Tầm quan trọng của sự phát triển bền vững các loài gắn với phát triển đa dạng sinh học và sự quan tâm chú trọng bảo tồn của Việt Nam
Loài Hổ đang dần biến mất nếu không được bảo vệ khỏi nạn săn trộm. Ảnh: Internet
Đa dạng sinh học (Biodiversity) là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Các giống loài này bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 triệu giống loài sinh vật. Giữa các giống loài có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ: thực vật biến đổi năng lượng mặt trời thành thức ăn cho động vật nhưng ngược lại thực vật cũng nhờ động vật như hoa nhờ ong chuyển phấn hoa…; loài này là thức ăn của loài kia… Thực vật, động vật và vi sinh vật có gen di truyền và những thông tin chứa trong các gen này là những thông tin hữu ích đối với sự phát triển thuốc trừ vật hại thiên nhiên, các loại động, thực vật có sức đề kháng cao.
Số lượng các loài khác nhau đo lường sự đa dạng giống loài. Trạng thái muôn vẻ của môi trường cư trú, cộng đồng sinh vật và tiến trình sinh thái được gọi là sự đa dạng sinh thái. Hiện nay, theo ước tính có khoảng 22 triệu loài động vật. Trong đó có 1,5 triệu loài đã được mô tả; 7 triệu có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang suy tàn; 1/4 loài có vú có nguy cơ bị tiêu diệt. Sự tác động của con người làm ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tuyệt chủng của các loài vật ngày càng tăng. Săn bắt, khai thác bừa bãi các loài động thực vật trong rừng. Sự xuất hiện của các loài có tính chất gây hại mạnh tới các loài khác, như ốc bươu vàng, bèo Nhật Bản,...
Tầm quan trọng của đa dạng sinh học.
Không chỉ là nơi cư trú, môi trường sống của nhiều loài sinh vật, các hệ sinh thái còn có chức năng cung cấp các loại hình dịch vụ cơ bản như:
Dịch vụ điều tiết: giúp điều hòa khí thông qua lưu trữ cacbon và kiểm soát lượng mưa, lọc không khí và nước, phân hủy các chất thải trong môi trường, giảm nhẹ những tác hại của thiên tai như lở đất hay bão lũ. Giá trị lưu giữ và hấp thụ cacbon của rừng Việt Nam là rất đáng kể, đặc biệt là rừng tự nhiên. Giá trị này tỷ lệ thuận với trữ lượng và sinh khối rừng.
Dịch vụ cung cấp: có giá trị kinh tế rõ ràng, đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; là tiền đề đảm bảo an ninh lương thực của đất nước; duy trì nguồn gen giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu xây dựng và các nguồn nguyên liệu, dược liệu; cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân. Tổng trữ lượng hải sản ở biển Việt Nam ước tính khoảng 3,075 triệu tấn. Tổng sản lượng khai thác nên ở mức 1,7 đến 1,9 triệu tấn năm. Hiện nay, tổng sản lượng khai thác đang ở mức 2,7 triệu tấn/năm.
Dịch vụ văn hóa: cung cấp giá trị vô cùng to lớn cho các ngành giải trí ở Việt Nam với các loại hình du lịch sinh thái, đem lại nhiều giá trị kinh tế và góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và công tác bảo tồn thiên nhiên.
Hệ sinh thái dưới lòng Đại dương. Ảnh: Internet
Thực trạng về loài trong hệ sinh thái.
Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã đe dọa tới tài nguyên di truyền. Một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn gen tại Việt Nam là do giá trị về nguồn gen chưa được nhận thức đầy đủ. Đặc biệt tại khu vực miền núi và ven biển, nơi sở hữu nguồn gen phong phú và quý hiếm nhưng do trình độ dân trí còn hạn chế nên người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị nguồn tài nguyên đang nắm giữ. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn gen không ý thức được trách nhiệm phải chia sẻ lợi ích với bên cung cấp tài nguyên, khiến cho quyền lợi của cộng đồng không được đảm bảo. Số lượng các loài thuỷ sinh vật, đặc biệt các loài tôm, cá có giá trị kinh tế bị giảm sút nhanh chóng. Số lượng cá thể các loài cá nước ngọt quý hiếm, có giá trị kinh tế, các loài có tập tính di cư bị giảm sút. Nhiều loài đặc hữu như: Voọc mũi hếch ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể. Đầu thế kỷ 20, loài này phân bố ở rừng núi của 4 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Thái Nguyên. Hay loài voọc mông trắng chỉ phân bó ở VQG Cúc Phương, khu BTTN Văn Long (Ninh Bình) và hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể. Tê giác Java Việt Nam là một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên Trái đất đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010.
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Ảnh Internet
Công tác quản lí và bảo vệ loài tại Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm loài trong hệ sinh thái
- Về mặt quản lý: các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Đặc biệt do nhận thức của con người trong xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn sự đa dạng sinh học còn nhiều hạn chế,...Nạn săn bắt, buôn bán trái phép động thực vật quý hiếm trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, từ năm 2011 đến 2013, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu các nội dung và điều khoản quy định của Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen theo Công ước đa dạng sinh học (gọi tắt là Nghị định thư Nagoya về ABS) và tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét, gia nhập Nghị định thư. Ngày 17 tháng 3 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về việc gia nhập Nghị định thư Nagoya về ABS. Ngày 23 tháng 4 năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về ABS.
Việc này nhằm tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc trong bảo vệ quyền và lợi ích công bằng của bên cung cấp nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen ở Việt Nam; góp phần thực hiện nghĩa vụ đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước và Tuyên bố Rio về Phát triển bền vững; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ xây dựng năng lực về vấn đề này; nâng cao nhận thức về quản lý nguồn gen, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư và bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Cùng với đó là luật đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 (số 20/2008/QH12) và có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2009. Theo luật này, bảo tồn được hiểu là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ sinh cảnh tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của thiên nhiên; và, nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Luật đồng thời quy định “vùng đệm” là vùng bao quanh, tiếp giáp khu bảo tồn, có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với việc bảo tồn.
Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn càng mang tính cấp thiết, cần triển khai có hiệu quả để không mất đi nguồn gen quý báu mang tính đặc trưng. Vì vậy việc quy hoạch để bảo tồn, khai thác nguồn gen bền vững mang tính cấp thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái.
Thanh Vân
Tin nóng
- Hội thảo Khoa học: Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử, định hướng bảo tồn và đánh thức tiềm năng
06/03/2025 12:16:46 CH
- Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí
18/02/2025 5:10:02 CH
- Luật Báo chí (sửa đổi) - Cần nhìn nhận đúng vai trò của báo chí khoa học
18/02/2025 5:06:17 CH
- Giải pháp nền tảng cho sự phát triển xanh trong đầu tư xây dựng hiện nay
10/01/2025 9:34:46 SA
- Những điểm then chốt trong quản lý đấu thầu cần được thực hiện
30/12/2024 3:01:42 CH