Tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức pháp luật đấu thầu
Việc nâng cao kiến thức pháp luật về đấu thầu đóng vai trò quan trọng giúp các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan nắm vững luật và thực hiện đúng theo quy định, tránh những bất cập, sai phạm có thể xảy ra gây thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới mục đích, lý tưởng chung.
Chỉ thị số 24/CT-TTg nêu rõ, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ đã ban hành các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Việc ban hành các văn bản nêu trên trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định. Từ đó càng khẳng định mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức pháp luật về đấu thầu.
Nhà thầu sử dụng hồ sơ giả, tài liệu giả để tham gia đấu thầu, bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, quy định về hành vi gian lận trong đấu thầu như sau:
4. Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:
a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Và khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì:
Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này (*).
(*) Điểm a khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm:
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm hành vi dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu.
4. Gian lận bao gồm các hành vi:
- Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu.
- Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định tại mục 18.5, Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT thì:
Nhà thầu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu trong các trường hợp sau đây:
…
- Nhà thầu có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023.
…
Hình ảnh minh họa/ Nguồn Internet
Như vậy, việc sử dụng hồ sơ giả, tài liệu giả để tham gia đấu thầu được xem là một hành vi gian lận và nhà thầu cần tránh xa. Gian lận trong đấu thầu không chỉ khiến nhà thầu mất đi cơ hội trúng thầu mà còn gây ra những hậu quả khôn lường như: mất uy tín, bị cấm thầu, thậm chí bị xử lý hình sự khi vướng vào vòng lao lý. Đặc biệt, Trong thời đại số, việc kiểm chứng thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì vậy, gian lận trong đấu thầu rất dễ bị phát hiện và sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tăng cơ hội hợp tác lâu dài, các nhà thầu cần hết sức thận trọng, đảm bảo tất cả thông tin trong hồ sơ dự thầu là chính xác, trung thực.
Minh bạch và xử lý nghiêm nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, các cơ quan pháp luật đã làm việc tích cực và mạnh mẽ trong việc điều tra, xét xử, tuyên án nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực đấu thầu. Điều này cho thấy sự kiên quyết của Chính phủ trong việc loại bỏ tham nhũng và tiêu cực, nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch.
Điển hình như vụ việc diễn ra tại công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định có trách nhiệm trong nhiều vụ án. Đặc biệt, theo cáo trạng, ngoài Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh" trong đấu thầu, gồm Công ty MOPHA do bố đẻ của bà Nhàn đứng tên thành lập và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty CP Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột của bà Nhàn làm tổng giám đốc; Công ty CP tư vấn Công nghệ cao. Bà Nhàn còn thuê một số công ty để làm "quân xanh" dự thầu như Công ty TNT, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS, Công ty nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp… Với mỗi gói thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã lập ra "ma trận" cài cắm "quân xanh" để AIC và các công ty do AIC chỉ định thâu tóm 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai. Kết quả, ngoài nhà thầu, nhiều lãnh đạo chủ đầu tư liên quan cũng vướng vòng lao lý.
Hay như vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn cũng soi rọi nhiều góc khuất, khiến nhiều lãnh đạo cấp cao các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi,… bị khởi tố.
Tất cả là bài học đắt giá cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác đấu thầu, tránh những nguy cơ sai phạm có thể xảy ra. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Để có cái nhìn khách quan nhất về công tác đấu thầu đang diễn ra. Từ đó, có những nhìn nhận thực tế về những hạn chế còn tồn tại cũng như những khó khăn của chủ đầu tư, nhà thầu,…đang vướng phải. Qua quá trình thu thập dữ liệu làm minh chứng, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến các gói thầu do UBND thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Group Đăng Khoa mời thầu và việc trúng thầu của Công ty TNHH Minh Dũng HH (Công ty Minh Dũng HH) với nhiều dấu hiệu “bất thường”.
Ông Vũ Văn Sữa ký quyết định phê duyệt cho công ty Minh Dũng HH trúng thầu
Ngày 12/4/2024, ông Vũ Văn Sữa - Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh ký quyết định số 159/QĐ-UBND phê duyệt cho công ty Minh Dũng HH trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp đường giao thông thị trấn Như Quỳnh. Đường trục qua đội 12 thôn Hành Lạc (đoạn từ điểm giao với ĐT.385 đến đường bờ sông) với giá gói thầu 30.094.939.000 VND, giá trúng thầu 29.936.638.000 VND, thời gian thi công 510 ngày; Công ty TNHH Group Đăng Khoa mời thầu.
Gói thầu yêu cầu: Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm 01 công trình độc lập (ví dụ công trình A): Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 (10) đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn(11) tối thiểu 01 công trình có: loại kết cấu : công trình giao thông, cấp: 3(12) có giá trị là (V): 15.100.000.000(13) VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
Để đáp ứng điều kiện trên, Công ty Minh Dũng HH kê khai đã từng thực hiện hợp đồng số 36/2020/HĐTT-XD, ngày 04/8/2020 về việc thi công xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp đường GTNT, xã Khả Cửu, đoạn từ khu Vạch đi bản Suối Lú. Giá trị hợp đồng nhà thầu kê khai là 18.025.677.000 VNĐ.
Tuy nhiên, được biết, liên quan đến gói thầu nhà thầu công ty Minh Dũng HH kê khai kể trên có sự trùng hợp “bất thường”. Theo đó, ngày 28/7/2020, bà Đinh Thị Kiều An – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có ký quyết định số 2854/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Khả Cửu (đoạn từ khu Vạch đi bản Suối Lú) với giá gói thầu 13.138.188.000 VND, giá trúng thầu 13.127.417.000 VND. Công ty được phê duyệt trúng thầu là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Xuân Hòa, chứ không phải công ty Minh Dũng HH.
Về việc công ty Minh Dũng HH sử dụng hợp đồng trên làm Hợp đồng tương tự, cùng với đó, gói thầu chỉ có giá trị khoảng hơn 13 tỷ đồng, nhà thầu lại kê khai là hơn 18 tỷ đồng. Vấn đề này, đang dấy lên nhiều lo ngại về tính pháp lý các hồ sơ công ty này cung cấp.
Theo quy định, việc nhà thầu gian lận có thể bị cấm thầu từ 3-5 năm,…
Công ty Minh Dũng HH thực chất không phải là đơn vị được phê duyệt trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Khả Cửu (đoạn từ khu Vạch đi bản Suối Lú) mà nhà thầu sử dụng làm Hợp đồng tương tự
Liên quan đến việc “gian lận trong hồ sơ dự thầu”, theo thống kê sơ bộ, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến T4/2024, có tới 9 nhà thầu bị cơ quan chức năng thông báo cấm tham gia hoạt động đấu thầu vì có hành vi không trung thực, gian lận, diễn ra tại các tỉnh, trong đó có 3 trường hợp bị cấm thầu ở cấp UBND tỉnh, có 2 nhà thầu bị cấm thầu ở cấp UBND huyện, 1 nhà thầu bị cấm thầu tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi, 1 nhà thầu bị cấm thầu tại UBND xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình); 1 nhà thầu bị cấm thầu tại bệnh viện dệt may.
Theo một chuyên gia đấu thầu, trong 9 nhà thầu vừa bị cấm thầu đầu năm 2024, có những trường hợp gian lận được phát hiện trong giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu nên không làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp nhà thầu gian lận “lọt lưới” và thực hiện xong hợp đồng. Cấm thầu 3 - 5 năm là cái giá đắt mà các nhà thầu có hành vi gian lận phải trả bởi nó là “vết đen” về uy tín, danh dự, thu hẹp cánh cửa cơ hội việc làm đối với nhà thầu.
Sau gói thầu với dấu hiệu bất thường kể trên, ngày 9/9/2024, ông Vũ Văn Sữa tiếp tục ký quyết định số 662/QĐ-UBND phê duyệt cho công ty Minh Dũng HH (trong tư cách liên danh) trúng gói thầu thi công xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp đường ĐH.19 đoạn từ ngã ba cổng Sủi đến hết ranh giới thị trấn Như Quỳnh với giá gói thầu 50.465.237.000 VND, giá trúng thầu 49.109.969.000 VND. Gói thầu cũng do UBND thị trấn Như Quỳnh làm chủ đầu tư, công ty TNHH Group Đăng Khoa là đơn vị mời thầu.
Công ty Minh Dũng HH liên tục được phê duyệt trúng những gói thầu khác do UBND thị trấn Như Quỳnh làm chủ đầu tư, công ty TNHH Group Đăng Khoa là đơn vị mời thầu
Trước đó, công ty Minh Dũng còn được phê duyệt một số gói thầu khác do UBND huyện Như Quỳnh làm chủ đầu tư và do công ty TNHH Group Đăng Khoa mời thầu như: Gói thầu thi công Xây dựng nhà đa năng, sân thể thao mini và các hạng mục phụ trợ trường tiểu học Long Hưng với giá trị 12.896.185.000 VND; gói thầu Thi công xây dựng công trình dự án Xây dựng một số phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ Trường THPT Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ với giá trị hơn 19,9 tỷ đồng.
Về công ty Minh Dũng: Nhà thầu có địa chỉ tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên. Từ năm 2017 đến nay, công ty này từng tham gia và trúng khoảng 22 gói thầu trong tư cách độc lập, trong đó, gói thầu lớn nhất chỉ có giá trị dưới 13 tỷ.
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, đơn cử như tại thị trấn Như Quỳnh kể trên, có thể thấy rằng việc quan tâm, quản lý sát sao công tác đấu thầu đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, công tác này còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao từ cán bộ, công chức tham gia quản lý và thực hiện công tác đấu thầu. Để ngăn chặn, tạo sức răn đe, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp… về công tác đấu thầu nói riêng.
Triển khai đồng bộ 11 giải pháp nâng cao hiệu quả đấu thầu
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch/tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai đầy đủ, đồng bộ nhóm 11 giải pháp do Bộ KH&ĐT đề xuất.
Theo đó, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là nhà thầu tại các dự án quan trọng, trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt dự án), đảm bảo dự án có tính khả thi, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, tổng công ty, tập đoàn nhà nước chỉ đạo người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan, đơn vị thẩm định chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ quản lý, triển khai các quy định pháp luật về đấu thầu để tổ chức thực hiện việc đấu thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, trách nhiệm được giao... Đồng thời chỉ đạo bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị thực hiện việc giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đảm bảo đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình kiến nghị, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, gói thầu.
Cùng với đó, phải chủ động, tăng cường kiểm tra chuyên đề về đấu thầu (không lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác) và giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu không qua mạng, gói thầu áp dụng chỉ định thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát hiện, xử lý những thiếu sót, vướng mắc, khó khăn, tồn tại; tăng cường áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu để kịp thời phát hiện các hành vi nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu và có biện pháp chấn chỉnh.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc công khai, đăng tải đầy đủ thông tin đảm bảo chính xác, đúng trách nhiệm, thời hạn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng theo đúng lộ trình quy định… Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không theo mẫu biểu hướng dẫn, không chính xác số liệu công tác đấu thầu về Bộ KH&ĐT.
Quế Thư
Tin nóng
- Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
14/11/2024 2:09:56 CH
- Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Thành phố Hà Nội
14/11/2024 11:07:42 SA
- Hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp công nghiệp chủ lực được hưởng các chính sách hỗ trợ
12/11/2024 6:38:16 CH
- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”
07/11/2024 1:22:07 CH
- Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí
05/11/2024 5:31:50 CH