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5/2023, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, “Nếu muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì đã có những phương pháp rất cụ thể, rành mạch. Chỉ cần một chiêu trò, chi tiết nhỏ thôi là loại hồ sơ của nhà thầu khác ra, lấy nhà thầu thân quen. Theo tôi biết một số đơn vị, địa phương mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp”.
Giải pháp phòng, chống tiêu cực trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản
Trong bối cảnh tình hình tham nhũng, tiêu cực và thất thoát trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra ngày càng phức tạp, việc đề xuất các giải pháp là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Từ giai đoạn chủ trương đầu tư đến khâu nghiệm thu công trình, đều có thể xảy ra các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ của các dự án. Dưới đây là một số giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực:
Hoàn thiện cơ chế và chính sách quản lý dự án: Các cơ quan chức năng cần phân tích kỹ lưỡng các chủ trương đầu tư, đảm bảo rằng các dự án phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của địa phương và Trung ương. Không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ quy định mà còn cần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện: từ khảo sát, thiết kế đến thi công.
Đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý: Cần có các chương trình bồi dưỡng định kỳ, giúp cán bộ nắm vững kiến thức về pháp luật và các quy định liên quan đến phòng chống tham nhũng. Các buổi tuyên truyền, phổ biến thông tin cần được tổ chức rộng rãi để toàn thể cán bộ, công chức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đều nắm bắt được.
Tăng cường công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng vốn: Công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng vốn cần được thẩm định và phê duyệt ngay từ đầu, tránh tình trạng chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Nâng cao quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng: Cần phải đảm bảo rằng quá trình này diễn ra một cách công bằng, minh bạch và chặt chẽ. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao tính cạnh tranh. Các hoạt động giám sát và kiểm tra công tác đấu thầu cũng cần được tăng cường để đảm bảo rằng các quy định được thực hiện một cách nghiêm túc.
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Để kiểm soát tốt chi phí đầu tư xây dựng, cần tổ chức các khâu sản xuất một cách hợp lý và xây dựng hệ thống định mức rõ ràng.
Cải cách thủ tục hành chính: Cần phân cấp mạnh mẽ và rõ trách nhiệm cho các cấp cơ quan, giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục. UBND tỉnh cần chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan để loại bỏ các thủ tục không cần thiết, nhằm giảm tải cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý.
Tăng cường công khai kết quả thanh tra, kiểm tra: Việc công khai kết quả thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ tăng cường sự giám sát từ cộng đồng mà còn tạo sức ép lên các đơn vị liên quan trong việc tuân thủ các quy định. Cần có các quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với các đơn vị không thực hiện kết luận, kiến nghị từ cơ quan thanh tra và kiểm toán.
Đánh giá trách nhiệm của các chủ thể: Từ chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, cung cấp trang thiết bị, cho đến các nhà tư vấn, mỗi đối tượng cần có trách nhiệm cụ thể và rõ ràng dựa trên các quy định của pháp luật. Điều này sẽ giúp đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp kịp thời khi phát hiện ra sai phạm.
Tăng cường minh bạch trong quá trình thực hiện: Điều này giúp người dân theo dõi và kiểm tra và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Cán bộ cần có chuẩn mực đạo đức cao và trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, từ đó từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đầu tư.
Những giải pháp trên sẽ tạo ra một khuôn khổ vững chắc cho việc quản lý dự án đầu tư xây dựng. Khi tất cả các yếu tố này được kết hợp và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quản lý góp phần xây dựng những công trình chất lượng, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu và lợi ích của cộng đồng. Từ đó, tạo dựng một tương lai bền vững cho đất nước, đúng với sự kỳ vọng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Kim Yến
Tin nóng
- Phú Bình (Thái Nguyên): Biện pháp nào để vừa bảo vệ Môi trường vừa quản lý nguồn khoáng sản chưa Khai thác?
22/10/2024 1:05:35 CH
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công: Thực tiễn và bài học
18/10/2024 9:47:15 SA
- Giải pháp cho đầu tư xây dựng, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội
17/10/2024 8:46:18 SA
- Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh: Bảo vệ môi trường luôn là tiêu chí hàng đầu trong mọi hoạt động
14/10/2024 8:32:14 CH
- Hội thảo: Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam
04/10/2024 3:18:14 CH