Thiếu Bảo hiểm y tế - Tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế gia đình và hệ thống xã hội

14/04/2025 8:44:49 SA
Share Bai :

Việc không tham gia hoặc không tái tục thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đúng hạn đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, tình trạng này còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế hộ gia đình và sự ổn định của hệ thống an sinh xã hội. Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi rủi ro y tế không được chia sẻ qua hệ thống BHYT, hậu quả có thể lan rộng từ phạm vi cá nhân đến toàn xã hội.


Tham gia BHYT, người dân sẽ tiếp cận được các dịch vụ y tế tốt nhất

Trong những năm gần đây, BHYT đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Được ví như “chiếc ô bảo vệ”, BHYT giúp người dân vượt qua những biến cố y tế bất ngờ, là công cụ tài chính quan trọng nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, BHYT góp phần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt đối với những nhóm dân cư yếu thế.

Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2024, số người tham gia BHYT đạt 95,523 triệu người – tăng 2% so với năm 2023, tương đương 94,2% dân số. Đây là một tỷ lệ đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người - chủ yếu là lao động tự do, nông dân, và các nhóm dễ bị tổn thương chưa có hoặc chưa duy trì thẻ BHYT thường xuyên.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, một địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT tương đối cao, tình trạng sụt giảm người tham gia cũng đã được ghi nhận. Tính đến 31/3/2025, toàn tỉnh có 1.131.234 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,9% - giảm hơn 7 nghìn người so với cuối năm 2024.

Đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết nguyên nhân chính đến từ việc thay đổi chính sách, cơ chế hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT từ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi ở một số huyện đã hết, nhóm đối tượng này đã hết tuổi lao động, không có việc làm dẫn đến khó có khả năng tự đóng tiền tham gia BHYT; một bộ phận người dân thoát nghèo, cận nghèo nên không còn được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT mà phải chuyển sang tự đóng tiền nên chưa sẵn sàng tham gia ở nhóm hộ gia đình; nhiều người thuộc hộ gia đình, hộ trung bình đến hạn đóng BHYT nhưng vì nhiều lý do nên chưa tham gia tái tục kịp thời; nhóm lao động tự do, thu nhập không ổn định vì vậy tái tục BHYT không kịp thời và thường xuyên gián đoạn.

Đặc biệt, nhóm người tham gia BHYT hộ gia đình và hộ có mức sống trung bình ghi nhận mức giảm đáng kể: gần 9 nghìn người. Ngoài ra, những thay đổi trong chính sách xác định hộ nghèo và cận nghèo cũng ảnh hưởng đến hơn 5,2 nghìn  người. Các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ là địa phương có số người tham gia BHYT  giảm nhiều nhất.


Thủ tục hành chính tại các cơ sở y tế ngày càng được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi cho Nhân dân

BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng này: trong bối cảnh giá cả leo thang, việc đóng BHYT đối với một số người chưa phải là ưu tiên hàng đầu, mệnh giá thẻ BHYT tăng theo mức lương cơ sở, đời sống người dân vẫn còn khó khăn nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT. Ngoài ra do nhận thức chủ quan, nhiều người cho rằng chỉ khi bị bệnh mới cần đến BHYT, vì vậy dễ bỏ qua việc tái tục thẻ BHYT đúng hạn.

Bà Đặng Thị Anh Hoa - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Việc không tham gia BHYT hoặc không tái tục kịp thời đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí y tế. Điều này có thể tạo ra gánh nặng tài chính nghiêm trọng cho gia đình, nhất là trong những trường hợp bệnh nặng, điều trị dài ngày, bởi vì rủi ro về sức khỏe là không ai lường trước được”.

Không có BHYT cũng khiến nhiều người ngần ngại đi khám bệnh, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn, tăng nguy cơ biến chứng, thậm chí tử vong. Về phía hệ thống y tế, khi người dân không thể chi trả viện phí, Nhà nước buộc phải dùng ngân sách để cấp cứu hoặc điều trị miễn phí, làm gia tăng gánh nặng tài chính công.


Nhờ tham gia BHYT nên phần lớn chi phí khám, chữa bệnh của ông Táo được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả

Một ví dụ cụ thể tại xã Thạch Châu (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Táo (60 tuổi) là một trong rất nhiều câu chuyện thực tế: BHYT giúp cứu sống một mạng người. Ông Táo phát hiện mắc ung thư phổi sau một lần khám sức khỏe vì đau tức ngực, ho đờm có máu. Nhờ có thẻ BHYT, ông được hỗ trợ phần lớn chi phí điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở 3, Hà Nội).

“Gia đình tôi làm nông, thu nhập bấp bênh, chẳng có khoản tiết kiệm nào. Nếu không có BHYT, tôi không biết giờ mình còn sống không,” ông Táo chia sẻ. Trong các lần đi khám chữa bệnh năm 2024 đến đầu 2025, BHYT đã chi trả hơn 50 triệu đồng – một khoản tiền không hề nhỏ với gia đình ông. Hiện nay ông phải đi khám chữa bệnh ít nhất hai lần/tháng để tiếp tục điều trị.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động, việc mở rộng và duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT là nhiệm vụ không chỉ của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đây không đơn thuần là một chính sách an sinh, mà là công cụ thiết yếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc không tham gia BHYT, dù vì lý do gì, đều tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Dương Minh Hà

  • Tags: