NUÔI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÌ MỤC ĐÍCH KINH TẾ - VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TRẠNG NUÔI GẤU Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

28/10/2021 5:54:53 CH
Share Bai :

Nuôi động vật hoang dã là hoạt động nuôi nhốt với đối tượng là các loài động vật hoang dã chưa thuần hóa trong môi trường nông nghiệp (hình thức các trang trại nuôi động vật hoang dã, trại thú) để sản xuất ra các sản phẩm động vật như các cá thể động vật sống cung cấp cho nhu cầu săn bắn chiến phẩm và cung cấp cho thị trường động vật nuôi làm thú cưng, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã còn cung cấp các mặt hàng như thực phẩm như thịt rừng và các nguyên liệu đông y, y học cổ truyền và các nguyên vật liệu cho ngành may mặc, thời trang như da, lông thú và sợi, len thú.

Việc nuôi nhốt động vật hoang dã, ngay từ đầu đã gây nên nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này. Bên cạnh nhóm ý kiến đồng tình, thì ngược lại nhiều ý kiến cực lực phản đối hoạt động này. Mỗi bên đều đưa ra ý kiến bảo vệ quan điểm của mình.

Những chú gấu chịu nhiều đau đớn khi bị lấy mật. Ảnh Internet

1. Nhóm quan điểm đồng ý với việc nuôi nhốt động vật hoang dã. Một số nhà bảo tồn lập luận rằng việc gây nuôi động vật hoang dã có thể bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách giảm áp lực lên quần thể động vật hoang dã thường bị săn trộm để làm thức ăn và nhu cầu của con người. Nghề nuôi động vật hoang dã đang phát triển do giá trị những loài vật nuôi này khá cao, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất, không cần tốn nhiều công chăm sóc, người dân có thể vừa thực hiện các mô hình khác, vừa nuôi động vật hoang dã.

Các chuyên gia y tế công cộng cũng nghiêng về quan điểm ủng hộ gây nuôi vì cho rằng nếu được quản lý tốt thì có thể góp phần ngăn chặn các bệnh lây nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Thông thường, thịt rừng không được xử lý cẩn thận gây ra sự lây lan dịch tật. Nuôi động vật hoang dã có thể làm giảm sự lây lan của bệnh tật bằng cách cung cấp cho cộng đồng thịt rừng được chế biến đúng cách. Những người đang hoạt động trong mô hình này cho rằng, gây nuôi động vật hoang dã không chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế trong nước và xuất khẩu mà còn góp phần đảm bảo cho công tác bảo tồn nguồn gen, là công cụ hữu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời giảm bớt áp lực săn bắt trong tự nhiên. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề này, nhưng nhìn chung việc gây nuôi động vật hoang đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa như giúp phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có tác dụng tốt trong việc giáo dục môi trường và giải trí; đặc biệt là bảo tồn được nguồn gen như hươu sao Việt Nam, cá sấu Việt Nam gần như đã tuyệt chủng nhưng nhờ gây nuôi sinh sản đã bảo tồn được nguồn gen.

2. Nhóm quan điểm phản đối với việc nuôi nhốt động vật hoang dã. Bên cạnh nhóm quan điểm ủng hộ kể trên, nhiều nhà khoa học bảo tồn cho rằng cách làm này không mang lại ích lợi gì cho các loài động vật hoang dã đang bị săn bắt, gây nuôi động vật hoang dã không làm giảm sức ép lên chúng trong tự nhiên. Việc nuôi động vật hoang dã có thể gây hại cho phần lớn các nỗ lực bảo tồn, ngoại trừ một số loài được chọn. Động vật hoang dã, không như các loài thuần dưỡng, đều có vai trò sinh thái riêng và khi số lượng quần thể một loài hoang dã giảm xuống một mức độ nhất định nào đó, nó được coi là tuyệt chủng về mặt sinh thái vì quần thể của chúng quá nhỏ để thực hiện vai trò sinh thái của chúng.

Xét về khía cạnh kinh tế, xu hướng nuôi nhốt có khi còn tốn kém hơn cả việc mua chúng từ tự nhiên vì sẽ phải chi trả rất nhiều các khoản phí liên quan đến xây dựng chuồng trại, mua thức ăn và chăm sóc, giá thành các sản phẩm từ động vật hoang dã nuôi nhốt cũng thường đắt hơn, việc gây nuôi và chăm sóc các loài hoang dã cũng không đơn giản, chúng rất khó nuôi dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt và tỷ lệ sinh sản, sinh trưởng cũng không cao như các loài động vật thương mại vốn đã được thuần hóa. Những loài chim săn lớn như đại bàng và các loài chim ăn thịt khác rất khó để giữ trong môi trường nuôi nhốt bởi chúng đã quen sải cánh trong một không gian rộng lớn, nuôi dưỡng những loài này rất tốn kém cho cả con người và động vật. Ở Việt Nam, các vật nuôi dạng đặc sản trên gặp nhiều khó khăn về đầu ra do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiểu ngạch Trung Quốc.

Ngoài ra cần tính đến tính đảm bảo an toàn khi động vật tấn công do xổng chuồng hoặc nổi điên, nhất là các loài thú dữ. Đơn cử như cá sấu, gấu... là những loài vật rất nguy hiểm, thường săn các loài động vật to lớn trong tự nhiên, chúng cần rất nhiều thức ăn, sống lâu và rất hung dữ. Ở Việt Nam không ít trường hợp, thú nuôi hoang dã xổng chuồng tấn công con người, thậm chí gây tử vong. Khi các loài vật hoang dã trở thành gánh nặng đối với chủ nhân của chúng, người ta có thiên hướng sẽ thả chúng trở lại tự nhiên. Điều này rất nguy hiểm bởi chúng có thể truyền bệnh cho con người và các loài bản địa, chúng có thể gây ra nguy hiểm do là loài hoang dã, chưa được thuần phục, dù bị nuôi nhốt nhiều năm. Nuôi nhốt động vật hoang dã cũng gây ra những tổn thương đối với thể chất và tinh thần của chúng, nhiều trường hợp động vật nuôi nhốt khi được giải cứu đều trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ. Chỉ trong điều kiện nuôi dưỡng chuyên nghiệp, đầy đủ cơ sở vật chất, các loài hoang dã mới có thể được đảm bảo về sức khoẻ.

Việt Nam vẫn còn hàng nghìn con gấu bị nuôi nhốt để lấy mật. Ảnh Internet

3. Vấn đề nuôi nhốt động vật hoang dã qua thực tế nuôi gấu ở Việt Nam

Tiêu biểu nhất cho hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã ở Việt Nam đó là hoạt động nuôi nhốt gấu để lấy mật. Trước những năm 70 của thế kỷ trước, cách duy nhất để có thể lấy mật gấu là săn bắt gấu ngoài tự nhiên, giết và lấy nguyên cả túi mật của con gấu. Nhưng rồi tại Hàn Quốc, họ đã "sáng chế" ra một cách đó là bắt giữ những chú gấu ngoài tự nhiên, nuôi nhốt để lấy mật. Thời điểm đó, chưa có máy dò sóng âm, nên họ sử dụng kim chọc vào ngực các chú gấu tội nghiệp cho đến khi chọc đúng vào túi mật, từ đó ngành công nghiệp nuôi giữ gấu lấy mật ra đời. Sau đó, ở Trung Quốc lại "phát minh" ra phương pháp mổ và cài vào túi mật của những chú gấu một cái ống và dẫn trực tiếp mật gấu ra ngoài. Do vậy, trước ngực mỗi con gấu là những túi cao su được cố định bằng dây nhợ, từ đó mật gấu tươi sẽ liên tục chảy ra từ bên trong cơ thể gấu ra túi cao sư bên ngoài. Việc này giúp cho các chủ trang trại nuôi gấu thu hoạch mật. Điều này đồng nghĩa với việc, trên cơ thể những chú gấu bị nuôi nhốt sẽ có một vết thương không bao giờ lành - chính là lỗ dẫn mật từ trong cơ thể ra túi cao su bên ngoài, mà cứ vài ba ngày, chủ trại nuôi gấu sẽ chọc vào cái ống đã cố định sẵn để da thịt gấu không liền lại bịt kín lỗ.

Với tình trạng nuôi nhốt gấu tập trung để lấy mật, phần lớn các chú gấu đều bị nhiễm các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da do điều kiện chuồng trại chật hẹp và vệ sinh không đảm bảo. Với điều kiện nuôi nhốt chật hẹp, không tự do như ngoài thiên nhiên hoang dã, thêm vào đó, cách một vài ngày lại bị những vết đau do hoạt động lấy mật, hầu hết gấu nuôi nhốt đều có sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật. Việc nuôi nhốt gấu để lấy mật không những làm giảm đi số lượng gấu nuôi hoang dã ngoài tự nhiên, khiến chúng bị săn đuổi đến cùng kiệt để đem về những trại nuôi mà còn làm dấy lên vấn đề về quyền động vật và lòng nhân ái của con người, khi mà hàng nghìn chú gấu bị đối xử thô bạo và hành hạ một cách tàn tệ.

Như vậy, qua việc nghiên cứu hoạt động nuôi động vật hoang dã qua thực tế nuôi gấu ở Việt Nam có thể thấy những lý do và ưu điểm mà những người ủng hộ hoạt động này không thể bù đắp và thay thế được những tác hại mà hoạt động này gây nên đối với sự tồn tại và phát triển của các loài động vật hoang dã, chưa kể đến lòng nhân ái của con người đối với các loài vật khác trong tự nhiên. Chính vì vậy, các chính phủ nói chung và Việt Nam nói riêng, từng bước hạn chế và tiến tới ban hành luật nghiêm cấm việc nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích kinh tế. Điều này không chỉ thể hiện sự tiếp cận của nước ta với xu thế tiến bộ chung của nhân loại mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và sự bền vững của môi trường sinh thái của chúng ta. 

TS. Chu Thái Thành

  • Tags: