Đắk Lắk ; Buôn Đôn điểm sáng trong phát triển mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm

18/09/2021 10:56:34 SA
Share Bai :

MT&XH - Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao, trong đó nổi bật là mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.

Nuôi ốc nhồi thương phẩm trên túi bạt tại tại buôn Jang Lành, xã Krông Na huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Nuôi Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ tự nhiên. Với ao nuôi cần phát quang bụi rậm để tránh chuột, trồng cây ăn trái tạo bóng mát xung quanh ao, ao cần trồng thêm các loài thực vật như rau muống, thả bèo lục bình để tăng độ mát cho ao cũng như tạo nhiều chỗ bám cho ốc.

Đến giai đoạn sinh sản, ốc nhồi chọn các địa điểm nhiều bèo để đẻ trứng, thời gian sinh trưởng của ốc nhồi từ trứng đến trưởng thành là khoảng 4 tháng. Nhận thấy những lợi thế phát triển kinh tế trong mô hình này phù hợp với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nên huyện Đoàn Buôn Đôn đã tích cực triển khai, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi trong phong trào thanh niên làm kinh tế tại địa phương.

Là người đi đầu trong hoạt động nuôi ốc nhồi thương phẩm và ốc nhồi giống, anh Huỳnh Ngọc Hội tại thôn 10 xã Ea Bar được mọi người chọn là tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn. Trao đổi với PV Ông Hội cho biết “Ốc nhồi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn là thực vật thân mềm, lá cây, các loại rau, củ, quả thả nổi trên mặt nước, nên dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 60 triệu đồng/sào, đối với nuôi ốc nhồi thương phẩm, nếu tiến hành nuôi 2 vụ/năm, thì 1 sào nuôi thu lãi khoảng 100 đến 120 triệu đồng/năm. Còn đối với nuôi ốc nhồi giống thì lợi nhuận đạt khoảng 120 đến 150 triệu đồng/sào/năm. Mặc dù ốc nhồi dễ nuôi, song để ốc đạt năng suất cao, miệng dầy, mình béo, người nuôi cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn bảo đảm sạch sẽ. Khó khăn lớn nhất khi nuôi ốc nhồi là: Ốc chỉ sinh trưởng và phát triển khi thời tiết ấm áp, nên vào mùa đông giá lạnh ốc nhồi gần như không phát triển hoặc chết”.

Hiện nay cơ sở của anh Hội cung cấp giống cũng như ốc thương phẩm cho các huyện của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh lân cận như Tp. HCM, Bình Dương, Phú Yên... Tại cơ sở của anh Hội luôn tấp nập những cá nhân, tổ chức đến tham quan mô hình đối với những đơn vị cùng trong tổ hợp tác của huyện Buôn Đôn ngoài giúp các thành viên khác trong vấn đề con giống cũng như hỗ trợ tận tình về kỹ thuật, anh Hội còn hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho mọi người. Với giá thị trường khoảng 60 đến 70 nghìn đồng/kg thì luôn đảm bảo đem lại lợi nhuận cho người nuôi.

Hình ảnh: Anh Hội dẫn PV thăm cơ sở nuôi ốc nhồi thương phẩm và ốc nhồi giống.

Trao đổi với Chúng tôi ông Nguyễn Quang Trung Bí thư huyện Đoàn Buôn Đôn cho biết: “Nuôi ốc nhồi đang là một trong số mô hình nổi bật của đoàn viên thanh niên nơi đây. Với mỗi sào hồ nuôi ốc nhồi thương phẩm và ốc nhồi giống mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện tại huyện Đoàn Buôn Đôn đã ra quyết định thành lập tổ hợp tác nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn với 14 thành viên. Với vai trò là cơ quan chủ quản, huyện Đoàn Buôn Đôn luôn đồng hành hỗ trợ cho các đoàn viên thanh niên trong các hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế địa phương. Với mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm này huyện Đoàn đã hỗ trợ cấp vốn cho 02 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số trong chi đoàn với số tiền đầu tư 13 triệu đồng”.

Hình ảnh bí thư huyện đoàn Buôn Đôn (thứ 2 từ) phải qua tham quan mô hình nuôi ốc nhồi của hội viên

Trên tinh thần liên tục tìm tòi và phát triển, nâng cấp kĩ thuật, với chi phí 10 triệu đồng được Huyện đoàn hỗ trợ ban đầu anh Y Phưng Niê tại buôn Jang Lành, xã Krông Na huyện Buôn Đôn đại diện cho thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm nuôi ốc nhồi trên bạt với diện tích thử nghiệm hơn 50m2. Chia sẻ với chúng tôi anh Y Phưng Niê cho biết:“  Trước đây tôi cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế khác nhưng khi đầu tư ra đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy nuôi ốc nhồi thương phẩm trên bạt phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và được sự hỗ trợ từ huyện đoàn và các thành viên trong tổ hợp tác tôi đã nuôi 15.000 ốc nhồi thương phẩm, đến thời điểm hiện tại tất cả ốc giống thả nuôi đều phát triển tốt”.

Hình ảnh: Anh Y Phưng Niê chăm sóc ốc trên mô hình nuôi ốc nhồi bằng túi bạt.

Thời gian tới, huyện đoàn Buôn Đôn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ốc nhồi, xem đây là một trong những mô hình chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

                                                           Hữu Hảo - Đỗ Kháng

  • Tags: