Miếu Ngu ( Đền Cả): Di sản văn hóa lịch sử quý giá cần được nâng cấp, tôn tạo

17/07/2022 4:38:40 CH
Share Bai :

Miếu Ngu hay gọi là Đền Cả Nam Trị thuộc xã Ngu Xá (nay là xã Thạch Trị), huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Từ cổ xưa, vùng đất này thuộc miền Biên giới Đông Nam nước Việt Thường, là vùng đất có nhiều di tích lịch sử gắn với các cuộc chiến tranh vệ quốc ở các thời kỳ lịch sử trọng đại của đất nước.

Đặc biệt, Đền Ngu - Ngôi  đền được xây dựng từ thời Nhà nước Đại Việt hùng mạnh, gắn với một Triều Đại có công lao vô cùng to lớn trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vốn ban đầu là một Miếu thiêng  dân làng lập ra để thờ những vị thần tự nhiên như Tam tòa Đại vương, Tam Lang Thủy thần, Sát Hải Đại vương …Người dân tin rằng các vị Thần này giúp dân trong chống chọi với thiên tai, dịch giã, phò trợ cho những người dân vùng biển vượt qua sóng gió. Nơi đây không chỉ là miền quê đã một thời Vua Mai lập nên công trạng, từng làm cho quân đội Nhà Đường phải khiếp sợ, mà cũng là vùng đất dừng chân, che chở cho các đoàn quân Nam chinh của các triều Vua Lý, Trần, Lê. Các đoàn quân Nam chiến của Triều đình trước khi xuất trận để đánh đuổi các đạo quân xâm lược từ phương Nam, hay để chinh phạt, mở cõi đã từng dừng binh, kiểm tướng tại vùng này.

Đặc biệt, thời kỳ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quản châu Nghệ An, vùng đất này bắt đầu được Ông chú trọng thực hiện các chính sách chấn hưng kinh tế - xã hội, an dân, xây dựng phên dậu quốc gia vững mạnh. Nhân dân được hướng dẫn nhiều ngành nghề mới và lập nhiều đền đài, đình miếu thờ Phật, thờ thánh. Đời sống tâm linh cả vùng biên giới biển phía Nam Đại Việt trở nên thịnh hành. Quan dân đều biết giữ tiết nghĩa. Xã hội an lành. Khi Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông nối ngôi, theo chỉ dẫn của Thái sư Lý Đạo Thành, cho lập văn miếu và đền thờ để khai mở văn hóa ở nhiều vùng đất nước, những nơi phát tích các vị thánh thần đã chở che, hướng dẫn cho quan quân Triều đình làm nên nghiệp lớn hay những nơi có dấu tích, kỉ niệm về các liệt vị anh hùng, danh nhân, hào kiệt của dân tộc đã có công lao lớn trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc để nhân dân thờ phụng. Theo truyền ngôn, khi Lý Thánh Tông vừa băng hà, nơi biên viễn xa xôi, không có điều kiện để trực tiếp thờ phụng ở cung đình, thể lòng thương tiếc đức vua, nhưng cũng để tránh Linh nhân Hoàng hậu Ỷ Lan (lúc này đã nhiếp chánh) nghi hoặc Lý Đạo Thành đã cho kết lập ban thờ Vương Thánh, thờ Đức Địa Tạng và Lý Thánh Tông Hoàng Đế chính nơi đây.

Người dân Ngu Xá cho đến bây giờ, cứ ngày Rằm tháng 3 âm lịch lại làm Lễ cúng Phật, cúng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Thái sư Lý Đạo Thành để tạc lòng yêu quý của thần dân, lưu nhớ kỷ niệm và công danh của các Ngài với đất nước và xứ sở. Trong Đền Ngu cũng thờ 6 vị cả Thiên thần và Nhân thần: Đương Cảnh Thành Hoàng, Tam Tòa, Tứ Voi, Tam Lang, Nam Hải, Cao Các Mạc Sơn cùng các vị thần được các Triều vua ban sắc, phong tặng ở các đình, đền hợp tự.

Trong đền, người xưa trong nghi thức thờ cúng, còn lập vị thờ Vua Nghiêu, vua Thuấn, để các Ngài phù hộ cho Nhà Lý và cho đất nước được thái bình, thịnh trị. Trong các kỳ lễ lớn Kỳ Phúc Lục Ngoạt đều phải xưng danh các Ngài như là những bậc tiên hiền, đã tạo lập nên sự bình an và là chỗ dựa tâm linh cho các bậc quân vương muốn trị vì đất nước được thái thịnh. Trong chính văn, điếu lễ tiền triều, các quan lại, các bậc thúc phụ trong làng vẫn tâm niệm có các Ngài đang tọa triều soi xét. Đàn lễ trước sân Đền ngày ấy, luôn hiển cảnh: “Thông reo tiếng Nhạn. Biển bặt tăm hình. Vua Nghiêu, Thuấn ngự ngôi càn báu” - như trong lời tấu sớ của người chủ lễ.

Tâm ý của người xưa, khi lập Đền Ngu thờ tự Nhà Lý, cũng tôn vinh và yêu quý như Vua Nghiêu (堯), Vua Thuấn (舜); muốn xã tắc được tiếp tục thịnh hành và dân chúng được sống trong an bình, hạnh phúc. Chữ Ngu (虞) - một từ rất thông dụng trong chữ Hán cổ, là chỉ sự yên vui, phúc lạc. Nhà Ngu (trong khoảng 2697 – 2033 trước Công nguyên) được Vua Thuấn trao ngôi báu. Nhà Ngu, nước Ngu về sau là do con cháu Vua Nghiêu cai trị, nổi danh là một triều đại thái bình, thanh quốc, an dân. Có lẽ cái tên Đền (Miếu) Ngu là từ tâm niệm đó mà sinh ra.

Cho đến gần 100 năm trước, quang cảnh ở Đền Ngu xá vẫn vô cùng sinh động. Sau Cách mạng Tháng 8, như nhiều cụ già trong vùng kể lại, xung quang vùng Miếu Ngu và Nam Trị vẫn là một vùng trù phú, hoạt động giao thương tấp nập, cảnh quan tuyệt đẹp, trên bến dưới thuyền. Đền Cả vẫn là nơi tụ hội khách tứ phương về đây thăm cảnh, chiêm bái, tế lễ... để cầu phúc, cầu may, phụng thờ các vị thánh linh. Hàng năm, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn thường xuyên tổ chức các lễ hội ngày Rằm, Lễ Thánh, lễ Kỳ Phúc Lục Ngoạt. Nam phụ, lão ấu từ nhiều phương vẫn về đây cầu an khang thịnh vượng, ngưu lao, súc sản, mùa màng thu hái, đi lại bình an, vạn sự may mắn...  Đền còn được Chính quyền và Nhân dân sử dụng như là Đình để tổ chức các sự kiến lớn của làng, xã. Vì vậy, trong nhiều văn bản từ xưa để lại, còn có tên Đình Ngu xá. Đến tháng 6 năm 1948, thực hiện chủ trương hợp tự, Ủy ban Kháng chiến hành chính và Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Tiến đã tổ chức rước sắc phong từ các đền trong vùng về Ngu Xá và từ đó Đền có tên gọi mới “Đền Cả” bởi các Đền khác được coi là bé hơn đều hợp lưu về đây, trong khi người dân vẫn quen gọi Đền Ngu bằng Miếu Ngu hoặc tên mới “Hợp Tự”. Các đền như Trung Thủy, Đô đốc Hồ Phi Chấn, Đền Trung Tân, Đền Vịnh Khánh, Đền Vĩnh Yên, Đền Bản Thị, Đền Lạc Đạo, Đền Nam Hải đều được hợp tự về Đền Cả. Sau ngày xã Ngu Xá được đổi tên và tách ra, Thôn Nam Trị cũng bị chia ra, theo cách thực hiện hợp tự lúc báy giờ, nhiều đạo sắc từ Miếu Ngu liên quan đến những vị được phong thần cũng được chuyển theo về các đền khác. Rất tiếc là do thiếu kinh nghiệm gìn giữ và phương tiện bảo quản; lại một phần do những người quản lý nhiều chục năm tiếp đó thiếu hiểu biết về công tác bảo tồn, bảo tàng văn hóa, nên nhiều sắc phong bị hư hoại, rách nát, mất mát.

Trải qua những năm tiến hành cải cách ruộng đất, nhất là trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Chống Mỹ, vì nhiều nguyên do khác nhau, việc đền chùa hầu như bị xã hội lãng quên, ít được quan tâm tôn tạo, thậm chí nhiều nơi phá hủy. Việc thờ cúng cũng bị sao nhãng. Sau ngày Thống nhất đất nước, đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, các vùng quê trở lại thanh bình và dần trở nên phong lưu. Người dân trở lại quan tâm đến thờ cúng và khôi phục đền chùa, miếu mạo. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề khôi phục, gìn giữ các di tích, di sản văn hóa, tập tục cổ truyền của dân tộc được quan tâm. Thực hiện chủ trương chung, Chính quyền và Nhân dân xã Thạch Trị cùng với xóm Bắc Dinh (nơi có Đền Cả) tiếp tục giao cho Hội người cao tuổi trông coi và gìn giữ Đền Cả - Linh Miếu. Các bậc cao niên trong làng từ đó thay nhau quản lý, bảo dưỡng linh miếu. Chính những người này đã có công, trực tiếp góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, giữ gìn những giá trị mà ngày nay Đền Cả được biết đến. Di tích Đền Cả đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Đặc biệt, đền được sử dụng làm Đình làng, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, nơi giáo dục cho các thế hệ con cháu về đạo lý yêu nước, quyết tâm chống ngoại xâm, uống nước nhớ nguồn. Nhiều người con xã Thạch Trị đã trưởng thành từ những tính cảm yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc từ đấy.

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Miếu Ngu - Đền Cả, vẫn giữ được lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc từ ngàn xưa. Nhiều di vật và các câu đối, hoành phi mang đậm phong cách nghệ thuật và ngôn ngữ thời Lý, Trần, Hậu Lê và thời Nguyễn vẫn được lưu giữ. Hiện đền còn giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị như: phần mộ cổ, 2 con voi chầu, câu đối, hoành phi, tượng Phật, tượng Thần, khám thờ, bát hương, hương án, ngai, bài vị... đặc biệt là hàng trăm đạo sắc của các Triều đại phong cho Thần Đền.

Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa Đền Ngu xưa (Đền Cả ngày nay), đồng thời đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân xã Thạch Trị, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã đề nghị và được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết định xếp hạng di tích Đền Cả, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh tại Quyết định số 1571/QĐ UBND ngày 29/5/2009. Tuy nhiên, với tầm vóc vốn có của Đền, Miếu Ngu xưa - Đền Cả ngày nay rất cần được tôn tạo, nâng cấp công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị di tích một cách bền vững, làm giàu cho di sản văn hóa quốc gia và tỉnh Hà Tĩnh. Đó sẽ là điều kiện thúc đẩy  phát triển kinh tế du lịch ở những vùng giàu trầm tich văn hóa.

Hoàng Trọng - Đăng Xuân

  • Tags: