Hà Tĩnh: Chuyện chưa kể về một cô giáo ở trường Tiểu học Đồng Lộc

08/04/2025 8:28:15 CH
Share Bai :

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Trung Lộc, sát ngã ba Đồng Lộc, nơi thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao thế hệ thanh niên đã ngã xuống vì nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường huyết mạch để chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Cô Phạm Thị Công - Nguyên Chủ tịch Công đoàn cơ sở trường TH Đồng Lộc​

Khi Bắc-Nam liền một dải, cô bé Phạm Thị Công chưa đầy bốn tuổi nhưng đã được cha mẹ và những người thân kể lại những câu chuyện anh dũng đã đi vào huyền thoại của các chiến sĩ thanh niên xung phong. Khi đến tuổi cắp sách tới trường, Công đã được làm quen với những bài thơ, những áng văn chương ngợi ca về quê hương mình trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Từ đó, tuổi thơ của cô bé Phạm Thị Công đã được hun đúc một tâm hồn trong sáng, cùng với tố chất thông minh sẵn có, Phạm Thị Công đã vươn lên đạt được những thành tích tốt trong quá trình học tập.


Những thành tích đã đạt được của cô Phạm Thị Công.

Trung Lộc là miền quê nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá, nhưng có truyền thống hiếu học, đặc biệt là thân phụ và anh em ruột thịt của Phạm Thị Công đều là những người có trình độ học vấn… Nhiều người đã có quá trình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tất cả những vấn đề đó là hậu thuẫn cho Phạm Thị Công trong quá trình học phổ thông và cũng là hướng đi để đáp ứng ước mơ vào ngành sư phạm sau này.

Năm 1994, vừa tròn 22 tuổi, Phạm Thị Công tốt nghiệp trung cấp sư phạm và được cấp trên điều động về dạy học ở trường Tiểu học Đồng Lộc. Là một cô giáo trẻ chưa quen với nghề, hơn nữa ngành giáo dục vào thời điểm đó rất khó khăn… với đồng lương ít ỏi, cơ sơ vật chất thiếu thốn. Nhưng với tâm hồn đẹp, say mê với nghề, cô giáo trẻ Phạm Thị Công đã cùng với tập thể nhà trường vượt qua những thử thách cam go để xây dựng nhà trường từng bước tiến lên, đáp ứng với xu thế mới của ngành giáo dục. Say mê với nghề, học hỏi đồng nghiệp, vận dụng những kiến thức đã học ở trường, chỉ một thời gian ngắn, cô giáo Phạm Thị Công đã vững vàng chuyên môn, đưa những tiết giảng bài của mình thấm sâu vào lòng học sinh.


Tập thể giáo viên trường TH Đồng Lộc

Và cô đã được học trò, lãnh đạo nhà trường, tập thể giáo viên quý mến. Để rồi mấy năm sau, cô đã hoàn thành chương trình đại học. Xét về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn giảng dạy, cấp trên đã đề bạt cô giữ cương vị tổ phó chuyên môn rồi tổ trưởng chuyên môn. Trong 6 năm ở vị trí tổ phó và tổ trưởng, cô Phạm Thị Công đã đóng góp không nhỏ, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên của trường vững về chuyên môn, có đầy đủ phẩm chất của những nhà giáo trong thời đại mới. Song song với nhiệm vụ chuyên môn, cô còn được tập thể giao nhiệm vụ ủy viên ban chấp hành chi bộ, chủ tịch công đoàn nhà trường. Ở thời điểm này, tuy hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, con đang còn thơ dại, công việc chuyên môn hết sức bận rộn, nhưng với bản chất của một cô giáo luôn có chí tiến thủ, cô đã hết lòng với công việc tập thể cùng với tập thể ban chấp hành công đoàn có nhiều sáng kiến để xây dựng nhà trường ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Thẳng thắn và có nhiều ý kiến quan trọng có giá trị trong những cuộc đối thoại với lãnh đạo huyện để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Với một cô giáo phải gánh vác nhiều trọng trách, nhưng cô đã giành nhiều thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi khối 4 và 5 hơn mười năm liền, có nhiều học sinh đạt giải. Một điều đáng trân trọng ở cô giáo Phạm Thị Công đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, hăng say học tập, nghiên cứu… Học và tìm hiểu các tài liệu khoa học giáo dục, vì vậy cô đã có nhiều đề tài nghiên cứu về sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và một sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh đã được công nhận. 31 năm trên bục giảng, 29 năm là ủy viên ban chấp hành chi bộ, chủ tịch công đoàn nhà trường, ở bất cứ lĩnh vực nào, cô Phạm Thị Công cũng để lại những dấu ấn tốt đẹp, là tấm gương sáng cho các thế hệ đồng nghiệp noi theo.

Ở trường là một cán bộ nhưng khi về nhà, cô có lối sống mẫu mực, đưa hết trách nhiệm và tình thương yêu, làm đúng thiên chức của một người vợ, người mẹ, cùng với chồng nuôi dạy các con học hành khôn lớn. Các con của cô đều đỗ đạt cao ở các trường đại học có uy tín. Hiện nay, cháu đầu là bác sĩ nội trú đang công tác tại Hà Nội, cháu thứ hai là bác sĩ quân y đang công tác tại Bộ Công an.

Để ghi nhận những đóng góp quan trọng đối với ngành giáo dục, nhà giáo Phạm Thị Công đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen, 14 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh, giấy chứng nhận đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp huyện, bốn danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và rất nhiều giấy khen của các cấp, trong đó duy nhất ngành giáo dục huyện Can Lộc chỉ có cô Phạm Thị Công đã được tặng giấy khen trong đợt học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đợt học năm 2021-2024. Trong quá trình giảng dạy tại trường, mười một năm liền cô đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Viết đến đây, tôi lại nhớ những câu thơ trong bài: “Cô giáo với mùa thu” của Vũ Hạnh Thắm: “Cô giáo em/ Hiền như cô Tấm/ Giọng cô đầm ấm/ Như lời mẹ ru/ Cô giáo đưa mùa thu/ Đến với những quả vàng chín mọng/ Một mùa thu hi vọng/ Tiếng chim ca ríu rít sân trường.”./.

Tháng 4 năm 2025

Dương Chí Sỹ

  • Tags: