Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết

09/12/2024 10:11:02 SA
Share Bai :

Trên thực tế đã có rất nhiều Chủ đầu tư, Bên mời thầu do không nghiên cứu kỹ quy định về yêu cầu đối với nhân sự chủ chốt khi xây dựng Hồ sơ mời thầu nên đã vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu, có những trường hợp đưa ra các yêu cầu trái quy định gây khó dễ, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, từ đó tạo lợi thế cho 1 hoặc 1 số nhà thầu khác, gây ra cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả trong đấu thầu.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, việc đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt là một phần cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để tránh mắc phải các sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực này, các bên liên quan cần có một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc về các quy định hiện hành liên quan đến nhân sự chủ chốt. Khả năng phân tích và đánh giá chính xác các yếu tố liên quan sẽ đảm bảo rằng yêu cầu đưa ra không chỉ tương thích với từng loại gói thầu mà còn phù hợp với tính chất, mức độ đặc thù và phức tạp của từng dự án.

Để thực hiện được điều này, các chủ đầu tư và bên mời thầu cần dành thời gian để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các quy định pháp luật hiện hành. Việc này giúp tránh những cạm bẫy có thể xảy ra và gia tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT đã đưa ra nhiều quy định mới về nhân sự chủ chốt, và việc nắm vững những thay đổi này là vô cùng cần thiết. Các tiêu chí đánh giá, yêu cầu nhân sự có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại gói thầu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt quy định trong E-HSMT đối với gói thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT.

Theo đó, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt trong E-HSMT cho phù hợp. E-HSMT không được yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông.

Nhà thầu phải cung cấp thông tin chi tiết về các nhân sự chủ chốt được đề xuất và hồ sơ kinh nghiệm của nhân sự theo các Mẫu số 06A, 06B và 06C Chương IV. Nhân sự chủ chốt có thể thuộc biên chế của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động. Trường hợp nhân sự chủ chốt mà nhà thầu đề xuất trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự (bao gồm cả trường hợp nhân sự đã huy động cho hợp đồng khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này), Bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế.

Nhà thầu chỉ được phép bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự chủ chốt trong thời hạn phù hợp nhưng không ít hơn 03 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có nhân sự thay thế đáp ứng yêu cầu của E-HSMT thì nhà thầu bị loại.

Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự không trung thực thì nhà thầu không được thay thế nhân sự khác, E-HSDT của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Yêu cầu về nhân sự chủ chốt được số hóa dưới dạng Webform trên hệ thống. Kinh nghiệm trong các công việc tương tự được thể hiện ở số năm tối thiểu nhân sự thực hiện các công việc tương tự hoặc số hợp đồng tối thiểu trong các công việc tương tự. Số năm kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt được tính từ thời điểm nhân sự bắt đầu thực hiện công việc tương tự đó đến thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải cung cấp thông tin chi tiết về các nhân sự chủ chốt được đề xuất tại các Mẫu số 06A, 06B và 06C  Chương IV để chứng minh rằng mình có đầy đủ nhân sự cho các vị trí chủ chốt đáp ứng những yêu cầu sau đây:

Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất, nhà thầu không được thay đổi nhân sự chủ chốt (nhân sự đã đề xuất trong E-HSDT hoặc nhân sự đã được thay thế một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP), trừ trường hợp do thời gian đánh giá E-HSDT kéo dài hơn so với dự kiến trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc vì lý do bất khả kháng mà các vị trí nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đông.

Trong trường hợp đó, nhà thầu được quyền thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm, năng lực tương đương hoặc cao hơn với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu.

Những yêu cầu được coi làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu đối với gói thầu xây lắp:

  • Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu;
  • Quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu;
  • Quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: giấy phép hành nghề, các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định (Ví dụ: gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức thì quy định này trong E-HSMT được coi là vi phạm).
  • HSMT gói thầu xây lắp mà yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông;
  • HSMT gói thầu xây lắp yêu cầu nhân sự chủ chốt phải thuộc quyền quản lý của nhà thầu, phải ký hợp đồng lao động với nhà thầu từ năm…
  • HSMT gói thầu xây lắp quy định Chỉ huy trưởng công trường phải thuộc quyền quản lý của nhà thầu mà không được thuê từ bên ngoài.
  • HSMT gói thầu xây lắp yêu cầu nhà thầu phải đệ trình danh sách công nhân lao động khi tham dự thầu.

Minh bạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Xã hội càng phát triển, việc duy trì sự minh bạch và xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Chính phủ đã chứng tỏ sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc loại bỏ những tệ nạn này, nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, rất nhiều đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu có những hành vi vi phạm và bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như các vụ việc diễn ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC, hay các vụ án tại Bệnh viện Tim, Sở Giáo dục và Đào Tạo Cần Thơ... Tất cả những vụ việc này là bài học đắt giá cho các cơ quan và đơn vị liên quan trong lĩnh vực đấu thầu.

Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng tôi đã tiến hành thu thập dữ liệu liên quan đến các gói thầu do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh (TTPTQĐ huyện Đông Anh) làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của các công ty: Công ty cổ phần xây dựng VinaLand (Công ty VinaLand); Công ty cổ phần xây dựng và kết cấu thép Đông Anh (Công ty Đông Anh). Kết quả thu được cho thấy nhiều dấu hiệu "bất thường". Điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch mà còn đặt ra câu hỏi về công bằng trong đấu thầu tại đây. Cụ thể:

Liên quan đến việc trúng thầu của công ty VinaLand:

Ngày 14/10/2024, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc TTPTQĐ huyện Đông Anh ký quyết định số 1208/QĐ-TTQĐ phê duyệt cho công ty VinaLand cùng các liên danh trúng gói thầu số 01 thuộc dự án: Xây dựng HTKT tại điểm X10, xóm Trại, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh để đấu giá QSD đất với giá 47.343.052.000VND. Sau đấu thầu tiết kiệm 1.069.455.000VND, ≈ 2,21%.

Quyết định số 1208/QĐ-TTQĐ cho công ty VinaLand cùng các liên danh trúng thầu

Tiêu chí trong HSMT

Trong HSMT gói thầu kể trên xuất hiện tiêu chí yêu cầu:“Đề xuất giải pháp sử dụng công nhân trực tiếp thi công xây dựng công trình: Đề xuất sử dụng ≥ 80% công nhân lao động (số lượng căn cứ theo biểu đồ nhân lực nhà thầu đề xuất) hoặc đề xuất tối thiểu 30 nhân sự công nhân lao động trực tiếp đã qua đào tạo và có chứng chỉ nghề ≥ 3 năm (tính theo chứng chỉ đào tạo nghề) Ghi chú: Nhà thầu phải nộp kèm danh sách nhân sự bao gồm bảng kê khai số định danh/CMTND/Căn cước công dân/Hộ chiếu và bản sao công chứng/chứng thực bằng cấp/chứng chỉ liên quan nộp kèm theo E-HSDT và chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu để kiểm tra, đối chiếu khi có yêu cầu;” và tiêu chí “ Đề xuất ≥ 80% công nhân lao động (hoặc tối thiểu 30 nhân sự) có thẻ/chứng nhận/chứng chỉ về an toàn lao động + phòng cháy chữa cháy”.

Theo chuyên gia đấu thầu, nhân sự chủ chốt bao gồm các vị trí như chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm kỹ thuật thi công, chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, giám sát kỹ thuật, giám sát chất lượng, các kỹ sư chuyên ngành... Công nhân, lao động phổ thông không được xem là nhân sự chủ chốt quy định tại HSMT. Việc HSMT cố tình đưa ra các yêu cầu cụ thể về về số lượng công nhân, lao động phổ thông mà nhà thầu phải huy động để thực hiện gói thầu và kinh nghiệm đối với các vị trí nhân sự này là chưa phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành, có thể dẫn tới hạn chế cạnh tranh (vi phạm Phụ lục 08 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT).

Thêm vào đó, việc yêu cầu công nhân lao động có chứng chỉ nghề ≥ 3 năm và yêu cầu chứng nhận/chứng chỉ về an toàn lao động và PCCC. Theo các chuyên gia đấu thầu những tiêu chí yêu cầu chứng nhận, chứng chỉ, tài liệu chứng minh với đội ngũ lao động phổ thông trong hồ sơ mời thầu đang là căn bệnh trầm kha, chưa thực sự được chấn chỉnh kịp thời dẫn tới làm giảm tính cạnh tranh, cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu, đi ngược với tinh thần của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

“Dù các chứng nhận/chứng chỉ có tính chất làm đẹp hồ sơ cho cá nhân/doanh nghiệp, nhưng lại được các bên mời thầu coi là tiêu chí trọng yếu, cho mức điểm tối đa khi đánh giá hồ sơ dự thầu. Điều này dẫn tới khả năng loại bỏ nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và cạnh tranh về giá”, chuyên gia này chia sẻ.

Từ những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia đấu thầu cho rằng, công tác lập, thẩm định HSMT cần được siết chặt hơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, không gây khó khăn cho nhà thầu.

Quyết định số 1128/QĐ-TTQĐ cho công ty VinaLand cùng các liên danh trúng thầu

Trước đó, ngày 24/09/2024, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc TTPTQĐ huyện Đông Anh ký quyết định số 1128/QĐ-TTQĐ phê duyệt cho công ty VinaLand cùng các liên danh trúng gói thầu số 01 thuộc dự án: Xây dựng khu đấu giá QSD đất thôn Biểu Khê, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh với giá 60.168.569.000VND. Sau đấu thầu tiết kiệm 1.508.288.000VND, ≈ 2,45%.

Đáng chú ý, cả 2 gói thầu kể trên đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Việc các gói thầu có 1 nhà thầu tham dự theo các chuyên gia đấu thầu, nguyên nhân chính là do nhân sự làm công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên thay đổi nên thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT; công tác thẩm định HSMT chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao, dẫn đến các tiêu chuẩn trong HSMT chưa rõ ràng, chưa phù hợp với quy định, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Thực tế, nhiều địa phương đã đưa các gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự vào diện giám sát, theo dõi để chấn chỉnh. Tuy nhiên, từ những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc siết chặt công tác xây dựng HSMT, nâng cao chất lượng khâu thẩm định, phê duyệt HSMT để hạn chế tối đa những “hạt sạn”, “chiêu trò” cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu mới là liều thuốc quan trọng nhất nhằm cải thiện tình trạng chỉ 1 nhà thầu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Công ty VinaLand có địa chỉ tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Việt. Từ năm 2016 đến nay trúng khoảng 44 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu: 310.742.442.106VND. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay công ty VinaLand trúng khoảng 15 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu: 190.521.004.202VND trong đó 2 gói thầu nêu trên là 2 gói thầu lớn nhất công ty đạt được. Trước đó, gói thầu lớn nhất VinaLand từng trúng trị giá khoảng 13 tỷ.

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cũng như giá trị của các gói thầu cho thấy công ty VinaLand đang trong một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự thành công này cũng đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về năng lực thực sự của công ty. Liệu công ty VinaLand có thể duy trì đà phát triển trong bối cảnh ngành xây dựng đang ngày càng cạnh tranh hơn? Những gói thầu lớn mang lại cơ hội, nhưng cũng đi kèm với áp lực lớn về chất lượng và tiến độ.

Quyết định số 912/QĐ-TTQĐ cho công ty Đông Anhcùng các liên danh trúng thầu

Liên quan đến việc trúng thầu của công ty Đông Anh: Ngày 21/08/2024, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc TTPTQĐ huyện Đông Anh ký quyết định số 912/QĐ-TTQĐ phê duyệt cho công ty Đông Anh cùng các liên danh trúng gói thầu số 01 thuộc dự án: Xây dựng khu đấu giá QSD đất thôn Đông, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh để đấu giá QSD đất với giá 63.584.785.000VND. Sau đấu thầu tiết kiệm 1.865.228.000VND, ≈ 2,85%.

Tiêu chí trong HSMT

Công ty Đông Anh là nhà thầu có địa chỉ tại: Số nhà 118 thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ năm 2014 đến nay, công ty được phê duyệt trúng 11 gói, với tổng giá trị hơn 154 tỷ đồng. Gói thầu trên là gói thầu lớn nhất công ty trúng. Trước đó, gói thầu lớn nhất mà họ đã từng trúng trị giá khoảng 26 tỷ.

Điều đáng nói, gói thầu trên cũng xuất hiện tiêu chí mời thầu yêu cầu:“Đề xuất giải pháp sử dụng công nhân trực tiếp thi công xây dựng công trình: Đề xuất sử dụng ≥ 80% công nhân lao động (số lượng căn cứ theo biểu đồ nhân lực nhà thầu đề xuất) hoặc đề xuất tối thiểu 40 nhân sự công nhân lao động trực tiếp đã qua đào tạo và có chứng chỉ nghề ≥ 3 năm (tính theo chứng chỉ đào tạo nghề) Ghi chú: Nhà thầu phải nộp kèm danh sách nhân sự bao gồm bảng kê khai số định danh/CMTND/Căn cước công dân/Hộ chiếu và bản sao công chứng/chứng thực bằng cấp/chứng chỉ liên quan nộp kèm theo E-HSDT và chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu để kiểm tra, đối chiếu khi có yêu cầu;” và tiêu chí “ Đề xuất ≥ 80% công nhân lao động (hoặc tối thiểu 40 nhân sự) có thẻ/chứng nhận/chứng chỉ về an toàn lao động + phòng cháy chữa cháy”. Gói thầu có 1 nhà thầu tham dự. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như TTPTQĐ huyện Đông Anh kể trên, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Để ngăn chặn, tạo sức răn đe, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp… về công tác đấu thầu nói riêng.

Một số giải pháp để tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Hoạt động đấu thầu không chỉ là những giao dịch thương mại nó còn thể hiện bản chất của một nền tảng cạnh tranh lành mạnh, giúp các nhà thầu phát huy tối đa năng lực sáng tạo và đổi mới. Để thực hiện được điều này, nguyên tắc bảo đảm công bằng và minh bạch trong đấu thầu cần được thực hiện triệt để.

Đấu thầu, ở cốt lõi, là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa các nhà thầu, mỗi nhà thầu đều mong muốn giành được gói thầu thông qua việc thể hiện rõ ràng lợi thế của mình. Chính vì vậy, quy trình và thủ tục đấu thầu phải được quy định một cách chặt chẽ, minh bạch và công bằng. Điều này có nghĩa mọi nhà thầu khi tham gia đều được hưởng cơ hội và điều kiện ngang nhau và không có bất kỳ sự thiên vị nào. Bên mời thầu cũng phải giữ vai trò trung lập và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Đồng thời, trong mỗi cuộc đấu thầu, có nhiều bên liên quan, từ bên mời thầu, nhà thầu tham dự, đến các đơn vị tư vấn, giám sát. Mỗi bên cần phải hoạt động độc lập nhưng đều cần hợp tác trong khuôn khổ của một hệ thống phức tạp. Chính vì thế, pháp luật đấu thầu cần thiết phải tạo ra khuôn khổ để điều chỉnh và kiểm soát những hành vi và mối quan hệ này, nhằm bảo đảm rằng các cuộc đấu thầu diễn ra một cách minh bạch và hiệu quả, đồng thời ngăn chặn những hành vi có thể gây tổn hại đến mục tiêu chung.

Trong lý thuyết cạnh tranh, đấu thầu được coi là một cơ chế lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Từ góc độ này, sự hiệu quả trong cơ chế cạnh tranh chỉ được thể hiện khi có một số lượng lớn các nhà thầu tham gia, mỗi bên đều độc lập và không có bất kỳ thỏa thuận nào với nhau.

Một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đấu thầu chính là sự công khai và minh bạch thông tin. Điều này giúp tạo ra một “sân chơi” bình đẳng và giúp giám sát hiệu quả hơn trong từng giai đoạn của quá trình đấu thầu.

Việc tạo ra một môi trường đấu thầu công bằng, minh bạch và hiệu quả cần sự quyết tâm từ tất cả các bên liên quan, nhằm đảm bảo rằng mỗi cuộc đấu thầu không chỉ là một cơ hội kinh doanh, mà còn là một biểu hiện của sự thi đua công bằng và sự phát triển bền vững trong nền kinh tế.

Kim Yến