Bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên

23/09/2022 5:46:15 CH
Share Bai :

Vườn quốc gia  Cát Tiên với những giá trị tài nguyên quý giá, đặc hữu, đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác bền vững đa dạng sinh học tại khu vực này.

Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo tồn rừng là một trong những bước quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đồng thời giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như các đại dịch trong tương lai.

Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng năm 1992 có đường ranh giới dài trải 3 tỉnh (nằm trên địa bàn 5 huyện gồm: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng); Bù Đăng (Bình Phước), là một trong những khu vực bảo tồn lớn nhất cả nước (tổng diện tích hơn 71.000 ha, trong đó Đồng Nai chiếm diện tích lớn nhất, gần 40.000 ha) và là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, độ che phủ rừng trên 80%.

Vọc tại vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh Internet

Đặc trưng của VQG Cát Tiên với điều kiện địa hình, khí hậu và khả năng dung chứa đến 5 kiểu rừng (lá rộng thường xanh; thường xanh nửa lá rụng; hỗn giao gỗ tre; tre nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước) là những yếu tố tạo nên VQG Cát Tiên trở thành nơi hội tụ các loài thực vật, động vật và rất giàu về tài nguyên ĐDSH có hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng, hệ động vật rừng đặc trưng cho hệ sinh thái Đông Nam Bộ. Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá có đa dạng sinh học cao. Khu vực này ghi nhận 1.729 động vật, 1.655 thực vật bậc cao, trong đó hơn 100 động thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Vườn quốc gia được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001 và 2011; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Với chức năng, mục tiêu và nhiệm vụ, những năm gần đây, VQG Cát Tiên đã được quan tâm nhiều đến công tác bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm.... Nhằm bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, trong những năm qua toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được Vườn quốc gia Cát Tiên bảo vệ nghiêm ngặt. Để góp phần khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng, nhiều năm qua Ban quản lý đã phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị trồng hàng trăm ha rừng, gồm nhiều giống gỗ quý, như cẩm lai, giáng hương và một số cây ăn trái như chôm chôm rừng, xoài rừng, chà là...

Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Trong những năm qua, việc thúc đấy hợp tác bảo tồn được Vườn quốc gia Cát Tiên chú trọng triển khai. Trong đó có Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án nhằm triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

Mới đây, ngày 27-4-2022, Ban quản lý VQG Cát Tiên đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) do bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam dẫn đầu. Tại buổi làm việc, hai bên đã có những trao đổi, chia sẻ thông tin hữu ích liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhân dịp này, Đoàn cũng đã có dịp tìm hiểu về những sinh hoạt của người dân sinh sống trong VQG Cát Tiên và các khu vực xung quanh, về khó khăn cũng như những cơ hội cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Cụ thể, dự án sẽ thực hiện các hoạt động nhằm các mục tiêu: nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên, từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp. Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.

Nổi bật tại tỉnh Đồng Nai, vùng đất ngập nước Bàu Sấu là tiêu biểu cho hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, H.Tân Phú).Nơi đây có giá trị cao về đa dạng sinh học (ĐDSH), môi trường, cảnh quan và du lịch. Cũng như nhiều khu vực có ĐDSH khác, Bàu Sấu đang đối mặt với các thách thức về tài nguyên, môi trường. Đó là các trường hợp xâm phạm trái phép tài nguyên rừng như: khai thác gỗ, đánh bắt cá, bẫy chim và động vật rừng. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai như cây mai dương, cỏ trấp làm thu hẹp môi trường sống của các loài dưới nước, xử lý cây này tốn kém, mất nhiều thời gian mà không triệt để. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý) tác động trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sinh, nước uống của động vật hoang dã. Thời gian qua, địa phương này thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu chung là Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế  Kế hoạch đã đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đồng quản lý, kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tài nguyên vùng đất ngập nước Bàu Sấu.

Cùng với tỉnh Đồng Nai, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật tỉnh Lâm Đồng cũng được thực hiện lồng ghép với bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, nhằm bảo vệ động vật hoang dã tỉnh duy trì hoạt động của Trung tâm cứu hộ VQG Cát Tiên tổng diện tích 66 ha, gồm khu cứu hộ gấu và khu cứu hộ động vật linh trưởng với các phân khu chức năng như khu nuôi nhốt, khu thăm khám chữa bệnh, khu cách ly, khu bán hoang dã tập thích nghi.

Hệ sinh thái động - thực vật đa dạng tại vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh Internet

Thời gian qua, cùng với việc triển khai các dự án, kế hoạch hành động, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị tài nguyên, Vườn quốc gia Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các chương trình hội thảo tập huấn, nâng cao năng lực về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó hướng tới việc khai thác, phát triển bền vững hệ sinh thái tại khu vực này. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Xây dựng chương trình, triển khai các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị, chức năng của các vùng đất ngập nước và quy định quản lý đất ngập nước; kết nối và cập nhật thường xuyên thông tin về các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; nhân rộng các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng các vùng đất ngập nước quan trọng.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỉ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Những vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đã hạn chế việc thực thi pháp luật, gia tăng khoảng cách giàu nghèo nơi các cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương, gây nguy hại cho các hệ sinh thái.

Quỳnh Hoa

  • Tags: