ÁP DỤNG MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

02/11/2023 11:15:46 SA
Share Bai :

Khái niệm kinh tế tuần hoàn được xuất hiện lần đầu trên thế giới vào năm 1990 bởi nhà kinh tế học người Anh, theo đó kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế khép kín. Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu. Kinh tế tuần hoàn cung cấp các cơ hội mới và tạo ra sự thay đổi trong mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dung, đồng thời có thể áp dụng cho mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Du lịch cộng đồng là một trong những lĩnh vực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được nhiều thành tựu ở Việt Nam trong thời gian qua.

Ảnh Internet

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch được sở hữu, khởi xướng bằng một hay vài cộng đồng địa phương, có sự liên kết với khối tư nhân nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như văn hóa một cách bền vững để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế.

Ở Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được xây dựng gắn với mục tiêu phát triển bền vững, do đó, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ gắn với các mục tiêu về phát triển bền vững. Theo đó, mục đích của du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn là đạt được sự cân bằng giữa con người, môi trường và tăng trưởng kinh tế, từ đó hạn chế các vấn đề liên quan đến tiêu thụ quá mức, tăng trưởng liên tục và cạn kiệt tài nguyên do ngành du lịch sử dụng trực tiếp hoặc sử dụng gián tiếp. Khác với loại hình du lịch tuyến tính truyền thống, du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm được tái chế hoặc tái sử dụng phục vụ cho các hoạt động du lịch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giảm chất thải ra môi trường và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Như vậy, phát triển DLCĐ muốn bền vững phải theo hướng bền vững của việc phát triển KTTH.

Phát triển DLCĐ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư dựa trên sự chung tay của cộng đồng địa phương và nguồn quỹ cộng đồng thu được từ hoạt động du lịch hoặc nhận được viện trợ, đóng góp của các du khách cho địa phương.

Du lịch cộng đồng đã góp phần tạo liên kết bền vững giữa nhiều ngành kinh tế lại với nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; tạo nguồn vốn đầu tư trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch;... Có thể nói, du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế bền vững là giải pháp đánh thức những giá trị của cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của các địa phương không bị mai một theo thời gian và góp phần quan trọng trong bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương.

Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam,... là những địa phương tiêu biểu trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch cộng đồng. Sau nhiều năm thực hiện mô hình du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, nhiều địa phương đã tạo được hiệu quả tích cực trong việc cân bằng giữa việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là  việc triển khai thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2013” tại 2 làng văn hóa người Cơtu là Bhơhôông (xã Sông Kôn) và Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) tại Quảng Nam. Theo đó, chỉ sau 03 năm thực hiện, dự án đã đào tạo được 100 cán bộ nguồn nhằm phát triển du lịch, tạo 44 lao động việc làm ổn định, 4 gia đình có du lịch homestay, các thành viên trong tổ hợp tác có thêm 700.000 đồng/tháng; tại Cù Lao Chàm, du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương vùng biển hiệu quả; tại cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, các hoạt động du lịch nhà vườn, du lịch homestay phát triển, từ 7 điểm du lịch thì đến nay số lượng cộng đồng tham gia du lịch đã lên đến hơn 27 điểm du lịch nhà vườn, bên cạnh đó người dân còn tham gia các hoạt động du lịch khác như: hoạt động lưu trú, hướng dẫn viên, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thuê xe đạp, hoạt động văn nghệ, bán hàng… Nhờ phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, thu nhập người dân được tăng cao, tạo ra việc làm ổn định và nâng cao kiến thức văn hóa cho nhân dân địa phương. Cũng từ đó, ý thực và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, cảnh quan, các giá trị văn hóa, cũng như việc khôi phục và phát huy những nghề truyền thống được nâng cao rõ rệt.

Có thể thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng các ưu điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy tối đa sự tham gia, sáng tạo của người dân trong phát triển, quản lý dựa theo việc sử dụng casc nguồn lực tự nhiên thân thiện với môi trường, ít tạo ra phát thải, rác thải, tái tạo và tái sử dụng tối đa các yếu tố đầu vào nhằm mang lại lợi ích phân phối lại cho người dân và kinh tế của địa phương.

Ngoài việc phát triển nền kinh tế địa phương theo hướng bền vững, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch xanh – sinh thái nông nghiệp bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc phát triển cân bằng giữa kinh tế - văn hóa và môi trường của nước ta nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Phạm Thiện

  • Tags: