BẢO TỒN TÊ GIÁC TRƯỚC NẠN SĂN TRỘM TẠI NAM PHI - NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Tê giác cùng với các loài thú quý hiếm khác luôn đối diện với nguy cơ tuyệt chủng từ việc săn bắn và buôn bán động vật quý hiếm. Việc buôn bán này liên quan tới các cá thể động vật còn sống hay đã chết, cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật đó như da, các đồ vật bằng da, mai rùa, đồi mồi, san hô.
Các chuyên gia đang chăm sóc tê giác trước khi cưa sừng để đối phó với nạn săn trộm. Ảnh Internet
Tê giác cùng với các loài thú quý hiếm khác luôn đối diện với nguy cơ tuyệt chủng từ việc săn bắn và buôn bán động vật quý hiếm. Việc buôn bán này liên quan tới các cá thể động vật còn sống hay đã chết, cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật đó như da, các đồ vật bằng da, mai rùa, đồi mồi, san hô. Nó thường liên quan tới tội phạm có tổ chức hoặc các băng đảng có máu mặt, việc buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ gây phương hại tới phát triển bền vững và an ninh của các nước bị ảnh hưởng mà đây còn là mối đe dọa lớn tới sự tồn vong của hàng triệu động vật trên hành tình này. Theo Liên Hiệpquốc thì hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang dã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, người và vũ khí. Ước tính hàng năm thế giới thất thoát 48-153 tỷ USD do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).
Số lượng tê giác trên thế giới hiện nay chủ yếu tập trung ở châu Phi. Những thành tích bảo tồn tê giác ở châu Phi đạt được như vây là nhờ sáng kiến của Nam Phi - đất nước có 40% số lượng tê giác đen và 90% số lượng tê giác trắng phân bố và chiếm 83% số lượng tê giác châu Phi và 73% số lượng tê giác toàn cầu - đã có sự kết hợp giữa sự khích lệ bảo tồn tư nhân và quản lý, giám sát và thi hành luật mạnh mẽ. Tê giác trắng là một trong những loài động vật to lớn nhất sinh sống trên cạn, và đã từng xuất hiện ở khắp nơi trên lãnh thổ phí nam của châu Phi. Nó có một cơ thể to lớn và cái đầu to, một cổ ngắn và ngực rộng. Con cái nặng 1,7 tấn và con đực nặng khoảng 2,3 tấn. Chiều dài đầu và thân thể khoảng từ 3,4 đến 4 m và chiều cao của vai từ 160 đến 186 cm. Trên mõm của nó có hai cái sừng. Sừng phía trước là lớn hơn so với sừng khác, trung bình 60 cm chiều dài và có thể đạt tới 150 cm. Con cái thường dài hơn nhưng mỏng hơn sừng hơn con đực mà là lớn hơn nhưng ngắn hơn.
Loài tê giác trắng Nam Phi đã từng bị đẩy đến vực tuyệt chủng từ những năm 60 của thế kỷ trước, do những người da trắng giàu có đến châu Phi để tham gia môn thể thao "săn bắn" thời thượng săn lùng chúng đến cạn kiệt. Đã có những thời điểm, một thợ săn có thể giết liền một lúc hơn hai mươi con tê giác chỉ trong một ngày. Vì nạn săn bắn bừa bãi lúc bấy giờ, số lượng tê giác trắng chỉ còn lại vài trăm cá thể sống rải rác trên một khu vực vỏn vẹn gần 300 km2, không đủ để có thể duy trì một đàn tê giác khỏe mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, nhà bảo tồn tê giác nổi tiếng thế giới Ian Player đã cùng cộng sự của mình là những người đầu tiên thực hiện ý tưởng bị coi là điên rồ thời bấy giờ. Ông đã cùng cộng sự của mình chấp nhận nguy hiểm, cưỡi ngựa và bắn thuốc mê những chú tê giác trắng hoang dã và vận chuyển chúng đến những khu vực an toàn hơn. Sau nhiều năm nỗ lực vận động bảo vệ, số lượng tê giác trắng đã từng bước được phục hồi. Để nuôi dưỡng tình yêu của lớp trẻ với môi trường thiên nhiên hoang dã, ông cũng thành lập ở Nam Phi trường học về thiên nhiên hoang dã có tên "Wilderness Leadership School" dành cho thanh thiếu niên Nam Phi, sau này mở rộng cho thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, các em sẽ được cùng với những người kiểm lâm dẫn đường lão luyện đi bộ trong những khu bảo tồn của Nam Phi, học về cách đọc và nhận biết dấu chân động vật hoang dã, cách lập trại, nhận dạng động - thực vật...
Một chú tê giác đã được cưa sừng để tránh nạn săn trộm tại Nam Phi. Ảnh Internet
Bên cạnh những thành tựu trong việc bảo tồn động vật hoang dã nói chung, tê giác và tê giác trắng nói riêng, tuy nhiên cũng phải thấy rằng còn có điều bất cập trong chính sách quản lý động vật hoang dã nguy cấp của Nam Phi ở chỗ "Vừa cấm sản phẩm của tê giác (hay động vật hoang dã nguy cấp nói chung) vừa cấp giấy phép săn bắn và công nhận giá trị thị trường của chúng". Việc cho phép săn bắn tê giác được thể hiện trong Luật săn bắn từ năm 1968 của Nam Phi. Chi phí cho giấy phép và săn bắn một con tê giác đã trưởng thành là 100.000 USD. Chính điều này đã tạo những kẽ hở trong chính sách, dẫn đến những vụ vi phạm ngày càng tăng. Trên thực tế, chính quyền Nam Phi đã không thể kiểm soát và ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán trái phép sừng tê giác do không có khả năng phân biệt các sản phẩm săn bắn, buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp cũng như nguy cơ giấy phép bị làm giả. Hơn nữa, chính sách cho phép săn bắn tê giác cũng đã góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm đó. Chúng ta biết rằng việc buôn bán bất hợp pháp luôn luôn rẻ và đỡ tốn kém hơn vì giá thấp hơn (săn trộm bao giờ cũng rẻ hơn vì không phải đóng một khoản phí lớn để xin cấp giấy phép săn bắn. Đây rõ ràng là sự mâu thuẫn của chủ trương kép và nếu không có sự điểu chỉnh kịp thời thì khó có thể ngăn được sự tuyệt chủng của loài tê giác ở Nam Phi.
Theo thông tin từ các vườn bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở Nam Phi, sau hơn 1 năm tạm lắng do đại dịch covid-19, tình trạng săn trộm tê giác đã giảm đáng kể. Các hạn chế nghiêm ngặt về du lịch, bao gồm cả du lịch quốc tế, được áp đặt từ tháng 3/2020 có tác động đáng kể trong việc ngăn chặn nạn săn bắn trộm tê giác. Năm 2020, chỉ có 394 con tê giác bị săn trộm, giảm 30% so với năm 2019 và kể từ năm 2011. Tuy nhiên từ đầu năm 2021, nạn săn trộm tê giác lại có chiều hướng tăng trở lại. Tiến sỹ Jo Shaw - Trưởng nhóm Tê giác châu Phi của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết: "Có một mối đe dọa thực sự là nạn săn trộm gia tăng đáng kể từ khi bị phong tỏa, có lẽ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường quốc tế". Các khu bảo tồn vốn đang chống chọi với ngân sách eo hẹp trong bối cảnh du lịch tạm lắng do đại dịch gây ra, cũng buộc phải cắt giảm các cuộc tuần tra chống săn trộm, điều này làm gia tăng thêm mối đe dọa với các con tê giác. Một số khu bảo tồn đã cưa sừng tê giác như là phương pháp để ngăn chặn những kẻ săn trộm. Các bác sỹ thú y sẽ chỉ cắt sừng ở phần cuống chứ không phải cắt bỏ tất cả để tê giác không bị chảy máu đến chết. Tuy nhiên, có thể thấy cách thức này chỉ là biện pháp đối phó tạm thời và không thực sự hiệu quả, chưa kể đến những tác hại đến sức khỏe và tâm lý của các chú tê giác.
Như vậy, có thể thấy việc bảo tồn tê giác ở Nam Phi còn rất nhiều khó khăn và thách thức, điều này không chỉ cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa của quốc gia này, đặc biệt là việc điều chỉnh những điểm bất cập trong chính sách quản lý động vật hoang dã ở quốc gia này. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế mà trước hết là cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp quốc cần đưa ra những chính sách tích cực và hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ Nam Phi trong việc bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và tê giác nói chung trước nguy cơ tuyệt chủng.
Minh Anh
Tin nóng
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
29/11/2024 10:59:14 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH
- Các hình thức đấu thầu phổ biến mới nhất theo quy định hiện nay
26/11/2024 8:54:40 SA
- Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
14/11/2024 2:09:56 CH