Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong giai đoạn hiện nay ở nước ta

14/07/2025 1:42:23 SA
Share Bai :

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Trong Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1969 có đoạn viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Tư tưởng của Người là hiện thân của tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, có sự kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Cho đến hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang thấm sâu vào trong nhận thức và hành động của mỗi người dân Việt Nam, trở thành định hướng và kim chỉ nam dẫn dắt sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới ở nước ta. Một trong những tư tưởng quý báu mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân tộc ta là tư tưởng đạo đức công vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Internet

Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ

Trong quan niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, để đáp ứng được yêu cầu công tác mỗi cán bộ, công chức cần có cả đức và tài, trong đó, đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng.

Vì vậy có thể khẳng định đạo đức cách mạng là cơ sở để cán bộ đảng viên hình thành nhân cách cao đẹp, tác phong công tác chuyên nghiệp, ý thức và thái độ phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo. Đó cũng chính là những biểu hiện cụ thể của đạo đức công vụ.

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20-5-1950, về việc ban hành quy chế công chức do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành, đưa ra bốn tiêu chí trong câu nói ngắn gọn: “Công chức là đầy tớ, công bộc của dân”, có 4 phẩm chất “Cần - Kiệm - Liêm - Chính”. Những phẩm chất lày là những chuẩn mực đạo đức công vụ, là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín”.

Ý thức rõ về nguy cơ tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục đạo đức công vụ cho họ với phẩm chất hàng đầu là sự “liêm, chính”. Người yêu cầu cán bộ, công chức phải thực sự trong sạch, ngay thẳng, “công bình, chính trực”, hết lòng phục vụ Tổ quốc và Nhân dân.

Người nói rõ: đã là người cách mạng thì ai cũng phải liêm nhưng cán bộ, công chức - “những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”. Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đề cập một cách hệ thống toàn diện đến đức liêm, chính của cán bộ, công chức là trong tác phẩm Đời sống mới (tháng 3-1947). Để cán bộ, công chức thấu hiểu và thực hành đức liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc về chuẩn mực này.

Theo Người, “liêm” trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”.

Không đơn thuần là của cải, người cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. Để mọi người hiểu rõ hơn về liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích khái niệm tương phản là “bất liêm”.

Người nói rõ, nếu liêm là không tham lam bất cứ điều gì ngoài ham học, ham làm, ham tiến bộ thì tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Kẻ bất liêm do tham lam vô độ mà buộc phải trộm cắp những cái thuộc về người khác.

 Vì thế, “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp” [3; tr. 123] rơi vào sự tha hóa về nhân cách và quyền lực. Để nhấn mạnh điều này, Người đã dẫn lời Khổng Tử, rằng “người mà không liêm, không bằng súc vật” và lời của Mạnh Tử, rằng “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”.

Như vậy, “liêm” và “bất liêm” - những phạm trù đạo đức truyền thống đã được kế thừa và phát triển để trở thành thước đo đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức cách mạng.

Không dừng ở khái niệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra giá trị của “liêm” trên mọi phương diện. Với các cá nhân, liêm mang lại sự “quang minh chính đại”, tâm lành, trí sáng, uy tín và sự kính nể từ những người xung quanh. Đức liêm của người cán bộ, công chức sẽ làm tấm gương cho nhân dân và mang lại cho họ lòng tin vào chế độ.

Trên quy mô dân tộc thì liêm cùng với “cần” và “kiệm” sẽ giúp cho dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, trở thành một dân tộc văn minh và tiến bộ. Trong việc thực hành đức liêm của cán bộ, lòng tự trọng cá nhân đặt nền móng cho uy tín và sự hưng thịnh của chế độ.  

Với đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rõ: những người làm việc trong các công sở, từ làng, xã cho đến Trung ương, vì nắm trong tay quyền lực nhà nước nên có nguy cơ tha hóa quyền lực và sử dụng quyền lực nhằm tư lợi cho cá nhân và gia đình, dẫn đến “đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân”. Người đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.

Điều đó có nghĩa là, trong thi hành công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, cán bộ, công chức tuyệt đối không được tơ hào dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ” của Nhân dân và phải hết sức tiết kiệm, minh bạch trong việc chi dùng công quỹ. Hơn nữa, để “ích nước, lợi dân”, cán bộ, công chức cần biết sử dụng công quỹ, tài sản của Nhà nước vào việc mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia dân tộc, nâng cao đời sống Nhân dân…Để răn đe, ngăn chặn những hành vi bất liêm, ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc Lệnh, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình, giống như tội phản quốc.  

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, công chức không chỉ cần “liêm” mà còn phải “chính”. Người có đức chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, không chỉ hành động theo nguyên tắc “việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”, mà còn kiên quyết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với cái xấu.

Thực hành đức chính rất khó bởi nó đòi hỏi ở con người sự dũng cảm, tinh thần trọng nghĩa, trách nhiệm cộng đồng, ý thức dân tộc. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “liêm” là tiền đề, điều kiện của “chính” nhưng người có đức chính mới là “người hoàn toàn”, tức là đạt tới sự hoàn thiện về nhân cách.

Người còn nói rõ, ai cũng có ba mối quan hệ là với mình, với người, với việc và người có đức chính phải thể hiện sự đúng mực, cao thượng trong cả ba quan hệ đó, nhưng trước hết là trong công việc. Do nắm trong tay quyền lực công nên khả năng vụ lợi, lạm quyền của công chức luôn hiện hữu, vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành.

Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Như vậy, “liêm”, “chính” vừa là tiêu chí đạo đức cơ bản, vừa là thước đo bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của cán bộ, công chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính, nhưng người lãnh đạo phải là tấm gương về sự liêm chính. Để người lãnh đạo trong các công sở thực hành đức chính, phòng tránh căn bệnh “phe, cánh”, “hơn, thua”, đố kỵ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia.

Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Như vậy tư tưởng của Bác hướng đến “trọng dụng nhân tài”, bình đẳng và công bằng trong sử dụng nhân tài.

Sự kiên trì giáo dục và tấm gương ngời sáng về đức liêm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự ra đời nhiều lớp cán bộ vàng với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm của Bác về đạo đức công vụ vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở xây dựng đạo đức công vụ và nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ trong các cơ quan công quyền hiện nay ở nước ta.

Những yêu cầu cơ bản về đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay:

Trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, để làm được điều này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

Thứ nhất,mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên không ngừng tích cực chủ động học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào nhiệm vụ công tác. Chủ tịch Hồ Chi Minh nhấn mạnh rằng, công việc cách mạng là rất phức tạp, khó khăn và để nhận diện được hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mẫu thuẫn, giải quyết đúng vấn đề thì “chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác-Lênin”.

Bởi lẽ, “có học tập lý luận Mác-Lênin mới cũng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”. Tuy nhiên, đó là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Anh hùng và Chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957. Ảnh SGGP.

Thứ hai,thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, đó là vũ khí sắc bén trong xây dựng đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, chống chủ nghĩa cá nhânở mỗicán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình thực thi công vụ cần đảm bảo đúng quy trình, trình tự thủ tục, nguyên tắc, kết hợp giữa lý và tình trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt.

Thứ ba, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện tu dưỡng và rèn luyện đạo đức suốt đời. Tu dưỡng và rèn luyện đạo đức suốt đời sẽ xây dựng nhân cách tốt đẹp ở mỗi người, cao hơn nữa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn xã hội và yêu cầu công tác, xứng đáng với sự tin yêu của Nhân dân. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đề cao tính tối thượng của pháp luật, đòi hỏi người công chức cần biến những giá trị, chuẩn mực đạo đức công vụ thành hành động thực tiễn với mục tiêu cao nhất là vì Nhân dân phục vụ. Để rèn luyện đạo đức suốt đời người cán bộ công chức phải tự tu rèn nỗ lực hàng ngày với thái độ cầu thị, bền bỉ gắn với tích cực học tập trên sách báo, học ở đồng nghiệp, học ở Nhân dân…

Đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương:

Thứ nhất, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức và nhân dân kiểm tra, giám sát qua đó đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tâm lý tiểu nông, sự thiếu chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Cần xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, khắc phục tư duy kinh nghiệm, bệnh hình thức, quan liêu, phe cánh.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng hệ thống nội quy, quy định, tiêu chí cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Hệ thống nội quy, quy định, tiêu chí cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ sẽ là cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ, công chức trong công tác và đánh giá chất lượng phục vụ nhân dân ở các cơ quan công quyền.

Trong điều kiện thực tiễn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, cần thường xuyên bổ sung, đổi mới hệ thống nội quy, quy định, tiêu chí của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đổi mới và cải cách công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá và giải quyết các chính sách, chế độ theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát... để giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức công vụ; nâng cao ý thức tự rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Thứ ba, phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trong tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Các cơ quan đơn vị cần xây dựng những phương thức, phương tiện để lấy ý kiến Nhân dân, doanh nghiệp về các hoạt động công vụ, qua đó năng cao chất lượng hoạt động công vụ, đồng thời giúp mỗi cán bộ, công chức không ngừng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiêu chuẩn, nguyên tắc pháp quyền hiện đại. Hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, không thiên vị, dễ tiếp cận… sẽ là cơ sở quan trọng để hạn chế những vi phạm, sai phạm đạo đức công vụ.

Thứ năm, hiện thức hoá chủ trương cải cách thủ tục hành chính gắn với cơ chế tổ chức quản lý và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính gần dân, lắng ghe ý kiến nhân dân thông qua nhiều phương thức khác nhau. Các cơ quan xây dựng kế hoạch, lộ trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong hoạt động công vụ trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại, trong đó có giá trị đạo đức để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên” trong thực hiện nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân.

Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ công tác cũng như đòi hỏi của thực tiễn, nâng cao đạo đức công vụ là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, có tác động trực tiếp và to lớn đến thành công của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ không chỉ có giá trị đương thời mà trong giai đoạn hiện nay càng chứng minh được sức sống và sự trường tồn trong việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đạo đức công vụ trong tư tưởng Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng ý thức, hành vi và quan hệ đạo đức công vụ ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sach, vững mạnh, chính phủ liêm chính, hành động đáp ứng yêu cầu  đổi mới ở nước ta hiện nay.

Để nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay tất yếu phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về thực hành đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay, trong đó phải phát huy vai trò của các chủ thể đó là: cán bộ, công chức, các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.

TS Hoàng Thị Thanh, giảng viên chính khoa Nhà nước và pháp luật, TCT Bình Dương

  • Tags: