Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa ở Bắc Ninh
Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội tại các làng quê Bắc Ninh, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã nảy sinh một số mâu thuẫn.
1.Sự cần thiết phải bảo tồn không gian làng trong đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh
Theo Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 tại Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch gồm 5 đơn vị hành chính (TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong) với quy mô diện tích khoảng 49.137 ha; thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045. Quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là thành phố văn hóa, sinh thái, đô thị thông minh, hướng tới kinh tế tri thức. Đồng thời, tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… Vùng quy hoạch đô thị trung tâm có nhiều làng với địa hình đa dạng, cảnh quan hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của làng quê Bắc bộ, phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những di sản vật thể và phi vật thể. Trong đó hơn 20 xã có nhiều làng nghề truyền thống, làng văn hóa cùng hơn 80 di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh là những “tài sản vô giá” cần bảo tồn, phát huy trước tốc độ đô thị hóa hiện nay.
Không gian làng đóng vai trò thiết yếu trong đời sống tinh thần của người Việt xưa và nay, bởi đây không chỉ là nhân tố gắn kết cộng đồng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa không gian làng. Vì vậy, nếu không làm tốt việc phát triển đô thị hài hòa với bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của làng, thay vào đó là các kiến trúc đô thị hiện đại sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn có. Điều này cho thấy, việc bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh sẽ góp phần xây dựng một đô thị mang sắc thái riêng biệt, vừa hiện đại, vừa gìn giữ được những kiến trúc truyền thống vốn có. Với tư tưởng lấy trục văn hóa xuyên suốt quá trình phát triển đô thị, Quy hoạch chung đô thị trung tâm Bắc Ninh đã định hướng “Bảo tồn không gian làng” như một giải pháp quan trọng tạo nét khác biệt cho thành phố tương lai. Vấn đề bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh phải có sự chung tay của cả cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy giá trị không gian văn hóa làng, đồng thời, chỉ rõ những tồn tại và bất cập giữa bảo tồn, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan của làng; vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian văn hóa làng của đô thị Bắc Ninh; vai trò của việc đào tạo nghề với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề; xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau…
Với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, 100% các xã, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu. Mục tiêu Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là phấn đấu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; mỗi xã có ít nhất 1 thôn NTM kiểu mẫu; huyện Gia Bình và huyện Lương Tài đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển đô thị, các nhà quy hoạch thường đề cao vấn đề bảo tồn các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa, do đó, đối với đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh - một đô thị có không gian phát triển đan xen nhiều làng văn hóa với bề dày lịch sử thì vấn đề xây dựng NTM gắn với bảo tồn không gian làng như đề cập ở trên là điều tất yếu. Để đạt mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp xã, huyện, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Thực tế cho thấy, khi kinh tế phát triển, người dân sẽ có điều kiện xây dựng các công trình mới, nhưng vấn đề quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế đã khiến cho kiến trúc ở nông thôn ngày càng xa rời bản sắc. Không gian cảnh quan truyền thống bị phá vỡ, ao làng, hệ thống cây xanh mất đi, thay vào đó là những công trình không chỉ bê tông hóa ở mức độ cao, mà còn có kiến trúc pha tạp. Hơn nữa, việc xây dựng tự phát, thiếu hướng dẫn đã tạo ra những công trình thiếu sự hài hòa với không gian chung… Mặc dù có nhiều bất cập, song cần nhìn nhận sự thay đổi của kiến trúc nông thôn Bắc Ninh trong dòng chảy phát triển của xã hội. Trên thực tế, không gian trong kiến trúc truyền thống, điển hình là những ngôi nhà mái ngói ở nhiều làng quê được tổ chức theo “chiều ngang” nhưng lại tốn nhiều diện tích. Trong khi đó, dân số ngày một tăng lên, phần lớn các gia đình nông thôn phải đối mặt với vấn đề tách hộ, chia đất, dẫn đến việc nhà ống xây dựng ở nông thôn là tất yếu, do đó, không gian sống thay đổi, phải tổ chức theo “chiều đứng” để đáp ứng yêu cầu dân số tăng, đất đai thì có hạn… Đây chính là “bài toán” cần tập trung tìm ra lời giải, hướng tới sự thích ứng.
2.Gìn giữ nét đẹp làng quê truyền thống trong quá trình hội nhập
Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã xác định phát triển cân bằng với bảo tồn, phát triển đô thị gắn với bảo tồn làng xóm truyền thống, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử và hòa nhập với cảnh quan tự nhiên sinh thái, nhằm xây dựng tỉnh Bắc Ninh có cơ sở kinh tế vững chắc, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường sống tốt theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn, con người và thiên nhiên; bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, từng bước xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại, chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, mang đặc trưng văn hóa Bắc Ninh - vùng đất Kinh Bắc”.
Bên cạnh đó, kiểm soát và quản lý việc thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn theo quy hoạch, bảo đảm kết hợp yếu tố truyền thống, tôn trọng, phát huy yếu tố lịch sử đối với các công trình văn hóa, lịch sử; khuyến khích phát triển các công trình có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cùng các giá trị cốt lõi, tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền thống vùng Kinh Bắc. Mặt khác, sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được bảo đảm xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc; đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch nông thôn gắn với việc thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, nhằm hạn chế tối đa các vi phạm.
Về định hướng, giải pháp quy hoạch, phát triển làng xóm, khu vực dân cư nông thôn, bảo tồn không gian làng: Hệ thống các làng, xóm, điểm dân cư nông thôn nằm trong khu vực đô thị hóa mở rộng đô thị, khu vực nệm xanh, vành đai xanh đô thị và khu vực nông thôn được cải tạo chỉnh trang gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống để tạo nên đặc trưng đô thị nông thôn cho Bắc Ninh; quan tâm, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, công trình di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái tự nhiên; bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện sống khu vực nông thôn tương đương khu vực đô thị, hướng tới nhất thể hóa đô thị và nông thôn; phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ đô thị với sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh khuyến khích cải tạo, bảo tồn các không gian ở, làng xóm truyền thống, tăng cường tiện ích công cộng, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn chung và đặc điểm của từng khu vực. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng mới và cải tạo tại các khu vực điểm dân cư nông thôn, đảm bảo mật độ xây dựng, tầng cao công trình phù hợp với quy định chung của từng khu vực, kiểm soát hình thức kiến trúc công trình; khuyến khích phát triển nhà ở dạng nhà vườn, mật độ thấp đến trung bình, sử dụng các loại hình vật liệu truyền thống tại địa phương; hạn chế tối đa việc đô thị hóa tự phát, phá vỡ cảnh quan và môi trường khu vực nông thôn. Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng các mô hình điển hình, tiên phong trong việc bảo tồn không gian làng như các dự án môi trường, công trình hạ tầng xã hội, không gian xanh, công viên công cộng, khu vui chơi, sân khấu ngoài trời và các cơ sở hạ tầng khác được quy hoạch, thiết kế hài hòa với kiến trúc truyền thống, gắn với không gian làng để thu hút đầu tư… nhằm tạo ra một không gian sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên.
Trong xây dựng NTM, không ít người dân các thôn làng của Bắc Ninh vẫn tâm huyết bảo vệ nếp làng, họ ý thức chăm chút, giữ gìn từng cổng làng rêu phong, từng cây cổ thụ, từng mái chùa thâm nghiêm đến giếng làng, ao làng, vườn cây... Rất nhiều những việc làm lớn, nhỏ khác mà người dân các miền quê trong tỉnh đã, đang và vẫn tiếp tục thực hiện để gìn giữ di sản của ông cha để lại, đó cũng chính là cách người dân xây dựng NTM, cách họ tri ân nguồn cội và giáo dục truyền thống cho đời sau… Không chỉ quan tâm gìn giữ không gian làng mà phong trào trồng thêm cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường giao thông cũng đang được người dân nơi đây phát triển mạnh mẽ; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dần được cải thiện, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, đồng thời duy trì thường xuyên các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp, góp phần đưa nhiều vùng nông thôn Bắc Ninh trở thành những “miền quê đáng sống”... Đúng như câu nói: “NTM không có nghĩa cái gì cũng phải mới”, NTM không có nghĩa phải làm mới những rêu phong, thâm nghiêm cổ kính. Góc nhìn này sẽ giúp cho câu chuyện giữ “hồn làng” và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương luôn được coi trọng trong quá trình nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí về NTM. Bởi khi muốn nhận diện và khoe đặc trưng của nông thôn Bắc Ninh với các vùng miền trong cả nước, nhất định không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hay những công trình bê tông kiên cố, mà nét đẹp đáng để khoe nhất chính là hình thái không gian, cảnh quan, bản sắc, nếp làng, cốt cách con người... nơi đây, đó mới thực là nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững và là mục tiêu cần được tập trung hướng tới trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Tại huyện Lương Tài, một trong 2 địa phương được tỉnh Bắc Ninh đưa vào kế hoạch xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, huyện đã đưa ra mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu có 13/13 xã (100%) đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Bắc Ninh, số xã NTM nâng cao là 3/13 xã theo lộ trình thực hiện: Năm 2023 là xã Lâm Thao, năm 2024 là xã Trung Kênh và năm 2025 là xã Quảng Phú; phấn đấu có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, gồm: Xã Lâm Thao (năm 2024) và xã Trung Kênh (năm 2025). Dự kiến sau năm 2025, huyện sẽ hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao. Hiện nay, các xã trên toàn huyện đang tập trung phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí chung, đồng thời xây dựng nhiều mô hình, phong trào thi đua để góp phần đẩy nhanh tiến độ về đích NTM như: “Toàn dân tham gia BVMT”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Đường tự quản”, “Khu dân cư tự quản BVMT”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Xây dựng tuyến đường hoa”...
Đặc biệt, Tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng dựng NTM nâng cao tại Bắc Ninh ngày càng được chú trọng; các phong trào toàn dân tham gia BVMT dần đi vào nền nếp, đạt hiệu quả tích cực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng… Đề án BVMT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 khẳng định: Đến năm 2025, sẽ duy trì và nâng cao Tiêu chí môi trường đối với các địa phương trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao; phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm đi vào nền nếp; sử dụng hiệu quả các bể thu gom, khu lưu giữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; nhân rộng biện pháp sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng, tái sử dụng rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất; hoàn thành việc di dời các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình trở lên ra khu chăn nuôi tập trung, áp dụng biện pháp xử lý chất thải đạt yêu cầu về môi trường; triển khai xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; xây dựng hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn; hoàn thành việc xây dựng các công trình cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Bước sang năm thứ 4 thực hiện Đề án, môi trường khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể; nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ; Tiêu chí môi trường trong xây dựng dựng NTM nâng cao ngày càng được chú trọng. Các phong trào toàn dân tham gia BVMT, làm sạch ruộng đồng, đường làng ngõ xóm, chống rác thải nhựa, tổ chức thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng vi sinh bản địa IMO… dần đi vào nền nếp, đạt hiệu quả tích cực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, khẳng định sự thành công trong chiến lược xây dựng các vùng nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cũng tích cực pphối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thông qua các hoạt động: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT đến mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh Phong trào chống rác thải nhựa; duy trì Phong trào làm sạch ruộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO) tại các hộ gia đình và thôn, xã. Cùng với đó, tham mưu tỉnh phê duyệt chủ trương dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong; xây dựng phương án thu gom, vận chuyển lượng rác thải tồn đọng tại một số địa phương chưa có khu xử lý tập trung về xử lý tại các nhà máy rác tập trung của tỉnh; đối với lượng rác còn tồn đọng, hướng dẫn các địa phương thường xuyên đánh đống, phun chế phẩm sinh học, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi, không để rác thải tràn ra ngoài môi trường. Năm 2022, bàn giao 14.376 thùng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng cho 8 huyện, thành phố để lắp đặt tại các cánh đồng và hướng dẫn các địa phương ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý; đôn đốc các chủ đầu tư trồng dải cây xanh xung quanh khu vực nhà máy xử lý chất thải, các lò đốt rác thải công suất nhỏ, nhằm hạn chế phát tán mùi, bảo vệ hệ sinh thái.
3. Đề xuất một số giải pháp
Từ nhiều năm trước đây đã có rất nhiều nghiên cứu trong nước về đề tài bảo tồn các giá trị của làng truyền thống như Lê Thị Minh Lý (2003), Nguyễn Quốc Hùng (2007), Đặng Văn Bài (2007), Đào Ngọc Cảnh và Huỳnh Văn Đà (2013), Huỳnh Ngọc Phương (2014), Phún Khánh Linh (2015)… Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này chỉ tập trung tìm hiểu các phương án bảo tồn một hay một vài giá trị cụ thể của làng, ví dụ giá trị nghề truyền thống, giá trị lễ hội, giá trị du lịch, giá trị kiến trúc… Các nghiên cứu mang tính tổng hợp nhằm đề xuất phương án bảo tồn không gian làng nói chung, bao hàm cả bảo tồn cảnh quan, kiến trúc, giá trị văn hóa phi vật thể. Chủ đề bảo tồn làng trong xây dựng NTM chỉ được bàn luận nhiều dưới dạng các bài chia sẻ ý kiến, quan điểm trên các trang báo điện tử, do đó, tính thuyết phục và tính ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Hiểu rõ được thực trạng nêu trên, Viện Quy hoạch thuộc Sở Xây dựng Bắc Ninh đã chủ trì thực hiện Đề tài “Bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh” với cách tiếp cận toàn diện hơn, tích hợp các góc nhìn đa dạng về qui hoạch - kiến trúc - xây dựng, văn hóa, kinh tế, xã hội, từ đó đề xuất được các mô hình quy hoạch không gian làng truyền thống trong đô thị hợp lý nhất và phản ánh được đầy đủ nhất nguyện vọng của người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, đô thị hóa là một xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới và bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị cũng trở thành một điều kiện tiên quyết, nhằm vừa xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, “cái hồn” riêng của mỗi vùng miền. GS.KTS Hoàng Đạo Kính trong bài viết “Đô thị hóa và kiến trúc nông thôn - Một vài gạch đầu dòng” đăng trong tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 4/2012 đã dự đoán rằng xã hội không thể cứ lao vào sự bất tận trong khai thác trí khôn Người và Máy, dần dà cuộc chạy rượt sẽ phải chuyển sang sự khoan nới, tìm kiếm lại sự cân bằng ở những cấu trúc cộng cư thôn quê. Sự cân bằng, đó là câu chuyện về mô hình đô thị và thôn quê tương lai. Có nên hướng nông thôn theo con đường đô thị, trở thành những đô thị nhỏ hay phát triển theo hướng riêng, yếu tố đô thị không lấn át những yếu tố cốt lõi khác: Sản xuất nông nghiệp + thiên nhiên tự nhiên nhiên là chủ đạo + nếp sống thiên về sự tiếp nối và thư thả với cái mới lạ? Thiết nghĩ, vẫn có thể bảo tồn không gian làng trong quá trình đô thị hóa, phát triển theo hướng hiện đại song song với việc gìn giữ cái hồn truyền thống. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để bảo tồn cho làng và đô thị cùng tồn tại, phát triển chứ không phải một trong hai sẽ kìm hãm sự phát triển của nhau và để giải quyết được bài toán này, các cấp lãnh đạo phải có chính sách quy hoạch kịp thời và phù hợp.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, nơi có100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội tại các làng quê trong tỉnh. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, quá trình đô thị hóa đã nảy sinh những mâu thuẫn trong việc định hình lại kiến trúc nông thôn, sự xuất hiện của nhiều quần thể kiến trúc hiện đại, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư… đang đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề cần giải quyết trong phát triển, quản lý kiến trúc nông thôn giai đoạn mới. Vì vậy, để bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị trung tâm Bắc Ninh, trước hết, cần tham khảo ý kiến và bám sát nguyện vọng của người dân, phải đáp ứng nguyện vọng bảo tồn không gian làng truyền thống song song với việc tạo tiện ích trong đời sống sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, cùng với việc gìn giữ cảnh quan, kiến trúc truyền thống, các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn các không gian sinh hoạt cộng đồng như không gian tổ chức lễ hội, không gian chợ truyền thống, không gian văn nghệ tập thể, không gian hội họp… bởi một trong những bản sắc của “Làng Việt” chính là “tính cộng đồng”. Đồng thời, để phát huy tính cộng đồng chặt chẽ của làng, cần đề xuất các chương trình, hoạt động tập thể để mọi người dân có thể cùng tham gia quản lý, giữ gìn, bảo vệ không gian làng.
Về vấn đề gìn giữ và phát huy đời sống kinh tế cho người dân để hạn chế tối đa hiện tượng “ly nông”, “ly hương”, thiết nghĩ bảo tồn không gian làng trong thời kỳ hội nhập và kinh tế thị trường cũng cần phải đi liền với một số việc như: Tạo dựng các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân trong làng trên cơ sở khai thác tiềm năng từ chính không gian làng mình, tạo dựng nguồn vốn xã hội hiệu quả (quan hệ xã hội) cho người dân trong làng… Việc đầu tư, áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích một bộ phận người dân giữ ruộng, giữ nghề cũng là một phương án hiệu quả, vừa giúp bảo tồn cảnh quan tự nhiên của làng quê Việt Nam, vừa giúp ích cho việc phát triển du lịch làng truyền thống. Mặt khác, cần tạo dựng một số nghề mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng làng để người dân có thể sinh tồn ngay tại nơi “chôn rau cắt rốn”. Ngoài ra, một trong những cơ hội phát triển kinh tế và mở rộng vốn xã hội cho người dân chính là đẩy mạnh phát triển du lịch làng truyền thống, để không chỉ người dân bản địa mà cả khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan sẽ có dịp một lần được trở về tuổi thơ thông qua hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình hay khung cảnh người nông dân cày bừa, cấy lúa, trẻ em nô đùa, chăn trâu thả diều, bắt cá... Tuy nhiên, để có thể áp dụng và đẩy mạnh mô hình này, cần tích cực tuyên truyền để mỗi người dân trong làng vừa hiểu rõ được lợi ích kinh tế từ loại hình dịch vụ này, vừa ý thức rõ được trách nhiệm của bản thân phải gìn giữ, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng cho thế hệ mai sau. Chỉ khi ý thức của người dân được nâng cao tới mức tự giác thì công cuộc bảo tồn không gian làng mới thu được những kết quả bền vững.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cấp lãnh đạo, các đoàn thể và chính quyền địa phương cần tiếp tục được chú trọng với nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn, tuyên truyền quy định của pháp luật về BVMT và Tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ nòng cốt cấp cơ sở; nhân rộng các mô hình điển hình về BVMT, khu dân cư tự quản về BVMT; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM và có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm về BVMT theo quy định.
Kết luận: Với cơ sở định hướng quy hoạch và các giải pháp cụ thể, sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ quan chuyên môn và mọi tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, việc thực hiện quy hoạch và bảo tồn không gian làng trong xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa tỉnh Bắc Ninh sẽ đạt kết quả cao, vừa tạo môi trường sống hài hòa, gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa góp phần tạo nên đô thị Bắc Ninh tiên tiến, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; hình thành không gian làng quê đẹp, bền vững, là môi trường sống lý tưởng cho người dân địa phương và thu hút du khách tham quan, nơi mà không chỉ có sự phát triển kinh tế mà còn có sự tôn trọng, bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng.
Bùi Hằng
Tin nóng
- Những nội dung chủ yếu của Phát luật quy định về nhân sự chủ chốt trong hồ sơ mời thầu cần biết
09/12/2024 10:11:02 SA
- Nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng
29/11/2024 10:59:14 SA
- Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp
27/11/2024 4:07:27 CH
- Các hình thức đấu thầu phổ biến mới nhất theo quy định hiện nay
26/11/2024 8:54:40 SA
- Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Thành phố Hà Nội
14/11/2024 11:07:42 SA