Hệ sinh thái của Việt Nam: Những thách thức trong bảo vệ và phục hồi

18/09/2023 3:33:27 CH
Share Bai :

Ảnh: Internet

Sự giàu có và đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Để có những thành tựu phát triển vượt bậc, bền vững và có hiệu quả là quá trình bảo vệ phục hồi những giá trị tự nhiên đã đem lại cho chúng ta.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác,Việt Nam đứng trước nhiều thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới các vấn đề chính trị, phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Là một quốc gia có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, do tác động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang nỗ lực để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững trong đó:

Hệ sinh thái rừng.

Các khu rừng lớn nhỏ ở Việt Nam đều được coi là nơi cư trú và sinh sống của hầu hết các loài động, thực vật hoang dã trên cạn, và cũng là nơi có sự đa dạng sinh học cao nhất.

          Hệ sinh thái rừng ở Việt Nam có tỉ lệ lớn nhất. Có khá nhiều loại hình như: rừng tre, nứa; rừng ngập mặn; rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới; rừng lá rộng thường xanh; rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng lá kim tự nhiên, rừng thưa cọ dầu, rừng khô hạn tự nhiên, rừng tràm đầm lầy nước ngọt...Dựa trên những yếu tố từ tự nhiên như khí hậu, địa chất, địa hình và thổ nhưỡng thềm lục địa, xác định được 8 vùng sinh thái lâm nghiệp trong đó là 47 tiểu vùng khác nhau. Bên cạnh đó hệ sinh thái rừng còn được phân loại theo các thảm thực vật, dựa trên các đặc điểm sinh thái nổi bật.

Hệ sinh thái biển.

Vùng biển Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng trên 1 triệu km2. Trên cơ sở về điều kiện tự nhiên, môi trường biển và giới sinh vật biển, vùng biển Việt Nam, và báo cáo đa dạng sinh học quốc gia vào năm 2018. Có tới 20 kiểu hệ sinh thái biển, điển hình ở đới ven bờ như bãi triều, rừng ngập mặn cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, đặc biệt vùng nước và vùng đáy biển sâu vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Hệ sinh thái biển của Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển... Ngoài ra, với 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ngoài khơi và vùng lãnh hải gắn với bờ biển rộng đến 226.000 km2. Là điểm đặc trưng cho loại sinh thái này.

Ảnh Internet

Hệ sinh thái đất ngập nước.

    Theo hệ thống phân loại của Việt Nam phân theo 3 nhóm trong đó có 26 kiểu. Nhóm thứ nhất, đất ngập nước ven biển: thảm cỏ biển, rạn san hô, các vùng cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn, địa hình các-txơ, vách đá, vùng biển nông. Nhóm thứ hai, đất ngập nước nội địa: sông suối có nước thường xuyên, than bùn, nước theo mùa, hồ,đất ngập nước có cây bụi, cây gỗ, khu nước nóng, hệ thống thủy văn ngầm. Nhóm thứ ba, đất ngập nước nhân tạo: Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ, đồng cói, đồng muối, đất nông nghiệp, hồ nước thải, sông đào, hồ nhân tạo,khai thác khoáng sản.

 Thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam có 14 loài, phân bố ở hầu hết các vùng nước triều thuộc một số loại thủy vực ven bờ và ven các đảo Việt Nam, trừ vùng triều ở các cửa sông lớn là sông Hồng ở phía Bắc, sông Cửu Long ở phía Nam. Đây là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, đồng thời có hệ động vật biển sống trong thảm khá đa dạng. Quần xã sinh vật trên các thảm cỏ biển ở Việt Nam ước tính gần 1.500 loài sinh vật khác nhau, trong đó các thảm cỏ ven bờ có hơn 1.000 loài. Những khu vực có thảm cỏ với diện tích lớn, tập trung hiện nay chỉ còn trong các đầm phá ven bờ miền Trung, chiếm khoảng hơn 75% tổng diện tích các thảm cỏ ven bờ.

Thách thức lớn của hệ sinh thái

          Mặc dù, diện tích rừng tăng từ 7,8 triệu ha năm 1981 lên 14,6 triệu ha năm 2019, nhưng đến hiện nay hiện tượng mất rừng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Hiện tượng mất rừng và phá vỡ sự gắn kết các mảng rừng làm cho rừng trở nên manh mún, khá phổ biến tại các khu rừng tự nhiên.

 Nạn buôn bán động thực vật quý hiếm sảy ra khá thường xuyên, thâm trí còn ngang nhiên, hành động này chưa thực sự được quản lí triệt để. Con người chặt phá đồi trọc không trong quy hoạch, đốt rừng đều có những ảnh hưởng lớn đối với động - thực vật. Không những vậy hiện tượng biến đổi khí hậu cũng khiến các vùng bờ biển bị suy thoái và thu hẹp lại diện tích vốn có, các quần thể động, thực vật có xu hướng di chuyển xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi giữa sông - biển ở những khu vực thuộc cửa sông ven bờ và làm biến mất các nơi cư trú tự nhiên của các loài sinh vật. Điều này dẫn tới nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Hoạt động liên quan đến kinh tế của con người là yếu tố trực tiếp gây nên sự giảm sút về hệ sinh thái của san hô, thảm cỏ biển. Không chỉ vậy, việc biến đổi khí hậu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hệ sinh thái này, khi mà nhiệt độ nước biển tăng, bức mặt trời lớn, làm giảm khả năng chịu đựng của san hô, dẫn tới hiện tượng tẩy trắng san hô. Hoạt động trong việc quản lí chưa được sát sao nên việc phân chia cơ cấu ngành nghề, việc khai thác và quy hoạch phát triển chưa hợp lí, nên mới khiến cho môi trường ô nhiễm, cạn kiệt hệ sinh thái động – thực vật dưới nước.

 Hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trong một thời gian dài đã thể hiện những bất cập lớn, chưa thể đảm bảo được tính đồng bộ, sự thống nhất... dẫn tới việc áp dụng chưa được cao, nên việc bảo vệ đa dạng sinh học còn hạn chế rất nhiều, khó duy trì và phát triển theo hệ thống.

Sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa cùng với sự đô thị hóa ngày càng tăng cũng đã và đang làm cho hệ sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng. Các loài bị thu hẹp về nơi sinh sống cũng như phạm vi tìm kiếm thức ăn, các thảm thực vật có nguy cơ biến mất hay các cánh rừng đang bị khai thác quá mức. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tự tồn tại, phục hồi và phát triển của cá hệ sinh thái, các loài động – thực vật.

Ảnh Internet

Giải pháp nhằm phục hồi hệ sinh thái.

Để bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái theo yêu cầu đề ra, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tập trung vào một số giải pháp sau:

 Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học; quy hoạch bảo tồn trên cả nước;

 Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, chú trọng các quy định về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái, giảm các tác động từ phát triển kinh tế - xã hội tới môi trường, xem đầu tư vào vốn tự nhiên là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững;

 Xây dựng Chiến lược và Quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác phục hồi các hệ sinh thái, thực hiện mục tiêu quốc gia và quốc tế về phục hồi đến năm 2030;

Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái nói riêng, làm cơ sở cho công tác quản lý, phục hồi;

Tăng cường các giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái;

Đi đôi với việc bảo vệ rừng, hệ sinh thái cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và tạo công ăn việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người dân để nạn phá rừng được triệt tiêu. Nâng cao nhận thức người dân về phát triển kinh tế Nông - Lâm - Ngư nghiệp.­­

Tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, thu hút khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý các hệ sinh thái.

Nguyễn Thiện

  • Tags: