Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Thành phố Hà Nội
Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Một trong 4 nhiệm vụ chính của Chương trình là bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống với việc đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống
1. Giá trị, tiềm năng của các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Năm 2023, thực hiện Quyết định số 4863/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai. 15 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội công nhận danh hiệu, gồm 4 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”, 11 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” (tăng 9 làng so với năm 2022). Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”. Như vậy, đến nay, TP. Hà Nội có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, có 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Các nhóm nghề bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 70 làng nghề (nhóm 1); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề (nhóm 2); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề (nhóm 3); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 200 làng nghề (nhóm 4); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề (nhóm 5); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề (nhóm 7). Riêng nhóm 6 - sản xuất muối, Hà Nội không có làng nghề nào. Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên… Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng cốm Mễ Trì... Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội có sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội hiện có 2 làng nghề truyền thống áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa, thu hút du lịch thành công là làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất về nghề dệt, đã hình thành một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện. Làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm, sứ độc đáo, mà còn bảo tồn được một quần thể kiến trúc có giá trị, như đình Bát Tràng - nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn; văn chỉ Bát Tràng; chùa Kim Trúc…
2. Một số giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng hiện công tác phát triển nghề và làng nghề ở TP. Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn, như thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Khả năng cạnh tranh của làng nghề thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Trong khi, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm; kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông xuống cấp, chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục… Điều này trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống.
Để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Bên cạnh đó, Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề, bên cạnh đó còn phát huy ý tưởng mới, tạo tác ra những tác phẩm mới phù hợp hội nhập với nhu cầu của thị trường đương đại trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các Sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng...
Bên cạnh đó , để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, góp phần đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của Hà Nội, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể cho các làng nghề truyền thống. Xây dựng quy hoạch tổng thể cho các làng nghề truyền thống là rất quan trọng vì nó góp phần định hướng hướng phát triển phù hợp cho mỗi làng nghề. Hiện nay, các cơ sở sản xuất - kinh doanh làng nghề chủ yếu tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình, nhà xưởng chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm, ít có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng cho sản xuất - kinh doanh không đảm bảo. Việc quy hoạch phát triển nghề, làng nghề phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và từng địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống đường giao thông, vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ có tính liên kết giữa các tỉnh thành trong toàn vùng. Quy hoạch về phát triển ngành nghề, các cụm làng nghề phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất làng nghề với các cụm dân cư, với sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hai là, có cơ chế hỗ trợ vốn cho các làng nghề. Để đảm bảo vốn cho sản xuất làng nghề phát triển, cần giữ ổn định môi trường kinh tế - xã hội… để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh yên tâm đầu tư nhằm khai thác tốt nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư ở nông thôn, chủ động hơn về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở làng nghề. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn, phương thức huy động vốn và phương thức cho vay để tập trung đầu tư phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước, các tổ chức phi chính phủ, các chương trình, dự án của Trung ương hoặc hình thức liên kết kinh tế thông qua việc cung ứng nguyên, vật liệu, thiết bị máy móc và bao tiêu sản phẩm ở các làng nghề.
Ba là, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho các làng nghề. Các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề để đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật. Khuyến khích và hỗ trợ làng nghề ứng dụng thiết bị, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất là việc cần làm thường xuyên vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan như Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển làng nghề bằng việc mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hóa các hình thức dạy nghề. Kết hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khoá đào tạo giúp đỡ người lao động nâng cao trình độ mỹ thuật, kỹ thuật để họ có thể tự tạo ra những mẫu mã sản phẩm đẹp, phong phú và có tính mỹ thuật cao. Thực hiện chế độ khuyến khích các cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia phổ cập kiến thức, đào tạo cho lao động ở làng nghề nói riêng và khu vực nông thôn nói chung.
Bốn là, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khu vực làng nghề tìm kiếm, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của làng nghề thông qua các hình thức như quảng cáo, tham gia triển lãm, hội chợ trong nước và ngoài nước. Tạo thị trường tại chỗ cho các làng nghề phát triển sản xuất. Từng bước hoàn thiện hệ thống chợ, hình thành các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, để mua, bán, phát hiện nhu cầu, bố trí hệ thống siêu thị, hệ thống cửa hàng gắn với quy hoạch đô thị ở nông thôn, thị trấn, thị tứ và đô thị, gắn sản xuất với du lịch, xuất khẩu. Cùng với đó, chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện giúp đỡ các làng nghề truyền thống đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của các làng nghề để chống hàng giả, hàng nhái và điều kiện để các sản phẩm làng nghề có mặt ở những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về các hoạt động mua bán trên thị trường…
Năm là, phát triển làng nghề truyền thống gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Để phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững thì phát triển làng nghề cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, việc phân bố lại địa điểm sản xuất của các làng nghề truyền thống là rất quan trọng để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Đối với những làng nghề ít gây ô nhiễm môi trường như đan lát mây tre thì vẫn có thể sản xuất, kinh doanh ở từng hộ gia đình. Đối với một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong một số khâu đoạn thì di dời một số khâu trong chuỗi công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn với những làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường nặng nề thì hình thành các cụm công nghiệp làng nghề tập trung bố trí ở địa điểm tách biệt với khu dân cư. Cùng với đó, các cấp chính quyền cần phải có chương trình hỗ trợ một phần xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề, trong điều kiện ngân sách hạn chế, cần thực hiện theo phương châm nơi nào đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề hơn thì được ưu tiên hỗ trợ trước. Đồng thời, cần định hướng chính sách kiểm soát môi trường làng nghề thông qua việc xây dựng một số trạm quan trắc ở địa phương có tập trung nhiều làng nghề. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát môi trường đối với các dự án, kế hoạch phát triển tại các làng nghề và tuân thủ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường theo luật định đối với các dự án, kế hoạch đầu tư phát triển làng nghề để đảm bảo rằng các đầu tư này theo hướng thân môi trường ở làng nghề…
Đỗ Thị Mai Hương
Tin nóng
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
29/11/2024 10:59:14 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH
- Các hình thức đấu thầu phổ biến mới nhất theo quy định hiện nay
26/11/2024 8:54:40 SA
- Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
14/11/2024 2:09:56 CH