Đắk Nông: Chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường khi khai thác khoáng sản

18/03/2024 9:51:01 CH
Share Bai :

Các hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm việc tăng cường quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, rừng, đất đai, khí quyển, động vật và thực vật. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững và tiết kiệm, giảm thiểu sự lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường cũng nhằm ngăn chặn và khắc phục các hậu quả xấu do hoạt động của con người và thiên nhiên gây ra. Các hoạt động như thu gom, xử lý và tái chế chất thải, đẩy mạnh các công nghệ xanh và tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường đều là những cách hiệu quả để giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực của con người đến môi trường. Trong những năm trở lại đây tỉnh Đắk Nông đã ra rất nhiều chính sách để bảo vệ môi trường và đã được những bước chuyển biến rất rõ rệt

Theo Công văn số: 1082/ UBND-NNTNMT ngày 29/02/2024 của UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Sở TNMT chủ trì, phối hợp cùng với UBND huyện Krông Nô và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý về hoạt động của Công ty TNHH MTV Ngọc Thịnh (Mỏ đá Ngọc Thịnh) - Đắk Nông để đảm bảo đúng quy định và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Trước đó, theo thông tin về tình trạng hoạt động của mỏ đá Ngọc nhiều vấn đề bất cập xảy ra trong quá trình hoạt động tại đây, trong quá trình hoạt động phát sinh bụi đá mịt mù nhưng người lao động lại không được trang bị bất cứ đồ bảo hộ lao động nào.

Hoạt động máy nghiền đá không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà quá trình này còn phát sinh bụi đá gây ảnh hưởng đến cây trồng,cuộc sống của người dân. Đặc biệt, công nhân vận hành không được trang bị đồ bảo hộ gây mất an toàn lao động. Xảy ra một số thực tế sau:

Chiếc xe tải không đủ điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có giấy kiểm định dán trên cabin nhưng vẫn được sử dụng vận chuyển đá ầm ầm xuyên suốt mỗi ngày.

Các phương tiện tại đây đều không đăng ký đăng kiểm, hết đời nhưng vẫn vận chuyển đá nguyên khai ầm ầm từ hầm mỏ lưu thông trên đường qua khu vực dân cư, đặc biệt “bỏ qua” trạm cân giám sát về khối lượng đá nguyên khai.

Trạm cân giám sát được UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu mỏ đá Ngọc Thịnh phải lắp đặt để giám sát về khối lượng đá nguyên khai, đá thành phẩm hàng năm cũng như tải trọng khi xuất bán. Từ đó, làm căn cứ số liệu cho các cơ quan chức năng làm tư liệu để kiểm tra, theo dõi về việc đơn vị có chấp hành thực hiện theo giấy phép hay không. Tuy nhiên thực tế vào các ngày 1,2,3,4 và 28/11/2023, trong quá trình khai thác đá nguyên khai, vận chuyển mua bán đá thành phẩm, tài nguyên đất đều không qua trạm cân giám sát về khối lượng cũng như trọng tải.

Trước thực trạng các phương tiện tại mỏ đá Ngọc Thịnh liên tục “bỏ qua” trạm cân giám sát, liệu các con số trong báo cáo hàng năm của Công ty có thực sự chính xác, đáng tin cậy nữa hay không khi so sánh với số liệu, khối lượng được phép khai thác hàng năm như đăng ký trong giấy phép?. Và việc lắp trạm cân này có phải để chống chế các cơ quan chức năng không?.Trước những “3 KHÔNG” tại mỏ đá Ngọc Thịnh: Không đăng kiểm phương tiện khai thác đá, xe “không đát hết đời”, không đồ bảo hộ khi tham gia khai thác, vận hành khai thác đá. Ngày 29/02/2024 UBND tỉnh có Công văn Số 1082/UBND-NNTNMT chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý. Với tình trạng khai thác có sự chênh lệch nghiêm trọng như vậy, không chỉ làm thất thu thuế của nhà nước mà còn tác động rất lớn tới môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực nơi đây, để xử lý, giải quyết dứt điểm cũng như đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường UBND Tỉnh liên tục ra những văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh những hành vi không chấp hành quy định trong hoạt động khai thác tài nguyên cũng như nhiều hoạt động khác, tuy nhiên việc thực hiện tại địa bàn vẫn đang được bỏ ngỏ.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Sở TN&MT xử lý nội dung mà báo chí phản ánh

 

Điều 168 Luật Bảo vệ Môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020 ghi rõ:

Điều 168. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường của địa phương; nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh;

b) Tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại thu hồi giấy phép môi trường theo thẩm quyền;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

d) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

đ) Đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường theo quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường của địa phương; thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; đánh giá, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

i) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành; hướng dẫn, phân bổ, kiểm tra việc thực hiện chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường của địa phương;

k) Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường của địa phương;

b) Cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường theo thẩm quyền;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

d) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường;

e) Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng;

g) Thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành;

i) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

c) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

d) Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa;

đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

e) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

4. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó, trừ trường hợp pháp luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã quy định.

                                                                                                        Minh Khang