Phát triển nông nghiệp xanh trong thời đại công nghiệp hóa góp phần bảo vệ môi trường

20/09/2023 6:28:19 CH
Share Bai :

Ảnh Internet

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa làm cho đất nước có “diện mạo” mới từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ đất liền ra hải đảo. Không thể phủ nhận, quá trình công nghiệp hóa đã mang đến nhiều thay đổi tích cực đến đất nước, con người Việt Nam. Song, quá trình công nghiệp hóa diễn ra quá mạnh mẽ đã khiến môi trường tự nhiên của nước ta bị “tổn thương” nặng nề, rừng bị rút lõi, nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, nhiều sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đã bị tuyệt chủng,…

Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, đến nay, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và văn hóa của Việt Nam. Sản lượng của các sản phẩm từ nông nghiệp tăng đáng kể, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực trong nước, đồng thời biến nước ta trở thành nước có sản lượng xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới.

Song trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp đã trở thành một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trồng trọt dần phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trong phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều chất gây hại cho con người, thực vật, động vật và môi trường, nhiều chất khó phân hủy hoặc phân hủy thành nhiều chất gây hại, gây ra ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và muốn đảm bảo sản lượng nông sản, người dân vẫn bất chấp sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật dù được khuyến cáo là có hại cho sức khỏe và môi trường. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ thói quen canh tác của người dân, chất lượng nông sản dần xuống cấp và “mất giá”, khó xâm nhập thị trường nước ngoài.

Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng lành mạnh, đảm bảo nền kinh tế và an ninh lương thực, nâng cao chất lượng đời sống của người dân và hơn hết là bảo vệ môi trường gắn liền với nông nghiệp và con người, nước ta cần có giải pháp trong phát triển nông nghiệp và nông nghiệp xanh là giải pháp sáng giá trong phát triển nông nghiệp.

Nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch. Theo đó, nông nghiệp xanh sẽ hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn cho con người, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế và mục tiêu về bảo vệ môi trường. 

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh đã xuất hiện ở Việt Nam và đạt được nhiều thành tựu. Các mô hình canh tác lúa bền vững “ruộng lúa bờ hoa”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM…phát triển mạnh mẽ đã cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam. 

Nông dân đã nâng cao nhận thức hơn trong canh tác nông nghiệp thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp xanh của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ. Quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học cũng được ứng dụng đối với cây ăn trái và chăn nuôi, bên cạnh đó, mô hình kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn cũng đã được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch là cách tiếp cận đầy triển vọng cho nông nghiệp bền vững. Nhiều nơi đã tận dụng được tiềm năng của địa phương và kết nối nông nghiệp với du lịch như một chiến lược cho nông nghiệp bền vững. Thông qua việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các nghề địa phương, các trang trại có thể hợp tác với các làng nghề truyền thống để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đồng thời có thể thu hút và phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh. Sau nhiều năm phát triển nông nghiệp xanh, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ 53.350ha (năm 2016) lên 237.693ha (năm 2019). Trong đó, đã có 46/63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện và phát động phong trào sản xuất hữu cơ; số lượng nông dân tham gia sản xuất hữu cơ khoảng 17.168 người; hơn 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Tính đến năm 2020, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã xuất hiện ở 180 nước trên thế giới. Các số liệu trên cho thấy nông nghiệp xanh của Việt Nam đã từng bước phát triển và đạt được hiệu quả cao trong kinh tế.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi khói bụi, ô nhiễm là những điều “tất yếu”, con người phải đối mặt với nhiều hơn một thách thức về tồn tại và phát triển, nông nghiệp xanh sẽ trở thành điểm sang, góp phần quan trọng trong việc điều tiết môi trường sống cũng như kinh tế của con người. Trong tương lai, nông nghiệp xanh sẽ trở thành  xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Có thể nói, nông nghiệp xanh là hướng đi đúng đắn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Phát triển bền vững luôn là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nông nghiệp xanh là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo phát triển kinh tế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, mang đến lợi ích lâu dài, bền vững cho nền kinh tế quốc dân.

Mạnh Hà

  • Tags: