Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh): Chủ động, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh
Với quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp sẵn sàng phòng chống dịch bệnh.
Giám đốc CDC Hà Tĩnh cùng đoàn kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tại Trung tâm Y tế tuyến huyện
Nhìn lại thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, chúng ta chứng kiến dịch bệnh trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi bùng phát, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân. Nhận định sớm tình hình dịch, ngay từ đầu năm, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp, kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và giáo dục sức khỏe; đẩy mạnh giám sát và phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm; tăng cường tiêm chủng phòng bệnh; kiểm soát sớm vector truyền bệnh; xử lý ổ dịch kịp thời; quan tâm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tcs phòng chống dịch các tuyến...
Giám sát tiêm chủng ở TP hà Tĩnh
Vì vậy, các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn từ đầu năm đến nay được khống chế, kiểm soát tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 82 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 49 ca nội địa, 33 ca vãng lai, có 01 ổ dịch tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh với tổng số ca mắc là 35 ca. Tổng số ca mắc SXH giảm 194 ca so với năm 2023. Ghi nhận trên 240 ca mắc sởi, 35 trường hợp ho gà, 28 ca tay chân miệng.... Các ca bệnh đều được giám sát chặt chẽ, được điều trị khỏi.
Người dân cần tuân thủ tốt lịch tiêm phòng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Đặc biệt, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch phòng chống dịch sởi tại 2 huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên, qua chiến dịch đã có 1.807/ 1.816 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi, đạt tỷ lệ 99,5%; có 653/ 685 trẻ từ 6 đến 10 tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi, đạt tỷ lệ 95,3%. Ngành cũng triển khai tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván, cho trẻ trong độ tuổi uống vắc xin rota vi rút trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm tăng miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh sớm cho trẻ. Công tác quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được tăng cường.
Với nhiều nỗ lực, ngành Y tế đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. “Thành công lớn của Hà Tĩnh là năm nay mặc dù một số dịch bệnh SXH, sởi trên toàn quốc gia tăng số mắc và số tử vong, nhưng Hà Tĩnh chỉ ghi nhận 01 ổ dịch SXH quy mô nhỏ, không có ca tử vong, các ca bệnh chủ yếu là xâm nhập từ các địa phương khác trở về. Một số bệnh khác rải rác không gây thành dịch. Có được những kết quả đó là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, sự tập trung cao, bám sát địa bàn của các đơn vị chuyên môn, sự thống nhất, phối hợp của các địa phương trong công tác phòng chống dịch và triển khai các hoạt động của ngành y tế”, Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.
Dự báo cuối năm, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới, ngành y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng toàn tỉnh luôn sẵn sàng chủ động mọi tình huống; tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, nhất là tại cửa khẩu, cảng biển.... Chú trọng việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi.
Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức các đợt cao điểm về phòng, chống dịch theo mùa, các chiến dịch, phong trào vệ sinh yêu nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch...Nỗ lực đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả như: vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Thường vào dịp cuối năm, người dân từ các tỉnh khác về quê đón tết, giao thương hàng hóa từ khắp mọi miền đổ về, kéo theo đó là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để hạn chế những dịch bệnh có thể xảy ra, chúng tôi luôn sẵn sàng chủ động đối phó với các dịch bệnh, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm. Luôn đưa ra các tình huống chủ động sẵn sàng, ví dụ như các trường hợp SXH vãng lai, được coi là một ổ dịch tiềm tàng, tiến hành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như một ổ dịch điển hình. Như vậy, khi có trường hợp nghi ngờ các đội cơ động từ tỉnh đến huyện, xã kịp thời có mặt, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm; theo dõi giám sát. Huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, cộng đồng nhân dân, từng hộ gia đình quyết liệt triển khai chiến dịch tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy. Triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành; thiết lập hệ thống báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế 24/24h, lập danh sách bệnh nhân, lập biểu đồ theo dõi diễn biến ổ dịch theo thời gian, phân tích các yếu tố dịch tễ liên quan. Từ đó, đề ra những quyết định chính xác, kịp thời trong xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Luôn đặt ra trong trường hợp dịch bùng phát”.
Với các biện pháp chủ động, tích cực của các ngành, địa phương và các đơn vị y tế, việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch. Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp. Cùng với đó, cần tăng sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thể thao đều đặn để tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Dương Xuân Lộc
Tin nóng
- Hiệu ứng “vết dầu loang” tạo cú hích cho BĐS khu Tây TP.HCM
08/01/2025 12:50:58 SA
- Hải Phòng: Công bố quyết định thành lập Công an quận An Dương
06/01/2025 4:58:18 CH
- PC Quảng Ninh: Lan tỏa yêu thương thông qua các hoạt động tri ân khách hàng năm 2024.
06/01/2025 4:25:47 CH
- Bắc Giang: Huyện Hiệp Hoà đón nhận Quyết định công nhận đô thị loại IV.
04/01/2025 9:19:57 SA
- Khu Tây TP.HCM trở thành điểm nóng trong 'dòng chảy' đô thị hóa
03/01/2025 1:20:11 CH