Quản lý rác thải – một cách để làm sạch
MT&XH - Sự đầu tư của chính phủ vào hệ thống phân loại và xử lý rác thải cùng với việc coi trọng giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường là hai yếu tố quan trọng nhất giúp một đất nước trở lên “xanh-sạch-đẹp”.
Việt Nam có khoảng 858 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày, rác thải công nghiệp khoảng 3,2 triệu tấn/năm, tốc độ gia tăng rác thải hàng năm là từ 10 – 12%.
Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp. Cụ thể, công nghệ đốt chiếm khoảng 14%, công nghệ ủ phân hữu cơ khoảng 34% và công nghệ xử lý liên hợp kết hợp giữa ủ hữu cơ và đốt chiếm khoảng 52%.
Như vậy, với lượng rác thải rắn phát sinh hàng ngày lớn, trong khi đó các phương tiện thu gom vận chuyển cũng như công nghệ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phân loại và kiểm soát chất thải tại nguồn chưa tốt, các dự án về phân loại rác chưa đạt hiệu quả.
Một số điển hình tiêu biểu về xử lý rác thải trên thế giới
Thuỵ Điển – Quốc gia phải nhập khẩu rác để xử lý
Lượng rác thải cần phải chôn lấp ở Thuỵ Điện chỉ chiếm khoảng 1%. Còn lại, 47% được tái chế và 52% được đốt để sản xuất nhiệt và điện.
50% lượng điện năng tiêu thụ của Thuỵ Điển đến từ năng lượng tái tạo. Họ thiết lập mạng lưới đốt rác để thu lại nguồn điện, hoà vào mạng điện Quốc gia.
Trong mùa đông lạnh buốt, họ cũng có mạng lưới đốt rác được bố trí theo từng quận, để truyền nhiệt năng, sưởi ấm đến từng hộ gia đình.
Để đáp ứng “nhu cầu về rác” rất lớn này, người dân Thuỵ Điển đã và đang thực hiện theo một quy trình phân loại rác rất khoa học, kể từ những năm 1970.
Tuy nhiên lượng rác trong nước vẫn không đủ, Thuỵ Điển còn phải nhập khẩu rác từ các nước khác. Trong năm 2015, họ đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn rác, và dự đoán năm 2020 họ sẽ nhập khẩu 2,3 triệu tấn rác.
Đây là một chính sách thông minh, Thuỵ Điển không những tận dụng rất tốt “tài nguyên rác”, mà còn được các nước lân cận trả tiền để “sử dụng” rác hộ.
Áo – Quốc gia tái chế rác bằng công nghệ sinh học tân tiến
Áo là một Quốc gia nhỏ bé đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý chất thải. Nổi bật nhất trong hệ thống xử lý rác thải của Áo là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET.
Trong khi cả Thế Giới đang phải bó tay vì rác thải nhựa – giải pháp tái chế PET hiện giờ là đốt chảy hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Một công ty ở Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET. Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân huỷ thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.
Bỉ – Quốc gia với hệ thống quản lý rác từ trước khi được thải ra
75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân – con số cao nhất Thế Giới. Tài nguyên của họ dường như được tái sử dụng mãi mãi.
Họ có 2 quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến: Ecolizer và Sự kiện xanh.
Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch. Hệ thống tính toán quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng, năng lượng và xử lý chất thải, giúp các nhà sản xuất có thể đánh giá được tác động môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra.
Từ đó đề xuất những cải tiến trong quy trình và trong khâu thiết kế sản phẩm, làm giảm hệ quả xấu tới môi trường.
Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thiết kế, ta có thể giảm lượng nguyên liệu và rác thải đáng kể. Ví dụ, khi cần xách 1 ly cafe mang đi, sử dụng một bao nilon chữ T sẽ tiết kiệm và bảo vệ môi trường gấp vài lần so với bao nilon thông thường. Và khi lượng ly cafe lên tới vài triệu, lượng nhựa cần để sản xuất và thải ra môi trường sẽ giảm cực kỳ lớn.
Sự kiện xanh cũng là một hệ thống quản lý trên web tương tự như Ecolizer, nhưng đối với những sự kiện. Hệ thống này giúp đánh giá lượng rác thải mà sự kiện có thể gây ra, những cách thức để giảm rác thải trong sự kiện, và thậm chí danh sách những nơi cho thuê dao kéo tái sử dụng.
Họ làm mọi thứ để giảm rác thải từ trong trứng nước.
Nhật – Quốc gia đốt rác thải hiệu quả nhất
So với các nước Châu Âu, Nhật Bản không phải là Quốc gia đi đầu về tái chế rác thải. Nhưng họ là Quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả.
Rác thải của Nhật được quản lý rất có chiều sâu. Bắt nguồn từ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi của người dân. Cho đến việc đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi).
Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất.
Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.
Hàn Quốc là một nước đông dân, với dân số bằng hơn một nửa dân số Việt Nam sinh sống trên một diện tích lãnh thổ chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Mật độ dân số của thủ đô Seoul cao gấp 4 lần Tp. Hồ Chí Minh và gấp 8 lần thủ đô Hà Nội.
Với một nền công nghiệp phát triển và một mật độ dân cư cao như vậy, làm cách nào Hàn Quốc có thể quản lý rác thải một cách hiệu quả?
Sau đây là một số quy định được áp dụng trong quản lý rác thải sinh hoạt ở Hàn Quốc:
Nói đến việc đổ rác ở Hàn Quốc không đơn giản chỉ là gom rác vào túi và bỏ vào thùng rác mà là “phân loại và đổ rác”. Nó là cả quá trình phức tạp đòi hỏi người dân phải nắm rõ cách phân loại các loại rác cho đúng.
Nhìn chung rác được phân thành 4 loại chính:
- Rác thông thường: bao gồm những loại rác trong gia đình như giấy vệ sinh, xương động vật, vỏ sò,…
- Rác thực phẩm: thức ăn thừa, rau quả,…
- Rác tái chế: giấy, bìa carton, chai nhựa, lon kim loại,…
- Rác khác: rác điện tử, vật dụng lớn,…
Phải mua túi đựng rác riêng biệt cho mỗi loại rác
Mỗi loại rác sau khi phân loại phải được đựng trong mỗi loại túi riêng biệt với màu sắc khác nhau. Nếu không sử dụng đúng loại túi, rác sẽ không được thu nhận và bạn sẽ phải phân loại lại và nộp phạt.
Túi đựng rác được bán ở siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi với giá khá cao (ví dụ bạn phải trả khoảng 50.000 vnd cho 10 túi rác cỡ vừa). Điều này không những giúp làm giảm lượng rác thải ra mà còn cung cấp ngân sách cho các chi phí trong xử lý rác thải. Nói cách khác, người xả rác phải trả tiền cho nhà nước để xử lý rác của mình.
Thời gian đổ rác được quy định
Thời gian đổ rác được quy định từ 20h tối đến 24h tối, rác sẽ được thu gom vào sáng hôm sau. Chỉ được đổ rác vào các ngày trong tuần và chủ nhật. Không được đổ rác vào thứ 7 (chủ nhật không thu gom rác).
Việc quy định thời gian cụ thể của việc đổ rác và nhận rác giúp đường phố và các khu dân cư ở Hàn Quốc luôn sạch sẽ, không có tình trạng rác chất thành đống bốc mùi gây mất cảnh quan đô thị. Bằng cách này Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh sạch đẹp trong mắt của khách du lịch.
Không phân loại rác sẽ bị phạt
Không phân biệt là người Hàn hay người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, mọi người đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phân loại rác nếu không muốn bị phạt.
Hình phạt về rác thải ở Hàn Quốc rất cao. Đổ rác không sử dụng túi đổ rác theo quy định bị phạt khoảng 4 triệu đồng, đổ rác trước nhà người khác bị phạt 1 triệu đồng, đổ rác ở nơi không đúng quy định bị phạt 2 triệu đồng,... Nhiều người nước ngoài do không quen với những quy định xử lý rác thải này đã phải đóng tiền phạt.
Việc phát hiện đổ rác sai phạm cũng không khó bởi vì mọi tuyến đường, góc phố, khu dân cư đều có camera theo dõi. Chỉ cần bạn vi phạm thì ngay hôm sau sẽ có giấy báo nộp phạt gửi về tận nhà yêu cầu nộp phạt tại các khu dân sự.
Rác phải được phân loại và bỏ vào đúng thùng rác quy định tại đất nước Hàn Quốc. (Ảnh: Internet)
Không có thùng rác trên đường phố Hàn Quốc
Ngoài những khu đổ rác quy định, thì rất khó để kiếm ra những thùng rác trên đường phố Hàn Quốc. Lý do cho việc này là ngăn chặn việc xả rác bừa bãi, không phân loại vào thùng rác. Thay vào đó, người đi đường thường phải mang theo rác về nhà hoặc đến công ty để bỏ vào thùng rác quy định.
Giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ về phân loại và đổ rác
Có thể nói thành công trong việc xây dựng một hệ thống xử lý rác thải chuyên nghiệp và khoa học như hiện nay của Hàn Quốc đến từ việc chú trọng yếu tố con người. Người dân Hàn Quốc ngay từ nhỏ đã được giáo dục rất kỹ về nhận biết các chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác đúng quy định.
Trên tất cả, mấu chốt cho sự phát triển kinh tế cũng như thành công trong công tác bảo vệ môi trường đều đến từ yếu tố con người. Cách mà hệ thống giáo dục xây dựng ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sẽ quyết định đến những tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường sống.
Việt Nam hiện đang còn thiếu thốn về nhiều mặt như cơ sở vật chất và chính sách quản lý để thu gom, phân loại và xử lý rác hiệu quả. Tuy nhiên, xu hướng sống xanh đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng, khi mà ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Đây rõ ràng là xu thế tất yếu của toàn thế giới và sẽ rất nhanh thôi chúng ta cũng phải học hỏi những tiến bộ của nước khác để áp dụng vào đất nước mình.
Những biện pháp mang tính chất tối ưu và có hiệu quả cao thì cũng là một trong những giải pháp đáng để Việt Nam học hỏi, đồng thời áp dụng từng biện pháp cụ thể để phù hợp với cơ sở hạ tầng cũng như quy định pháp luật tại Việt Nam để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.
Thanh Huyền
Tin nóng
- Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
23/04/2025 10:30:30 CH
- NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ, GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG CHO SINH VIÊN HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN KHI SỬ DỤNG INTERNET
08/04/2025 10:57:04 SA
- Hội thảo Khoa học: Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử, định hướng bảo tồn và đánh thức tiềm năng
06/03/2025 12:16:46 CH
- Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí
18/02/2025 5:10:02 CH
- Luật Báo chí (sửa đổi) - Cần nhìn nhận đúng vai trò của báo chí khoa học
18/02/2025 5:06:17 CH