Chung tay hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023: Thể hiện sự quyết tâm giải quyết vấn đề rác thải nhựa

28/06/2023 8:52:00 SA
Share Bai :

Ngày Môi trường thế giới (05/06) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Nỗ lực toàn cầu đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa” tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường .

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Hội nghị Môi trường thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển đã quyết định lấy ngày 5 tháng 6 kể từ năm 1972 là Ngày Môi trường thế giới. Chính thức được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme) có trụ sở tại Nairobi, Kenya. Kể từ đó đến nay đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia vào ngày kỉ niệm này. Hằng năm, cứ đến ngày 5 tháng 6 các hoạt động hưởng ứng đều được diễn ra xung quanh tuần lễ .

Ngày Môi trường thế giới được tổ chức là lúc để các quốc gia cùng nhau chung tay thể hiện sự nổ lực, cố gắng thông qua hành động của mình đối với môi trường sống nhằm hướng đến những giá trị bền vững. Như những năm trước đó Ngày môi trường thế giới 2023 được diễn ra vào ngày 5 tháng 6 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề: “Nỗ lực toàn cầu đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa” tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Chủ đề này nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Như đã biết, việc Lạm dụng sự tiện ích của nhựa vào quá trình sống đã tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống. Đây là vấn đề cấp bách và nan giải đối với các chuyên gia khi mỗi ngày lượng rác thải nhựa thải ra môi trường trên mức báo động. Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên (WWF) mỗi năm có khoảng 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển trong đó, phần lớn là những sản phẩm nhựa dùng 1 lần chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Chúng xuất hiện ở cả những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực. Những rác thải nhựa theo các nghiên cứu cho thấy có bắt nguồn từ đất liền, cuốn theo những dòng chảy các đô thị, sông, hồ tràn cống, hay xả rác chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Theo báo cáo này, mỗi năm đại dương phải ôm lấy khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa,tương đương với việc kéo theo ít nhất là 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa, chiếm 88% các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo nghiên cứu. Mỗi một ngày, một người thải ra môi trường ít nhất 1 đến 2 chất thải nhựa, ít nhưng tích tụ lại gây nên một lượng rác vô cùng lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng môi trường và không khí .

Hình ảnh Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp

Trong các đại dương trên trái đất hiện nay tồn tại khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa, đây là số liệu thống kê từ một phân tích của The Pew Charity Trusts và SYSTEMIQ . Tính cả lượng rác thải nhựa tích tụ trên toàn cầu sẽ lên đến 9,1 tỉ (gồm môi trường đất ,nước ,...), con số này sẽ không bao giờ dừng lại ở đây nếu như chúng ta không nhận thức rõ được mức độ nghiêm trọng , ảnh hưởng của sự việc. Hàng ngày số rác thải nhựa đang trực tiếp phá hoại cuộc sống của mỗi người và sự lan tỏa ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống tự nhiên đang bao bọc trên trái đất. Rác thải nhựa đã và đang ngày càng luồn lách vào mọi ngõ ngách cuộc sống không chỉ của con người mà của mọi sinh vật, nó là sản phẩm của con người tại ra nhưng những tác động tới môi trường lại đang là vấn nạn không chỉ ở hiện tại và còn ảnh hưởng tới tương lai.

Việt Nam cũng thuộc trong nhóm nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn nhất thế giới, theo số liệu của Wall Street Journal mỗi năm nước ta thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa chưa qua xử lý trong đó rác thải bị vứt bỏ, kẹt ở đại dương là 0, 73 triệu tấn đây chỉ là kết quả đánh giá riêng từ 2010, đến nay số lượng rác thải ấy ước tính gấp nhiều lần. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải đại dương cao, cùng với ô nhiễm nguồn nước dự kiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) thiệt hại lên đến 3,5% vào năm 2035, dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP đến năm 2030. Điều đó có nghĩa, những rác thải nhựa ấy sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển, tồn tại của con người khi hệ sinh thái bị tàn phá bởi nhu cầu sử dụng chất nhựa .

Những năm qua Việt Nam đã và đang phát động nhiều phong trào, đề ra nhiều chính sách để giảm thiểu việc sử dụng cũng như tái sử dụng chất thải nhựa. Trong việc tái chế và xử lí chất thải nhựa, túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần tránh xả thải nhiều ra môi trường, khuyến khích sử dụng các đồ vật thay thế nhựa, thân thiện với môi trường. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, đặc biệt có nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong những giải pháp được coi là trọng tâm trong vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa. Ngoài ra còn tổ chức các hội thảo tuyên truyền về vai trò của kinh tế tuần hoàn trong hoạt động bảo vệ môi trường; triển lãm, khảo sát thực tế các mô hình tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

Để không phải gánh chịu những nguy cơ biến đổi của thiên nhiên, mỗi người hãy nâng cao trách nhiệm của bản thân mình trong việc sử dụng những chất nhựa vào đời sống. Cùng hành động, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023 ngay bây giờ nói không với túi nilon, đồ nhựa dùng một lần chính là việc làm cứu Trái Đất. Duy trì sự sống cho sinh vật biển, cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm sống. Ngăn chặn những nguy cơ của biến đổi khí hậu, sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu. Bằng cách loại bỏ rác thải nhựa, tái sử dụng và xử lý, quyết tâm nói không với túi nilon và đồ nhựa một lần.

Thanh Vân 

  • Tags: