Ông Huỳnh Quang Đức: Mảnh vườn nhỏ nhưng sản xuất lớn

12/09/2022 2:33:56 CH
Share Bai :

Đó là lời tâm sự khiêm tốn nhưng đầy quyết tâm của ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi.

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Bến Tre tiếp tục là “điểm sáng” giữ được tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu hoàn thành. Để rõ hơn những kết quả của Ngành trong thời gian qua,Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Gám đốc Sở Nông nghiệp, Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre

PV: Thưa Ông trong thời gian Đại dịch Covid-19 bùng phát và những biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới hiện nay thì tỉnh Bến Tre phải đối mặt với khó khăn và thử thách gì cần phải cải thiện để đưa nền nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững?

Ông Huỳnh Quang Đức: 

Sau đợt bùng phát Đại dịch Covid-19 và những diễn biến của thị trường nông sản trong nước và thế giới đã gây nhiều ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh bến tre. đáng nói đó chính là việc giảm giá nông sản khiến ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. trước tình hình đó, tỉnh bến tre đang nổ lực vận động người dân phát triển nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, để thay đổi được nền nông nghiệp thì nhiệm vụ đầu tiên của sở đó chính là cải thiện chất lượng cuộc sống và ý thức sản xuất của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Song song phát triển nông nghiệp sạch, tỉnh đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào chế biến nông sản sạch. Việc này không chỉ cung ứng được nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.  về mô hình sản xuất được các nhà đầu tư quan tâm rất nhiều nhưng còn thiếu mô hình tiên tiến, có khả năng nhân rộng cao, phù hợp với điều kiện, tập quán,... hầu hết các địa phương chưa xây dựng đề án phát triển sản xuất để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, nhiều khu vực có điều kiện hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh, nguồn nguyên liệu cung ứng cho các ngành chế biến nông sản chưa ổn định, thị trường biến động bất thường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cũng như định hướng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Trong thời gian này, tỉnh đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để đưa nông sản của tỉnh ra thị trường ngoài nước có tiềm năng. Tuy thị trường tiêu thụ nông sản bến tre tuy đã được mở rộng song vẫn còn chậm. Bên cạnh đó, những chương trình xúc tiến còn hạn chế, hoạt động chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động xúc tiến diễn ra quy mô nhỏ, chưa đủ kinh phí để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại ra thị trường ngoài nước có tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc.

Vừa qua, Liên minh kỷ lục thế giới - Worldkings chính thức ủy quyền cho Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Viet Kings) trao tặng kỷ lục thế giới cho UBND tỉnh Bến Tre với nội dung "Nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ dừa nhiều nhất thế giới".

PV: Với những khó khăn trên, Sở NN-PTNT đã có kế hoạch gì để chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp đặc biệt là đưa nông sản Bến Tre chinh phục các thị trường trên thế giới?

Ông Huỳnh Quang Đức:

Sở NN&PTNT đã lên các kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;... tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị.

Ngoài ra, từng địa phương cần chủ động rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển mạnh và bền vững nền nông nghiệp của tỉnh.

PV: Sau 1 năm khi thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, tỉnh Bến Tre đã đạt được những “quả ngọt” nào trong việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn liền phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh?

Ông Huỳnh Quang Đức: Qua 01 năm thực hiện Nghị quyết 07, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng tăng lên; đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

Ngành nông nghiệp đang tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng vùng sản xuất tập trung trên đối tượng cây ăn trái đặc sản như xoài, sầu riêng, cụ thể: Đang hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 120 ha Xoài tại Thạnh Phú.

Xây dựng vùng sản xuất dừa với tổng diện tích (có thực hiện liên kết) 18.148,4 ha (chiếm 23,5% diện tích dừa toàn tỉnh (77.232 ha)). Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 15.337,2 ha (chiếm 19,8% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13.743,5 ha (đạt 102% Kế hoạch); phát triển 3 HTX Nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị dừa (đạt 100% theo Kế hoạch 3003/KH-UBND).

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22.800 ha. Tỉnh có 6 sản phấm nông nghiệp được xây dựng chỉ dẫn địa lý; triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Ngành chức năng tỉnh đã cấp 45 mã vùng trồng, với diện tích hơn 614 ha cho cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh; 21 mã cơ sở đóng gói. Cụ thể :

Chuỗi bưởi da xanh: Đã hình thành 32 THT và 09 HTX, với 1.467 hộ đã thực hiện liên kết với diện tích khoảng 542,65 ha.

- Chuỗi Chôm chôm: Hiện có 46 THT, HTX sản xuất chôm chôm; trong đó, có 22 THT và 05 HTX tham gia theo chuỗi với quy mô diện tích khoảng 375,4 ha/768 hộ; diện tích đạt chứng nhận VietGAP 113,2 ha; đã cấp 22 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích: 151,16 ha; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95.000 tem.

- Chuỗi nhãn: Có 03 HTX gồm 260 thành viên với diện tích 98,5 ha, đã ký kết hợp đồng với 05 đơn vị đầu vào, liên kết với 01 đơn vị đầu ra với sản lượng 300 tấn/năm.

PV: Sở đã có những kế hoạch và giải pháp nào để phát triển lâu dài ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Huỳnh Quang Đức: Tỉnh đang chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn, nhất là trong lĩnh thủy sản.

Tập trung rà soát, tổ chức mô hình có hiệu quả làm mô hình điểm để nhân rộng, bảo đảm việc tổ chức lại sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị. Xây dựng các mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả để nhân rộng.

Tỉnh Bến Tre chú trọng xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 91 tổ hợp tác và 56 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được kết quả khả quan.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre phát triển theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Kết quả đạt được khá toàn diện.Theo đó, tỉnh đã bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, chuỗi dừa, tỉnh Bến Tre có 47 tổ hợp tác và 27 hợp tác xã với quy mô hơn 6.404 ha và 6.905 thành viên. Tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung gồm: 5 vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 1.500 ha và 1 vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20 ha, gắn phát triển chuỗi giá trị.

Mặt khác, địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Ngoài ra qua thống kê của Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 37 mã số cơ sở đóng gói các sản phẩm trái bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, xoài, măng cụt,… xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, TháiLan và thị trường EU.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Trần Phú

  • Tags: