Vai trò của đầu tư công trong phát triển bền vững

18/10/2024 9:04:26 SA
Share Bai :

Nguồn lực đầu tư công có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để khơi thông nguồn lực đầu tư công, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.

Theo Luật Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14), đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và các đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này. Như vậy, đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Có 3 hình thức đầu tư công chính, bao gồm: Đầu tư trực tiếp: Nhà nước trực tiếp đầu tư vào các chương trình, dự án thông qua việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đầu tư gián tiếp: Nhà nước đầu tư thông qua các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ đầu tư của Nhà nước. Đầu tư hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ vốn, tài chính, cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các chương trình, dự án.

Đầu tư công có vai trò to lớn cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng chú trọng vào việc nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan nhà nước, cải thiện quản trị quốc gia, tạo nên môi trường hành chính thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đầu tư công còn là công cụ của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đầu tư công còn có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế, tại nhiều huyện, công tác đầu tư công bước đầu đạt được những kết quả thiết thực, nhiều công trình trụ sở, trường, trạm, đường giao thông,…được đưa vào sử dụng với chất lượng tốt, đời sống người dân trên địa bàn ngày càng ổn định hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, thì còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cam kết, lời khẳng định mạnh mẽ hơn từ chính quyền, đặc biệt là trong công tác đấu thầu.  

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu tâm tới các vấn đề như tính cạnh tranh trong các gói thầu, tiêu chí mời thầu, hồ sơ dự thầu của nhà thầu, nhà thầu thân quen liên tục trúng thầu,... Hiện trạng “bất thường” có thể là dấu hiệu phản ánh những “góc khuất” cần được soi rọi.

Bên cạnh đó, về phía chủ đầu tư, bên mời thầu, doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu tâm, thực hiện đúng quy định, tránh những bất cập liên quan có thể xảy ra.

Bởi, thực tế, thời gian qua, để chấn chỉnh công tác đấu thầu, luật đấu thầu 2023 và nhiều nghị định, chỉ thị được ban hành. Cùng với đó, việc các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc thanh kiểm tra, truy tố nhiều vụ án “Đưa nhận hối lộ”, “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được công bố, nhiều lãnh đạo tỉnh (Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bắc Giang,... ), lãnh đạo cơ quan, đơn vị (Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào Tạo Quảng Ninh, Cần Thơ, Thanh Hoá, Hà Giang,...) vướng vòng lao lý vì liên quan đến các vụ án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn hay việc nâng khống giá thiết bị... có lẽ là bài học thực tiễn cần được đặc biệt quan tâm, nhìn nhận.

Hình ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Tìm được giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công góp phần thiết thực để đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Nói về vấn đề này, một số chuyên gia về đấu thầu nêu quan điểm, giải pháp:

Chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan, đơn vị thẩm định cần chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ quản lý, triển khai các quy định pháp luật về đấu thầu để tổ chức thực hiện việc đấu thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, trách nhiệm được giao...

Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc công khai, đăng tải đầy đủ thông tin đảm bảo chính xác, đúng trách nhiệm, thời hạn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng theo đúng lộ trình quy định… Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không theo mẫu biểu hướng dẫn, không chính xác số liệu công tác đấu thầu về Bộ KH&ĐT.

Bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị thực hiện việc giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đảm bảo đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định.

Các cơ quan chức năng phải chủ động, tăng cường kiểm tra chuyên đề về đấu thầu (không lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác) và giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu không qua mạng, gói thầu áp dụng chỉ định thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...Tăng cường áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu để kịp thời phát hiện các hành vi nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu và có biện pháp chấn chỉnh.

Người có thẩm quyền, người đứng đầu, chủ đầu tư nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý công tác đấu thầu; đổi mới công tác thanh tra, giám sát tài chính trong toàn bộ quá trình quản lý tài chính công.

Phải đảm bảo tiếng nói của người dân được lắng nghe và phản hồi. Cần có cơ chế hiệu lực để người dân truyền đạt ý nguyện và các ưu tiên tới chính quyền; người dân phải có quyền giám sát, phản ánh, đòi hỏi...

Từ những phân tích trên, các chuyên gia về đấu thầu cho rằng cần xem xét, cải cách quy trình đấu thầu hiện tại. Tránh những tiêu chí mang tính định hướng, nguy cơ tạo lợi thế cho một số nhà thầu cụ thể, nhằm đảm bảo một sân chơi công bằng và minh bạch cho tất cả các bên tham gia. Nhờ đó, phát huy vai trò to lớn của đầu tư công trong phát triển kinh tế, xã hội.

Quế Thư