Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo về việc về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh dựa trên tinh thần thục hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và chỉ đạo của Trung ương về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, lao động trong cơ quan nhà nước,... Qua đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong Bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra lãng phí vẫn phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, do vậy cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài chính để tổng hợp, đưa vào nội dung báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, qua rà soát các dạng thức của lãng phí được nêu tại bài viết, thì công tác chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công cần được tập trung giải quyết. Do đó, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh; trong đó, đối với việc quản lý, sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng UBND các huyện, thành phố cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, lập phương án sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; trên cơ sở đó, tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, ban hành kế hoạch bán tài sản công là nhà, đất dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng. Đối với các tài sản công là nhà, đất chưa đủ điều kiện bán ngay, thì đề xuất phương án khai thác phù hợp, không để tình trạng tài sản công là nhà, đất bị bỏ hoang, không sử dụng, sử dụng sai mục đích gây lãng phí.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp tốt với Sở Tài chính trong quá trình rà soát, xác định thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; chủ động tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch để đủ điều kiện khai thác, bán đấu giá theo quy định. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp thẩm quyền giao quản lý tài sản công là nhà, đất có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; chủ động rà soát, phối hợp với Sở Tài chính để lập phương án sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất theo đúng quy định; chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để đảm bảo cơ sở pháp lý phù hợp với phương án sử dụng tài sản công.
Tỉnh Cà Mau đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, đặc biệt là chống lãng phí tại các tài sản công, đất hoang không sử dụng.
Đối với việc mua sắm, sửa chữa, thanh lý, bán tài sản tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua sắm, sửa chữa, thanh lý, bán tài sản công chấp hành nghiêm quy định về việc xác định giá khởi điểm tổ chức bán đấu giá, giá gói thầu đảm bảo đúng quy định, phù hợp với giá thị trường.
Sở Tài chính khi tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, quyết định mua sắm, sửa chữa tài sản của các cơ quan, đơn vị phải rà soát, xác định hiện trạng quản lý, sử dụng tài sản và nhu cầu thực tế của từng đơn vị, đảm bảo danh mục đề xuất mua sắm phải phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được quy định, không để xảy ra tình trạng đơn vị được trang bị tài sản nhưng không có nhu cầu sử dụng, không có nhân lực để sử dụng, đặc biệt là việc mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.
Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm thường xuyên theo dõi hiện trạng của tài sản, kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng tài sản theo đúng quy định.
Giao Sở Tài chính rà soát, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản công, để tài sản hư hỏng nặng mới đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng, thanh lý, thay thế. Trong quá trình tham mưu phân cấp thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh phải đảm bảo nội dung quy định chặt chẽ, đúng thẩm quyền, cụ thể, rõ ràng, trên tinh thần phân cấp mạnh cho các cơ quan, đơn vị thực hiện; khắc phục ngay những hạn chế đã được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã chỉ ra tại Văn bản số 85/KL-KTrVB ngày 10/10/2024.
Đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, giao Sở Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định các Đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị.
Đối với việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản công, yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ các nguồn đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, nhưng chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính để thực hiện trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và hoàn tất thủ tục pháp lý về tài sản theo đúng quy định.
Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện so với quy định thì đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư, làm cơ sở để thu hồi đất theo quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Đồng thời, tăng cường đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công để kịp thời đưa các dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch tỉnh cũng giao cho Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, thiếu trách nhiệm quản lý gây lãng phí.
Minh Thành
Tin nóng
- Hiệu ứng “vết dầu loang” tạo cú hích cho BĐS khu Tây TP.HCM
08/01/2025 12:50:58 SA
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh): Chủ động, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh
07/01/2025 12:17:19 CH
- Hải Phòng: Công bố quyết định thành lập Công an quận An Dương
06/01/2025 4:58:18 CH
- PC Quảng Ninh: Lan tỏa yêu thương thông qua các hoạt động tri ân khách hàng năm 2024.
06/01/2025 4:25:47 CH
- Bắc Giang: Huyện Hiệp Hoà đón nhận Quyết định công nhận đô thị loại IV.
04/01/2025 9:19:57 SA