Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công: Thực tiễn và bài học

18/10/2024 9:47:15 SA
Share Bai :

Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi Luật Đầu tư công năm 2014 được ban hành, quy trình đầu tư công có sự thay đổi cơ bản, từ kế hoạch hằng năm chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, với kế hoạch 5 năm. Từ đó đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy được vai trò của đầu tư công trong lan tỏa, liên kết các vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Đầu tư công trung hạn cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Thực tiễn, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: các thủ tục hành chính, yếu tố điều kiện tự nhiên, yếu tố về tính sẵn sàng của nguồn vốn đầu tư xây dựng,… Ngoài ra, yếu tố về việc thực hiện các quy định về đấu thầu đóng vai trò quan trọng.

Trong đấu thầu lại có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng như: các tiêu chí lựa chọn nhà thầu, mối quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư, công tác chấm thầu,…Thực tế, bên cạnh mặt tích cực đạt được, công tác đấu thầu tại nhiều địa phương còn đối diện với nhiều thách thức như: số lượng tham gia các gói thầu còn ít, nhà thầu địa phương liên tục trúng thầu, tỉ lệ tiết kiệm thấp, hồ sơ mời thầu xuất hiện nhiều tiêu chí chưa phù hợp,… Thiết nghĩ để giải quyết vấn đề này, cũng như đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ chính quyền trong công tác chỉ đạo.

Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Một số dạng vi phạm phổ biến trong công tác đấu thầu

Chuyên giá đấu thầu đề cập một số dạng vi phạm phổ biến trong công tác đấu thầu như sau:

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: Hành vi này có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong hoạt động mua sắm tài sản, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu… Việc can thiệp có thể là trực tiếp, hoặc gây ảnh hưởng, gây áp lực đối với những người có trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, các bên tư vấn, tham gia dự thầu,… (vi phạm khoản 2 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).

Thông thầu: Đây là hành vi thống nhất thỏa thuận giữa các bên tham gia dự thầu, cung ứng dịch vụ, phí dịch vụ cho các hoạt động đầu tư xây lắp trong gói thầu, để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu, gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận (vi phạm khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).

Gian lận trong đấu thầu: Là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư, hoặc để đạt được lợi ích khác, trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện (vi phạm khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013). Gian lận trong đấu thầu thường là các hành vi: (1) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu; (2) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất… cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; (3) Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, rất nhiều đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu có những hành vi vi phạm kể trên và bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như các vụ việc diễn ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC, hay các vụ án tại Bệnh viện Tim, Sở Giáo dục và Đào Tạo Cần Thơ, Quảng Ninh,..

Tất cả là bài học đắt giá cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác đấu thầu, tránh những nguy cơ sai phạm có thể xảy ra. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 nêu rõ: Năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024…

Để đạt được mục tiêu phấn đấu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như:

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án,…

Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng: Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ,…

Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng yêu cầu tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công,…

Rà soát, tháo gỡ các quy định chồng chéo, vướng mắc: Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định tại các Luật liên quan theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí…

Bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án: Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tới quy hoạch đô thị, nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong tháng 8 năm 2024 nhằm khắc phục các bất cập liên quan đến thủ tục về môi trường đối với các dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước. Trong tháng 8 năm 2024, hướng dẫn việc quản lý, chuyển đổi đất rừng, đất lúa liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Từ những phân tích kể trên, các chuyên gia cho rằng cần xem xét và cải cách hoat động đầu tư công hiện tại, đặc biệt là trong công tác đấu thầu. Việc một số gói thầu có tính cạnh tranh kém, chỉ có một nhà thầu tham dự, nhà thầu thân quen liên tục trúng thầu cũng cần được quan tâm hơn, tránh những tiêu chí có thể mang tính định hướng, dẫn đến việc tạo lợi thế cho một số nhà thầu nhất định, nhằm đảm bảo một sân chơi công bằng và minh bạch cho tất cả các bên tham gia. Từ đó góp phần lựa chọn được nhà thầu uy tín, đảm bảo công trình thi công chất lượng, đúng tiến độ, phục vụ quá trình giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra. 

Quế Thư